Chủ nghĩa mủi lòng trong thơ

Thứ hai - 05/07/2010 21:37 2.859 0
Xét cho cùng, nhờ chủ nghĩa mủi lòng mà thi ca dân tộc đã có không ít tác phẩm thực sự xuất sắc. Mặt khác, nó đáp ứng một nhu cầu hoàn toàn có thực trong đời sống tinh thần, trước hết của người sáng tác văn chương.

Trong bài tiểu luận có tên Sến, nhà văn Hồ Anh Thái viết: “Sến là từ hình như ban đầu xuất hiện trong giới thị dân phương Nam, cũng như trước đó người ta có từ “cải lương” vậy. Mới đầu là để nói đến một thứ ca nhạc mùi mẫn, lâm ly, ướt át, lạm dụng cảm xúc. Sau là để chỉ một thứ tình cảm ẩn khuất đây đó trong lòng người, ngang trái, éo le, bùi ngùi, dằn vặt, giằng xé, bùng nổ. Có khi là để chỉ một cái gì hơi bình thường, hơi thâm thấp, hơi “quê”, tất cả được người ta cho luôn vào một rọ. Sến!”. (Sách Hướng nào Hà Nội cũng sông. NXB Văn Nghệ và Cty Phương Nam. 2009. Tr.124).

Nếu không thích từ “sến” và muốn gọi tên thứ nhu cầu này khác đi, có lẽ cụm từ “chủ nghĩa mủi lòng” - bao hàm cả sự “gây mủi lòng” và sự “được mủi lòng” - là khá thích hợp. Và chủ nghĩa mủi lòng, nếu nó đã được nhận diện trong nhạc, thì hà cớ gì nó lại không có mặt trong thơ, một nghệ thuật rất gần với nhạc? (Chính F. Hegel từng xếp thơ và nhạc vào chung một cái khung là nghệ thuật lãng mạn, loại nghệ thuật mà ở đó ý niệm lấn át hình tượng). Nhìn vào thơ Việt Nam, theo tôi, không khó để quan sát thấy có dấu vết đậm của chủ nghĩa mủi lòng qua một trường đoạn lịch sử khá dài.

Dĩ nhiên không phải chủ nghĩa mủi lòng đã xuất hiện ngay từ buổi khởi đầu của thơ Việt. Liên tục trong các thế kỷ từ XI đến XVII, về cơ bản, thơ Việt là thơ của giới tu sĩ Phật giáo, vua chúa, quý tộc, tướng lĩnh, nho sĩ hành đạo và nho sĩ ẩn dật. Thật khó có thể nói rằng những loại hình tác giả này, từ quan niệm về văn chương và tính mục đích trong sáng tác của họ, lại tạo ra một cái gì đó gần gũi với chủ nghĩa mủi lòng. Có lẽ phải đến thế kỷ XVIII, với những biến động lớn về bối cảnh xã hội và tư tưởng, khi trong các tác giả của thơ Việt Nam đã xuất hiện ngày càng mạnh cái ý thức rằng mình là một cá thể đơn trị, có những hoài bão và dục vọng cá nhân tồn tại ngoài sự ấn định của đạo đức truyền thống, thì chủ nghĩa mủi lòng mới nảy sinh. Người ta trở nên thương Thân nhiều hơn gấp bội - tấm Thân bằng xương bằng thịt, biết buồn vui, yêu ghét, đầy những khát khao, ham muốn. Chính vì thế người ta nói nhiều hơn gấp bội đến sự cô đơn, chia lìa, mất mát - tức là những điều dễ làm cho cá nhân đau khổ, bất hạnh, những điều dễ gây mủi lòng và lan truyền sự mủi lòng tới kẻ khác. Lẽ tất yếu, sự cô đơn, chia lìa, mất mát trong tình yêu nam nữ chính là điểm nhạy cảm nhất với con người, là “đột phá khẩu” quan trọng nhất để chủ nghĩa mủi lòng ào ạt tràn vào trong thơ.

Ngô Thì Sĩ viết tập Khuê ai lục, Phạm Nguyễn Du viết tập Đoạn trường lục, cả hai nhân vật tài tử danh sĩ vào bậc nhất của thế kỷ XVIII đều cất tiếng khóc vợ, những người vợ tài sắc nhưng chết trẻ. Đó không phải những tiếng khóc “người thường ai chẳng thế”, mà là những tiếng kêu đứt ruột, những dòng huyết lệ tuôn trào vì sự đớn đau mất mát quá sức chịu đựng. Ví như bài Mộng cảm tác của Ngô Thì Sĩ: “Người khuê phòng bỏ ta đi đã gần đầy năm/ Không cách gì gặp nhau, chỉ còn tìm thấy nhau trong chiêm bao/ Cái dáng hình mềm mại tuy nhiên chính mắt đã thoáng thấy/ Lòng khao khát thiếu chút nữa thì như được hể hả trong ba thu/ Nói cười nơi đông đúc đều chỉ là hờ hững mà thôi/ Khóc sướt mướt, kêu khô khan, chỉ riêng một mình buồn/ Càng đau đớn khi nâng niu những món đồ cũ/ Vô tình biết kêu trời đâu, nào có ăn thua gì” (dịch nghĩa). Hay như bài Dạ bán chẩm quan thụy bán ngẫu đắc (Nửa đêm gối bên quan tài nửa thức nửa ngủ ngẫu nhiên thành thơ) của Phạm Nguyễn Du: “Gió mát trăng trong đưa thuyền trở về/ Một mình gối đầu bên áo quan lơ mơ nửa thức nửa ngủ/ Chợt nhận ra đêm nay một mình bóng lẻ/ Thế mà cứ tưởng lúc này cũng như năm mới cưới/ Hình hài chưa kề xa, ai bảo là chết/ Mơ mộng gặp nhau, đều là tiên cả/ Từ xưa nhân duyên của người giai nhân với người tài tử/ Nào có ai hỏi trời xanh cho rõ ràng được” (dịch nghĩa). Bộc lộ cảm xúc đau buồn theo kiểu như vậy, với thói quen tiết chế và tính ưa chừng mực của nhà nho, là “dâm thái”, là không đáng khuyến khích. Nhưng phải thế thì nỗi đau mất người thương mới được chia sớt cùng tha nhân, mới được vợi bớt chăng?

Dẫu sao thì tập thơ Khuê ai lục của Ngô Thì Sĩ và tập thơ Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du là hai tập thơ chữ Hán, được viết theo phong cách “từ táo”, bác học, không mấy gần với đại chúng, nên hiệu ứng gây mủi lòng của chúng cũng chỉ bó hẹp trong một thiểu số có học. Mang sức phổ biến mạnh hơn phải là những tác phẩm Nôm, như bản dịch Chinh phụ ngâm (nguyên tác Đặng Trần Côn) của Phan Huy Ích, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, hay Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân... Chinh phụ ngâm - Khúc ngâm của người vợ có chồng đi lính - rõ ràng là một tình huống tiêu biểu cho sự bị chia cắt của đôi uyên ương đang mặn nồng: người chồng đi đánh trận biền biệt không biết ở nơi nao, còn sống hay đã chết; người vợ ở nhà vò võ đợi chờ, trong khi tuổi xuân cứ vùn vụt trôi qua. Cái khát khao tình cảm đôi lứa của người vợ lính: “Chàng chẳng thấy chim uyên ngoài nội/ Cũng dập dìu chẳng vội phân trương/ Chẳng xem cái yến trên rường/ Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau” khiến kẻ ngoài nhìn vào phải mủi lòng, mà nỗi sợ hãi cùng sự chống đỡ tuyệt vọng sức mạnh làm cho tàn úa của thời gian ở đây: “Đành muôn kiếp chữ tình là vậy/ Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau/ Thiếp xin chàng chớ bạc đầu/ Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung” cũng gây mủi lòng không kém. Ai tư vãn là tiếng khóc thương của Lê Ngọc Hân khi Quang Trung hoàng đế băng hà. Nhìn bên ngoài, là một bà hoàng khóc một ông hoàng, nhưng nhìn bên trong thì đó là một người vợ khóc một người chồng. Những kỷ niệm đẹp xưa ào ạt tràn về thực tại bẽ bàng, những khoảnh khắc chập chờn mê sảng của người phụ nữ đang trầm mình trong một nỗi đau như dao cắt, và đặc biệt, cái ớn lạnh đầy lo sợ trước viễn cảnh mẹ góa con côi giữa biển đời giông tố của người vợ chết chồng: “Nửa cung gẫy, phiếm cầm lành/ Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ” quả thực là những yếu tố đã đưa Ai tư vãn lên đỉnh điểm của sự sầu cảm. Và đó, không gì khác, chính là chủ nghĩa mủi lòng.

Sang những thập niên đầu thế kỷ XX, xã hội đô thị Việt Nam phát triển dần theo hướng tư sản hóa, nghề in ấn xuất bản ngày một lớn mạnh, chữ quốc ngữ trở thành ngôn ngữ của sáng tác văn chương. Đó là những yếu tố cực kỳ thuận lợi để cái Tôi cảm xúc của nhà thơ Việt Nam - nay đã được giải phóng hoàn toàn - chụp lấy nó, khuếch đại chủ nghĩa mủi lòng. Phần nhiều các thi nhân của phong trào Thơ Mới đều ít nhất cũng phải một lần rên rỉ nỉ non với sự cô đơn, chia lìa, mất mát trong tình yêu. Một trào lưu thi ca sũng lệ và đầy tiếng than - có thể táo gan mà nói vậy! Và người “có công” nhất về phương diện này, không ai khác, chính là thi sĩ chân quê Nguyễn Bính. Không ai “mùi mẫn” hơn Nguyễn Bính trong việc khai thác những tình thế éo le ngang trái trong tình yêu, những số phận, những tâm hồn bị tình yêu làm cho bầm giập, nhàu nát. Chỉ cần một bài thơ dài Lỡ bước sang ngang với những câu viết về người chị: “Chị từ lỡ bước sang ngang/ Trời giông bão, giữa tràng giang lật thuyền/ Xuôi giòng nước chảy liên miên/ Đưa thân thể chị tới miền đau thương/ Mười năm gối hận bên giường/ Mười năm nước mắt bữa thường thay canh/ Mười năm đưa đám một mình/ Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên/ Mười năm lòng lạnh như tiền/ Tim đi hết máu, cái duyên không về” đã đủ để Nguyễn Bính trở thành thần tượng của giới độc giả sẵn nước mắt, và là thần tượng không chỉ của thời ấy. Mà kiểu bài thơ như vậy, Nguyễn Bính đâu chỉ viết có một!

Chủ nghĩa mủi lòng trong thơ Việt chưa chấm dứt. Ngay trong những ngày gian khổ của cuộc kháng Pháp, thơ Việt vẫn có những bài như Màu tím hoa sim của Hữu Loan, đủ khiến cho những người đa cảm phải bùi ngùi trước cảnh xã hội loạn lạc, người vợ chết trẻ, người chồng từ chiến trường trở về:“Tôi về không gặp nàng/ Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối/ Chiếc bình hoa ngày cưới/ Thành bình hương tàn lạnh vây quanh... Em ơi giây phút cuối/ Không được nghe nhau nói/ Không được nhìn nhau một lần”. Hay rất lâu về sau này, vẫn có thể nhận diện chủ nghĩa mủi lòng trong thơ qua cái dự cảm tình yêu đầy nỗi lo sợ phập phồng rất giàu chất “chị em” của Xuân Quỳnh trong bài Tự hát, cũng như có thể nhận diện nó trong thơ của nhiều nhà thơ khác - nhất là những nhà thơ nữ - khi họ giãi bày “tâm trạng khi yêu”. Vì vậy, xin được mạnh dạn nhắc lại lần nữa, con đường thơ Việt của chủ nghĩa mủi lòng vẫn chưa chấm dứt.

Người viết bài này không hề có ý phản đối hay trách cứ chủ nghĩa mủi lòng trong thơ, vì xét cho cùng, nhờ nó mà thi ca dân tộc đã có không ít tác phẩm thực sự xuất sắc. Mặt khác, nó đáp ứng một nhu cầu hoàn toàn có thực trong đời sống tinh thần, trước hết của người sáng tác văn chương. (Trong cuốn Giải phẫu sự phụ thuộc - Hoàng Hưng dịch, NXB Tri Thức, 2008 - nhà tâm thần học nổi tiếng thế giới người Nhật Bản Takeo Doi đã thảo luận rất kỹ về những thuật ngữ amae (danh từ) và amaeru (động từ) trong tiếng Nhật. Những từ này chỉ sự cố gắng làm gì đó của một ai đó để có được thiện chí hoặc sự nuông chiều của người mà anh ta muốn được phụ thuộc vào. Đó là một thứ tình cảm ấu nhi. Gây sự mủi lòng cho người khác bằng nước mắt và tiếng than của mình, phải chăng cũng là cách amaeru của những nhà thơ thuộc chủ nghĩa mủi lòng?) Chỉ có một lưu ý nhỏ: mải miết (hay mê man?) bộc lộ nỗi buồn khổ sầu thương của mình, hướng một cách vô thức tới việc lan truyền tâm trạng ấy trên người đọc tiềm năng và tìm kiếm sự đồng cảm của họ, người viết rất dễ có nguy cơ rơi vào sự kể lể giãi bày dài dòng, điều đó khiến cho thơ vừa thừa lời vừa đơn nghĩa, sáo mòn. Đó cũng chính là ngõ cụt của thơ vậy!

Tác giả: Hoài Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây