Đi săn hay là tìm lại thiên lương?

Thứ sáu - 31/07/2009 12:16 2.338 0

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Vẫn là lối viết thản nhiên và trung hòa không tô vẽ, Nguyễn Huy Thiệp một lần nữa tạo dấu ấn trong lòng độc giả với "Muối của rừng". Một ông lão 60 tuổi cô độc vào rừng đi săn. Và trong cuộc đi săn ấy ông đã gột rửa được chính mình và tìm lại được phần người trong ông.

“Sau Tết Nguyên đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng, vừa tình cảm... Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da”. Đó chính là thời gian thích hợp cho ông Diểu bắt đầu cuộc hành trình đi săn của mình.

Trong cuộc hành trình “ở tuổi sáu mươi, với khẩu súng mới, đi săn trong rừng vào một ngày xuân kể cũng đáng sống”, ông đã bắt được một chú khỉ - nếu như chỉ dừng đến đó thì cuộc đi săn đơn giản chỉ là cuộc đi săn. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã dẫn chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Điều ngạc nhiên đầu tiên là suy nghĩ của ông Diểu khi nhìn thấy con khỉ đực: “Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cọc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! tên bạo chúa khốn nạn!” và khỉ cái “Bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm… Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất. Điều ấy thật giản dị và đẹp. Nhưng điều ấy lại đầy xót xa…”. Đó là những con vật không phải con người nhưng ông Diểu đã nói lên những đặc tính giống như con người. Phải chăng những cảnh tượng đó đã khiến ông liên tưởng đến con người, đến đặc tính của họ. Hình như trong cuộc đi săn, ông đã mang những chua chát, đắng cay của cuộc đời đi theo rồi nhìn vào thiên nhiên để liên tưởng và đánh giá nó thì phải?

Khi bắn trúng con khỉ đực, “Sự hỗn loạn của đàn khỉ khiến cho ông Diểu sợ hãi run lên. Ông vừa làm điều ác. Chân tay ông rủn ra, giống cảm giác như người vừa làm xong việc nặng”. Cứ tưởng, khi bắn trúng được con mồi ông Diểu sẽ vô cùng sung sướng mà reo lên hạnh phúc với thành tích mà mình đạt được. Đó là cảm giác mãn nguyện của người đi săn khi bắt được con mồi đầu tiên. Vậy mà ông lại sợ hãi mà run lên. Ông đang nghĩ gì hay đang cảm thấy đau đớn, xót xa? Cái bản năng của con người đó là lòng lương thiện lại trỗi dậy trong ông vào lúc này sao, trong cuộc đi săn?

Cuộc rượt đuổi của ông với chú khỉ con để giành lại khẩu súng đã đẩy chú khỉ con rơi xuống vực sâu. "Ông Diểu tái mặt, mồ hôi toát ra như tắm. Ông đứng trên miệng vực nhìn xuống rùng mình. Từ dưới sâu hun hút vang lên tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ. Trong ký ức của ông chưa hề có tiếng rú nào tương tự như thế này. Ông Diểu lùi lại kinh hoàng”. Cái cảm giác sợ bởi mình đã làm một điều ác nữa trong ông trỗi dậy. Ông hoảng loạn và bỏ chạy, ông bỏ chạy cảm giác sợ sệt, cảm giác tội lỗi khi làm một điều ác chăng?

Bất chợt ông vui mừng khi nhìn thấy con khỉ đực bị thương nằm trên mỏm đá. Ông đã leo lên khó nhọc và cố gắng hết sức đến khi lên đến nơi trên người ông chỉ còn lại một chiếc quần lót. Bắt được con khỉ đực nhưng thiên lương trong ông lại trỗi dậy khi nhìn thấy sự cầu cứu của nó. Ông băng bó lại rồi lấy manh vải cuối cùng trên người để cứu sống nó. Đọc đoạn "Nó cứ giãy giụa, nó làm cho ông khổ vô cùng. Ông Diểu mệt lả, ông không còn sức giữ con khỉ nữa. Hai tay con khỉ cào trên ngực ông toé máu. Cuối cùng, không thể chịu đựng nổi, ông đành tức giận ném nó xuống đất”, tôi chợt nghĩ đến sự giằng xé xấu - tốt, quyền lợi - trách nhiệm trong mỗi con người. Bởi trong con người luôn luôn tồn tại “rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” cái tốt và cái xấu cái nào mạnh mẽ hơn sẽ chiến thắng. Thiên lương có thể lúc mạnh lúc yếu nhưng luôn sống trong con người, nó là sợi chỉ vô hình giữ con người khỏi cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời. Ông Diểu đến lúc này chợt nhận ra “Hóa ra ở đời trách nhiệm đè lên từng mỗi sinh vật quả thật nặng nề” và “buồn tê tái đến tận đáy lòng”. “Thôi tao phóng sinh cho mày”. Tôi chợt nhớ đến triết lý của đạo Phật "quay đầu là bờ". Hành động ấy của ông Diểu như một kết quả tất yếu khi lương tâm được đánh thức. Con người “rồng phượng, thiên thần” trong ông đã chiến thắng cái con người “ rắn rết, ác quỷ” kia để rồi ông quyết định làm điều thiện, đó là “phóng sinh”.

Bước ra khỏi rừng trên người không còn một manh áo che thân, trần trụi như một đứa trẻ vừa mới sinh ra đời. Cuộc đi săn đã tẩy rửa ông và ông đã rũ bỏ lại tất cả với một tâm hồn trong trẻo, một âm thanh trong trẻo phát ra “phóng sinh”.

Đoạn kết truyện thật hay với hình ảnh hoa tử huyền, “Ông Diểu dừng lại sững sờ. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc”. Hoa tử huyền chỉ là một hình ảnh trong trí tưởng tượng của tác giả mà thôi nhưng nó lại là một hình ảnh đẹp cho một tâm hồn đẹp. Thiên lương trong ông đã tìm về.

Tác giả: KIM KHUYÊN

Nguồn tin: eVăn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây