Những người làm phê bình thế hệ tôi đã vào cữ tuổi năm mươi, hoặc ngót nghét năm mươi. “Gã đầu bạc” Phạm Xuân Nguyên bạc sớm do cơ địa đã đành, nhìn ra đa phần cũng đã sương muối hết cả rồi: Huỳnh Như Phương, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Chu Văn Sơn, Phan Huy Dũng, Nguyễn Đăng Điệp, Đinh Quang Tốn, Nguyễn Hoà, Võ Gia Trị, Inrasara. Chả lẽ lại kể thêm ra đây cả mấy nữ phê bình nữa e có phần...khiếm nhã. Thời gian cứ trôi đi thản nhiên và nghiêm khắc.
Có một hôm, trong lúc trà dư tửu hậu, ngồi với mấy anh em phê bình trẻ gồm Đoàn Ánh Dương, Đoàn Minh Tâm, Trần Thiện Khanh và một vài người nữa, tôi bảo: “Cái quan hệ giữa đám phê bình với giới sáng tác ở ta, về cơ bản có thể hình dung qua ba quãng như thế này: thế hệ trước chúng tôi, đó là mối quan hệ đối nghịch, thế hệ bọn tôi là quan hệ hoà giải, và đến lượt thế hệ các bạn phải là mối quan hệ đồng hành. Được đồng hành là sướng nhất”. Thì cũng tự nhiên mà nghĩ ra thế thôi. Nhưng về sau, ngồi nghĩ lại cũng có phần đúng.
Thế hệ trước chúng tôi, trừ một vài gương mặt, còn đại đa số chịu ảnh hưởng khá nặng nề cái quan niệm phê bình “làm roi quất ngựa” một thời. Nên về tâm thế là tự cho mình đứng cao hơn người sáng tác, cho phép lên lớp, dạy dỗ người sáng tác (trong khi đó người sáng tác đại đa số thời ấy lại tự cho phép mình dạy dỗ độc giả). Thành ra, mối quan hệ giữa giới phê bình và sáng tác nhiều lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Đã có nhiều tiếu thoại về các nhà văn như Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên đối đãi cánh phê bình, nghe vừa buồn cười, vừa có phần chua chát.
Thế hệ chúng tôi, về cơ bản đã có ý thức khắc phục, và trên thực tế đã khắc phục được tình trạng trên. Cái quan niệm “phê bình văn học cũng là văn học”, rồi nữa, phê bình chẳng qua là “trình bày một cách đọc văn bản nghệ thuật ngôn từ” trên một tinh thần đối thoại lành mạnh về cơ bản đã được quán triệt. Nhờ đó, phê bình thế hệ này đoạn tuyệt với vai trò “phán quan”, mà cố gắng hướng tới chia sẻ, hiểu được nông nỗi của người sáng tác, và không ngần ngại, thậm chí nhiệt thành trình bày con- người- phê bình với tất cả cái hay cái dở của mình ra trước bạn đọc. Phê bình văn học thực chất cũng là kiểu sáng tác đặc biệt. Những người cầm bút phê bình và những nguời sáng tác chẳng qua cũng là những kẻ “đồng bệnh”. Nhờ vậy, người làm phê bình cũng có một tư thế đàng hoàng giữa chốn trường văn trận bút. Những cách nói vô lối của ai đó trong giới sáng tác tự cho mình đứng cao hơn giới phê bình (mà thời nào cũng có), chỉ còn là một sự nực cười không hơn không kém. Hoài Thanh đã từng rất tâm đắc: “Tìm kiếm Cái Đẹp trong cuộc đời là Nghệ thuật. Tìm kiếm Cái Đẹp trong nghệ thuật là phê bình”. Thật không gì có thể thông suốt và chí lý hơn thế!
Tuy nhiên, chỉ trong vai trò hoà giải như thế hệ chúng tôi đã và đang làm, thực ra chưa đủ. Phê bình còn phải có khả năng nhận biết, gợi ý, thúc đẩy, khích lệ sáng tác, và thậm chí cao hơn, có khả năng tổ chức đời sống văn học theo một cách nào đó. Chưa một thế hệ nào làm được đến nơi đến chốn vai trò sáng giá này. Văn học mỗi thời có phê bình của chính nó. Tôi nghĩ, với một tâm thế đồng hành, phê bình thế hệ hôm nay sẽ có một thái độ ứng xử mới, một tâm thế tiếp cận mới vào đời sống văn học đương đại.
Tôi thấy ngày hôm nay đã xuất hiện một đội ngũ các cây bút phê bình khá sung sức.Họ từ các trường Đại học, từ các viện nghiên cứu, từ các báo và tạp chí. Họ có trình độ học vấn khá cao và một ý thức chuyên nghiệp tốt để làm nghề. Có thể kể ra đây những gương mặt như Phạm Xuân Thạch, Hoài Nam, Trần Văn Toàn, Trần Ngọc Hiếu, Đoàn Ánh Dương, Đoàn Minh Tâm, Trần Thiện Khanh, Nhã Thuyên - một gương mặt nữ thật hiếm hoi. Tất cả những cây bút trẻ này đều đang sống và viết tại Hà Nội. Nhưng xem ra như thế cũng...chưa nhiều!
Kể xa thêm tí nữa, cách đây dăm năm, một gương mặt phê bình rất có giọng riêng, đó là trường hợp Nguyễn Thanh Sơn với tập Phê bình văn học của tôi. Tiếc là vì những lý do nào đó, hiện giờ thấy vắng bóng trong địa hạt phê bình văn học. Anh có vẻ đang mặn mà với phê bình điện ảnh thì phải. Cũng chẳng biết thế nào với cái nghề viết này. Đến lúc nào đó anh lại “tái xuất giang hồ” chưa biết chừng. Thôi thì tự nhủ: “Hãy đợi đấy!”.
Phê bình trẻ hiện đang có mấy ưu thế: học vấn tương đối cao, ý thức về nghề nghiêm túc, tinh thần tự học rất ráo riết, khá và giỏi ngoại ngữ, môi trưòng đăng đàn in ấn thoải mái.
Tuy nhiên họ cũng phải chịu những áp lực ghê gớm: sự cám dỗ của truyền thông, những thói tật thông thường của nghề phê bình, khả năng cập nhật và làm chủ các tri thức hiện đại, điều kiện văn hoá- xã hội, và nhất là việc thấu cho được cái điều muôn thuở mà cốt tử: thế nào là văn thật, thế nào là văn giả, hay nói theo chữ nghĩa: nghệ thuật và nguỵ nghệ thuật. Cái điều cuối cùng vừa rồi không dễ chứng minh như ai đó tưởng. Nó thuộc về cảm quan mỹ học hơn là những kiến thức mỹ học, tức là phân tích thuần lý. Không hiếm khi lằn ranh giữa nghệ thuật đích thực và nguỵ nghệ thuật thật mong manh.
Mỗi khi đọc được bài nào khá của các cây bút phê bình trẻ tôi rất vui, niềm vui của một người trong giới thấy rằng công việc của thế hệ mình đã có thêm người mới, nghĩa là được an ủi rất nhiều. Phê bình vốn là một công việc ít người muốn theo đuổi. Trẻ trung là thế, có nhiều cơ hội làm công việc khác dễ có tiền hơn, cũng lại dễ nổi tiếng hơn, thế mà người ta lại chọn nghề phê bình. Điều đó khiến người làm nghề không thể không cảm kích!
Hỏi tôi muốn gửi gắm và hy vọng điều gì ở các cây bút phê bình trẻ ư? Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đang chờ cái giọng riêng, cái cá tính riêng trong từng trang viết của các bạn. Mà để có được điều này, sẽ còn phải xông pha nhiều lắm.