Phê bình văn học - những gánh nặng quá sức?

Thứ sáu - 14/08/2009 22:51 3.117 0

Phê bình văn học - những gánh nặng quá sức?

Người sáng tác không cần đến sự “định hướng” của nhà phê bình như một tất yếu, và nhà phê bình cũng không tất yếu phải coi “định hướng” như một thứ trách nhiệm mà mình phải thực hiện bằng bất cứ giá nào trong bất cứ trường hợp nào. Nói như vậy phải chăng là đã hạ thấp vai trò và làm giảm giá của phê bình trong đời sống?

Lâu nay, khi nói đến văn học Việt Nam đương đại, một cách tỉnh táo, không ảo tưởng, nghiêm khắc và sòng phẳng, phải thừa nhận rằng nền văn học của chúng ta thiếu vắng một cách đáng lo ngại những tác phẩm lớn - những tác phẩm kết tinh ở bản thân chúng sự đột phá trong tìm tòi nghệ thuật và những trăn trở mang tính triết học về cuộc sống, về thân phận con người. Đã có nhiều nỗ lực trong việc cắt nghĩa những sự thiếu vắng này: người ta nêu câu chuyện về tự do sáng tác, người ta đặt vấn đề về tài năng và tầm văn hóa của nhà văn v.v... Và, sự thiểu năng của phê bình văn học cũng được tính đến như là một trong những nguyên nhân quy định nên cái thực tế đáng thất vọng ấy.

Tất nhiên, đã và vẫn đang tồn tại những bất cập của phê bình văn học – ví như sự thiếu tính chuyên nghiệp, sự lúng túng trong việc làm chủ và áp dụng những lí thuyết phê bình mới, chẳng hạn – và người ta có thể sẽ phải trở đi trở lại để nói về những bất cập ấy. Tuy vậy, trong không ít trường hợp, phê bình văn học đang phải gồng mình lên dưới những cái gánh quá nặng, cả những cái gánh vốn không phải của nó. Xin được gọi chúng ra bằng một vài cái tên: sự khách quan, sự theo kịp (hoặc sự đồng hành), sự định hướng.

Sự khách quan. Yêu cầu nhà phê bình văn học phải có thái độ khách quan khi tiếp cận, tìm hiểu và nhận định đối tượng đã được đặt ra như là một sự điều chỉnh cần thiết trong bối cảnh của một đời sống phê bình quá dư thừa sự xưng tụng: người ta luôn được đọc những bài viết bay bổng, những nhận xét đình đám. (Có ý kiến bình luận rằng, nếu những lời ca ngợi ấy là sự phản ánh đúng thực tế thì quả là đại hồng phúc cho văn chương nước nhà!). Trong hầu hết các trường hợp như vậy, dường như giữa nhà phê bình và người sáng tác tồn tại một mối quan hệ thân thiết hoặc có lợi đến mức nào đó. Viết, là để chiều nịnh nhau, tâng bốc nhau, hoặc ít ra cũng là để nhắm tới sự “tranh thủ cảm tình” của nhau. Lối phê bình ấy từ lâu đã được định danh là “phê bình cánh hẩu”. Nó đối lập, tuy không khác về bản chất với một lối phê bình – cũng phổ biến không kém - được gọi là “phê bình vùi dập”, thứ phê bình của sự thù ghét cá nhân: người viết phê bình vốn không mấy quan tâm đến những phẩm chất thực có của đối tượng, đúng hơn thì mục đích phê bình của anh ta là những “cái gì đó” nằm ngoài văn chương. Dĩ nhiên là cả hai lối phê bình kể trên đều chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho đời sống văn học. Thế nhưng, điều chỉnh chúng bằng cách đặt yêu cầu rằng nhà phê bình phải “khách quan”, e là một sự điều chỉnh sai hướng.

Hành vi phê bình, tự trong bản chất của nó đã thấm đẫm tính chủ quan: Tôi tiếp cận và giải mã tác phẩm bằng toàn bộ sở học của Tôi, bằng sự quy chiếu thẩm mỹ và quy chiếu ý thức hệ của Tôi, bằng con người cảm xúc của riêng Tôi. Ngay cả trong trường hợp nhà phê bình không “lấy hồn mình để hiểu hồn người” – theo cách của Hoài Thanh – mà dùng các phương pháp của khoa học ngoại quan để mổ xẻ đối tượng – như Trương Tửu quan niệm và thực hành từ rất sớm - thì dấu ấn chủ quan cũng thể hiện khá rõ ở việc mỗi người lại có một cách riêng, không ai giống ai, khi áp dụng cùng một phương pháp. Sự khách quan “trong suốt” khi phê bình là điều bất khả! Có lẽ ở đây, đúng hơn thì phải đặt ra yêu cầu về “sự trung thực”: bất chấp những mối quan hệ cá nhân giữa nhà phê bình và người sáng tác, nhà phê bình phải nói đúng những gì mình đọc được từ tác phẩm, bằng không, anh ta nên im lặng. Có thể nói, đây chính là vấn đề đạo đức của phê bình văn học.

Sự theo kịp (sự đồng hành). Khá nhiều người, nhất là những người sáng tác, vẫn luôn than phiền trách cứ rằng phê bình hiện nay không theo kịp, không đồng hành được với sáng tác. Tác phẩm văn chương xuất hiện, nhưng nhà phê bình thì dường như đang “nghỉ mát” hoặc đang “ngủ đông” ở đâu đó: hoặc anh ta không đọc tác phẩm, hoặc anh ta đọc nhưng bất lực, không tìm được cách nào “xuyên thủng” nó để có thể viết được một cái gì đó về nó! Không phải không có cơ sở trong sự trách cứ này khi mà quả thực có những nhà phê bình đã trở nên ngại áp sát thực tế văn chương, lười đọc, lười nghĩ, lười viết. Nhưng mặt khác, sự trách cứ cũng bộc lộ những bất cập nhất định. Trước hết, đó là tâm lý nôn nóng của người sáng tác: anh ta muốn, trong thời gian ngắn nhất có thể, đứa con tinh thần của mình phải nhận được sự hỏi thăm chăm sóc của giới phê bình, càng nhiệt tình càng tốt. Sau nữa, một cách dường như không cần phải bàn cãi, người sáng tác tin chắc rằng ít ra thì tác phẩm của anh ta cũng đạt đến tầm vóc nào đó, mang chứa những giá trị nào đó – bỏ qua nó, đó là lỗi của nhà phê bình. Sự thực là gì? Không một nhà phê bình nào có đủ thời gian và sự kiên nhẫn để đọc hết cho hết lượng tác phẩm văn chương xuất bản quá nhiều hiện nay.

Thêm nữa, ngay trong những cái mà anh ta đọc được, không phải cái nào cũng đáng để nói tới: tác phẩm phải kết tinh giá trị nghệ thuật và tư tưởng đến một mức độ nào đó thì mới đủ sức mạnh lay động, kích thích, thúc giục nhà phê bình viết về nó (mà những tác phẩm như vậy thì vốn không nhiều trong nền văn học của chúng ta). Vả lại, ở đây cũng cần phải tính đến yếu tố thời gian. Giá trị mà tác phẩm mang chứa không phải bao giờ cũng được nhận diện ngay lập tức, thời gian sẽ làm cho nó lắng lại, rõ ra, và khi đó mới là lúc bắt đầu công việc của nhà phê bình văn học. Vì thế, đòi hỏi nhà phê bình nhất thiết phải cất tiếng nói ngay khi tác phẩm ra đời, trong nhiều trường hợp, chính là sự ép buộc nhà phê bình phải bán lúa non những ý tưởng của mình!

Chưa hết, yêu cầu một cách riết róng rằng phê bình văn học phải “theo kịp”, phải “đồng hành được” với sáng tác, đôi khi lại khiến người ta phủ nhận cái quyền hành nghề của nhà phê bình trên một lĩnh vực hoàn toàn hợp pháp: tác phẩm văn chương ở các thời đại quá khứ. Thực tế khá phổ biến là, cứ hễ viết về tác phẩm nào đó của quá khứ, nhất là những danh tác, những tác phẩm đã ổn định về mặt đánh giá giá trị, nhà phê bình sẽ bị chụp ngay lấy cái mũ “rời bỏ trận địa văn học đương đại”, “chạy trốn, núp dưới cái bóng đổ của những tượng đài văn chương quá khứ” v.v...Những người buộc tội quên, hoặc không ý thức rằng, ở những mảnh đất đã bị cày đi xới lại ấy, đã bị khai thác đến mức tưởng như không thể khai thác thêm gì nữa ấy, sẽ là có giá nếu nhà phê bình phát hiện được cái gì đó mới mẻ. Và càng có giá hơn nếu từ đó nhà phê bình đề xuất được một cách tiếp cận mới đối với tác phẩm văn chương nói chung, một phương pháp mới mang tính năng sản. Dĩ nhiên, cũng cần phải nói ngay, làm được điều này không dễ, và thường thì đó là sản phẩm của những tài năng phê bình văn học vào loại siêu việt!

Sự định hướng. Yêu cầu “định hướng” đặt nhà phê bình ở vị thế ông thầy của người sáng tác. Anh ta xác lập những mô hình chuẩn, những giá trị ổn định, và người sáng tác khỏi cần phải nghĩ ngợi, cứ dựa vào đó mà làm theo, như cậu học trò làm theo ông thầy giáo vậy. Nhìn từ giác độ lịch sử, điều này đã từng là một thực tế ở thời Hy Lạp cổ đại với công trình “Nghệ thuật thi ca” của Aristotles, và ở Trung Quốc cổ với công trình “Văn tâm điêu long” của Lưu Hiệp. Hai nhà bác học này là những nhà lập pháp của hai truyền thống văn chương, họ đưa ra những khuôn mẫu thể loại và những thang giá trị thẩm mỹ bất biến. Tài năng của người sáng tác lớn đến đâu chính là căn cứ vào việc anh ta “làm theo” được đến đâu những khuôn mẫu thể loại ấy và chiếm lĩnh được đến đâu những thang bậc giá trị thẩm mỹ ấy. Đó cũng là câu chuyện trong văn chương Việt Nam một thời chưa xa, cái thời mà đôi khi các nhà phê bình văn học cũng chính là các nhà quản lí văn nghệ, và hoạt động phê bình thì thường lẫn vào công việc quản lí: nhà phê bình chỉ đường cho người sáng tác, người sáng tác thì chỉ còn việc phải răm rắp đi cho đúng con đường ấy nếu anh muốn được công nhận. 

Phê bình văn học ở đây là lối phê bình chủ yếu dựa trên quyết định luận nhị nguyên: phản ánh trung thực/ phản ánh xuyên tạc, đúng/ sai, tốt/ xấu... (Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân từng nói tới kiểu “phê bình quyền uy” và người anh em song sinh của nó, “phê bình xu phụ”, đó chính là các kiểu phê bình vươn cành trổ nhánh trên bối cảnh này). Có thể nói, cái sự “định hướng” cho người khác phải “làm theo” của một thời như vậy đã trượt theo đà quán tính đến tận bây giờ và nó tạo thành thứ gánh nặng quá sức đối với nhà phê bình văn học. Bởi, về bản chất, nhà phê bình chỉ là một người đọc – một độc giả có nghề, một “siêu độc giả”, nếu muốn nhấn mạnh.

Anh ta đọc tác phẩm rồi đưa ra “cái đọc” của mình về tác phẩm, như một tham khảo cần thiết đến mức nào đó đối với người sáng tác và với công chúng độc giả. Phán đoán của anh ta chỉ là những mảnh chân lí tương đối, người ta có thể tin hoặc không tin, có thể nghe để điều chỉnh hoặc đơn giản là người ta sẽ bỏ ngoài tai. Điều này được khẳng định thêm bởi một sự thực cũng thuộc về bản chất, rằng mỗi một người sáng tác đều là Thượng đế của chính mình: anh ta sáng tạo thế giới văn chương của anh ta theo cách anh ta muốn, thế giới ấy có thể cùng một mô hình với những thế giới có từ trước đó, hoặc thế giới ấy đi ra ngoài chúng, nhạo báng chúng, phá vỡ chúng. Tóm lại, người sáng tác không cần đến sự “định hướng” của nhà phê bình như một tất yếu, và nhà phê bình cũng không tất yếu phải coi “định hướng” như một thứ trách nhiệm mà mình phải thực hiện bằng bất cứ giá nào trong bất cứ trường hợp nào. Nói như vậy phải chăng là đã hạ thấp vai trò và làm giảm giá của phê bình trong đời sống? Thiết nghĩ, để có thể tôn trọng nhà phê bình văn học và hoạt động phê bình văn học một cách đúng mức nhất, cần phải không được quên lời nhắc nhở của F.Engels: “Gọi sự vật bằng tên của nó và đặt nó vào đúng chỗ của nó”.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây