Thơ trẻ 3600 !: Xoay và xoáy

Thứ sáu - 25/09/2009 21:50 2.516 0

Thơ  trẻ 3600 !: Xoay và xoáy

(Đọc "Thơ Trẻ 3600". Nxb Hội nhà văn, 2009)

1. Sự ra đời của tập thơ (chính xác là tuyển/tiếng thơ của 8 gương mặt) không bất ngờ, nó đã được báo trước từ Sân thơ trẻ tại Văn Miếu 2009. Nhưng nếu ở Sân thơ, nó là sự xé lẻ một hệ thống thi ngữ này để đan cài vào các hệ thống thi ngữ khác trong một vận động có xu hướng chính là cộng hưởng thì ở Tập thơ, sự cộng hưởng này lại được tạo từ các pha riêng, các mảnh ghép độc lập, vừa có khả năng lướt, xoay đi như cái “sự tuyển„ cần/biết phải làm thế, vừa tự tin trưng dụng những nét sắc, nhanh và xoáy như mỗi cái Tôi tự ý thức được là phải thế. 8 gương mặt, bỏ qua giới thiệu nghi thức và cả việc thống nhất số lượng bài, họ, ở Thơ trẻ 3600!, mải miết tập trung vào câu chữ và giọng điệu của mình, tự chủ và ngắn gọn, xáo động và lắng đọng.

 2. Đa số, với một tuyển thơ, dù ở tiêu chí nào, ít nhất cũng phải tìm được cái tứ (có khi gọi là chủ đề), một tiết diện và tiết điệu chung. Nó như cột trụ chính để, nếu có thể, các chi nhánh dòng mạch lan tỏa, bung nở các hiệu ứng và phản ứng khác nhau. Với độc giả, cột trụ chính ấy, thường gây nên cảm giác xoay. Xoay vì, thứ nhất, họ thích quan sát cái tổng thể, cái phông nền mà bản thân mình, dù để trí nghĩ thả lỏng vẫn nắm bắt và lĩnh hội được. Thứ hai, ở mức độ cao hơn, họ bắt đầu khám phá, tái hiện lại những thu nhận riêng tư để có phát hiện độc đáo. Như thế, trong cả hai trường hợp, xoay đều có tác dụng tạo ra lực li tâm cuốn/xoáy mình vào đó, dìm kín mình bởi dòng chữ, dòng nghĩa mà tuyển thơ đưa lại. Với Thơ trẻ 3600!  thì cảm giác xoay, theo tôi, xuất phát từ chính hồn vía của tuyển thơ này: tình điệu và tiết điệu trẻ.

2.1. Là trẻ, họ dấn thân các thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm, dù bất an, vẫn là sự phát hiện chính mình và sau đó, là phát hiện trong cảm xúc thi ca. Thử nghiệm đầu tiên: chọn tiêu đề cho bài thơ. Với Điệp Giang, đó là các kí hiệu: FF(n+1), FF3, Entry for September 16, 2008; với Lệ Bình Quan, đó là:Phụ lục 4, Ghi chú... Ta thấy rằng, các tiêu đề này không tiết lộ gì về nội dung bài thơ (như truyền thống), nó chỉ tồn tại như một mã, ngẫu nhiên và rời rạc. Nhưng tự nó, ngạc nhiên thay, lại là một biểu hiện của ý thức thẩm mĩ và bản thể: người viết chủ động gắn mình với cái bình thường, cái không có nghĩa, không quan trọng..., như là một nhu cầu tự thân đối thoại lại với quan trọng, cái có nghĩa, cái trung tâm. Trong cuộc đối thoại ấy, có sự xác lập những tiền đề giá trị mới. Cho nên, nói tình điệu trẻ, ở phương diện nào đó, là nói đến những tiếng nói nội tâm muốn chối bỏ sự thật cũ kĩ, nhàm chán.  

Thử  nghiệm thứ hai, diễn ra quyết liệt hơn, là chống lại các thể tạng và cảm giác cố hữu vốn đè nặng đời sống con người. Nguyễn Anh Vũ, trong Tiếng chim Quyên qui, có một ý nghĩ rất thông minh:Cuối bản Poong - kọn cứ quyên qui da diết / anh muốn nghe thành “quên đi„ không được (Tiếng chim quyên qui, tr.10)

Ý nghĩ thông minh bắt nguồn từ trong cách chuyển âm, chuyển nghĩa bất ngờ mang tính đối nghịch ("quyên qui", "quên đi") để rồi, như một nỗ lực, anh muốn thay thế, ruồng rẫy nỗi nhớ bằng sự quên. Dẫu bất thành thì nó, nỗ lực ấy, nói lên sự phá dỡ những mặc định. Dĩ nhiên, trong lúc đưa nét bút biến quyên qui thành quên đi ấy, tự trong thẳm sâu chủ thể trữ tình vẫn còn đó một thái cực luyến tiếc (nhờ những nhịp ngắn, vần biến chuyển liên tục: qui - ấy - mẩy - qui - đi - chảy- vải - chàm- làm - khói- đói - chim - im - lạc - ngác - sàn - thang...) và một thái cực lưỡng lự, phân vân. BàiXin lỗi là giải thiết về những sự lựa chọn, "hoặc" thế này, "hoặc" thế kia giữa những cặp đối nghịch, nghe rất dứt khoát nhưng thực ra lại là sự lưỡng lự trong cách sống. Ở bài Cầu an, sự phân vân lớn đến mức, nó chi phối cả hình thức câu thơ, chia những nỗi ưu tư thành từng khúc, từng đoạn vào trong những câu lục bát bị bẻ dòng. Tính cách lưỡng lự ấy phải chăng bắt nguồn từ trong tâm cảm, vì"thiền tâm khoác áo nửa mùa", cho nên "cầu an mà thấy lòng người không an"...

Cũng với ý tưởng phá dỡ mặc định, trong bài Phụ lục 4, Lệ Bình Quan chủ ý đưa ra những khả thể lựa chọn: Trăng (cầy) tơ; Con Cún nằm nghĩ/hay nghỉ?; Tôi đã xin vui một phần/hay phân; Cho ngọn đèn hết thúc giục/dục sáng (tr.78). Những khả thể lựa chọn được đặt trong dấu ngoặc hoặc dấu sổ là một lời mời gọi với độc giả. Việc sử dụng dấu câu ở trường hợp này, vì thế, không phải là nghịch chữ mà là một thao tác - điều mà hiện nay người ta dường như dùng càng ít càng thấy thỏa mãn, nó tạo ra nhiều nhịp, biến đổi liên tục, chênh chếch, chênh vênh. Thực ra, sử dụng đắc địa dấu câu là khó, giống như cầm cương ngựa, ngựa không cương là không biết giới hạn của ngôn từ. Thơ, đôi khi phải đợi chờ từng dấu câu để có một cái mới (ít nhất về hình thức) như hội họa đã đợi chờ cái ria trên khuôn mặt Mona Lisa để có một cái mới (ít nhất về giễu nhại).

2.2. Trạng thái bất an, có thể nói, là mẫu số chung của người trẻ, dẫu, xét đến cùng, nó không phải là một bí mật tâm lí dành riêng thế hệ cầm bút nào. Nhưng bất an trong xã hội hiện đại vận hành bằng qui chế đặc trưng: thái độ chung sống và chấp nhận với các vật liệu thô ráp nhất của cảm giác (phone, mail, web). Nghĩa là, một hiện thực đa tầng và các phát kiến đã hợp quần cho cái tôi thưởng lãm. Thơ trẻ 360! viết rất hay về điều này:

Chang chang ngày/ngột ngạt tình nhân, bụi  đường, khói thuốc/ngón măng ngủ  vùi chủ nhật/thêm một họa tiết gầy (Mê khúc, tr.22);

Thức  đợi dòng tin nhắn trôi lập lờ  trên màn hình vô cảm/...098.../Mã  hóa những cái tên/Mã hóa những dòng kí  tự/ Mã hóa tất cả/...trừ  số thuê bao lạ (Trở gió, tr.28)

Ở đây, ta thấy, cuối cùng, người trẻ qua việc chống lại thể tạng cũ, đã tự thiết kế cho mình một tâm/tư thế mới: bung – bung khỏi đế giầy, bung cái nhìn, bung lời nguyền, bung giấc ngủ... Bung, chỉ có thể như thế, mới đem đến một mùa „trở gió“ và dự báo một khả năng bùng cháy. Xét ở điểm khác, khi phải rời xa quê nhà (nơi sinh thành), quá khứ đã là mất mát và ngẫu nhiên được sắp xếp vào một chốn tạm dung, nơi là đời sống đô thị thì chỉ cấy ghép vào nỗi mất mát kia một hiện tại bung tấy lo âu: Con là thiên thần của mẹ/Không phải down ra từ mạng đâu/Đừng làm cư dân toàn cầu/Mẹ sợ con đau bé nhỏ (Ghi chú về thành phố, tr.80)

Một khi thực tại là bất an, tình điệu của người trẻ  có xu hướng hoài niệm và hoài niệm trở thành hành vi trung tâm của các giác quan, giữa vô số những biến động và đổi thay không lường trước, nó vẫn tồn tại như thể lần đầu tiên nó được phân công giữ ngọn lửa sự sống trong người viễn xứ. Ở Thơ trẻ 3600!, Nguyễn Quang Hưng tạo lập và biệt lập bởi một không gian chuyện xưa tích cũ. Những Tấm, Thị Kính, Châu Long, Xúy Vân, hoàng hậu... Này là cờ quạt, ngựa người, tướng, lính, vườn thị, bãi Tự nhiên, yếm, hài, bống ... Anh tái dựng không gian đó bằng lối nói, lối hỏi rất tự nhiên, bằng cả những dao động của tâm linh: Tấm ơi! Em còn hát không ?/ Xúy Vân chạnh lòng biết nói năng gì?/ Về bãi Tự Nhiên vùi mình trong cát/Đợi em ngự duyên hoàng hậu ngược dòng... (Lỡ hội, tr.50). Chất diệp lục của hoài niệm, cái có thể hấp thụ những suy tư, chiêm nghiệm tốt hơn, thường được anh nương theo những làn điệu dân ca quan họ đong đẩy, bồng bềnh. Có lẽ anh thích sử dụng vần bằng:Hoa bay hư vô thinh khôngBa quan thuyền nan đi không về ? / Hồi xuân xưa đong đưa à ơi! ...; thích sử dụng những hình thức đối xứng: duyên bạc yếm hồng, Cột dọc kèo ngang, Rồng hạc về trời, mây mở / Sấm rền mầm mạ lúa đòng, phận nổi duyên chìm, tháng khuyết năm tròn... Đến đây, hoài niệm quê nhà, kể chuyện xưa tích cũ không đơn thuần là lời độc âm quá khứ, nó là dụ dỗ đa âm từ phía hiện tại bởi những liều lượng văn hóa vùng miền. Nguyễn Quang Hưng, từ Vườn ánh sáng đến các bài thơ trong tuyển này, có thể thấy, đã có một vùng xoáy âm sắc châu thổ sông Hồng, và nó, luôn muốn tường trình số phận mình và qua đó, muốn thúc giục lắng nghe.

2.3. Là trẻ, sau cuộc dấn thân, họ trở về với những điều giản dị, trong trẻo, tươi tắn. Thơ trẻ 360!vẫn cho thấy sức hấp dẫn của dòng cảm xúc trữ tình nữ tính. Đó cũng là điểm nhấn tạo nên sắc thái và tình điệu chung tuyển thơ này. Những dòng thơ của Huyền Minh, Nguyễn Phan Quế Mai, Thụy Anh, nhờ nét cổ điển và hồn hậu của mình, đã kịp gửi tặng độc giả niềm thanh tâm. Một Huyền Minh hồn nhiên chân thật nên ung dung tự tại: Mọi đỉnh núi/ đều thấp hơn đầu gối (Điều giản dị, tr.38); một Quế Mai hối hả, trong lành thể hiện qua nhịp ngắn, nhanh và cách nhân đôi từ trong cùng một dòng: cùng ta cùng hoa, neo ta, neo ta, Hàng hàng ngô khoai, Bạt ngàn lúa lúa, Thênh thang thênh thang tiếng con cười nói / Líu lo líu lo tiếng con hờn dỗi ... (Nói cùng con, tr.107); một Thụy Anh yêu thương, da diết, yếu đuối trong những câu tuần tự dãy cú pháp chuẩn mực, dài và thanh sắc dàn trải nhịp nhàng: Nào dám đánh đổi giọng ca lấy tình diệu vợi! / Nào dám đánh đổi bình an lấy sóng cả nước ngầm!/ Yêu như nàng tôi chẳng dám đâu! (Nàng tiên cá, tr.90). Tôi nghĩ rằng có một thời/ hay đâu đó người ta nghĩ đến làm thơ là cứ phải tạo lập ra một hình thức mới, thơ là phải tân kỳ, thơ là kéo theo một lý thuyết hay phục tùng một lý thuyết. Nhưng như vậy cũng là một cách ép thơ. Bất chấp đòi hỏi khiên cưỡng và chưa phải là cốt tử đó, những giọng thơ vẫn mọc lên một cách tự nhiên - là chính nó, đấy đã là một hạnh phúc trên đời, một tin yêu trên hành trình sáng tạo.

3. Quả đúng, Thơ trẻ 3600! sẽ chưa gây dư chấn về cái gọi là cách tân. Thơ Việt trong nước hiện thời, để xuất hiện cùng lúc nhiều cây bút không ngại thủ tiêu hệ đo thẩm mĩ cũ và tranh thủ cập nhật những yếu tố mới, coi cách tân và thử nghiệm là thước đo phản ánh khả năng giải thoát, có lẽ cũng là câu chuyện nan giải.

Tác giả: Mai Anh Tuấn

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây