Nguyễn Đinh Văn Hiếu với tình yêu văn hóa miệt vườn

Thứ năm - 24/03/2022 04:07 1.649 0
Xuất thân thầy giáo mang tâm hồn thi sĩ, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Trà Vinh phong phú, đa dạng về văn hóa, nên thế giới thơ của Nguyễn Đinh Văn Hiếu (Viết theo thể thơ 1-2-3) vừa nghiêm cẩn vừa lãng mạn, vừa nắm bắt những vấn đề thế sự vừa có chiều sâu suy nghiệm tâm thức. Có ba đề tài trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong tập thơ đầu tiên của anh Thủ thỉ phù sa (NXB Hội Nhà văn 2022): cội nguồn quê hương, tình yêu gia đình và lứa đôi, những trăn trở về đời sống xã hội hiện đại.
Bìa tập thơ "Thủ thỉ phù sa" (NXB Hội Nhà văn 2022)
Bìa tập thơ "Thủ thỉ phù sa" (NXB Hội Nhà văn 2022)

Đất mới phương Nam huyền thoại là đề tài và thi hứng không bao giờ cạn. Bằng sự nâng niu, trân trọng mảnh đất nơi mình sinh trưởng, Nguyễn Đinh Văn Hiếu đã tái hiện sinh động đời sống văn hóa miệt vườn, mà giới hạn ở đây là Trà Vinh quê hương với những địa danh, câu chuyện mộc mạc và bí ẩn. Đó là truyền thuyết ao Bà Om “Mây mẩy vòm ngực căng tròn mồ hôi áp dính lần nếp áo/ Cổ thụ cuồn cuộn nổi hòn bao ngần ấy vẻ đẹp trần gian/ Từ cuộc thi hồi nảo hồi nào thay đổi tục lệ cưới xin”. Đó là sự mê hoặc của “Vọng cổ xuống hò váng mặt sông lênh láng cống xự xang/ Dấu chân cha ông mở đất hiện trong hình hài bãi tiên/ Mặc kệ con vịt con gà, vải vóc sau xuồng vừa bị cuỗm”. Và đó là sự giao hòa, quyến rũ của thiên nhiên, ẩm thực lẫn nghệ thuật và nhan sắc:

Theo em qua Long Bình một tối mưa

 

Rượu Xuân Thạnh đầu bờ mới nhắm đã tê

 đầu lưỡi

Miếng tôm khô Vinh Kim mặn mòi thấm dịu

bờ môi

 

Rẽ giồng cát hai bên xanh mượt đưa anh

vào phum sóc

Hôi hổi nồi canh xiêm lo rau rừng khói bốc

đến tận lòng

Kèn trống rộn ràng xui điệu Răm Vông

phập phồng mưa ấm.

Ẩn sâu dưới lớp bụi thời gian hay đang hiện hữu trong đời sống thì mọi giá trị văn hóa đều là cơ sở kiến tạo thế giới này. Đó cũng là chất liệu phong phú muôn đời cho thi ca. Nhà thơ có bổn phận khai quật, bảo tồn những giá trị văn hóa ấy bằng ngôn ngữ riêng mình. Biết lắng “Nghe thời gian hóa đá xa xăm” Nguyễn Đinh Văn Hiếu đã tái hiện vẻ đẹp ngôi chùa Khmer cổ kính lớn nhất miền Tây ở Trà Vinh:

Sấp hôm mai gom lại dưới mái vòm

Trời cong vút ngàn năm trầm tích

 

Lớp lớp rêu phong phủ bào thân gạch vữa

Phật nghiêng tai nghe trần thế sắc không

Chùa Vàm Ray chiều đổ chụp mênh mông.

Và cả những di sản văn hóa phi vật thể kỳ bí dưới góc nhìn của nhà thơ cũng khác biệt:

Khi đèn lồng gió lên cao

 

Ok-om-bok trăng tròn gương mặt thiếu nữ

Điệu Lâm Thôn uốn cong từng ngón tay thon

 

Long Bình hò dô dậy khúc sông thúc

ghe ngo tóe sóng

Vị cốm dẹp trộn dừa béo ngọt môi ngon

Em kiêu kỳ bước ra từ huyền thoại ao Vuông.

Cảm thức được vẻ đẹp văn hóa cội nguồn, Nguyễn Đinh Văn Hiếu tỏ lòng thành kính với tổ tiên: “Nhớ mấy thuở cha ông chèo ghe đặt lợp/ Khai phá Gia Định – Nhà Bè lau sậy hoang vu/ Thành hình hài nên hòn ngọc long lanh”.

Không chỉ nhớ ơn người xưa khẩn hoang mở đất tạo dựng hình hài đất nước hôm nay, anh còn biết ơn và thấu hiểu nỗi lòng của người sinh trưởng nên mình:

Những giọt ấm nồng không để gọi tên

 

Giọt nước mắt má giấu hằng thế kỷ

Ướt lòng con hôm mai khi chăm chút đàn con

 

Con có thấy đâu má quay mặt về phía không

Để ngăn lệ chảy trong bờ mi sâu hoắm

Sao giờ đau thắt ngực ngày sau?

Chẳng hiểu do đâu người Nam Bộ hay gọi mẹ bằng má, nghe mênh mang như sông nước Cửu Long. Hình ảnh của bà má cũng có gì đó khác biệt như văn hóa đất mới phương Nam, mà Nguyễn Đinh Văn Hiếu dựng chân dung và lý lịch: “Học hết lớp ba trường làng, mười một tuổi đi ở đợ/ Đọc truyện Quỳnh Dao, Hồ Biểu Chánh lúc việc lơi”, rồi từ văn học tới ảnh hưởng của sân khấu cải lương: “Tóc thả đen dài như tóc Thanh Nga/ Con vừa tròn tháng má nách hai bên hai bao lúa”. Từ trong khó nhọc của “Sợi dây thâm tình rung nhịp yêu thương” má đã dạy cho con sự tự lập vững chãi để “Một ngày má buông tay, xa ngái/ Con cựa mình, quẫy đạp, vịn bóng má bước đi…”.

Thơ không ở đâu xa mà ngay chính trong ngôi nhà mình, là tình cảm của ông bà cha mẹ, là những kỷ niệm đẹp nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chẳng những văn bản hóa thành thơ mà Nguyễn Đinh Văn Hiếu còn cho thấy những góc nhìn tinh tế của một thi sĩ giàu lòng yêu thương và trắc ẩn, như với cây me trước nhà nơi ba má từng hẹn hò nhau hay những ngày tuổi thơ trốn học bắn bi… Hướng về thế hệ trước nữa, Nguyễn Đinh Văn Hiếu có những bài thơ xúc động, đầy tình yêu thương của người cháu với ông bà:

Ngày tuổi nhỏ, ông thường dẫn con đi từ sớm

 

Đút từng muỗng cơm thịt sườn xé nhỏ

chan nước tương

Ngậm viên nước đá tắm vị cà phê đăng đắng

 

Ngồi nghe ông nói chuyện cùng bạn bè đông tây

kim cổ

Âm ấm giọng say sưa lời thấm đẫm không gian quê

Rồi một ngày hình bóng ông mãi đẩu đâu

mây trời thăm thẳm.

Lắng lòng nghiệm sinh về thế hệ trước, chuyển sang thơ tình yêu lứa đôi Nguyễn Đinh Văn Hiếu bay bổng trong từng nhịp điệu con chữ: “Bước khoan thai dìu dặt đón xuân sang/ Phố phường thay áo màu tươi thắm/ Ríu rít chuyền cành chim gọi nhau”. Một khung cảnh mùa xuân an vui và thơ mộng mang tinh thần văn hóa miền Tây sông nước dù đổi mới đồng lên phố nhưng vẫn giữ bản sắc riêng: “Trăm bướm hoa từ tà áo bay ra/ Dìu dặt nồng nàn phồng phập hoan ca/ Anh khảy đàn, em chuyển điệu nam xuân”. Không gian văn hóa miệt vườn ấy còn đậm đặc trong những bài thơ tình khác của anh.

Với người Nam bộ, cải lương không chỉ là nghệ thuật giải trí mà còn là đặc sản văn hóa tinh thần ăn sâu tiềm thức, thậm chí còn “hóa thân” cười khóc với từng số phận: “Đến lúc mang thai, em thường vuốt ve cái bụng/ Nói âm thầm một mình đủ thứ trên đời cho bào thai nghe/ Anh mở Đời cô Lựu, em ngượng ngùng: thương cô Lựu quá anh!”.

Nhà thơ lớn Chế Lan Viên từng viết rằng “Anh là tháp Bay-on bốn mặt/ Giấu đi ba, còn lại đấy là anh”, bây giờ bạn thơ trẻ Nguyễn Đinh Văn Hiếu trước bốn quân bài thì đủ cả “Anh là cơ rô và chính anh cũng chuồn bích”. Nhận thức được mọi hỉ nộ ái ố đều có trong con người mình chứng tỏ đã trưởng thành. Nhận thức ấy của anh cả khi đối diện trang viết “Trống rỗng, hụt hẫng/ Chỉ còn trang giấy trắng với sóng chữ cuộn trào” lẫn trên sân khấu đời người: “Vai diễn thứ nhất, thứ hai, thứ ba khóc cười nhân thế/ Vai diễn thứ mười, năm mươi, một trăm nhân thế khóc cười/ Hóa vai diễn hết mình - em trở thành tuyệt sắc lung linh”. Thế nhưng không phải hạnh phúc bao giờ cũng vẹn tròn với người nghệ sĩ:

Vai tuồng nào cho đời em?

 

Em nhập vai nữ hoàng trong tích hương xa

Nàng tiểu thư đài các kiêu kì vở tuồng xã hội

 

Cởi lớp phấn son, xiêm y, trâm cài, mũ mão

Ngồi đối diện mình trống trơ trống tróc

Em sắm vai gì trong vở đời sóng gió ba đào?

Hỏi cũng là đã trả lời. Sự đồng cảm, thấu hiểu đằng sau ánh hào quang hư ảo của vai tuồng ấy anh còn chia sẻ với người nghệ sĩ phiêu bạt mang âm thanh dâng hiến cho đời…

Ngoài đời sống văn hóa thì đời sống xã hội đầy vui buồn cũng là mối quan tâm trong thơ 1-2-3 của Nguyễn Đinh Văn Hiếu: “Nhiều lần trong ngày lên cơn ớn lạnh/ Mưa lũ miền Trung ngập tới nóc nhà/ Chỗ nào hai đứa mình ngồi hát lý mười thương?” Không chỉ đời sống tinh thần biến mất mà cả sinh mệnh con người cũng vùi lấp trong cơn thịnh nộ của thiên tai:

Tai ương từ đâu buồn phủ trắng trời  

 

Mưa trút đầy, lũ lênh láng dòng trôi

Không dò nổi đầu nguồn, cuối nguồn

con nước chảy

 

Đất lở chảy tràn bùn sệt ôm lấy chân người

Rừng phòng hộ tiêu điều sụt một mảng đồi vùi lấp

Sự thâm độc của con người hơn thâm độc

của thiên nhiên.

Sao lại “Sự thâm độc của con người hơn thâm độc của thiên nhiên”? Có lẽ mỗi chúng ta đều có thể tự trả lời cho “Tang thương này đau vọng đến trời xanh” khi mà “Nỗi đau điếng đến xé lòng xót bao mạng người đã ra đi/ Mênh mênh mang mang nước cuốn hay vùi sâu bùn đất”!

Một sự ngẫu nhiên là Nguyễn Đinh Văn Hiếu tìm đến thơ 1-2-3 khi loài người lâm nạn đại dịch Covid-19 bùng phát. Những người làm công tác y tế đã trở thành nhân vật trung tâm chống dịch. Họ cũng trở thành nguồn cảm hứng cho văn học nghệ thuật, nhất là những người phụ nữ mặc áo blouse ở tuyến đầu: “Sáng rực hình ảnh thơ blouse trắng thiên thần/ Không tìm được từ ngữ nào đủ khả năng lột tả/ Khoảng trắng thơ… dành suy tôn và ca tụng em”. Đẹp hơn nữa khi một mùa thu khác thường lại đến: “Em khoác áo thu trắng thay cho áo thu vàng/ Khi ngày nối ngày các ca nhiễm Covid-19 nhiều hơn/ Không thiết thời gian để lo những điều thường nhật”. Đại dịch cũng là khoảng thời gian tĩnh lặng để con người nhìn lại mình trong cuộc đời này như Nguyễn Đinh Văn Hiếu cảm thức:

Có phút giây bỗng rơi tự do

 

Bồng bềnh những ý nghĩ mông lung, vô định

Chênh chao nụ cười, ánh mắt, nỗi buồn

 

Miên man miên man giữa cõi bờ hư thực

Cảm giác hụt hẫng chới với không gian, thời gian

Ta rơi tự do trong chính suy nghĩ của mình.

Khi ý thức được sự chênh chao, hụt hẫng “rơi tự do trong chính suy nghĩ của mình” chứng tỏ con người đã trưởng thành. Trưởng thành trong cách nghĩ. Trưởng thành trong cách ứng xử với đời sống và trang văn. Nhờ sự trưởng thành ấy, nhà thơ trẻ Nguyễn Đinh Văn Hiếu từng bước khẳng định mình qua thơ 1-2-3 với chiều sâu tâm thức và thấm đẫm tình yêu văn hóa miệt vườn đã sinh trưởng nuôi dưỡng nên anh, một tài năng thơ đáng quý của đất Trà Vinh!

Tác giả: Phan Hoàng

Nguồn tin: Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây