Văn chương đem lại điều gì?

Thứ ba - 04/08/2009 02:00 2.483 0

Văn chương đem lại điều gì?

Tất cả các nhà văn đều khẳng định việc viết văn vất vả, trầy trật vô cùng. Nhiều người mấy chục năm nhọc nhằn theo nghiệp chữ nghĩa, càng đi lên phía trước càng không thấy bờ, rồi đôi lúc cảm thấy sợ hãi trước biển chữ nghĩa và bế tắc trước cuộc đời. Vậy tại sao vẫn có nhiều người dấn thân theo nghiệp văn chương? Hàng chục người viết trẻ xuất hiện mỗi năm hăm hở cầm bút, cố gắng hội nhập cùng các nhà văn trên văn đàn chứng tỏ điều gì? Ngoài sự nhọc nhằn, khổ ải từ việc viết lách, văn chương đem lại gì cho người viết?

Những người phụ nữ "nửa gánh đời, nửa gánh văn chương"

Dấn thân và hy sinh cho nghiệp văn chương, cho niềm đam mê của mình, các quý bà sẽ vất vả nhiều hơn quý ông, bởi họ là phụ nữ, phải đảm nhiệm thiên chức làm mẹ, chăm sóc gia đình và chịu rất nhiều áp lực. Văn đàn Việt Nam, không ít nữ nhà văn đã lấy văn chương như một điểm tựa tinh thần của mình. Tất nhiên, để củng cố "điểm tựa" ấy, họ phải vất vả gồng mình lên sống, sắp xếp công việc gia đình, và phải hy sinh.

Nhà văn Quế Hương gốc ở Huế, là một nữ sinh Đồng Khánh, rồi là sinh viên Văn khoa. Ra trường, chị vào dạy học ở Hội An và sau này về sống ở Đà Nẵng. Ba vùng đất tuy gần gũi nhưng khác nhau đã đi vào văn chương của chị, gắn liền với cuộc đời, với nghề nghiệp và những hoài niệm thơ ấu. Chị là một người đàn bà viết trong ngôi nhà toàn đàn ông.

Chị bảo rằng, làm người đàn bà đã khổ, làm người đàn bà viết văn, khổ nhọc nhân đôi. Đọc và viết giúp chị bước ra khỏi "khung cửa hẹp" của đời mình, thấy cuộc đời là những cuộc đua, ở đó có cạm bẫy, có đau khổ và hy vọng. Có người nói chị là người của những cuộc đua văn chương.

Cùng là phụ nữ viết văn, Võ Thị Xuân Hà lại có những trăn trở đặc biệt riêng với văn chương. Chị từng nói nếu không có văn chương, đời chị sẽ gặp nhiều bất hạnh hơn. Từng là cô giáo dạy toán nhưng Võ Thị Xuân Hà "ương bướng" thi sang Trường Tổng hợp Văn, rồi lại bỏ để sang học Trường Viết văn Nguyễn Du. Hỏi ra thì chị bảo học để lấy kiến thức. Không làm nghề giáo nữa, Xuân Hà làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh: biên tập viên, làm báo, làm xuất bản... lần lượt ở nhiều cơ quan, cơ quan nào gắn bó nhất cũng chỉ đến 5 năm.

Nói về nghiệp viết, Xuân Hà luôn cảm thấy có một thế lực siêu hình nào đó cứ xui khiến, bắt phải day dứt, phải viết ra những điều trăn trở. Và chị luôn thấy băn khoăn, trăn trở không biết mình sẽ thành công hay chuốc lấy một đống thất bại để rồi thất vọng. Nhưng chị đã khẳng định được mình bằng sự quý mến, đón nhận của độc giả. Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ có cố gắng vượt qua những khó khăn và động chạm đến được thành công.

Xuân Hà phải chịu rất nhiều áp lực trước gia đình, công việc. Chị thường xuyên phải bớt xén thời gian của gia đình cho văn chương. Nhiều lúc, chị thèm được là một người bình thường, thảnh thơi chăm sóc con cái, gia đình và vun vén hạnh phúc. Nhưng chẳng thể được nữa, những người đàn bà như chị đã trót mang lấy nghiệp văn vào thân, thì chẳng thể nào buông bút được mà cứ cầm lấy nó, bị nó ám ảnh, bị đời sống giày vò và bắt buộc phải chưng cất thành văn.

Còn rất nhiều nữ nhà văn khác mang cái nghiệp văn vào thân, để đời này họ sống với "nửa gánh đời nửa gánh văn chương". Đó là một Phong Điệp "viết như cái án giời đày", luôn biết sắp xếp thời gian dành cho văn chương và đảm nhiệm trọng trách của một người mẹ, một người vợ và hoàn thành tốt công việc ở cơ quan. Đó là một Phan Thị Thanh Nhàn luôn thấy thương thơ mình, thấy đời mình là một bài thơ buồn nhưng vẫn lạc quan sống để viết tiếp những đam mê. Đó là một Y Ban mãnh liệt với đam mê và thân phận những người phụ nữ luôn vươn tới khát vọng hạnh phúc gia đình.

Cũng là người viết văn, đôi lúc tôi cảm thấy nếu một số người phụ nữ bỏ công việc viết văn đi, họ sẽ đỡ vất vả hơn, thậm chí có người còn đảm bảo cho hạnh phúc gia đình mình được trọn vẹn, không đi đến mức đổ vỡ. Nhưng  họ đã không làm thế, dường như trời sinh ra họ là để họ không thể không cầm bút viết văn.

Văn chương cũng cứu người

Ngoài những người bị văn chương "hành", tôi cũng biết những người được văn chương cứu. Khi gặp họ, tôi càng nhận ra sức mạnh khó tưởng tượng của văn chương. Đó là một người chuyên đạp xích lô ở đất Nghệ An tên Nguyễn Sỹ Thành - hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An. Rất nhiều anh em hoạt động văn chương ở xứ Nghệ đều khẳng định, nếu không có văn chương, hẳn là Sỹ Thành sẽ chẳng còn biết làm việc gì lương thiện nữa.

Khi gặp anh, được anh đưa đi rong một vòng thành phố, tâm sự, Sỹ Thành cũng tiết lộ điều này. Một người đạp xích lô, nuôi con đợi vợ đi ở tù về. Và mới đây, một bài viết trên Báo Công an nhân dân cuối tuần đã viết về nghị lực của vợ chồng anh, và được "Thần Thơ" cứu giúp thế nào.

Một người vì thơ nên đã lấy được vợ, sống tốt và nuôi con cái thành đạt cũng ở xứ nghệ là Trương Quang Thứ. Khi ở tuổi đôi mươi, Thứ bị mảnh bom găm vào chân (1972). Vết thương nhiễm trùng rồi sinh ra bệnh khớp và biến chứng. Từ chân bị đau đến cột sống bị liệt. Suốt 3 năm liệt giường, Thứ nghĩ cuộc đời đã khép cửa lại với mình. Nhiều lần nghĩ quẩn chàng định tìm đến cái chết.

Thế rồi, một ngày sau cơn mưa nhìn qua cửa sổ, Thứ bỗng thấy ngoài kia đời còn đẹp lắm. Vốn có tính lãng mạn, nhìn ra ngoài bầu trời cơn mưa, lá non trổ đầy cành và chim líu lo hót, Thứ thấy khung cảnh đẹp quá và làm thơ. Vì thơ, một cô gái đã cảm mến và quyết lấy cho bằng được người đàn ông tật nguyền ấy, để rồi cả hai xây đắp hạnh phúc, vượt lên những khó khăn cuộc sống.

Trương Quang Thứ tâm sự: "Đó, không có văn chương cái thằng còi cọc như tôi chết lâu rồi. Ai ngờ còn lấy được vợ, sinh ba con và nuôi chúng thành đạt, lại xây được ngôi nhà tươm tất thế này. Hóa ra, văn chương đã cứu đời tôi đấy".

Chúng ta lại biết một Trần Quốc Minh, nhà văn đất cảng Hải Phòng sống chung với văn chương và quanh năm khép mình trong căn phòng 6 mét vuông, bên cạnh một người vợ chăm chỉ. Thơ đã cho Trần Hoàng Giang đất Thành Nam kết nối với bè bạn văn chương cả nước.

Còn nhiều gương mặt khác "vịn vào văn chương đứng dậy" mà họ lặng lẽ sống trong cuộc đời. Những giá trị mà văn chương mang lại đối với xã hội, với con người là vô cùng vô tận. Nhưng với những người tật nguyền, số phận hẩm hiu, văn chương lại như một hiệp khách, sẵn sàng đưa tay ra nâng đỡ. Sự trượng nghĩa đó của văn chương, chỉ những người lâm vào cảnh ngộ bất hạnh mới thật thấm thía.

Văn chương đã đem lại gì cho nhà văn?

Rốt cục văn chương đã đem lại gì cho mỗi nhà văn? Phải nói rằng, văn chương có một sức hút và quyến rũ ghê gớm mà ai đã bị nó quyến rũ thì khó lòng thoát ra được. Kỳ thực, văn chương không mang lại vật chất mà mang lại tinh thần cho mỗi nhà văn, mang lại bè bạn mọi miền đất nước, là động lực thúc đẩy họ sống tốt, sống sáng tạo dù có vất vả đến thế nào.

Nhà văn Chu Lai cho rằng: Văn chương cũng khiến người ta mê đắm như mê đắm phụ nữ vậy. Nó có sức quyến rũ vô cùng, ai đã theo nó rồi bị nó ám vào thì không dứt ra được. Bằng chứng là có nhiều người hy sinh kinh tế gia đình vì văn chương, sống khổ sở vì văn chương. Chu Lai cũng không nằm ngoài số người mê đắm văn chương đến nỗi giờ đây ông thấy sức khỏe đã phản bội lại mình, nhưng cái máu viết vẫn còn… hăng.

Chúng ta đã thấy, Chu Lai là người nổi tiếng và sự nổi tiếng ấy nhờ có văn. Nhưng cái tiếng đó nó xuất phát từ sự thành công của những tác phẩm. Khi tác phẩm hay, được bạn đọc đón nhận, tên tuổi nhà văn sẽ được nhắc đến thậm chí nhiều năm sau này. Đó là thành quả của nhà văn, điều đó khiến nhà văn hạnh phúc.

Lại nữa, rất nhiều nhà văn cảm thấy khi viết lách, được điều khiển con chữ, làm những người "phù thủy" trên trang giấy, có quyền sinh quyền sát các nhân vật, họ thấy rất hào hứng. Tất nhiên, cũng có khi nhân vật lại "điều khiển" tác giả và do đó, nhà văn lại càng hào hứng hơn. Đến khi tác phẩm được hoàn thành, họ thấy mình thăng hoa, rồi một cảm giác nhẹ bẫng xuất hiện, như vừa trút được gánh nặng ngàn cân.

Một số nhà văn khác cho rằng, văn chương có cái hay là người đọc và nhà văn không cần gặp mặt, chỉ cần đọc nhau cũng có thể quý mến nhau qua con chữ. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tâm sự, bà cảm thấy hạnh phúc khi đi đến tận Cà Mau vẫn nghe thấy người ta hát "Hương thầm", hoặc nhiều sinh viên chép bài thơ "Con đường" vào sổ tay và bà rất trân trọng vì điều ấy.

Với các nhà văn trẻ, những cây bút mới vào nghề, hẳn văn chương cũng đem cho họ sự hưng phấn nhất định, niềm vui nhất định trong cuộc sống. Ngoài một chút ham muốn nổi tiếng, do còn non nớt trong đời văn, cũng có những người tự ý thức được sự cô độc và vất vả của văn nghiệp, nên đã "luyện" cho mình một đam mê và ý chí thực sự.

Đối với những nhà văn còn khá trẻ như Trần Thanh Hà, Đỗ Bích Thúy,… có thể nói văn chương đã làm cho họ đổi đời. Trần Thanh Hà là một cô giáo ở Quảng Trị, sau khi khẳng định mình bằng những tập truyện ngắn "Biển Hồ lai láng", "Gió của mùa sau", "Ơi đò ca cút", chị rời bục giảng để ra Hà Nội làm việc ở Nhà xuất bản Công an nhân dân. Đỗ Bích Thúy, bằng tài năng văn chương đã trở thành công dân Thủ đô khi rời Báo Hà Giang về làm ở Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Những thành công như thế chính là động lực để những người viết trẻ hướng đến, tự khắc phục những khó khăn và tìm thấy hạnh phúc của mình trong thế giới văn chương điệp trùng, vô cùng vô tận.

Tác giả: Phú Xuyên

Nguồn tin: Công An Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây