Trước hết, phải nói đến nhà văn Hồ Anh Thái (nhà văn luôn mặc định trong suy nghĩ của tôi hình ảnh của “người lúc nào cũng đang viết”) với cuốn tiểu thuyết Dấu về gió xóa (NXB Trẻ). Câu chuyện được kể lại từ nhân vật Anh - công chức ngoại giao, giáo sư ngành văn hóa tộc người (những công việc dễ khiến người đọc nghĩ tới nhân thân của tác giả tiểu thuyết).
Anh công cán ở Đảo Xanh, một đảo quốc bé tý nào đó thuộc xứ nhiệt đới, nơi mà đại sứ các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan kiêm nhiệm đại sứ luôn. Tại Đảo Xanh, bằng nghiệp vụ, bằng cả những ngẫu nhiên đầy may mắn, cuối cùng thì Anh cũng phát hiện ra rằng đảo quốc này thực chất là một nhà tù bí mật, chốn giam giữ hơn ba trăm con người nồng danh khét tiếng - những chính trị gia, kỹ nghệ gia, nhà tài phiệt, văn nhân, trí thức, nghệ sỹ - những người mà cả thế giới tưởng đã mồ yên mả đẹp hoặc chết mất xác ở một góc nào đó trên bề mặt quả địa cầu.
Những nhà cầm quyền Đảo Xanh đã tự nguyện biến mình thành cai tù để đổi lấy sự phồn vinh cho đảo quốc. Một cốt truyện hấp dẫn, sản phẩm của một nhà văn luôn ý thức phải tạo được sự hấp dẫn cho độc giả khi họ đắm chìm trong thế giới tưởng tượng của anh. Tuy nhiên, Dấu về gió xóa của Hồ Anh Thái không chỉ, không phải là vậy. Sự hấp dẫn của cốt truyện chỉ là cái bề mặt.
Còn ở bề sâu, đó là những trải nghiệm, những chiêm nghiệm và suy tư của tác giả về tồn tại người, giá trị và ý nghĩa của nó. Rải suốt cuốn tiểu thuyết, ta luôn bắt gặp từ “xóa” - một hành động tiền giả định của sự biến mất - như là từ khóa của tác phẩm. Khi Anh ngồi trên sân thượng nhìn trời nhìn biển: “Chiếc phi cơ bay qua trên đầu, trời đêm ngay lập tức xóa sạch đường đi phía sau nó. Sóng lớp lớp xóa sạch con đường phía sau chiếc tàu thủy. Cảm giác lối về đã xóa”.
Và khi Anh nghĩ về một hướng vận động của kiếp người: “Ta dò tìm một lối quay trở về thì cứ như thể có một thằng bé khổng lồ nghịch ác, ta vừa bước qua là cái thằng phì nộn ấy cười khanh khách dùng bút xóa mà xóa ngay cái dấu chân ta để lại đằng sau. Hễ đi qua là khó ai biết được lối về”. Rồi hành động của những nhân vật khác trong tác phẩm, rất gần với sự biến mất: Sự từ bỏ đột ngột của người Cha với gia đình, vợ con, sự nghiệp… để vào sống tại một ngôi chùa nằm sâu trong núi; sự mất tích của thằng bé Con Trai Cá Ông…
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết, có thể nói, bị “ám” một cái nhìn định mệnh chủ nghĩa, một niềm tin xác quyết về tính vô thường của tồn tại người trên cõi thế. Đã vô thường thì, xét đến cùng, cũng vô nghĩa. Chính bởi thế mà cuộc sống trên Đảo Xanh, với tất cả sự phong phú rậm rịt và những vận động sôi sục của nó, qua con mắt Anh, giống như những hình ảnh được nhìn dưới một tấm gương lồi.
Nghĩa là nó bị bóp méo, bị trở nên nghịch dị, một phản ánh dối trá và đáng buồn cười. Tất cả đều là thế, từ chính trị, tôn giáo đến văn hóa giáo dục, tình yêu nam nữ. Và điều đó khiến cho, đọng lại đậm đặc ở cuốn tiểu thuyết, chính là sự ngậm ngùi này: “Con người đi qua thế gian, lưu ảnh còn lại. Thật thế không? Ngay cả cái tự ngã của con người còn có thể là ảo ảnh, thì lưu ảnh mà làm gì?...”.
Ngoài Hồ Anh Thái, theo cái đọc của tôi, văn xuôi năm 2012 còn có ba nhà văn nữ viết về sự biến mất: Lê Minh Khuê - với tập truyện Nhiệt đới gió mùa (NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam), Y Ban - với tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc (NXB Trẻ), Nguyễn Ngọc Tư - với tiểu thuyết đầu tay Sông (NXB Trẻ). Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, tôi xin được đề cập vào một dịp khác để, trong bài viết này, chỉ nói về tác phẩm của hai nhà văn Lê Minh Khuê và Y Ban.
Lê Minh Khuê và Y Ban viết về sự biến mất của chất người, của phẩm tính người dưới áp lực của hoàn cảnh. Tất nhiên, mỗi người viết mỗi khác.
Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê - tôi sẽ chỉ tập trung vào truyện ngắn được lấy tên chung cho cả tập truyện này, vì số trang của nó (90 trang) gần bằng tổng số trang của mười một truyện còn lại, và cũng vì nó quả thực là truyện đáng nể nhất - kể về lịch sử khốc liệt, đầy máu và nước mắt của một gia đình Hà Nội thuộc vào diện “con nhà”.
Câu chuyện khởi đi từ việc ông Cơ có vợ lẽ, con riêng. Bà vợ cả biết, máu Hoạn Thư nổi lên, quyết đến gặp bà hai để hỏi cho ra nhẽ. Trong lúc xô xát, vô tình bà hai bị vấp ngã, hỏng một con mắt. Hình ảnh ấy đã găm trong ký ức của Phong, đứa con bà vợ lẽ, một hạt mầm của sự thù hận.
Để rồi sau này khi gặp Hiếu, người anh cùng cha khác mẹ, trong bối cảnh hai người ở hai bên chiến tuyến và Hiếu đang là tù binh của Phong, hạt mầm thù hận ấy đã nảy nở thành một thứ quả độc, nó ăn ruỗng và làm biến mất trong Phong, không còn gì cả, tình anh em máu mủ ruột rà: Phong lạnh lùng cho lính khoét một con mắt của Hiếu, như không.
Nhưng đến khi gió đổi chiều, Phong trở thành kẻ thua trận, Hiếu đã không ngần ngại sử dụng quyền của kẻ thắng trận để đẩy đứa em cùng cha khác mẹ vào những trại giam khắc nghiệt nhất, mờ mịt ngày về với cuộc sống bình thường. Thù hận đẻ ra thù hận, càng thù hận thì phẩm tính người càng dễ biến mất, điều này đã trở nên một thứ chân lý được nói tới sờn mòn.
Nhưng trong Nhiệt đới gió mùa, đặt trên nền cảnh của cuộc chiến tranh dài dặc với biết bao xương máu đã đổ và những dư chấn khốc liệt về sau, câu chuyện của hai anh em Hiếu, Phong quả thực đã mang một chiều kích lịch sử. Chiến tranh có thể làm bật ra ở con người những phẩm chất tốt đẹp (như sự anh dũng, tính cao thượng, tinh thần xả thân vì đồng đội v.v…) nhưng cũng đầy khả năng làm thui chột tính người và kích thích những bản năng man rợ trong con người.
Trong nhà lao thời chiến, với một con mắt, “Hiếu nhìn thấy người ta luộc người tù trong chảo, người ta đóng đinh thuyền vào khớp xương người tù… Ở những nơi ấy cái câu hỏi sao con người có thể độc ác mức ấy với đồng loại luôn ám ảnh anh”. Hiếu tự hỏi và sau đó đã tự tìm thấy câu trả lời, ấy là đáp trả sự độc ác bằng một sự độc ác, theo cách khác…
Nhưng Nhiệt đới gió mùa không dừng lại ở đó, câu chuyện của gia đình này còn kéo dài theo hướng ngược về quá khứ, những ngày Việt Minh cướp chính quyền tháng Tám năm 1945, với cái chết của cụ Tuần Phủ, cha ông Cơ, ông nội Hiếu và Phong. Một cái chết cho thấy sự biến mất của nhân tính, sự biến mất không khởi nguồn từ thù hận, mà là từ lòng tham của con người. Chỉ vì tham bốn ngàn Đông Dương mà người ta đẩy mười sáu sinh mạng vô tội xuống hố, trong đó có cụ Tuần Phủ, lấy lưỡi lê dộng xuống, giết hết, lấp đất san phẳng…
Tất cả những chuyện bi thương ấy xảy ra ở vùng nhiệt đới gió mùa: “Dải đất hẹp trần trụi chạy dọc biển Đông nhiều khi nhìn lên bản đồ thấy mong manh như làn khói gió biển thổi mạnh là có thể cuốn phăng, con người lại không biết sự mong manh đó cứ cố sống cố chết chạy theo thù hận”. Ngột ngạt, bức bối, đầy sự căng thẳng của những sự kiện nằm ngoài ngưỡng nhận thức thông thường về bản tính con người, Lê Minh Khuê đã tô đậm thêm cái cảm giác ấy trong Nhiệt đới gió mùa bằng một lối sử dụng câu văn khác hẳn so với câu văn bà thường dùng trước kia.
Đó là những câu văn dài dằng dặc, rất ít dấu phẩy và rất nhiều hành động, thậm chí kể và thoại cùng nằm trong một câu. Những câu văn trúc trắc, vừa thở dốc vừa thở dài, nhưng đủ sức hấp dẫn để người đọc phải chú ý theo dõi câu chuyện về sự biến mất của nhân tính dưới áp lực của một hoàn cảnh lịch sử - xã hội đặc thù.
Trò chơi hủy diệt cảm xúc của Y Ban lại khai thác và mô tả sự biến mất chất người, phẩm tính người theo một cách khác. Chị đặt những câu chuyện của mình - “những câu chuyện”, vì cuốn tiểu thuyết có cấu trúc mười chương, mỗi chương có thể đứng được như một truyện ngắn độc lập - trong bối cảnh của cuộc sống ở thì hiện tại tiếp diễn, ở cái ngày hôm nay còn đang là một dấu hỏi trước mắt mỗi người chúng ta.
Câu chuyện ở chương chín - Những bức thư online, dài gần một trăm trang, bằng tổng số trang của chín chương còn lại - rất đáng chú ý. Vào một ngày đẹp trời, một người phụ nữ Việt Nam đã chấp nhận tham gia trò chơi viết những bức thư online với một người đàn ông Ấn Độ mà chị không hề quen biết, mục đích là phá hủy cuộc tình online của người đàn ông ấy với một người đàn bà khác, và phần thưởng cho chiến thắng là 100.000 USD.
Suốt tám tháng trời, họ liên tục thư qua thư lại. Trong bối cảnh mà người ta không phải chạm mặt nhau, không phải chịu đựng sự cọ xát nhiều khi chẳng mấy dễ chịu của những quan hệ thực, hai người được tự do bộc lộ những suy nghĩ, những cảm xúc rất thực của mình về mọi chuyện: công việc, cuộc sống gia đình, tình yêu, hạnh phúc và đau khổ, v.v…
Tôi đoan chắc sẽ có rất nhiều bạn đọc thích thú với chương này. Bởi những bức thư online đã gãi đúng chỗ ngứa của họ, nói giúp họ những điều mà - do định kiến xã hội, do việc phải đeo những persona (mặt nạ) đã được mặc định - họ chỉ dám cất trong suy nghĩ thầm kín. Ví như những rung động “ngoài chồng ngoài vợ”, những khao khát được thăng hoa trong tình yêu mà họ muốn nhưng lại không thể/ không hề được thỏa mãn, những ẩn ức về đời sống tình dục, v.v…
Y Ban đã viết chương này bằng một giọng văn, có thể nói, khác xa với giọng văn quen thuộc của chị. Nó là sự nối dài những lời tình tự của Romeo và Juliet, nó bay bổng và ướt át, nó dễ khiến người đọc phải thốt lên “too much emotion!”. (Tình cảm quá. Sến quá). Bay bổng và ướt át bao nhiêu, nó càng làm cho cái kết cục, khi đã được phơi lộ, trở nên bẽ bàng bấy nhiêu: người tình online nồng nàn lãng mạn của nhân vật nữ nọ chỉ là một con robot đã được lập trình sẵn! Chị thắng 100.000 USD, nhưng mất đi một niềm tin, dẫu chỉ là một niềm tin tội nghiệp.
Cái đó là gì, nếu không phải là sự tha hóa (theo nghĩa tiêu cực) của con người vào trò chơi, một thứ trò chơi chỉ có ở cái thời toàn cầu hóa, khi internet đủ sức tạo ra một thế giới ảo, tồn tại song song, thậm chí xâm lấn vào thế giới thực mà mỗi người chúng ta đang sống, đang phải từng ngày từng giờ đối mặt? Cái ảo đã trở nên thực còn hơn cả cái thực?
Và, từ một phía khác, phải chăng đây lại không phải là sự biến mất của tính người khi con người không thể nói chuyện với con người, mà nói với cái máy, bằng những lời ngọt ngào chắt ra từ trái tim mình? Sự lãng mạn trong con người đã bị vặt cánh. Nếu điều đó chưa là một đại họa, thì cẩn trọng, nên xem nó như một vấn đề mà lo lắng ngay từ bây giờ cũng không hề là sớm.
Trong một đời sống còn nhiều chật vật và đầy sự bấp bênh niềm tin như hiện tại, theo tôi, chủ đề về sự biến mất sẽ còn là một sự ám ảnh, ngày càng rộng hơn và dày hơn trong văn chương Việt Nam. Chúng ta hãy cùng chờ xem các nhà văn sẽ trầm tư về nó, khai thác và thể hiện nó như thế nào?
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: CAND
Ý kiến bạn đọc