Tư duy tự sự của Phong Điệp qua “Kẻ dự phần”

Thứ sáu - 31/07/2009 12:12 2.518 0

"Kẻ dự phần" của nhà văn trẻ Phong Điệp

"Kẻ dự phần" của nhà văn trẻ Phong Điệp
Dù viết văn hay làm báo- Phong Điệp đều đề cao vốn sống, kinh nghiệm sống. Không ít chuyện của Phong Điệp được triển khai trên nền của một bối cảnh có thực, nhân vật thực, sự kiện thực với một đời sống có nhiều điểm nhấn sâu sắc. Phong Điệp viết để giải thoát sự ám ảnh hoặc để đồng cảm, cảnh tỉnh.
Mỗi nhà văn có một nguyên tắc xây dựng tác phẩm. Đọc văn, vì thế cần tìm ra được các quy luật, các hệ thống, các nguyên tắc chi phối hoạt động sáng tạo của chủ thể sáng tạo. Đọc Phong Điệp qua các quan niệm của chị về nghề và qua Kẻ dự phần tôi thấy một số nguyên tắc sau đây đã chi phối đến hoạt động tạo lập văn bản tự sự của chị.

 

Dù viết văn hay làm báo - Phong Điệp đều đề cao vốn sống, kinh nghiệm sống. Không ít chuyện của Phong Điệp được triển khai trên nền của một bối cảnh có thực, nhân vật thực, sự kiện thực với một đời sống có nhiều điểm nhấn sâu sắc. Phong Điệp viết để giải thoát sự ám ảnh hoặc để đồng cảm, cảnh tỉnh. Chị viết trong sự ý thức cao về nghề chữ, và ở hầu khắp các trang văn của chị đều hiện diện một tính nữ đẹp đẽ. Nếp nghĩ của Phong Điệp nghiêng hẳn về những câu chuyện, những số phận, những sự kiện mà cá nhân chị “từng được sống, từng chứng kiến trong đời sống của mình”. Phong Điệp không phải tạng người ưa ứng dụng sức mạnh của hư cấu tưởng tượng vào những sự kiện, những tình thế mà chị đã trải nghiệm. Phong Điệp thuộc về hiện thực, một hiện thực có tính thời sự. Đọc Phong Điệp tôi cũng nghĩ đến lối viết lấy sự kiện - hiện tượng bất thường trong quan hệ nhân sinh làm điểm tựa, mỗi truyện ngắn của chị lấy một ý chính làm chủ đề và những chi tiết trong truyện chỉ xoay quanh chủ đề ấy. Phong Điệp khẳng định, với Kẻ dự phần chị đã “nhập thế hơn, suy tư hơn và cũng đàn bà hơn”. Điểm mạnh và hạn chế của Phong Điệp trong cách viết, tôi nghĩ bắt nguồn từ những đặc điểm vừa nêu trên.

 

Tập truyện Kẻ dự phần của Phong Điệp gồm 16 truyện ngắn. Cốt truyện phần lớn thuộc loại đơn tuyến đẳng thời, ít có sự phân nhánh, phân dòng phức tạp. Phong Điệp đã cố gắng cắt lát đời sống và tâm lí nhân vật. Mỗi truyện của chị mô tả một hiện tượng đặc biệt trong quan hệ nhân sinh. Phong Điệp tổ chức giám sát chặt chẽ các sự kiện, đồng thời xử lí rất nhanh các tình tiết. Chị không hay kể tán, kể độn mà chỉn chu với các ấn tượng cốt lõi. Phong Điệp không “tự ăn mình” để chống lại sự nhàm chán, đơn điệu, chị chăm chú vẽ ra những dấu hiệu quen thuộc ở thời đại mình đang sống qua ống kính của “phóng sự”. Phong Điệp đã từng có một thời gian dài đảm trách nhiệm vụ thực hiện các phóng sự. Chị dành khá nhiều thời giờ rong ruổi đường trường điều tra các vụ tiêu cực, tìm hiểu các cảnh đời éo le, ngang trái hoặc khám phá các vùng đất mới. Truyện của chị đề cập đến những vấn đề của ngày hôm nay. Chuyện Tiếng ru kể về việc một cô gái dở bị một tên đàn ông lợi dụng làm chuyện phi nhân tính. Chuyện Ngày hôm qua kể về một cô gái bán hoa hoàn lương nhưng không thoát khỏi những trận đòn tàn nhẫn của kẻ giang hồ. Chuyện Trở về cảnh tỉnh hiện tượng con người hám lợi, hám danh, liều bỏ quê hương đi tìm cuộc đổi đời ở thành phố. Chuyện Sau cánh gà vẽ cảnh một nghệ sĩ coi thường sinh mệnh, hạnh phúc gia đình để chạy theo cái hào nhoáng, sang trọng bề ngoài. Chuyện Ngôi nhà tràn ngập ánh nắng phơi bày cảnh con người bị công việc cuốn đi, phải ăn ngủ qua quýt và tước bỏ dần những ham muốn, đam mê…

 

Phong Điệp có một cách nhìn, một cách nắm bắt đời sống khá ấn tượng. Truyện của chị đi sâu vào những cảnh huống bất thường, lạ lẫm hoặc oái oăm. Phong Điệp nhạy cảm trước những cái bị văng ra khỏi quỹ đạo chung, quy luật chung. Chị thường xuyên đuổi theo những cái khác biệt sau khi đã phác ra những cái tương đồng. Ở chuyện Bạn cũ người kể tô đậm sự bất thường trong tư thế, dáng vóc của nhân vật Tiếu. Ở Tiếng ru, người kể hướng đến vẻ bất thường trong tính cách của cô bé Thu Hoài. Truyện Từ độ cao tầng mười tám tả nỗi kinh hoàng của nhân vật “anh” khi thấy chiếc cửa kính rơi tự do xuống đất. Tình huống giả định tạo ra cảnh tượng phân vân, lo lắng của một đôi vợ chồng bỗng nhiên gặp nhiều chuyện lạ. Ngôi nhà hoang vắngVường hoang gợi một không khí đượm vẻ liêu trai. Thùng rác kể chuyện P. trở thành một kẻ xa lạ với mọi người xung quanh, và với chính con người thường tại của mình. Kẻ dự phần tập trung tả cảnh một nữ nhân vật bất đắc dĩ phải dự phần vào cuộc sát sinh, đang tìm cách thoát khỏi những cuộc truy sát lúc rạng sáng, sau đó chuyển sang câu chuyện về sự xuất hiện đột ngột của một căn bệnh lạ… Phong Điệp sáng tạo được nhiều sự kiện gây ra chuyện. Truyện của Phong Điệp thuộc loại truyện lạ, chuyện về những ám ảnh, về những cái bất thường trong cuộc sống.

 

Truyện của Phong Điệp đầy âm thanh, đặc sắc trong cách sử dụng ngôn ngữ âm thanh. Âm thanh xuất hiện dồn dập. Âm thanh này gọi gối âm thanh kia. Các âm thanh nối nhau, va đập vào nhau, dội sang nhau, đối lập nhau. Âm thanh trở thành một sự kiện, một kí hiệu đặc sắc của Kẻ dự phần. Phong Điệp không chỉ bị ám ảnh bởi những chuyện lạ, những chuyện bất thường xảy ra trong cuộc sống, mà còn bị ám bởi các loại âm thanh hỗn tạp, chói gắt. Ở truyện Bạn cũ tác giả mặc cho các âm thanh từ căn phòng nửa sáng nửa tối trước mặt phóng thoát ra ngoài, bắt đầu từ tiếng chai lọ leng keng, kế đó đến tiếng tủ lạnh đóng mở, chuyển sang giọng trò chuyện trách cứ. “Điện thoại đột nhiên giãy lên trong túi làm gián đoạn mạch suy nghĩ. Số di động. Rất lạ. A lô. Đến cả phút chỉ nghe thấy gió ù ù. Rồi tiếng người nói như quát...” Âm thanh nhắc nhở chuyện ngày xưa, cảnh ngày xưa, âm thanh đánh dấu cái không gian, đánh dấu con người. Truyện Tiếng ru cũng đầy âm thanh. Âm thanh ở Tiếng ru được tổ chức thành những đợt, những chuỗi. Có đoạn âm thanh kết thành tràng xộc xệch, xung đột: âm thanh của trẻ nhỏ véo von; âm thanh của con bé dở hát sằng sặc, hềnh hệch; âm thanh của làn roi vun vút, ten tét; âm thanh của những cái vỗ tay bành bạch. Có đoạn hỗn loạn âm thanh: tiếng người cãi cọ gay gắt; tiếng vung nồi rơi xoảng trên mặt đất, tiếng cửa nhà trên đóng sập lại, tiếng cạo chảo trong bếp rít lên ken két. Phong Điệp dùng nhiều từ láy và lắp lại nhiều phụ âm đầu để tạo âm thanh. Phong Điệp dùng chất liệu âm thanh để tái hiện hiện thực và bộc lộ thái độ: “một cú đấm gọn, chắc kèm theo một tiếng hự… khoảng sân nhớm nhơ ồn ã tiếng người xen lẫn với tiếng nhổ nước bọt phì phì”. Âm thanh chuyển hoá sang trạng thái phát ngôn, thành tín hiệu báo hiệu sự vận động của chuyện. Âm thanh ở Ngôi nhà hoang vắng đậm đặc, tác giả dùng âm thanh thay cho ngôn ngữ. Có đoạn tác giả biến âm thanh thành những tín hiệu: tiếng kêu re ré của trẻ con, tiếng vun vút của một vật dài, mảnh quất vào không khí, tiếng ho của một người muốn khạc nhổ, tiếng của một vật rơi tõm xuống nước, tiếng đàn mèo kêu gào ẩu đả. Có đoạn tác giả kể về tần xuất xuất hiện của âm thanh: tiếng sập cửa, tiếng ho hắng của đàn ông, tiếng cười nắc nẻ của đàn bà, tiếng nước chảy ồ ồ, tiếng huýt sáo lanh lẻnh chốc chốc lại dội tới… Kẻ dự phần có lẽ nhiều âm thanh nhất, âm thanh xuất hiện từ đoạn mở đầu đến khi kết thúc chuyện: tiếng lợn hồng hộc chạy, rồi kêu hỗn loạn, va vào nhau chói gắt, tiếng dao cạo sồn sột, tiếng xe máy rú ga, tiếng người chửi đổng, tiếng vòi nước xoe xoé xói xuống nền xi măng, tiếng các thợ lò mổ và ông chủ lò mổ rống lên khi bị vật hoá. Âm thanh ở Kẻ dự phần ám ảnh nhân vật tôi, gợi cho nhân vật tôi một ý thức về sự sống, về trách nhiệm. Âm thanh ở Ngôi nhà hoang vắng gợi ra sự tồn tại, sự sống . Âm thanh ở Kẻ dự phần thông báo cho chúng ta biết một cảnh tượng hỗn loạn, kêu van, chết chóc, bệnh tật.

 

Phong Điệp thường đặt nhân vật của mình vào tình huống bỗng nghe được, nghe thấy một âm thanh nào đó, câu chuyện nào đó, cũng có khi nhân vật của chị chủ động nghe và thích nghe trộm. Ở truyện Vườn hoang, hai hồn ma trò chuyện với nhau về những âm thanh mà họ nghe được trong đêm, bắt đầu tiếng cú rúc lên từng chặp thê thiết đến tiếng đào đất huỳnh huỵch, tiếng xẻng ngoạm đất sồn sột, tiếng cỏ ngã ràm rạp, tiếng chuột chạy rần rật và tiếng người thở dốc… Truyện Tầng hai, mở đầu bằng cảnh Phan chủ động lắng nghe những âm thanh vọng từ tầng hai xuống phòng của mình. Cô mường tượng ra cảnh, ra người rất rành rẽ mỗi khi lắng nghe âm thanh đang sôi lên xung quanh mình, đang dội đến nơi mình ở. Tầng hai nhộn nhạo âm thanh, sống động bởi các loại âm thanh. Có âm thanh thủ thỉ của đôi vợ chồng trẻ, có tiếng thở dài đang được cố kìm nén lại, có tiếng khóc, tiếng nấc tức tưởi, tiếng cửa khe khẽ khép, tiếng vòi nước chảy rí rách vào bể ngầm, tiếng ti vi léo nhéo, tiếng gõ bát đĩa lanh canh và tiếng trẻ con khóc… Âm thanh gợi lên ở Phan nhiều nỗi niềm, âm thanh khiến Phan phải ngẫm nghĩ, âm thanh khiến Phan nhớ quê, nhớ nhà và khát khao hạnh phúc. Tựu trung truyện ngắn Tầng hai miêu tả thứ âm thanh có khả năng đánh thức và nâng con người lên. Âm thanh ám ảnh nhân vật của Phong Điệp. Phong Điệp tạo được tính đa nghĩa cho các âm thanh trong truyện của mình. Chị tạo cho các nhân vật của mình thói quen “nằm yên lặng trong bóng đêm, lắng nghe âm thanh”. Đôi khi chị còn khích lệ nhân vật cố gắng làm mọi thứ để có được âm thanh.

 

Có thể Phong Điệp đã viết Kẻ dự phần chủ yếu ở thời điểm đêm về. Truyện của chị đề cập nhiều đến hình ảnh bóng đêm, bóng tối. Tư duy của chị bắt nhạy vào âm thanh, ưa dùng âm thanh để tả một hiện thực nào đó. Âm thanh ở Kẻ dự phần có thể vọng lại từ một hiện thực có thật mà Phong Điệp đã được tiếp xúc thường xuyên hoặc chí ít nó cũng để lại cho chị một ấn tượng, một suy nghĩ đặc biệt. Truyện của Phong Điệp cũng đầy tính nữ. Tính nữ có một liên hệ hay qui định thế nào đó qua con đường của ý thức, của vô thức đến thế giới âm thanh trong truyện của chị.

 

Phong Điệp có lần kể rằng, chị thường nghĩ nhanh, viết nhanh, độ hai tiếng đồng hồ xong một truyện ngắn. Đối với một người ham viết, có một ý thức làm việc thường xuyên, liên tục, đồng thời lại thường ngồi viết giữa lúc nhiều công việc khác đang đợi hoàn thành mà nghĩ được nhanh, nghĩ ra chuyện chắc chắn ít khi nào lại chịu ngồi nhẩn nha viết chậm. Phong Điệp viết nhanh nhưng viết ngắn. Đa phần truyện ở Kẻ dự phần đều rất ngắn. Chỉ có đôi ba truyện có dung lượng dài. Để tạo ra một văn bản dài nếu tác giả không lắp lại sự kiện thì thể nào cũng ghép nối các sự kiện, các câu chuyện với nhau.

 

Câu chuyện viết ngắn không chỉ quan hệ với sự câu thúc của thời gian mà còn liên quan đến chuyện thị hiếu của độc giả, đến chuyện của nội lực, của hơi văn, của tư duy, của thể loại. Viết ngắn mà gây được ấn tượng nổi bật rất khó. Phong Điệp đang nỗ lực vượt qua cái khó ấy bằng cách tìm đến sự bất thường, đến tình huống lạ, sự kiện lạ. Phong Điệp viết văn nhưng vẫn không giấu được cái cách nghĩ ngợi của người làm báo. Tạng của Phong Điệp phù hợp với viết ngắn, nếu viết dài thì phải tạo ra các đoản mạch.

 

Truyện của Phong Điệp giàu tính thời sự, đồng thời bộc lộ rõ một khả năng tư duy nhanh nhạy trước nhiều vấn đề của cuộc sống hiện đại. Phong Điệp đã có nhiều cố gắng tìm tòi trong việc sử dụng yếu tố kì ảo và nén chuyện vào một văn bản ngắn. Rất tiếc ở một số truyện, người kể chỉ đuổi theo cái bên ngoài của sự kiện và để lộ ý tưởng, lộ ngay từ mở chuyện. Không ít truyện trong Kẻ dự phần đã dừng lại ở cái ngưỡng mô tả những gì diễn ra trước mắt, và thiếu hẳn một chiều sâu của sự phân tích, khái quát, tổng hợp.

 

Tác giả: TRẦN THIỆN KHANH

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây