Xung quanh chuyện phê bình văn học

Thứ sáu - 25/09/2009 22:46 2.600 0

Xung quanh chuyện phê bình văn học

Phê bình văn học là câu chuyện nói mãi không hết. Xét về ngôn ngữ thì trong cụm từ này chữ phê đặt trước chứ bình đặt sau. Đó là hai mặt thống nhất của một hiện tượng văn học nghệ thuật nằm trong văn chương.

Nhưng chữ phê trong cụm từ phê bình văn học ở đây không hẳn là phê phán mà theo chúng tôi chỉ có nghĩa là lời nhận xét, ở Việt Nam ngày xưa chuyện thi cử là thi văn chương thơ phú, bởi vậy khi học cũng như khi chấm. thi người ta thường phê văn, đó là lời nhận xét đánh giá một bài văn hoặc bài thơ. Đã là lời nhận xét thì nó có thể tốt mà cũng có thể xấu, có thể hay mà cũng có thể dở, lời phê có thể khách quan, có thể chủ quan, có thể có căn cứ mà cũng có thể cảm tính … Tất nhiên lời phê trong phê bình văn học có sự khuôn thước nghiêm túc hơn, nó có giá trị hơn, nó là phần không thể thiếu của cuộc sống văn chương nghệ thuật. Còn nếu ai đó nói trong phê bình văn học có cái việc tìm tòi và phát hiện cái xấu trong văn chương dù với mục tiêu nào đi nữa thì điều đó xét trên phương diện khách quan cũng đã đi ra ngoài phạm trù phê bình văn học vì bản chất chung của văn học trong đó có phê bình văn học là sáng tạo và phát hiện ra cái hay cái đẹp. Việc làm cho cái xấu nổi bật trong văn chương về bản chất là rất đi ngược lại mục tiêu chung của văn học nghệ thuật. Phê bình văn học cũng có thể là phê phán, nhưng nó phải nằm trong môi trường cái đẹp, của văn hoá nói chung và văn chương nói riêng, phải nằm trong không gian chân thiện mỹ vốn là hồn cốt của mọi loại hình nghệ thuật trong đó có văn chương.

 

Mặt thứ hai của cụm từ phê bình văn học là từ bình, tôi cam đoan với bạn rằng dù có lật giở hết các trang từ điển ở Việt Nam cũng như thế giới, bạn cũng chẳng tìm ra được cụm từ “bình cái xấu” hoặc “bình cái dở” cả, bởi không ai làm việc đó trong văn chương nghệ thuật. Nhiệm vụ chủ yếu của từ bình là phải làm cách nào đó để cái hay, cái đẹp, cái hoàn mỹ của văn chương nghệ thuật hiện hình ra trước mọi người. Đó là công việc hoàn toàn không dễ dàng trong phê bình văn học. Như vậy, cái điểm mang tính nhãn tự của cụm từ phê bình văn học là ở từ bình. Nhưng nói như thế không có nghĩa là khi bình văn thơ người bình không biết đến cái xấu, cái còn chưa hay, chưa hoàn thiện… Dù không được nói đến nhưng nó sẽ mãi mãi vẫn còn tồn tại trong văn học nghệ thuật và thậm chí nó còn giữ một vai trò nhất định tạo thế đối lập để góp phần tôn vinh cái đẹp. Chúng ta không ảo tưởng rằng sẽ loại bỏ được cái xấu trên cõi đời này bởi chính nó cũng là một phần của cuộc sống nhân loại. Thật ra chỉ có sự im lặng vô biên của lãng quên may ra loại bỏ được nó.  Đó chính là sự oái oăm của con tạo khi sinh ra cái đẹp còn sinh ra cái xấu và trời đất sinh ra con người như một thực thể ‘”Nhân bất thập toàn” có như vậy con người mới có động lực phấn đấu, mới phải đổ mồ hôi sôi nước mắt và nghệ thuật sinh ra từ lao động nghệ thuật mới trở nên có giá. Nhưng đã trở thành luật bất thành văn, cũng như đã trở thành bản chất của nghệ thuật là người nghệ sĩ chỉ sáng tạo và phát hiện cái đẹp và thêm nữa quy luật sàng lọc của tự nhiên cũng chỉ chỉ giữ lại những cái giá trị trong nghệ thuật, những tác phẩm mang trong nó một hàm lượng thẩm mỹ cao.

 

Thực ra phê bình văn học có một không gian không hề nhỏ, nghĩa là công việc phê bình văn học không chỉ là công việc của riêng nhà phê bình và chữ văn học nằm trong cụm từ này vừa nói lên đối tượng nghiên cứu của phê bình, vừa xác định hoạt động này thuộc loại hình ngôn ngữ nghệ thuật là văn chương. Bởi vậy, tính nghệ thuật cũng là một phần bản chất của phê bình văn học. Nhà phê bình vừa là nghệ sĩ vừa là nhà khoa học. Đó là một không gian rất rộng cho sự hình thành phong cách của nhà phê bình. Có nhà phê bình yêu thích và đặt tính khoa học lên hàng đầu, nhưng có nhà phê bình lại coi trọng hơn yếu tố cảm thụ nghệ thuật và lại cũng có người coi trọng cả hai. Sự pha trộn giữa hai yếu tố này có thể tạo nên vô lượng các phong cách phê bình trong văn chương. Thực ra đối tượng phê bình cũng là một điều quan trọng, nhà phê bình có thể viết về tác phẩm văn học và cũng có thể viết về người sáng tạo nên tác phẩm. Tất nhiên tác phẩm là đối tượng chủ yếu còn người sáng tạo là đối tượng cần thiết có liên quan. Có thể nhà phê bình sáng tạo ở chấp độ một do họ trực tiếp cảm thụ tác phẩm và gặp gỡ người sáng tạo và cũng có thể ở cấp độ hai thông qua sách vở… đó cũng là các yếu tố tạo nên sự phong phú đa diện cho hoạt động phê bình. Phê bình văn học trong thực tế không chỉ được thực hiện ở nhà phê bình mà ở cả nhà văn, nhà thơ cũng như bạn đọc đông đảo đều cần và phải thực hiện các thao tác phê bình trong quá trình sáng tạo cũng như thưởng thức văn học, tất nhiên ở các cấp độ khác nhau.

 

Những người sáng tạo nên các tác phẩm văn học như các nhà văn nhà thơ , nếu trong họ không có một nhà phê bình nghiêm khắc, không có khao khát  phát hiện cái đẹp, không có khả năng định giá lựa chọn các hiện tượng cuộc sống để xác định hiện tượng nào, chi tiết nào là có giá trị, có thể đưa vào văn học…hay nói một cách khái quát là nếu họ không có phẩm chất của một nhà phê bình văn học thì có lẽ họ cũng khó có thể sáng tạo nghệ thuật được. Thêm nữa, cả nhà văn, nhà thơ cũng như nhà lý luận phê bình luôn cần có gu thẩm mỹ tốt, nói đúng ra là ở họ phải có một chuẩn thẩm mỹ riêng và sự độc đáo cũng như chất lượng nghệ thuật của tác phẩm phụ thuộc vào nó. Gu thẩm mỹ là hồn cốt của sáng tạo cũng như phê bình văn học.

 

Còn với bạn đọc, họ là đối tượng quần chúng rộng rãi bao gồm từ bé thơ cho đến cụ già, từ kẻ còn đi học đến người đã đi làm, họ ở tất các ngành nghề khác nhau, có nghề gần có nghề xa văn học… tất niên rồi, bạn đọc cũng cần đến phê bình văn học để đáp ứng hai nhu cầu cơ bản của họ, thứ nhất là để giúp họ tiếp cận và hiểu tác phẩm văn học sâu hơn, một công việc không dễ dàng. Thứ hai là phê bình giúp họ hoàn thiện gu thẩm mỹ cũng như phương pháp luận tiếp cận tác phẩm. Để rồi đến một lúc nào đó họ cũng có thể tự thực hiện các thao tác phê bình để tiếp cận tác phẩm văn học. Điều mà bạn đọc hôm nay hoàn toàn có thể thực hiện được, tất nhiên cái khó nhất để họ có thể trở thành nhà phê bình thực thụ đó là khả năng cảm thụ văn học nghệ thuật trời cho và khả năng thể hiện nó một cách nghệ thuật. Khả năng này suy đến cùng cũng không khác mấy khả năng của những người sáng tạo văn học nghệ thuật. Như vậy, mọi nhà phê bình đều từ quần chúng mà ra, đều sống trong nỗi đau cũng như niềm vui của quần chúng và họ là một bộ phận không thể thiếu của làng văn. Họ là bạn của quần chúng, là tri kỷ đồng hành sáng tạo với nhà thơ nhà văn. Nhưng dù sao hoạt động nghề nghiệp của họ cũng luôn là một không gian có tính độc lập, tất nhiên sự độc lập đó cũng chỉ là tương đối, cũng như mọi hoạt động nghệ thuật nó cần sự giao thoa giữa một loạt yếu tố là người sáng tạo, nhà phê bình và bạn đọc.

 

Như vậy, phê bình có một không gian rất rộng, nếu ai đó nói đến cái sự yếu kém của phê bình văn học thì điều đó nếu có thực thì cũng không chỉ phụ thuộc vào mỗi nhà phê bình. Chưa kể để có được một nhà phê bình ngoài những yếu tố giáo dục, cuộc đời và xã hội còn có những yếu tố ảo  trời cho như tài năng bẩm sinh mà chẳng ai lường trước được. Trong thực tế số nhà phê bình thường ít hơn số các nhà văn nhà thơ, trong lĩnh vực này ông trời không hào phóng lắm với con người. Có ai đó nói rằng vì không có những tác giảvăn học lớn nên phê bình ta yếu kém. Thực ra, khi Hoài Thanh viết  “Thi nhân Việt Nam” thì trong toàn bộ những tác giả mà ông đề cập đến lúc đó chỉ duy nhất Tản Đà thuở đó có thể gọi là lớn, còn các tác giả khác đều trẻ và mới lắm. Sau này một phần trong số họ trở thành tác giả lớn, phần đông không lớn cũng chẳng nhỏ, và không ít trong số họ  biến mất trên văn đàn. Thực ra, thành công của  Hoài Thanh là ở chỗ thông qua thao tác phê bình đã chỉ ra cái lớn trong những tác giả trẻ còn chưa lớn này để rồi người đời dần dà công nhận họ là lớn. Còn giả dụ như các tác giả đó đã là lớn rồi thì có lẽ chả cần gì đến Hoài Thanh nữa.

 

Theo chúng tôi nhà phê bình góp phần tạo nên các nhà văn lớn, Ví dụ như ở Nga thế hệ các nhà văn lớn mà người ta gọi là thế hệ vàng của văn học Nga đã dần lớn lên trong không gian phê bình của Bêlinxki  để trở thành những tác giả lớn trên văn đàn Nga cũng như thế giới. Nhưng xem ra phê bình cũng có giới hạn của nó và không ít tác giả Hoài Thanh đã để sót, ví dụ như ở lối thơ cổ là nữ sĩ Ngân Giang và ở lối thơ mới là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Quan niệm về một thời đại thi ca mới đã đẫn đến việc Hoài Thanh loại ra một phong cách thơ cổ kính tuyệt đẹp của nữ sĩ Ngân Giang. Còn với Nguyễn Xuân Sanh thì chính cái sự quá mới mẻ trong sáng tạo đã đưa tác giả “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” ra khỏi con mắt xanh của Hoài Thanh. Ngay cả nhà thơ Khương Hữu Dụng người có bút pháp thơ đi trước thời đại cũng nằm ngoài tầm với nghệ thuật của Hoài Thanh. Điều đó cho thấy phê bình văn học cũng ẩn trong nó khái niệm nhân bất thập toàn, và chúng ta cũng không thể đòi hỏi quá nhiều ở các nhà phê bình văn học được.

 

Tốt nhất, hãy để họ tự do và hồn nhiên sáng tạo theo đúng bản tính và chuyên môn của họ. Nếu ta xác định phê bình cũng là một phần không thể thiếu của sáng tạo văn chương thì sự sáng tạo cũng thuộc bản chất của nhà phê bình và sản phẩm của họ cũng là một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Điều này không hề mâu thuẫn với yêu cầu mang tính khoa học trong phê bình.

 

Trong thực tế phê bình văn học là một khái niệm mà nhiều khi người ta ứng xử với nó không hẳn như nó vốn có. Thông thường người ta chê nhiều hơn là khen. Quả cũng tức thật khi mình đã có cả chục đầu sách cả thơ lẫn văn, thậm chí cả tiểu thuyết, mà cuốn nào cũng hay, cũng tâm đắc thế mà phê bình chẳng thèm nói đến. Xin thưa với bạn rằng bạn chinh phục bạn đọc khó một thì chinh phục được nhà phê bình khó mười. Chẳng phải vì nhà phê bình làm cao mà vì chính sự khe khắt của văn chương. Nhiều khi nhà phê bình là ông bạn thân của bạn, nhưng lại không thể viết được về bạn mà ông ta lại viết về một ông nhà thơ nhà văn đã cách ta dễ đến năm mười thế kỷ. Đúng là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/Vô duyên kiến diện bất tương phùng”.

 

Thực ra, bạn có thể là là bạn, có thể ngồi trà dư tửu hậu với nhà phê bình, nhưng chưa hẳn là  người tri kỷ và đồng hành sáng tạo với nhà phê bình, không tạo được hứng thú gì cho nhà phê bình thì làm sao họ có thể viết về bạn được. Hãy đừng mong nhà phê bình đồng hành với bước chân của bạn, mà bạn hãy tìm cách đồng hành với bước chân của nhà phê bình, mà đúng ra là cùng đồng hành với với bước chân và nhịp quay của của các quy luật vĩnh cửu trong nghệ thuật. Lúc đó chính đất trời sẽ thúc dục nhà phê bình viết về bạn. Thực ra, nhà phê bình dù có yêu bạn đến mấy cũng không thể viết về bạn khi trong tay họ chẳng có cuốn sách nào của bạn, khi mà chính bạn chẳng bao giờ tặng sách cho họ, chí ít cũng tạo cơ duyên cho cái sự viết đó . Không có duyên thì dẫu có muốn cầm bút cũng chẳng thể viết được. Ngay cả khi nếu có toàn bộ sách của bạn trong tay, nhưng khi đọc chúng họ không tìm được sự đồng cảm với sáng tạo của bạn thì họ cũng không thể viết được. Đó là chuyện thường xảy ra trong đời nằm ngoài mong muốn của con người. Cái chuyện viết suy đến cùng cũng là cơ duyên ở ông trời. Lại có những người chỉ một vài câu thơ bâng quơ mà rung động được quá nhiều những nhà phê bình như kiểu thơ Nguyễn Bính “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thầy u mình với chúng mình chân quê”. Đúng là kẻ ăn không hết người lần chẳng ra. Đó cũng là sự oái oăm thay của nghệ thuật. Nhưng suy đến cùng thì nó lại cũng có cái lý của nó, nghệ thuật có một không gian logic riêng của nó.

 

Theo chúng tôi sự phê bình khách quan nhất phải vượt qua được sự khen chê thông thường, nhà phê bình là người góp phần để tác phẩm văn chương được hữu xạ tư nhiên hương trong cuộc đời. Phê bình không khen, lại càng không chê, mà chỉ đưa ra gợi mở giúp bạn đọc thâm nhập vào tác phẩm.  Suy đến cùng không ai thưởng thức văn chương được hộ ai, nhà phê bình không thưởng thức văn chương hộ bạn đọc, mà chỉ giúp bạn đọc thưởng thức văn chương thôi. Tác phẩm văn chương là của bạn-người sáng tạo nó, nhưng cuộc sống tác phẩm lại nằm ngoài mong muốn của bạn. Như vậy, ngay cả khi nhà phê bình đã là người tri kỷ với người sáng tạo thì anh ta cũng chỉ giúp được kiểu như nghệ sĩ sắp đặt đặt cái chậu cây vào không gian đẹp nhất để mọi người thưởng thức và hướng dẫn bạn thưởng thức tác phẩm sao cho đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

 

Tất nhiên nhà phê bình văn học sẽ còn giúp bạn đọc đi sâu vào nội dung tác phẩm. Nhưng khi đã ở bên trong rồi nhà phê bình lại phải rút đi để bạn đọc tự mình mặc sức hưởng thụ biết bao điều kỳ ảo của nghệ thuật. Sự sống của tác phẩm nằm ở việc tiếp nhận và thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Đó là quy luật khách quan mang tính khoa học và đồng thời chính nó cũng là nghệ thuật. Như chúng tôi đã nói ở trên trong cuộc sống hiện nay người ta ứng xử với phê bình văn học không hẳn như nó vốn có. Cuộc sống xô bồ vẫn mãi tồn tại sự khen, chê, tranh luận khôn cùng, thậm chí cả sự cãi vã bôi bác nhau. Tất cả đều được nhét vào một cái rọ gọi là phê bình. Và nhiều khi phê bình bị mất đi chính đối tượng nghiên cứu của nó là văn học. Không ít người coi phê bình văn học là phương tiện để phang nhau, thậm chí người ta còn coi phê bình như một bộ môn thể thao ví như đấm bốc chẳng hạn. Chuyện thắng thua hơn được là quan trọng và càng tạo  đượccảm giác mạnh càng tốt. Thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời hoặc ngược lại. Âu đó cũng là chuyện bình thường và rồi mọi chuyện sẽ như nhà văn Đan Mạch Anđécxen đã nói trong một câu chuyện cổ tích của mình “Mọi vật ở đâu sẽ lại trở về chỗ ấy”.

Tác giả: Võ Gia Trị

Nguồn tin: Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây