Hiện tượng văn chương Hồ Anh Thái

Thứ sáu - 14/08/2009 22:45 2.521 0

Nhà văn Hồ Anh Thái.

Nhà văn Hồ Anh Thái.
Năm 2001, Nhà văn Lê Minh Khuê có nhận xét về tác phẩm "Người và xe chạy dưới ánh trăng" Hồ Anh Thái viết từ 1986: “Có lẽ ngay từ ngày ấy, tác giả này đã ý thức rằng tác phẩm văn học muốn hòa nhập được với dòng văn học chảy ào ạt ngoài kia của thế giới thì đừng có quá lệ thuộc vào hiện thực giản đơn”.

Khi mới vào tuổi hai mươi, đang là sinh viên Đại học Ngoại giao, Hồ Anh Thái đã là tác giả văn xuôi có truyện ngắn đăng đều trên các báo Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội... Anh bắt đầu cuộc đời văn chương từ đầu những năm 80, thế kỷ XX, với một bút pháp thực sự mới mẻ. Bút pháp mới mẻ của Hồ Anh Thái có được thật tự nhiên, như do trong hồn trong máu, trong tư duy của anh nó đã vậy. Không giống như trường hợp những năm sau này, một số nhà văn săn tìm hình thức tân kỳ, để văn mình được “mới hơn”.

Những truyện ngắn ban đầu của Hồ Anh Thái, tiêu biểu là Chàng trai ở bến đợi xe, Nói bằng lời của mình, Mảnh vỡ của đàn ông... đã được bạn đọc chú ý bởi bút pháp mới và bởi cuộc sống trong truyện cũng thật tươi, mới. Do duyên may, chúng tôi trở thành bạn văn khi Hồ Anh Thái đang là sinh viên, một tình bạn có vẻ là vong niên vì Thái kém tôi hơn mười tuổi, lại như tình bạn cùng trang lứa, bởi chúng tôi trò chuyện tâm sự không hề có sự gián cách gì. Hồi đó, Hồ Anh Thái có phần gầy yếu so với những thanh niên cùng tuổi, tính tình khiêm nhường, nhưng rất chịu nghĩ ngợi về chuyện đời, và đọc rất nhiều, như một con mọt sách. Về làm việc ở Bộ Ngoại giao một thời gian ngắn, Hồ Anh Thái đi bộ đội nghĩa vụ quân sự. Cũng dịp này, tập truyện ngắn Chàng trai ở bến đợi xe được xuất bản. Trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự, vào tháng 11/1985, Hồ Anh Thái đã viết cuốn tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, đề cập những chấn thương về thể chất và tinh thần của những người phụ nữ đi qua cuộc chiến tranh, trở thành quá lứa, lỡ thì. Sau chiến tranh, những nữ cựu chiến binh đó đến làm việc trong một lâm trường trên đảo Cát Bạc. Đây là câu chuyện về cuộc chiến đấu tiếp tục của họ, hoặc là đau đớn chống lại những ham muốn nhục dục thường tình, hoặc là nhẫn nhục thèm khát có một chút con làm nơi nương tựa lúc cuối đời. Dù là nhà văn rất trẻ, anh đã đặt vấn đề về tình dục, về bản năng con người và nhu cầu làm tròn thiên chức người phụ nữ. Đặc biệt, đề tài của tiểu thuyết thực sự táo bạo, là, cái giá mà những nữ cựu chiến binh phải trả trong cuộc chiến tranh chống Mỹ thật ghê gớm. Năm 1986, Hồ Anh Thái lại xuất bản tiểu thuyết Vẫn chưa tới mùa đông. Và năm này, anh cũng viết xong thiên tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng. Sức viết của anh thật dồi dào, rất hiếm thấy trong số các nhà văn Việt Nam thời ấy và cả hiện nay. Bây giờ nhìn nhận lại hiện tượng Hồ Anh Thái, chúng tôi thấy, ngay từ khi bắt đầu sáng tác, anh đã thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc viết văn. Điều này, sang đầu thế kỷ XXI hầu hết các nhà văn nước ta còn chưa ý thức được.

Năm 1987, tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng được xuất bản. Thời gian này chúng tôi có điều kiện gặp nhau nhiều, và tôi rất mừng cho Hồ Anh Thái. Trong những truyện ngắn đầu tay, Hồ Anh Thái viết về đời sống tinh thần của những thanh niên, sinh viên cùng trang lứa với những khao khát về cái đẹp, vươn tới cái lương thiện. Đến tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, nhà văn 25 tuổi đã viết về một vấn đề xã hội khá đặc biệt ở nước ta sau chiến tranh. Còn trong Người và xe chạy dưới ánh trăng, Hồ Anh Thái 26 tuổi thể hiện một ý tưởng khá sâu sắc, rằng, con người ta đi vào đời với đôi bàn tay trắng, sạch sẽ và lương thiện. Nhưng rồi càng đi càng phải giữ mình trong sạch, mà đời cứ luôn muốn nhấn người ta vào sắc dục, vào những chỗ không được lương thiện lắm. Cuộc sống xã hội thời gian đó với những xô dập ghê gớm. Các nhân vật trong tiểu thuyết đều còn trẻ, Toàn, Hiệp, Trang, Minh... mỗi người một số phận, bị cuộc sống xô dạt về những nẻo khác nhau và họ phải vật lộn với số phận trên con đường của đời mình. Với Người và xe chạy dưới ánh trăng, Hồ Anh Thái đã khẳng định được một vị trí trong đời sống văn chương Việt Nam. Anh đã có ý thức trách nhiệm của một nhà văn, và là một nhà văn có tài. Điều đó thể hiện qua cách tạo dựng những nhân vật có cá tính đa dạng, có nhân cách phức tạp, nhất là nhân vật Toàn; thể hiện trong cách nêu vấn đề khá nhân bản: hết chiến tranh tưởng chừng con người không còn bị mất mát gì nữa, vậy mà chúng ta vẫn phải mất mát rất nhiều; và, cũng thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng, đa cảm, có sức diễn đạt thật sống động của nhà văn.

Sinh năm 1960, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ lan ra miền Bắc, Hồ Anh Thái lên 5 tuổi, nên được đưa đi sơ tán ở nông thôn. Chiến tranh nhanh chóng mở rộng tới các làng quê, nơi dự trữ rất nhiều con người và vật lực để cung cấp cho mặt trận. Vậy là, ngay từ thời thơ ấu, Hồ Anh Thái đã biết về nông thôn, đã chứng kiến máy bay Mỹ dội bom xuống xóm làng, thấy lửa cháy và những cái chết. Những ấn tượng đầu đời này thực sự sâu đối với một người về sau trở thành nhà văn. Cùng những ấn tượng như vậy, theo thời gian, những câu chuyện kể, bao cuộc gặp gỡ những người từng ra mặt trận, trực tiếp thấu hiểu những mất mát hy sinh của các gia đình họ hàng, thân quen, Hồ Anh Thái hiểu, cuộc chiến tranh thật khốc liệt. Nó đã khiến rất nhiều người bị thương tổn, bị chết, bị mất tích; nhưng nó cũng đào luyện, thử thách mọi người Việt Nam.

Hồ Anh Thái có thói quen đọc rất nhiều ngay từ thời niên thiếu, nên anh sớm hiểu về cuộc chiến tranh trên quê hương mình ở phương diện văn hóa xã hội. Anh viết văn vào giai đoạn mà hầu hết các nhà văn Việt Nam đang hăng hái viết về cuộc chiến tranh. Chúng tôi nhớ, một nhà văn tôi rất quý trọng là Triệu Bôn, đến cuối thế kỷ XX vẫn chuyên tâm viết về chiến tranh. Như anh nói, đêm đêm trên trang viết của anh, súng vẫn nổ, người Việt Nam vẫn đánh giặc. Nhiều nhà văn trẻ cùng lứa tuổi Hồ Anh Thái cũng rất hăng hái viết về chiến tranh, viết về chiến tích của cha, anh. Đó là xu thế chung của nền văn chương hiện thực thô sơ ở nước ta nửa cuối thế kỷ XX.

Với Hồ Anh Thái, những ám ảnh về cuộc chiến tranh chống Mỹ khiến anh cũng viết về chiến tranh, như trường hợp tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, rồi năm 1989 anh lại viết tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra. Nhưng, Hồ Anh Thái kể lại những câu chuyện chiến tranh nhằm đặt ra những vấn đề bức thiết của cuộc sống những năm tám mươi, thế kỷ XX. Như Người đàn bà trên đảo mà chúng tôi nói tới ở trên, là vấn đề đạo đức, cả trong ứng xử xã hội cả về mặt luật pháp, đối với thân phận những nữ cựu chiến binh đã phải trả một cái giá khủng khiếp cho cuộc chiến tranh chống Mỹ. Còn tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra, nhà văn từ cuộc sống hiện tại nhận thức lại quá khứ. Cuộc sống thời chiến, có cả cái tốt, cả cái xấu. Xã hội con người muôn đời đã như vậy. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Tân, năm 1987 mới 17 tuổi, do sự cố nhà đổ, bị điện giật, anh bất tỉnh. Trong cơn bất tỉnh, Tân (như quan niệm dân gian là hồn của Tân) đã trôi dạt về hai mươi năm trước, là năm 1967, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc đến độ ác liệt. Tân trở lại nơi cha mẹ anh sống ngày xưa, chứng kiến được cả buổi đầu cha mẹ anh tìm đến với nhau. Anh được chứng kiến những cuộc không kích dữ dội của máy bay Mỹ. Anh cũng thấy có những lúc thật bình yên giữa cuộc chiến, người ta vẫn làm ăn, đàn hát và yêu nhau. Tân, hay là hồn của một người có tri thức ở năm 1987, chính là phân thân của nhà văn, đã cảm phục những con người dũng cảm như Đô, như Trinh, và cũng hiểu rằng cùng sống bên họ có không ít những kẻ giả dối, hèn nhát và trục lợi, điển hình là ông Tựu nhỏ nhen và háo danh, là bà ngoại của Tân, một cán bộ cách mạng mà đầy toan tính, cơ hội và rất khinh người… Xã hội con người muôn đời vẫn như vậy. Qua tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra, ta thấy Hồ Anh Thái nhìn đời thoải mái mà dung thứ. Anh nhìn rõ, con người vốn rất đa dạng về nhân cách, nên không kỳ vọng về con người, nhưng bao giờ anh cũng trân trọng con người với tất cả sự phức tạp trong họ.

Năm 2001, nhà văn Lê Minh Khuê có nhận xét về tác phẩm Người và xe chạy dưới ánh trăng Hồ Anh Thái viết từ 1986: “Có lẽ ngay từ ngày ấy, tác giả này đã ý thức rằng tác phẩm văn học muốn hòa nhập được với dòng văn học chảy ào ạt ngoài kia của thế giới thì đừng có quá lệ thuộc vào hiện thực giản đơn”. Những năm tiếp theo, với lao động sáng tạo liên tục và mang tính chuyên nghiệp, anh đã thể hiện bản lĩnh của một nhà văn hàng đầu ở Việt Nam trong thời đại văn chương nước ta hội nhập với văn chương thế giới.

Nền văn chương Việt Nam có tới ba, bốn thập kỷ sa vào lối văn biểu dương, minh họa, tạo nên một thứ văn chương hiện thực đơn giản. Thế hệ các nhà văn viết từ thời chiến tranh chống Mỹ, cả các nhà văn trẻ viết sau chiến tranh một chút, hầu hết viết theo lối hiện thực có phần thô sơ. Nhưng, những năm tám mươi, thế kỷ hai mươi, có một số tài năng đã làm cuộc đổi mới văn chương. Trong đó, Ma Văn Kháng là nhà văn đổi mới sớm nhất trong tư tưởng văn chương. Rồi Nguyễn Huy Thiệp đã đem đến cho văn chương truyền thống sức cuốn hút mới bởi cách nhìn nhận hiện thực sắc sảo. Nguyễn Dậu tái hồi văn đàn, cũng làm cho văn chương tả thực sinh động hơn, nhiều thương cảm hơn. Nguyễn Khắc Trường, khi viết về nông thôn, cũng khiến văn chương tả thực truyền thống có được một chiều sâu mới về văn hóa… Hồ Anh Thái là nhà văn không phụ thuộc gì văn chương tả thực hay văn chương lãng mạn mà các tên tuổi lớn như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Thạch Lam… đã tạo nên đầu thế kỷ XX. Có thể nói, anh là người chuẩn bị tương đối đầy đủ về mặt văn hóa, trong đó có cả những giá trị văn chương (không chỉ văn chương nước ta mà cả văn chương của nhiều nước trên thế giới) đã trở thành văn hóa. Và càng dấn thân trên con đường văn chương, nhà văn càng phải hiểu biết sâu hơn về văn hóa. Hồ Anh Thái là nhà văn của cuộc sống đang cuồn cuộn trước mắt. Anh khám phá những vỉa, những tầng của nó và viết về những vấn đề của nó. Lúc mới cầm bút viết văn Hồ Anh Thái đã vậy. Sau này, có dịp sống trong thực tế cuộc sống Ấn Độ và thấu hiểu nền văn hóa của đất nước này, anh cũng như vậy. Cho tới gần đây anh viết thiên tiểu thuyết lịch sử Đức Phật, nàng Savitri và tôi (xuất bản năm 2007), cũng có năm chương viết về Tôi, người kể chuyện, nhà văn hóa, và bảy chương về nàng Savitri với phân thân của nàng là Kumari, Nữ thần Đồng trinh đã giải nghệ đang là hướng dẫn viên du lịch. Đó là những con người của cuộc sống đương đại, và bởi vậy, tác phẩm chứa đựng những tư tưởng cuộc sống hiện tại.

Năm 1988 Hồ Anh Thái sang nghiên cứu và làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Và anh sống tại đất nước này sáu năm. Đây là một bước quan trọng trên đường đời nhà văn. Ấn Độ là xứ sở của những tư tưởng rất minh triết và hết sức siêu hình, là quê hương của những trí tuệ hiền minh bậc nhất của nhân loại từ cổ đại đến cận - hiện đại, như Phật Thích Ca, Mahatma Gandhi, R. Tagore. Đây là cái nôi sinh ra nhiều truyền thuyết và những pho sử thi vĩ đại, là quê hương của nền văn hóa Phật giáo với những bộ kinh điển vừa sâu sắc vừa huyền bí và đầy mê hoặc. Hồ Anh Thái đến đây vào thời kỳ cao trào của cuộc hội nhập thế kỷ giữa nền văn hóa Tây phương và nền văn hóa cổ truyền của xứ sở. Anh ngưỡng mộ nền văn minh Ấn Độ vĩ đại. Nhưng, anh cũng ngỡ ngàng trước những tấm sari và nhiều con người đói rách trên xứ sở này. Lập tức anh có một tình yêu lớn dành cho Ấn Độ với tất cả sự phức tạp có trong nó. Bởi vậy, anh muốn khám phá nó. Anh dành thời gian đi tới rất nhiều vùng quê trên đất nước này, tới những đền chùa danh tiếng, rong ruổi hầu khắp miền Bắc và Trung Ấn, những nơi thuộc Vương quốc Phật cổ đại. Đây là cuộc khám phá văn hóa Ấn Độ trong đời sống Ấn Độ, khám phá kiến trúc của tôn giáo này cùng những kinh điển Phật học… Ở tuổi 30, Hồ Anh Thái tốt nghiệp Học viện Hindi của Ấn Độ, được coi là “nhà Ấn Độ học”, và làm thư ký cho ngài đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ. Trong một đêm thơ Hindi, nơi hội ngộ của các nhà thơ tiêu biểu viết bằng tiếng Hindi, Hồ Anh Thái đã đọc năm bài thơ mà anh dịch của các tác giả Việt Nam. Cả hội trường đã vỗ tay không ngớt cùng nhiều tiếng reo hò đòi đọc lại. Người ta hết sức ngạc nhiên, bởi một người Việt Nam lại thông thạo tiếng Hindi của Ấn Độ đến thế!

Nhưng, ở đây chúng tôi đang viết về nhà văn Hồ Anh Thái. Trở thành nhà Ấn Độ học cũng chỉ để anh làm nhà văn tốt hơn. Nghiên cứu văn hóa Ấn Độ, Hồ Anh Thái đã hiểu rằng, Ấn Độ kiêu hãnh đã thấm mệt sau biết bao năm tìm kiếm những chân lý siêu hình, và có lẽ do vậy, đã không quan tâm lắm đến những vấn đề về con người. Thêm nữa, trên hàng ngàn dặm đường cát bụi mà Hồ Anh Thái từng qua, có biết bao mảnh đời người Ấn phiêu dạt… Với tình yêu lớn dành cho Ấn Độ, anh viết, đầu tiên là những truyện ngắn. Và, những truyện ngắn đó, còn một thời gian không ngắn nữa mới thành sách in ở Việt Nam, đã lần lượt được bạn đọc nhiều nước rất hoan nghênh trên báo chí Anh ngữ tại Ấn Độ, và qua bản dịch ở Pháp, ở Mỹ. Đặc biệt tại Ấn Độ, như K. Pandey, tiến sĩ văn học người Ấn, đã coi đó là “những mũi kim châm cứu Á Đông đã điểm trúng huyệt tính cách Ấn Độ”, khiến họ đã “nhìn thấy đúng cái bóng đang quẩn dưới chân mình”.

Loạt truyện ngắn viết về Ấn Độ, sau này, có một tuyển tập xuất bản tại Việt Nam, đã thật sự chiếm lĩnh tâm hồn bạn đọc trong nước, đó là tập Tiếng thở dài qua rừng kim tước. Qua từng truyện, những chân dung Ấn Độ hiện lên đậm nét và có gì thật gần gũi đối với bạn đọc Việt Nam. Có lẽ, Hồ Anh Thái là một tâm hồn Việt Nam, và có lẽ, Ấn Độ cũng là một đất nước nông nghiệp, như Việt Nam, đang cố gắng thoát ra khỏi lạc hậu đói nghèo. Có điều, những di chứng về xã hội ở Ấn Độ nặng nề hơn, và, tài năng khắc họa chân dung của nhà văn đã đến độ sâu sắc, nên tính điển hình của nó đạt đến tầm phổ quát, người đọc nhiều nước đều có thể thấy trong truyện những vấn đề nhân bản. Truyện Người Ấn là một ví dụ. Chàng Navin đã thề trước vong linh mẹ rằng sẽ không bao giờ bỏ bà đơn độc. Vậy nên khi gặp Kitty, một phụ nữ Anh theo chồng đến Ấn Độ, rồi cuộc tình nảy sinh, chàng quyết định bỏ nghề hướng dẫn du lịch để theo Kitty sang Anh làm đầu bếp cho gia đình người tình. Đã hứa là không xa mẹ, chàng bốc mộ, bỏ hài cốt trong chiếc ba lô bất ly thân của mình. Cuộc tình nồng nhiệt như lửa cháy, như mưa bão, cho đến một hôm Kitty phát hiện chiếc ba lô hài cốt. Rồi nàng đã lén ném bộ hài cốt xuống hồ nước. Chi tiết truyện diễn biến nhanh, dữ dội, mang tính bi hài. Kết cục, họ chia tay, cũng là cuộc chia tay của hai bản thể văn hóa còn lắm dị biệt.

Truyện Người đứng một chân, chàng Ananda đã thề trước thần lửa Agni là sẽ dựng bằng được ngôi đền cho làng. Ananda đến xin viên giám đốc nhà máy ở đầu làng một triệu rupi để xây một ngôi đền độc đáo. Nhiều lần thất bại, Ananda quyết định trút cả sức lực đời mình vào cái tư thế đứng một chân trụ, một chân co, như tư thế của thần Shiva, để ép giám đốc nhà máy làm bao cao su bỏ ra một triệu rupi. Kết cục, Ananda nằm chết co quắp nơi chàng kiên nhẫn hết mình trong tư thế đứng một chân…

Đó là những câu chuyện về vẻ đẹp như thực như hư của Ấn Độ cổ đang bị nắng mưa thời nay xói mòn. Sức khái quát của những truyện ngắn đạt đến tầm cổ điển, mà ngôn ngữ miêu tả thật hiện đại, sau những khe chữ là một nụ cười minh triết và sống động của thực tại. Đến truyện Tiếng thở dài qua rừng kim tước, là sự cảm nhận sâu sắc và cảm giác kinh hoàng của nhà văn trước hậu quả của tập tục hồi môn. Nilam 16 tuổi với vẻ đẹp sáng bừng khiến đám trai làng ngả nghiêng. Nhưng sau một đám cưới nhiều đắng cay, cô sinh con gái, nên bị nhà chồng ruồng bỏ. Đời sa vào bước đường cùng, cô sống cô đơn trong túp lều nơi chân đồi. Lần đầu tiên cô nhận sự gửi gắm của một người sinh con gái bởi sự van nài khẩn cầu của mẹ đứa bé. Nilam không quên ươm trên mồ đứa bé một hạt kim tước. Sinh một bé gái, cả đời cha mẹ sẽ phải gồng mình lo của hồi môn cho con mà chưa chắc đã đủ. Nên không ai muốn có bé gái. Và người ta lại phải nhờ đến Nilam. Thời gian dần trôi, “cả một quả đồi phủ đầy kim tước, mỗi cây là một trinh nữ được đưa về trời từ lúc lọt lòng mẹ”. Nilam làm công việc đó trong nỗi đau thương đến mức như một người vô hồn. Trong khi đó, “từng cây kim tước cao lớn rũ hết lá xanh chỉ còn giữ lại vòm hoa vàng buông xõa thướt tha như mái tóc vàng của đám con gái tuổi mười bảy”. Có thể nói, mỗi tác phẩm viết về Ấn Độ là một tình yêu của Hồ Anh Thái đối với xứ sở này, và Tiếng thở dài qua rừng kim tước là một tình yêu đau đớn. Đến bây giờ, nhìn nhận hiện tượng Hồ Anh Thái, chúng tôi cho rằng, duyên may đã đưa anh đến với Ấn Độ cùng Phật giáo, và cơ duyên này khiến tài năng của anh đạt tới một tầm mức mới. Bởi, ngoài sự nắm bắt nhanh nhạy những vấn đề cuộc sống, nhân sinh quan Phật giáo là yếu tố quan trọng tạo nên tư tưởng văn chương của Hồ Anh Thái.

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ Văn hóa phương Đông, Hồ Anh Thái về làm việc trong nước. Trước mắt anh lại là cuộc sống xô bồ, ngổn ngang trăm mối. Xã hội ta bây giờ lắm loại người quá, nhiều kiểu sống quá. Những thanh niên mới lớn thì tự do, buông tuồng, trong họ nảy sinh không ít thói dị hợm. Đời còn nhiều người nghèo khó, nhưng cũng đã thấy lắm kẻ giàu phất lên. Những người bán báo rong len lỏi vào ngõ ngách chào mời đọc các vụ án... Năm 1996, Hồ Anh Thái viết tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế. Cốc, một gã trai sống văng mạng, bị chết đột tử khi đang tắm biển bên một cô gái. Nhân vật chính là chàng trai, người kể chuyện, đã nhìn thấy. Anh bắt đầu cuộc lần tìm. Hai đứa bạn của Cốc là Bóp, Phũ tìm cách trả thù cho Cốc. Những cái chết lại lần lượt đến với lũ thanh niên tàn ngược. Cuộc lần tìm dẫn dắt chàng trai theo dấu vết của cô gái tên là Mai Trừng. Cô có vẻ đẹp lạ lùng, lạ lùng hơn là cô có một công lực phi thường. Cuối cùng chàng trai biết, có một lời nguyền mẹ Mai Trừng để lại cho cô, mai ngày cô lớn sẽ đi trừng phạt kẻ ác. Kẻ nào đụng đến cô sẽ bị luồng nhân điện giật chết tươi. Lũ trai điên khùng tàn ngược chết đã đành. Đến khi người yêu của Mai Trừng chạm vào cô, cũng không thoát khỏi tai họa. Kết cục, Mai Trừng hiểu ra chân lý, không có tình yêu thì không còn là cuộc sống nữa. Cuộc lần theo dấu vết là hành trình tìm tới cái thiện của chàng trai, người từng đồng lõa với cái ác. Trong cõi đời, kẻ làm ác luôn có cơ hội để trở thành lương thiện. Đây chính là cách nhìn đời dung thứ mà Hồ Anh Thái đã có từ khi viết Trong sương hồng hiện ra, đến thời gian này, có thêm nhân sinh quan Phật giáo, nó đã thành tư tưởng của tác phẩm chống tội ác Cõi người rung chuông tận thế. Đây là một tiểu thuyết luận đề, nhưng dồi dào chi tiết sống, nên thực sự sinh động, cuốn hút người đọc.

Hồ Anh Thái là nhà văn thấu hiểu bản chất sự sống đang diễn ra rất nhanh, điều đó khiến anh viết được rất nhiều. Nhà văn lớn Ma Văn Kháng như thốt lên, nhận xét về Hồ Anh Thái: “Những truyện ngắn trong Tự sự 265 ngày, tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế vừa có tính đại chúng, gần gũi vừa uyên bác, trí tuệ. Dễ ai đã làm được điều này!”. Hồ Anh Thái không chỉ viết văn chương luận đề, một loại văn hiếm hoi của nền văn chương nước ta. Anh còn tỏ ra rất tài trong văn chương hoạt kê, là thứ còn hiếm hơn. Chúng tôi nghĩ, thật buồn, bởi sau tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, hơn nửa thế kỷ Việt Nam không có nổi văn chương hoạt kê. Nó như một xã hội không biết cười cợt thoải mái, hay không biết cười một cách cay chua mà lại hiền minh! Hồ Anh Thái viết nhiều văn chương hoạt kê, cả các truyện ngắn, cả tiểu thuyết. Các tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và diễn là thứ văn chương trào lộng thật sâu sắc. Những thói quen thời bao cấp kéo dài cùng thói học đòi thời mở cửa, đâu có thiếu gì trong cuộc sống hôm nay. Nhà văn nắm bắt rất nhanh, và bằng văn chương, anh điểm đúng huyệt nó. Đến tiểu thuyết Mười lẻ một đêm, người đọc có thể phải bật cười rất nhiều. Tên cuốn tiểu thuyết khiến ta có chút nhớ tới tác phẩm Ngàn lẻ một đêm của người Ba Tư, với trí tưởng tượng vô cùng phóng túng, họ kể những câu chuyện nhiều khi bất chấp lôgic. Mười lẻ một đêm cũng có sự phóng túng trong tưởng tượng của nhà văn, lại có cả lối bố cục liên tiếp mở ra những câu chuyện, mở ra nhiều khung cảnh sống. Nhưng đây là cuộc sống Việt Nam hiện tại, chứ không phải là thế giới cổ tích của Ba Tư xưa. Cũng khác với các nhân vật cổ tích, nhân vật trong Mười lẻ một đêm là những mẫu người dị hợm và lố bịch trong cuộc sống nước ta đầu thế kỷ XXI. Đó là họa sĩ Chuối Hột, người rất thích trồng cây chuối trong tình trạng khỏa thân “người bóng nhẫy, trắng lôm lốp như cây chuối. Tất nhiên là chuối hột trổ hoa ở quãng lưng chừng trời”. Nhân vật Bà mẹ cũng đậm chất dị hợm. Qua năm lần đò và vô vàn những cuộc phiêu lưu tình ái, tất cả đều diễn ra trước mắt đứa con gái, “con bé phải chứng kiến tất cả các thể loại đàn ông của mẹ”. Sau năm lần ly dị, bà mẹ được năm cái nhà. “Người chồng thứ năm khá nhất, giáo sư viện trưởng, căn hộ chung cư chất lượng cao”. Người đọc phải bật cười khi cô con gái kết luận: “Mẹ ngửi thấy mùi đàn ông và mùi đất đều chén được”. Một cặp nhân vật rất dị biệt nữa là cặp giáo sư Một tên Xí và Hai tên Khỏa. Ông Khỏa vốn là chồng thứ năm của Bà mẹ. Ông mắc chứng “chỉ bật lên tiếng cười thôi thì cứ thế cười mãi. Không sao hãm lại được. Hơ hơ hơ. Mãi. Chập dây thần kinh cười”. Có lần hướng dẫn luận văn cho một nữ sinh, ông cứ nắm lấy đùi cô. Cô xin phép về. Thầy vẫn nắm đùi cô. Thầy cười, chuỗi cười bất tận. Cô nữ sinh hoảng quá, “Đúng lúc nàng (nhân vật Bà mẹ) về. Nàng chồm lên tát vào mặt chồng một cái. Tịt. Nàng hắt chân con kia ra khỏi tay chồng. Dứt”… Chuyện về những con người như thế, đôi tình nhân kể cho nhau nghe trong thời gian họ “bị nhốt” trong một căn hộ trên tầng sáu suốt mười một ngày đêm. Trong Mười lẻ một đêm, lần lượt diễn ra biết bao chuyện. Từ chuyện của đôi tình nhân, chuyện về các nhân vật dị hợm, đến chuyện về các quan ông, cả chuyện các quan bà. Hội các phu nhân thứ trưởng, các phu nhân bộ trưởng. Đúng là chuyện mua quan, bán tước, mua đất bán lời lớn, gian ngoan có thừa. Có chuyện vợ một ông to ăn cắp cái đĩa sứ trong một bữa tiệc ngoại giao sang trọng, lột tả cái thô lậu không sao gột sạch được trong căn tính các mệnh phụ… Cuộc sống thời kỳ mới mở cửa nó vậy, cõi đời này nó vậy. Có cái bi và cũng có cái hài. Có một nhận định, bi kịch là khóc thương những cái đã bị chết nhưng nó đáng được sống mãi. Còn hài kịch là cười những gì không đáng có trong cuộc đời này mà nó cứ nhăn nhở sống. Thử nghĩ mà xem, những chuyện mua quan bán tước, buôn đất bán nhà, chuyện Bà mẹ, chuyện giáo sư viện trưởng Hai tên Khỏa, chuyện chàng họa sĩ Chuối Hột… mà viết theo lối tả thực thì có nhức đầu nhức óc người ta không! Bằng cách cười mà kể cho đời cười, thì nhẹ lòng hơn. Riêng việc chọn lối văn chương hoạt kê để viết về phần cuộc sống lố lăng trước mắt mình đã biểu hiện phẩm chất dung thứ và minh triết trong văn chương Hồ Anh Thái.

Như ở trên chúng tôi đã nhận xét, Hồ Anh Thái là nhà văn Việt Nam đầu tiên ở nửa cuối thế kỷ XX không phụ thuộc gì vào văn chương tả thực hay lãng mạn. Anh là người chuẩn bị tương đối đầy đủ về văn hóa, trong đó có cả những thành tựu văn chương đã trở thành giá trị văn hóa, rồi anh làm nhà văn của cuộc sống cuồn cuộn trước mắt. Càng dấn thêm trên hành trình văn chương, anh càng hiểu sâu thêm về văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa nhân loại. Ngôn ngữ nghệ thuật có cả sự trong sáng ngọt ngào, có được lối mô tả sắc nét, có khi câu văn thâm trầm, thương cảm sâu xa, có nhiều hình ảnh tượng trưng, và siêu thực nữa, nhiều khi trào lộng chua cay, đôi khi hài hước mà buồn thấm thía… Đó là văn hóa, đã nhuần nhuyễn trong tư duy và cảm xúc của nhà văn. Trước những vấn đề cần diễn đạt bằng văn chương luận đề, thì anh viết, như Cõi người rung chuông tận thế, tính luận đề nổi bật. Trước những vấn đề cần phải viết lối hoạt kê, anh dùng lối văn hoạt kê, tiêu biểu là Mười lẻ một đêm. Đó là văn hóa đã thấm vào, trở thành một bộ phận của tài năng anh. Một trường hợp tiêu biểu về văn hóa trở thành một bộ phận của tài năng, là thiên tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi (NXB Đà Nẵng, 2007). Đây là một đề tài lớn cho văn chương nhiều dân tộc, và là vấn đề lớn của đời sống hôm nay, sẽ nhìn nhận thế nào đây về lịch sử về con người Đức Phật qua màn sương mù mịt của 26 thế kỷ? Từ đầu tác phẩm, nhà văn như đã cho người đọc có cảm giác cần phải tự tin để vượt qua cái màn sương mù mịt ghê gớm vùng biên giới Ấn Độ - Nepal, và vượt qua là sẽ có cơ hội nắm bắt được lịch sử. Xuyên suốt thiên tiểu thuyết là cuộc đời 80 năm của Đức Phật. Sáng tạo đầu tiên có tính chìa khóa để mở ra mọi vấn đề là nhà văn đã tạo được mối liên kết giữa lịch sử và thực tại. Đó là việc tạo dựng nhân vật Savitri, nàng công chúa hai mươi sáu thế kỷ trước và phân thân của nàng là Kumari, Nữ thần Đồng trinh giải nghệ đang là hướng dẫn viên du lịch; và nhân vật Tôi, người kể chuyện, nhà văn hóa. Có bảy chương viết về công chúa Savitri và phân thân là Kumari. Công chúa Savitri với tình yêu đơn phương đối với hoàng tử Siddhattha (sau này trở thành Đức Phật), tuy là tình yêu đơn phương nhưng đầy khát khao nhục cảm. Ngay cả trong phân thân, Kumari mang dáng vẻ Savitri xưa cổ. Trong Kama Sutra (Dục lạc kinh) có đoạn: “Các bậc hiền minh chỉ có hai cách để tận hưởng cuộc sống nơi cõi trần ô trọc và phù vân, là chiêm nghiệm tri thức cao siêu và ân ái cùng các giai nhân xuân sắc đang nở rộ”. Nếu hiểu đoạn kinh sách cổ kính trên bằng cả trí tuệ và cả xúc cảm, sẽ thấy rất có lý rằng, cuộc sống nơi xứ sở Ấn Độ này phải có nàng Savitri, ngày xưa có, ngày nay có và mãi mãi sau này còn có. Người đàn bà này nồng nàn như lửa, dữ dội như nước và phấn khích như gió. Nàng là vẻ đẹp vừa bản năng vừa kiêu hãnh. Tất cả các hành xử của nàng đều làm cho Đức Phật vĩ đại hơn. Savitri là một biểu tượng Ấn Độ huyền bí sâu xa và cũng đầy quyền uy. Và, nhà văn Hồ Anh Thái đã tạo dựng nàng thành nhân vật văn chương đặc sắc, có một đời sống dài như lịch sử quê hương nàng!

Năm nay, Hồ Anh Thái bước vào tuổi năm mươi. Anh được dư luận ghi nhận là nhà văn lúc nào cũng đang viết. Ba mươi năm viết, anh có ba mươi đầu sách đã xuất bản. Bây giờ nhìn nhận hiện tượng văn chương Hồ Anh Thái, chúng tôi nghĩ, anh đã và đang tiếp tục sáng tác những tác phẩm chứa đựng nhiều phẩm chất văn hóa.

Tác giả: Anh Chi

Nguồn tin: Tạp chí Nghiên cứu Văn học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây