Về biểu tượng lửa trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Thứ hai - 05/10/2009 17:07 2.799 0

Về biểu tượng lửa trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Là người được đánh giá là gặt hái được nhiều thành công trong thế hệ thơ thứ ba, Nguyễn Quang Thiều đầy nhiệt huyết trong việc tìm tòi và cách tân thơ ca. Về mặt ngôn ngữ, không phải là những cách nhào nặn, sắp xếp kỳ khôi và rối rắm các con chữ kiểu Lê Đạt, Dương Tường, sự cách tân ngôn ngữ thơ của Nguyễn Quang Thiều là sử dụng thuần thục thể thơ văn xuôi để diễn đạt tân kỳ những câu thơ không vần điệu. Về nội dung, đó là góc nhìn cận cảnh những mặt trái của xã hội trong thời kỳ đô thị hóa, là sự khai thác những hình ảnh thơ, những biểu tượng độc đáo, mới lạ: những người đàn bà góa, những con vật, lửa… Ở khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin được đề cập đến một khía cạnh nhỏ, đó chính là biểu tượng "lửa" trong tập thơ "Sự mất ngủ của lửa", mốc son đầu tiên định danh Nguyễn Quang Thiều.
Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ trị với sự vận động và phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Mỗi lĩnh vực, mỗi cá nhân trong xã hội dù ý thức hay không đều bị chi phối trong cái guồng quay của công nghiệp hóa. Nhiều gương mặt bước vào những cuộc cách tân, thử nghiệm nhằm xác lập cho mình một phong cách và cũng đồng thời tìm một hướng đi mới cho thơ. Từ sau những kiện tướng trong phong trào Thơ Mới (Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…) văn học Việt Nam từng điểm diện những gương mặt cách tân táo bạo: Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Dương Tường... Thế hệ thi sĩ này bước vào một cuộc "thể nghiệm thơ" trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Nhưng do cứ mãi chìm đắm thái quá vào những thể nghiệm của mình, họ đã tạo ra những con chữ rối rắm về ngữ nghĩa, thậm chí có đôi khi phải huy động đến một loại ngôn ngữ khác để giải mã nội dung của bài thơ. Xin đơn cử một đoạn thơ trong bài "Noel 2" của tác giả Dương Tường: "Nôel/Nô-elle/Nô-em/Nô-men/Noman'sland/N-môm-enx-len/Leng beng/lang ben/ma lem/Mariem/x-em x-em/hem em/đồng trinh/ Amen". (Xin được tạm "dịch": Nôel (Giáng Sinh) / Nô (không: theo âm gọi) elle (đại từ nhân xưng ngôi thứ III chỉ giới tính nữ-tiếng Pháp) / Nô (không) men (đàn ông-tiếng Anh)…).

Lẽ đương nhiên, thời gian sẽ là thước đo chuẩn mực nhất cho những cách tân ấy, nó sẽ xóa bỏ những yếu tố kệch cỡm và giữ lại những gì tinh túy. Đó là lý do tại sao thơ Dương Tường bị phê phán khá nhiều nhưng: "Gửi lại em/Cầu thang 24 bậc/Tờ thư 24 gác mưa/Làn menuetto 24 âm xưa" (Tình khúc 24) và:"Chờ em đường dương cầm xanh/ứa nhụy lạch dương cầm xuân" (Dương cầm lạnh) của ông vẫn làm say lòng bao người.

Thế hệ cách tân thơ kế tiếp phải kể đến: Thanh Thảo, Hoàng Hưng, Bế Kiến Quốc, Phùng Khắc Bắc, Trúc Thông, Thi Hoàng…Đây là những gương mặt được tôi luyện trong bom đạn chiến tranh và tiếp tục chắp bút với những chiêm nghiệm thời hậu chiến. Nhưng khác với thế hệ thứ nhất nghiêng về mặt hình thức, thế hệ thứ hai lại chú trọng về nội dung.

Là người được đánh giá là gặt hái được nhiều thành công trong thế hệ thơ thứ ba, Nguyễn Quang Thiều đầy nhiệt huyết trong việc tìm tòi và cách tân thơ ca. Về mặt ngôn ngữ, không phải là những cách nhào nặn, sắp xếp kỳ khôi và rối rắm các con chữ kiểu Lê Đạt, Dương Tường, sự cách tân ngôn ngữ thơ của Nguyễn Quang Thiều là sử dụng thuần thục thể thơ văn xuôi để diễn đạt tân kỳ những câu thơ không vần điệu. Về nội dung, đó là góc nhìn cận cảnh những mặt trái của xã hội trong thời kỳ đô thị hóa, là sự khai thác những hình ảnh thơ, những biểu tượng độc đáo, mới lạ: những người đàn bà góa, những con vật, lửa… Ở khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin được đề cập đến một khía cạnh nhỏ, đó chính là biểu tượng "lửa" trong tập thơ "Sự mất ngủ của lửa", mốc son đầu tiên định danh Nguyễn Quang Thiều.

"Lửa" được tác giả sử dụng là một loại biểu tượng đa diện và đa nghĩa. Nó vừa thân quen vừa huyền bí, vừa là hoạt động vừa là trạng thái, tính chất; vừa mang ý nghĩa của một loại vật chất vừa mang dáng dấp của một sinh thể và chứa đựng trong bản thân mình nhiều ý nghĩa lớn lao. Đây là một biểu tượng đắc địa, đề cập đến cội nguồn văn minh của loài người. Không chỉ hiện diện trong một vài bài thơ cụ thể mà còn được dùng như là chủ thể đích thực của một tập thơ.
Trước hết, theo tác giả, lửa chính là vầng dương đang ngày ngày thao thức, chong mắt nhìn về hướng hành tinh có sự sống duy nhất trong thái dương hệ, một sinh phẩm tuyệt vời do nó tạo ra:
Lăn nhanh, lăn nhanh
Hỡi mặt trời, cơn đau đớn của lửa
(Xô-nát hoàng hôn biển)

Như vậy, biểu tượng lửa - mặt trời mang ý nghĩa khởi nguyên của sự sống, là cội nguồn của những sinh mầm đầu tiên cách đây gần năm tỉ năm, xuất hiện ngay sau cơn đại hồng thủy kéo dài hàng thế kỷ. Tuy nhiên, không chỉ có ý nghĩa của việc "khai thiên lập địa" theo trí tưởng tượng của các nghệ sĩ thời sơ khai, nó còn mang trong mình một sự lý giải về nguồn gốc tồn tại của thế giới loài người.
Còn nhớ trong "Thần thoại Hy Lạp", khi dùng đất sét để sáng tạo ra thế giới, thần Promêtê và thần Êpimêtê đã ban cho mỗi loài một đặc ân để tự vệ. Có loài thì sức mạnh, loài thì móng vuốt sắc, loài thì có đôi cánh. Nhưng đến con người, do hết nguyên liệu nên không có được đặc ân nào, vì vậy mà con người trở nên bé nhỏ, yếu ớt trong cái vũ trụ hỗn mang ấy. Thấy vậy, thần Promêtê tạo cho con người một tư thế đứng thẳng và đánh cắp ngọn lửa từ thiên đình mang xuống hạ giới trao tặng cho loài người. Từ khi có lửa, con người có trong tay mình một sức mạnh vô địch để làm chủ thế giới. Lửa có thể được xem là yếu tố quan trọng giúp con người thoát khỏi thế giới hỗn mang và là thành tố quan trọng cấu thành nền văn minh của con người vào thuở hồng hoang (văn bản thứ hai về sự tạo ra con người)

Gần chúng ta hơn cũng có sử thi "Đẻ đất đẻ nước" của người Mường đề cập đến hình ảnh con Viếng Cu Linh (ve sầu) rồi Tun Mun (ruồi trâu) lém lỉnh đánh cắp cách làm lửa từ xứ sở của thần lửa Tà Cắm Cọt đem về cho con người. Phải chăng, "lửa" của Nguyễn Quang Thiều là biểu tượng của nền văn minh, là hiện thân của văn hóa cổ truyền đang bị xâm thực, bị giày xéo bởi quy trình đô thị hóa. Nó như là một sinh thể thao thức, trăn trở, đang ngày một tàn lụi trong thời đại kỹ trị.
Thêm nữa, một số quốc gia có tục thờ thần lửa mà đặc biệt là hình ảnh của thần lửa Anhi. Việt Nam chúng ta thì có  ngài Táo quân ở trong gian bếp mỗi nhà. Vì thế, lửa không chỉ là văn minh, văn hóa mà còn là sứ giả của tín ngưỡng, của niềm tin. Cha ông ta thờ thần lửa, thần bếp với mơ ước được chở che, được ấm no, hạnh phúc. Song, ở trong từng ngôi nhà thời nay, tục thờ Táo quân đang dần rơi vào lãng quên do chiếc bếp lò ngày nào đang bị thay thế bởi một loại bếp dùng khí đốt và phương tiện đánh lửa hiện đại. Không còn viện đến sự bao bọc của thần lửa đồng nghĩa với việc chúng ta sao nhãng dần với một ước mơ của thời quá khứ. Công nghiệp hóa đã khiến con người ngày càng mất khả năng hoài niệm với văn hóa cổ truyền.

Lửa ở cấp độ nhỏ hơn còn được gửi gắm qua hình ảnh của ngọn đèn dầu, một "sứ giả" khiêm nhường của những giá trị văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Quang Thiều, nó được hun đúc từ thuở mới khai sinh và cần được bảo dưỡng qua nhiều thế hệ:
Thuở tôi vừa sinh ra
Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi
Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn,
biết yêu và biết khóc"

(Bài hát về cố hương)

Khốn khổ thay, ngay trên chính mảnh đất khai sinh của mình, nó vẫn đang từng ngày mất dần vị trí bởi ánh sáng lạnh lẽo của ngọn đèn neon, một sản phẩm của nền văn minh công nghiệp. Sự thay đổi dù là nhỏ bé, tất yếu này đã đánh vào tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ bởi hơn hết, nó là một cuộc chuyển đổi, một sư xâm thực vô cùng mạnh mẽ từ những điều lớn lao đến những cái tế vi nhất.
Dùng lửa làm biểu tượng, Nguyễn Quang Thiều đã phát đi một bức thông điệp kêu cứu cho những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một, là sự hồi cố và tìm kiếm những bóng dáng của quá khứ… mà phần lớn nội dung tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" là minh chứng rõ nhất cho những điều mà chúng tôi nhận định.
Điều đặc biệt nhất và cũng là điều mà chúng tôi tâm đắc nhất, lửa chính là biểu trưng của trái tim, một trái tim nóng bỏng, đầy tâm huyết đang thao thức, trăn trở với những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Như vậy, "Sự mất ngủ của lửa", đơn giản và gần gũi nhất, đó là sự thao thức, trăn trở của một trái - tim - con - người.

Tác giả: Đặng Vũ Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây