Thơ của những người đang trẻ

Thứ ba - 10/11/2009 23:31 2.855 0

Một vài gương mặt thơ trẻ trong ngày thơ VN năm nay

Một vài gương mặt thơ trẻ trong ngày thơ VN năm nay
Khoảng mười năm trở lại đây thơ trẻ xuất hiện khá nhộn nhịp và sôi động. Nói như nhà thơ Trịnh Thanh Sơn: “Thơ chảy đầm đìa dọc thân hình Tổ quốc” (Thơ trẻ - Sự mất ngủ). Những gương mặt thơ mới, những tiếng nói khác lạ ít nhiều có tác động đến đời sống thơ đương đại, thu hút sự quan tâm của các thế hệ nhà thơ và công chúng yêu thơ. Đó là tín hiệu tốt lành. Vậy những người làm thơ đang trẻ - Họ là ai? Thơ họ nói gì? Họ viết như thế nào?

1. NHÀ THƠ THẾ HỆ A CÒNG.

Họ đang ở  độ tuổi dưới 40 (tôi tạm thời mặc định chủ quan như vậy đối với những người sáng tác thơ), sống, làm việc và học tập trên khắp mọi miền đất nước, nhưng tập trung nhiều hơn ở các thành phố lớn. Không  biết từ bao giờ người ta gọi họ là thế hệ 7X, 8X, 9X. Hầu hết trong số họ  được học hành đào tạo, có trình độ chuyên môn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực xã hội. Họ có nhiều lợi thế hơn các nhà thơ lớp trước. Họ được sinh ra, lớn lên trong bối cảnh đất nước đã ra khỏi chiến tranh, đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế; Được thụ hưởng môi trường văn hoá phong phú, không khí văn chương cởi mở; Được tiếp thu, ứng dụng công nghệ tin học vào đời sống, vào sáng tác, quảng bá thơ. Vì thế ta quen gọi họ là thế hệ A Còng. Những người làm thơ trẻ hôm nay được phát hiện, chăm chút, nâng niu từ các tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật địa phương và Trung ương, từ các khoá đào tạo, bồi dưỡng viết văn; Được  dự hội nghị, hội thảo, bàn tròn; Được dự trại, đi thực tế sáng tác, tham gia các cuộc thi thơ, sân chơi thơ giành riêng cho  giới trẻ. Người làm thơ đang trẻ hôm nay thật hạnh phúc. Xin nêu tên những tác giả thơ trẻ như tôi biết và chưa đầy đủ: Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, Lê Thị Mỹ Ý, Dạ Thảo Phương, Trang Thanh, Phạm Vân Anh, Trương Quế Chi, Lê Ngân  Hằng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Bùi Đức Vinh, Lệ Bình Quan, Đoàn Văn Mật, Hồ Huy Sơn …(miền Bắc). Tú Trinh, Ngô Thị hạnh, Thanh  Xuân, Nhật Quỳnh, Nguyễn Thuý Hằng, Lynh Bacardy, Nguyệt Phạm, Ly Hoàng Ly, Phương Lan, Khương Hà, Trần Lê Sơn Ý, Trương Gia Hoà, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Trung Thành, Huỳnh Thuý Kiều… (miền Nam). Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thuý, Mai Thìn, Quốc Sinh, Đinh Tiểu Lăng, Thanh Tuyền, Mai Trâm, Lam Hạnh, Lê Hưng Tiến… (miền Trung & Tây Nguyên) Trong số đó, có thể một vài người vừa qua tuổi 40, nhưng họ đang viết rất hăm hở, đầy nhiệt huyết. Họ là niềm hy vọng của nền thơ Việt Nam trong thế kỷ này.

2. TIẾNG NÓI ĐA KÊNH

@Tiếp nối mạch nguồn truyền thống:

Thơ trẻ hôm nay như những con suối  nhỏ khi âm thầm, khi thác lũ vẫn tuôn đổ về dòng sông thơ ca dân tộc. Nhà thơ trẻ ý thức sâu sắc mình sinh ra từ đâu, cái gì đã làm ra họ. Cuộc sống hàng ngày hàng giờ hiện đại hoá đến chóng mặt đã cuốn những người trẻ  hoà nhập vào đô thị đầy cám dỗ, nhưng từ trong máu thịt và hơi thở vẫn mãnh liệt một sức sống làng quê: “Sống giữa phố phường không đánh mất nếp quê/ Ngay cả hơi thở tôi cũng nồng nàn mùi thơm rạ” (Khúc hát ngày đi). “ Vẫn thường ám ảnh tôi là chiếc nón mê/ Mẹ chông chênh đội cạn mùa giông bão” (Tự dỗ -Bùi Đức Vinh). Và, những kỷ niệm tuổi thơ mộng mơ, trong trẻo đã trở thành hành trang trên đường dài lặng lẽ chắp cánh đôi cánh tình yêu: “Này con sẻ nâu không biết hót/ ăn thóc gạo của mẹ trên đồng? Khoác trên mình bộ lông màu đất/ giấu hòn bi ve trong suốt tình yêu vào kẽ ngón tay/ cho anh/ im lặng” (Bay lặng im - Trang Thanh). Có những âm thanh vi diệu  ngân lên trong tâm tưởng của người trẻ. Thứ âm thanh của thiên nhiên, mùa màng, vẫn thường nhật quanh quẩn đâu đây, nhưng người ta chỉ có thể nghe thấy bằng tình yêu và sự tĩnh lặng của tâm hồn: “Trong giai điệu nắng/ Gió tấu lên vũ khúc mùa màng/ Ngàn mắt nắng  nhíu mày băn khoăn trên mái lá/ Có bài ca nào vang trên vòm cây” (Mùa thơm - Phạm Vân Anh).

Nhà thơ trẻ Quốc Sinh, trên suốt dặm dài tha hương đã mang theo hình ảnh “bầy trẻ chăn bò” nơi làng quê. Tiếng lách cách của những chiếc roi, tiếng trầm vang bò mẹ gọi con mãi dội về từ ký ức:

“Bầy trẻ chăn bò trở về làng trong buổi chiều mùa đông
chúng kéo những chiếc roi lách tách trên con đường sỏi đất
từng ngõ nhà lên đèn khi hoàng hôn cuối chân trời lặn tắt
còn trầm vang tiếng bò mẹ gọi tìm con trong vườn nhập nhoạng đêm”

Trong khi níu giữ mình nơi hồn quê, phía cội nguồn, người trẻ không tránh khỏi nỗi lo đánh  mất mình. Đây cũng là tâm thế chung của con người thời kỳ hội nhập, trước xu thế toàn cầu hoá. Thật khó phân định ranh giới giữa “hoà nhập” và “hoà tan”. Vì thế người trẻ phải tự  nhắc mình:

“Con là thiên thần của mẹ
Không phải down từ mạng ra đâu
Đừng làm cư dân toàn cầu
Mẹ sợ con đau bé nhỏ”

(Ghi chú về thành phố - Lệ Bình Quan)

Phía sau đời sống ồn ào phù hoa của thành phố là những góc khuất, những mảnh đời buồn. Nhà thơ trẻ cảm thương, trăn trở trước những số phận  người từng giây phút vong thân vì cơm áo:

“Người xích lô chở mặt trời về qua phố
ngả nghiêng câu hát say mèm
Người đàn bà áo nâu xếp mớ rau  già héo quèo sau buổi chợ
Dăm mươi củ khoai lang lăn lóc
Hoàng hôn xếp hình rẻ quạt sau đuôi mắt chân chim”

(Góc chợ - Đinh Tiểu Lăng)

Những câu thơ nặng tình với đời, với người, với quê hương như thế, chứng tỏ những người trẻ không thoát ly truyền thống, xa rời cội nguồn. Mặc dù lao vào cuộc sống hiện đại họ luôn phải phân thân khi đối mặt với rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, không phải cứ viết về nông thôn, hoài niệm quá khứ là trở về cội nguồn. Điều đáng quí ở thơ trẻ hiện nay là thái độ trân trọng, giữ gìn những giá trị truyền thống. Cho dù thơ trẻ diễn đạt bằng hình thức nào, cũ hay mới, truyền thống hay cách tân, nhưng nếu thơ họ chứa  đựng tinh thân dân  tộc thì bạn đọc luôn sẵn sàng đón nhận.

Tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh viết: “Nếu kiếp sau làm người Việt Nam /tôi/ vẫn/ ham/ dù sinh ra đã ở trại giam/ người cứu tôi ra/ là người Việt Nam” (Viết về Việt Nam). Câu thơ “ngồ ngộ”, đúng là cách nói của người đang trẻ, nhưng, ai cũng có thể đồng cảm, chia sẻ và thích thú vì sự thành thực và tình yêu, niềm tự hào, lòng trung thành với Tổ quốc, niềm tin vào phẩm chất nhân ái của con người Việt Nam.

@Cái tôi trong nỗi băn khoăn tìm kiếm nhận diện chính mình

Tôi/ ta là ai? Câu hỏi lớn muôn thuở của kiếp người. Với  người trẻ, câu hỏi này càngthường trực và bức sốt hơn:“Những  được mất, có và không có /Hạnh phúc, khổ đau buồn vui/ cứ mãi là câu hỏi/ Tôi là ai?” (Sao tôi thấy tôi ngày càng giống họ - Đoàn Văn Mật). Nỗi khát khao tìm mình, giải đáp chính mình đã thôi thúc họ đi tìm câu trả lời ở ngoài mình. Họ lao ra biển nhân loại, cuốn vào thế giới vô tận, họ tìm mình trong xô bồ đời sống và cả trong giấc mơ: “Lọt qua kẽ tay/ Tôi muốn nhoài ra biển lớn/ tìm mình”  (Sóng sánh mẹ và anh - Trương Gia Hoà) . “Tôi tìm lại mình trong giấc mơ cong queo hình vỏ quế” (Lẩn thẩn - Khương Hà). Nhưng vẫn còn đó những câu hỏi nhức nhối : “Em là ai mà chưa chính mình” (Chữ gọi mùa đam mê - Nguyệt Phạm). Và, còn đó  nỗi khổ sở, đau đớn, thất vọng trên con  đường tìm mình: “Tôi chạy  mãi không đuổi kịp bóng mình… / Bóng đuổi tôi ngã dúi dụi vào sa mạc toàn nắng là nắng…/ Tôi không nhận ra tôi nữa” (Sự điên rồ của ngày- Hồ Huy Sơn).

Rơi vào trạng thái hoang mang,  hoài nghi,  bất lực, trống rỗng, cô đơn, họ luôn cảm thấy mình bị ngăn cách với thế giơi. Đây là nỗi cô đơn lớn nhất khi người ta trẻ: “Giữa thế giới/ Con người lấy lại thăng bằng bằng hoang tưởng, diệu vợi và ngộ nhận/ Tất cả chúng ta đều bội thực vì u buồn/ Có những nỗi buồn mặt người không nhận diện” (Huyền tích - Vi Thuỳ Linh). Câu thơ này được viết bởi một nhà thơ trẻ ở tuổi mười chín, đôi mươi, nó khiến ta không khỏi giật mình. Nó “đánh động” ở “người lớn” ý thức nhìn nhận lại giới trẻ. Quả thật họ sống không hời hợt, vô tư. Họ khát khao khám phá định nghĩa thế giới. Họ cô đơn vì không  được chia sẻ. Họ rút mình vào cái tôi nhưng vẫn không đánh mất niềm tin.

“Không thấy, không nghe, không hiểu,
là những gì tôi rút ra từ cuộc sống này.
Dưới bầu trời, chiếc gương sẽ thấy, sẽ nghe, sẽ hiểu
những lời không được thốt qua môi”

(Bầu trời và chiếc gương soi - Lê Thị Mỹ Ý)

Nhưng người trẻ không nhốt mình mãi trong cái sự “không hiểu”. Cuộc sống với những vòng quay khổng lồ, luôn tạo nên những va đập, tác động lên con người, mà người trẻ cũng không phải là ngoại lệ. Họ ngộ ra cái vòng luân hồi sinh diệt muôn thuở của kiếp người:

Trên tấm phản gỗ màu nâu ông lão hát vang
Ta là người trẻ nhất của kiếp sau
Mà vẫn là người trẻ nhất của kiếp trước”

(Những người trẻ nhất - Nguyễn Vĩnh Tiến)

Bớt đi những nôn nóng tìm lời giải đáp, những ngộ nhận, những tuyên ngôn to tát về lẽ sống, thơ trẻ cũng dần đằm lại, bình tĩnh và sâu hơn bởi những trải nghiệm:“Con đường không hiểu được vì sao những bàn chân đi qua đều dần/ về cái/ chết/ mà mình lại sinh ra dưới những bàn chân”. (tập thơ “Căn phòng vàbóng tối” - Lê Thị Mỹ Ý).

Bàn chân sinh ra con đường, và chính bàn chân lại bước trên con đường ấy để đi về cái chết. Đó là một  nghịch lý, nhưng nghiệt ngã thay đó cũng là sự thật.

Thơ trẻ hôm nay có những nỗi buồn, những dằn vặt và phát hiện đời sống với một chiều sâu văn hoá rất đáng để người đọc suy ngẫm.

@Thơ tình thời mở cửa.

Sống hiện đại thì yêu hiện đại. Đã  qua cái thời tỏ tình vòng vo, mận đào ẩn dụ. Tuổi trẻ hôm nay yêu cuồng nhiệt say mê, thẳng thắn, bộc trực, phơi  mở hết nỗi lòng khát yêu, khát niềm ân ái và đau đớn chân thành:

“Anh yêu của em ơi/ Em yêu anh điên cuồng/ Yêu đến tan cả em/ Ào tung ký ức… /Em nghe thấy nhịp cánh êm ái ân/… Về đi anh/ Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh/  Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn trĩu nặng/… Em lặng lẽ dệt hạnh phúc  từ nỗi buồn - những sợi tầm gai - không ai nhìn thấy/ Gai tầm gai đâm em đau đớn/ Em chờ anh mãi…” (Người dệt tầm gai - Vi Thuỳ Linh)

Khi yêu, người trẻ, vượt ra khỏi mọi rào cản, mọi định kiến, yêu hết mình, khẳng định mình, dù thất bại, hay hơn nữa, những hiểm nguy rình rập bên mình: “Em muốn delete tình yêu/ Tuỳ anh có hiểu hay không hiểu vì sao em làm thế/ Con rắn trong em  trườn qua xác chết, trườn qua hết thảy mọi định kiến/ Con rắn ngóc đầu nguyền  rủa dòng máu đỏ/ Em vẫn yêu thương đến nhu nhược vì anh/…/ Vẫn là nỗi  bất an phía trước - lưỡi dao ngước nhìn em, rình rập hiểm nguy” (Em muốn - Ngô Thị Hạnh) 

Thơ tình của người trẻ hôm nay đã ít đi tiếng nói dịu dàng thơ mộng kiểu ngợi ca tình yêu ngọt ngào, xuôi chiều mát mái. Bao trùm hơn là tiếng nói quyết liệt, táo bạo, bột phát từ những hoàn cảnh bức bối,  tréo ngoe, buộc người trong cuộc phải tỉnh táo, nhận diện, cắt nghĩa, bình giá và cả cảnh báo, nhất là tiếng nói của thơ nữ trẻ: “Em/ không là đối tượng anh chiếm đoạt rồi treo bảng coi chừng chó dữ/ là chủ thể bên ngoài anh tham lam thống trị/ không là cánh đồng anh lục xục xới đào rồi bỏ quên mùa màngcho cỏ hoang/…/ Em là mùa xuân, mùa xuân” (Không là cái giống thứ hai - Thanh Tuyền).

Và đằng sau những ngôn từ bạo liệt ẩn nhẫn nỗi đau âm thầm của những tâm hồn bị tổn thương khi cay đắng nhận ra “Người đàn bà không một tính từ che thân” (Quả táo). “Không thánh thiện/ Không thơ mộng/ Tôi yêu/ Bằng một trái tim đàn bà/ Trái tim nặng nhọc/ Một bước đập/ Một bước đau”. (Ngày thứ ba - Dạ Thảo Phương).

Cũng vì những bức bối của tình yêu trong đời sống hiện đại, thơ trẻ nói về tính dục, như là một cách tự giải thoát. Còn nhớ cách đây vài năm, Vi  Thuỳ Linh viết “Khoả thân trong chăn thèm chồng”, bạn đọc bị “xốc”, không ít ý kiến phê bình. Vậy mà nay, chuyện ấy xuất hiện khá nhiều trong thơ trẻ, hình như không còn ai cảm thấy xốc nữa. Thực ra thơ tính dục không có gì mới ở Việt Nam, càng không mới đối với thế giới. Lam Hạnh viết:

Vú nóng
Người đàn bà dán thân thể nâu bóng vào nỗi đợi
Ngày thứ 22 mẩy căng, phỏng rộp
Nhớ

          …

Bụng tròn
Tiếng  thở dài úp mặt thầm thĩ giấu
Đôi má hực sắc đỏ
Rốn hở da căng cánh buồm no gió
Ngày thứ 22 dựng lên trên đỉnh cọc
Đợi

           

Xé toàng toạc ẩn mật đàn bà đàn bà
Con chim bay vọc vào nỗi ngượng ngùng
Một tấc hai
Xa hơn nghìn trùng đường đi ánh sáng”

(ngày thứ 22)

Một số nhà thơ trẻ cho rằng thơ nữ viết về tính dục là  trạng thái  tinh thần nổi loạn khi bị ức chế, và họ muốn “xé toang bức màn truyền thống” để  giải phóng phụ nữ. Họ viết thơ tính dục cũng như Hồ Xuân Hương từng viết cách đây hơn một thế kỷ. Tôi tin bạn đọc hôm nay có thể chia sẻ với ý kiến trên đây. Bởi vì không có gì thuộc về con người lại xa lạ với thơ. Và thơ cũng không phải là những bài giảng đạo đức. Nhưng nếu cho rằng thơ tính dục giải phóng phụ nữ, thì có cái gì đó khập khiễng và chưa thuyết phục. Lại nữa, trường hợp thơ tính dục của Hồ Xuân Hương cũng rất táo bạo, quyết liệt như một thứ vũ khí giáng vào chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ. Nhưng Hồ Xuân Hương diễn đạt bằng hình ảnh ẩn dụ, ví von, cách nói của văn hoá dân gian. Người đọc tiếp nhận yếu tố tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương thông qua tưởng tượng nên không cảm thấy dung tục mà chỉ thấy sự thông minh sắc sảo và tinh thần phản phong mãnh liệt của nhà thơ.

Có lẽ, đây là vấn đề mở, sẽ còn nhiều bàn luận. Nhưng dù sao người viết cũng nên quan tâm đến sự tiếp nhận của người đọc.Và trên thực tế, thơ trẻ không ít lần tự vấn lương tâm sau những vấp ngã, sai lầm, trả giá cho lối sống hiện đại, yêu hiện đại:

“Những đứa trẻ không được chào đời
Nó vẫn là những bào thai  ngày hai tháng tuổi
Cuộc sống xoay vòng tuần hoàn, xám hối.
Em bán tình yêu đổi lấy một nhúm tro
Anh, tuổi trẻ dại khờ

(Thiên thần vỡ - Hà Thị Hằng)

3. THOÁT RA KHỎI NHỮNG “CÁI KHUNG”

Thơ trẻ không băn khoăn lập tứ, không vật vã “ý tại ngôn ngoại”; không nhốt câu thơ, dòng thơ trong những “cái khung” quen thuộc; nhịp điệu thơ biến đổi đột ngột, bất thường; từ chối những “giai âm” du dương ảo não, sướt mướt; thiên về trực cảm và đậm đặc ngôn từ “chói gắt”.

Trần Lê Sơn ý tự bạch: “Tôi thích sự không chặt chẽ của những sự kiện, thích sự từ trên trời rơi xuống, thích nhìn mình bị dắt đi không định trước…và không toan tính, không gò bó”. Mặc dù từ tuyên ngôn thơ đến thơ là một khoảng cách, nhưng với quan niệm như vậy thì việc làm thơ đối với người đang trẻ không phải là vấn đè “nghiêm trọng” lắm. Họ làm thơ một cách tự nhiên, không chuẩn bị trước, không gò bó. Khi cảm xúc dâng lên, họ để nó tự do trào ra ngọn bút, không cần điều khiển, tiết chế. Người trẻ hôm nay nhìn cuộc sống một cách chân thật hồn nhiên, phát hiện và tái hiện những vẻ đẹp, những cái lạ lẩn khuất giữa đời thường nên gần gũi với đời sống, nó không làm cho hiện thực trở nên “thiêng liêng hơn” so với vốn có và nó đang từ chối quyết liệt những lối mòn. Đây là một đóng góp rất đáng ghi nhận của thơ trẻ.

Phan Huyền Thư viết:

“Tự phá vỡ đối xứng
bằng nón nghiêng, quang gánh lệch và mắt nhìn ngang
Huế như nàng tiên câm
khóc âm thầm không nói
Muốn thì thầm vuốt ve thật khẽ 
lại sợ chạm vào nơi nhạy cảm của cơ thể Việt Nam

(Huế)

Thơ viết về Huế nhiều, rất nhiều, nhưng viết về Huế kiểu “phá vỡ đối xứng” bằng cách nói lạ như Phan Huyền Thư thì thật hiếm, và thật khó quên. Với những tìm tòi, thử nghiệm thơ trẻ đã góp phần làm thay đổi thói quen đọc thơ trơn trượt theo vần điệu, cảm xúc, mở rộng biên độ tiếp nhận những giá trị thẩm mỹ trong thơ.

Có lẽ chưa có cơ sở để dự cảm về một cuộc “cách mạng”, hay một phiên “đổi gác” thơ. Nhưng không thể phủ nhận rằng thơ trẻ đang góp phần vào sự chuyển mình của thơ Việt Nam đương đại. Tuy nhiên các ý thức làm mới về hình thức diễn đạt của thơ trẻ không có nghĩa là cách tân thơ. Bởi “hạt nhân” của đổi mới phải ở tinh thần mới, ở hồn cốt mang tâm thế thời đại của nhà thơ. Đúng như nhận định của nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn: “Cái chính là một tinh thần mới cho thơ thì các nhà thơ trẻ lại chưa có”.

Tác giả: Lê Khánh Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây