Có lẽ nhà thơ là một loại giống khác biệt trong cái loài người đông đúc với con số hơn bốn tỉ trải khắp bề mặt vỏ trái đất. Cái đặc trưng loài loại của nhà thơ, là cứ mải miết đào những cái hang sâu hút vào chính bản thân mình. Thực ra, tôi cũng chưa biết cái cuộc tự đào bới mình đó là để làm gì, nhưng đã là thi sĩ thì những cái hang ngoắt ngoéo như những mê lộ cứ cuốn hút cả đời anh ta. Phải chăng, ai đó đã nói rằng "một số lớn những gì quan trọng đều diễn biến ở đằng sau lưng chúng ta, và những ý tưởng hữu thức của con người chỉ là một dữ kiện không xác đáng gì hơn bất cứ một dữ kiện hành vi nào khác".
Có một loài giống người khác với loài người nói chung mà tôi vừa đề cập ở trên, chính là thi sĩ, và chỉ có thi sĩ mới đào bới chính mình. Tôi nhận thấy nhà thơ Trương Nam Hương đã không giấu giếm cuộc Tìm mình đó.
"Thăm thẳm lòng người đi chẳng đến
không biết
lẫn mình đâu!"
(Tìm mình)
Cuộc "tìm mình" là cuộc "hành lộ nan", nhọc nhằn và hiểm khó, nó "thăm thẳm", và "đi chẳng đến". Có lẽ cái hiểm khó, việc không đi đến được lại là cái lực hút vô cùng mãnh liệt đối với những ai dâng hiến mình cho công cuộc đó, trong cái "Thời gian rúc lòng người như mối vậy" (Gặp Kiều trong tiết thanh minh).
"Có nửa giấc mơ ngập tràn sông suối
Có nửa cuộc đời tỉnh trơ đá cuội
Có câu thơ lặng sóng treo giữa lòng
Có trong cái có vô vàn cái không!"
(Nhịp hai)
Trong công cuộc "thăm thẳm", "tìm mình" giống như cuộc du hành trong Thần khúc của Dante, ta phải qua nhiều tầng trời khác biệt. Đây là những tầng trời mà Trương Nam Hương đã qua. Theo Luận vãng sinh của Tây Tạng thì đó là tầng trời có "hào quang sắc vàng của thọ uẩn thuần tịnh, của bình đẳng tánh trí, trong sạch chói chang hầu như muốn xuyên thủng trái tim, mắt không dám nhìn. Đồng thời trong hào quang mênh mông sắc vàng đó, một thứ ánh sáng xanh nhạt của cõi người sẽ đến".
"Quả sấu lăn một vòng trẻ dại
Lá bàng xanh mướt tuổi học trò
Điểm danh thấy tên mình chua ngọt
Tiếng ve nằm đáy túi buồn ngơ"
(Ký ức)
"Hoa dại nở vô tư
Thót ao đầm tháng sáu
Thẩn thơ ta gỡ cỏ cho bà
Mộ đất vù châu chấu
(…)
(Mơ về)
Vâng, ký ức giống như con thuyền đưa ta trở lại những bến bờ của thời đã qua, của những kỷ niệm và trải nghiệm. Ký ức chính là muôn nẻo cuốn hút nhà thơ trong cuộc tìm mình. Từ việc "gột vết buồn" cho đứa con bị ngã, nhà thơ bị đánh thức với những kỷ niệm thời thơ dại bên người bà. Một sự chở che lại đánh thức một sự chở che khác nằm sâu hút trong ký ức.
Cùng với người bà, thì người mẹ và người cha là những thiên thần sáng rực đứng ở các tầng trời trong cuộc "tìm mình" của nhà thơ Trương Nam Hương:
"Mẹ phơi áo hanh khô thời con gái
(…)
Vầng trán cha ta lặng hằn tiên cảm"
(Tạp cảm)
"Mẹ hoá mưa phùn, cha hoá gió
Em về thương lấy một câu thơ"
(Câu hát ấy)
"Trong cha có một câu hò
Trong câu hò có con đò sông Hương
Trong sông Hương có nỗi buồn
Trong thăm thẳm có vô thường thi ca
(…)
Cha - dòng sông nhớ - con bơi
Đắng cay vào giọt mồ hôi bến bờ
(…)
Hồn cha giờ hoá con đò
Mang mang đầy cả giấc mơ suối nguồn"
(Lời thưa)
Các dạng tư tưởng biến hiện thành hiện thực, tưởng tượng biến hiện thành hình ảnh cụ thể và những năng lực tưởng chừng như chỉ nằm trong giấc mộng bỗng trỗi dậy.
Người cha và người mẹ đã hoá thành những biểu tượng của thiên nhiên và của cuộc đời, đó là "mưa phùn", là "gió" và là "con đò" - là không khí, là hơi thở, là nước và là sự dìu dắt nâng đỡ chở che cho nhà thơ vượt qua những thác ghềnh của cuộc đời.
"Rồi dấu chân mờ xa
Những nẻo đường tuổi tác"
(Ru người, ru ta)
Những trải nghiệm của nhà thơ giống như những giọt nhựa thông cổ thụ theo thời gian ngấm xuống lòng đất, sau một trăm năm những giọt nhựa thông đó hoá thành hổ phách. Trải nghiệm, dù là những vui sướng, sai lầm hay đau khổ, chúng đều là quà tặng quý giá nhất mà nhà thơ nhận được từ cuộc đời, quà tặng đó mang đến sự thức tỉnh.
"Thơ cứ phong phanh vị đời thấm tháp
Sau những ghét thương lòng thường mất mát
Giật mình bóng lá gọi mình loay hoay"
(Bâng quơ)
"Mình xài bao nắng
Nợ nần bao mưa
Mà sao sợi tóc
Xa hoa trắng thừa!"
(Khúc lặng)
Có lẽ hình ảnh thiên thần toả ánh hào quang rạng rỡ nhất trong những tầng trời mà nhà thơ Trương Nam Hương đi qua, là hình ảnh về những người thân. Hình ảnh người thân đã nằm sâu trong tiềm thức của nhà thơ. Trong cuộc "tìm mình" này, qua từng tầng trời khác nhau, hình ảnh người thân đã tỏa rạng từ trong sâu thẳm cõi lòng của tác giả.
"Mộ bà châu chấu vù bay
Trưa cầm eo óc trên tay tiếng gà"
(Trưa quê)
"Áp mặt vào sông
Bóng cha đáy nước
Người khuất lâu rồi
Vớt thương chẳng được"
(Trước sông)
"Mẹ giờ hoá nén hương thơm đỏ
Thương lặng nhìn ta chẳng rụng tàn
Con thắt se lòng lo mẹ nặng
Cõi người cong vít cả thân nhang"
(Mẹ)
"Đêm nhớ, quờ tay đâu cũng biển
Không không, bóng núi rủ cha ngồi
Trăng hay dáng mẹ thầm bên cửa
Quệt mắt nghe buồn mặn xuống môi!"
(Ảo giác)
Cõi người thực đấy, mà là ảo giác đấy. Trước mộ bà, trong tiếng "châu chấu vù bay", giữa trưa nồng nhà thơ tưởng như cầm được "eo óc trên tay tiếng gà". Kìa "bóng cha" đang in "đáy nước", nhưng động vào mặt nước lại tan ra, để rồi "vớt thương chẳng được". Người mẹ thân thương từng âu yếm chở che, nay "hoá nén hương thơm đỏ". Là nén hương thơm đỏ hay là mẹ, để "cõi người cong vít cả thân nhang". Đêm ở biển, nhà thơ thấy hiện về trong hiện thực của thế giới tâm tưởng mình, là "bóng núi rủ cha ngồi", là "trăng hay dáng mẹ thầm bên cửa". Đó là thế giới thực, hay là ảo giác. Là ảo giác hay là thế giới thực, không biết nữa, chỉ thấy rằng nhà thơ đang sống trong cái thế giới của tiềm thức, nơi những người thân tỏa ra những luồng sinh khí của đời sống cõi người - một đời sống mà nhà thơ được đắm chìm trong đó, được bao dung, được chở che...
Trong thế giới ảo giác cuộc tìm mình của nhà thơ Trương Nam Hương, hình ảnh người mẹ vẫn là hình ảnh hiện lên đậm nét nhất, nó hầu đã phủ khắp và thấm sâu vào từng mao mạch thế giới tinh thần của nhà thơ. Đó là bậc thiên thần hiện lên trong những làn hào quang và ánh sáng khác nhau, khi là màu thiên thanh, khi là màu hoàng thổ:
"Người trong ảnh trẻ hơn ta nhiều tuổi
Ngỡ thời gian chưa dốc trận bão lùa
Nâng tấm ảnh đã nhoà như sương khói
Ta hôn về cô gái - mẹ ta xưa"
(Tấm ảnh)
"Đưa mẹ vào tháp cốt
Quay về, con bần thần
Quên hoá vàng đôi guốc
Lên đó Người lạnh chân"
(Băn khoăn)
Chỉ là bài thơ ngắn bốn câu, nhưng đó lại là câu chuyện dài về sự ám ảnh trong thế giới tâm tưởng của nhà thơ. Thực tế, đó là cái lộ mạch bền bỉ của những nghi thức, quan niệm, như một quán tính chảy xiết của truyền thống, của phong tục về đời sống tâm linh. Sau khi thực hiện cái công việc cuối cùng đối với người mẹ đã khuất theo phong tục, quay về tác giả chợt "bần thần". Sự bần thần đó là gì? Đó là việc "quên hoá vàng đôi guốc". Việc quên hoá vàng đôi guốc liên quan tới việc người đã khuất ở cõi linh thiêng trong việc đi lại hàng ngày sẽ không có guốc để đi lại, vì thế "lên đó người lạnh chân!". Nỗi ám ảnh đối với người mẹ đã khuất trong bài thơ của Trương Nam Hương liên quan tới cả một quan niệm, một học thuyết có tên là thuyết vật linh khởi từ xã hội nguyên thuỷ tiếp tục chảy cho đến ngày nay.
Một mê lộ khác không thể không nhắc đến trong thơ Trương Nam Hương là thế giới của hương sắc tình yêu. Trong cuộc tìm mình, tình yêu như làn nước đổ xuống trên vách đứng của thời gian và của cuộc sinh tồn nơi trần thế.
"Mẹ cho anh tuổi mèo tam thể
Thả bóng ban trưa bắt bóng chiều
Câu thơ đêm thức, ngày thiu ngủ
Thích vùi trấu bếp của tình yêu"
(Tự họa)
"Thôi, anh về với mình thôi
Bàn chân mỏi quá
Dặm đời chông gai
Thời gian tưởng ngắn mà dài
Ước khi ngã xuống không ngoài yêu thương"
(Về)
Cuộc "tìm mình" của Trương Nam Hương, đó là cuộc du hành vào thế giới thẳm sâu của ký ức nơi miền tiềm thức dâng lên như một hiện thực. Qua tầng tầng của thế giới ảo giác, nhà thơ lại về với thực tại trong cái "nắng nôi" của cuộc sống:
"Vào chùa vừa ngộ hồi chuông
Bước chân đã lạc con đường nắng nôi"
(Không đề I)
Dù không công nhận cũng phải thấy rõ cái đời sống trần tục trên thế gian tạo ra những vòng xoáy có sức hút siêu mạnh. Nhà thơ vừa "ngộ hồi chuông", tức là sự thức tỉnh, sự lĩnh hội thực tại một cách trực tiếp và trọn vẹn, không tự biện, không phiền não, đã tiếp cận với những căn nguồn sâu thẳm nhất trong mình. Nhưng, khi vừa dứt cái "ngộ hồi chuông", nhà thơ lại "lạc" vào con đường của "nắng nôi" trong những âm chói đục của đời sống.
Tôi đã đọc ở đâu đó có nói, rằng từ người bán khai đến nay, loài người đã chỉ đưa ra vài câu đáp về hiện sinh, và mỗi con người trong cuộc đời của chính mình đưa ra một trong những câu trả lời này, mặc dù thường thì anh ta không ý thức được câu đáp anh ta đưa ra.
Bằng vào cuộc "tìm mình", và với những câu thơ của mình, nhà thơ Trương Nam Hương đã có câu đáp cho chính mình
Tác giả: Dương Kiều Minh
Nguồn tin: CAND
Ý kiến bạn đọc