Văn sĩ miền Tây

Thứ hai - 10/08/2009 16:58 3.331 0

Nhà văn Trang Thế Hy, cây cổ thụ văn chương trên bờ sông Hàm Luông. Ảnh: Lý Lan

Nhà văn Trang Thế Hy, cây cổ thụ văn chương trên bờ sông Hàm Luông. Ảnh: Lý Lan
Phải là kẻ đi nhiều mới nhận ra, phương Nam hào sảng, bát ngát còn vươn ngược lên miền Đông, trải rộng xuống miền Tây chứ đâu chịu dừng ở Sài Gòn. Văn chương Nam bộ, nhìn từ phía nào đó có đóng góp rất lớn từ văn nghệ miền Tây.

Các tên tuổi lớn xuyên suốt nhiều thế hệ và nhiều lĩnh vực từ Hồ Biểu Chánh, Phạm Công Thiện, Đoàn Giỏi đến Sơn Nam, Nguyễn Sáng, Kiên Giang... đều là những anh tài xuất phát từ những lưu vực ven dòng Cửu Long. Trong một cuốn sách văn chương gần đây có đặt ra một câu hỏi thống kê khá thú vị: có bao nhiêu nhà văn có thể gọi là Sài Gòn gốc? Câu trả lời là hình như chỉ có một người: nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu! Nhưng trong dòng văn học hiện đại hôm nay, chưa bao giờ có một lực lượng sáng tác viết văn hùng hậu và ưu thế như ở đây. Đó là những giọng văn đáng nể trên văn đàn cả nước như Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau), Phạm Trung Khâu (Vĩnh Long), Nguyễn Thị Diệp Mai (Kiên Giang), Kim Ba (Bến Tre), Vương Huy (Cai Lậy), Võ Đắc Danh (Cà Mau), Phan Trung Nghĩa (Bạc Liêu)...

Tôi nghe và biết đến tên tuổi nhà thơ Đinh Thị Thu Vân từ rất lâu. Và tôi cũng ghé qua thị xã Tân An - Long An tìm chị hai lần nhưng chưa gặp. Các bạn trẻ đang yêu không ai không biết những câu thơ:“Mặt đất còn chông gai/ Bầu trời còn bão tố/ Khi nào anh đau khổ/ Hãy tìm đến với em”. Hiếm có giọng thơ tình nào đắm đuối và cháy bỏng như thế. Long An, vùng đất hiền lành chặng đầu của Sài Gòn trôi về miền Tây cũng là nơi xuất phát của nhiều cây bút thơ, truyện ngắn như Lê Đỗ Quỳnh Hương, Nguyễn Hữu Huy Nhựt... nổi lên thời sinh viên nhưng sau đó rẽ ngang làm những nghề khác. Đây cũng là nơi cưu mang nhiều nhà văn đất Bắc thành danh sau năm 1975 như Hào Vũ, Chu Hồng Hải. Thời học cấp hai, tôi có đọc truyện dài Một mùa Hè của nhà văn Chu Hồng Hải. Đây là một tác phẩm viết cho thiếu nhi sinh động và hấp dẫn về chiến dịch kế hoạch nhỏ ở nhà và ở trường. Đáng tiếc, bây giờ là một thời khác, những cuốn sách như thế khó tìm thấy ở nhà sách.

Hội văn nghệ Bến Tre nổi tiếng hào phóng, uống khá dữ và lại mến khách. Lần nào ghé qua tôi cũng được các anh “ưu đãi” cho một phòng nghỉ ở khách sạn thuộc loại sang mà ông chủ cũng là một người tập tành làm nhà thơ. Vậy là bị vây bủa bốn phía thơ là thơ. Uống từ sáng tới chiều. Ra thơ. Vào thơ. Về khách sạn cũng lại gặp nhà thơ.

Tôi với Vũ Hồng là chỗ anh em bạn bè khá thân. Anh học chung trường, trên tôi vài khóa mà tính khí lại trẻ trung. Khởi đầu Vũ Hồng làm thơ chứ chưa viết truyện ngắn. Anh có tập thơ Người phương Nam khá sắc. Người phương Nam ngày xưa áo tơi/ Dòng Hàm giang cuộn sóng không lời/ Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu/ Rượu say tim bốc đến tận trời. Sau này Vũ Hồng viết truyện ngắn và được xem như một trong những cây viết văn xuôi miền Tây cá tính. Tuy nhiên, tôi cứ ghim trong tim những câu thơ Người phương Nam say thì say trọn/ Người phương Nam buồn thì buồn sâu. Lại còn chuyện nhà thơ Bùi Chí Vinh ăn mắt kiếng của Vũ Hồng thì giới văn sĩ Bến Tre ai cũng biết. Bùi Chí Vinh làm thơ tài hoa nhưng cũng “du côn”, “đầu gấu” khét tiếng Sài Gòn. Anh có tài khi say là ăn mảnh chai, kim loại, nói chung là tất tần tật mọi thứ cho hết vào miệng nhai trệu trạo và nuốt tọt xuống bụng. Cũng vì trò này mà thiên hạ sợ Vinh phát khiếp. Trong một lần cao hứng, bị thách thức, anh nhai luôn cặp kiếng Vũ Hồng rào rạo!

Ở Bến Tre có một “người hiền” đáng kính nể là nhà văn Trang Thế Hy. Một nhân sĩ, một nhân cách trong đời sống, ở ông còn hiển hiện là một phong cách văn chương. Từ Sài Gòn, cách đây khoảng chục năm, nhà văn tuyên bố “đi chỗ khác chơi” và trở về Bến Tre, quê hương để sống và viết trong những năm tháng cuối đời. Ông cho Sài Gòn là phố thị ồn ã, bon chen, cạnh tranh, vốn không còn hạp với những người tuổi già như ông. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Ông còn quá nhiều việc để làm khi quỹ thời gian không còn bao nhiêu nữa. Ông muốn cắt đứt, hay dẹp lại những “phù phiếm truyện” để dành cho suy nghiệm văn chương.

Trang Thế Hy viết văn khá sớm. Các bài thơ, truyện ngắn khá nổi tiếng như Đẹp miền quê ngoại, Quán ven đường... từ những thập niên 1960 đã báo hiệu một tài năng. Khác với nhiều cây bút đương thời thường quá chú trọng đến bề mặt sự kiện, sự việc như quan tâm thường tình của đa số đông, Trang Thế Hy chọn hướng đi riêng, chạm sâu vào cõi lòng, nhân tình thế thái, nỗi mình thế người. Ông nghiêng về thiểu số. Bao giờ cũng thuộc về thiểu số. Vì thế độc giả của ông tuy ít, nhưng có học, trí thức, sành sỏi về tâm lý và sâu bền. Những ai đã đọc ông, dư vị theo hoài không quên. Những truyện ngắn như vết thương âm ỉ theo mưa gió cuộc đời năm tháng.

Một cái hay nữa của văn Trang Thế Hy là rút tỉa từ kinh nghiệm cuộc đời sóng gió của ông. Chất ngải đắng, sâu cay ấy trong Nợ nước Mắt, Tiếng khóc tiếng hát qua bao năm tháng đọc vẫn say lòng. Khi tôi về Bến Tre, may mắn là ông vẫn còn khỏe, mỗi buổi sáng nhà văn vẫn đạp chiếc xe đạp mi-ni cút kít từ trong vườn ra Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu. Ông muốn gặp gỡ anh em trẻ. Muốn có thêm thông tin. Tuy về miệt vườn nhưng Trang Thế Hy vẫn đội chiếc mũ phớt rất kiêu bạc. Rất Tây.

Trở lại Mỹ Tho, qua bên này dòng Hàm Luông, người yêu thơ dễ nhớ cái tên La Quốc Tiến, Võ Tấn Cường và Trương Trọng Nghĩa... Thời tôi còn phiêu bạt, có nhậu chung với La Quốc Tiến mấy lần. Nhà văn “miền Đông” đã mất Nguyễn Đức Thọ sinh thời vẫn gọi anh là “Lục Văn Tiên phà Rạch Miễu” do anh có bài thơ nổi tiếng Lục Vân Tiên thọ nạn giữa rừng và nhà ở bên cạnh bến phà. Bạn bè văn chương qua lại Mỹ Tho - Bến Tre vẫn thường gọi nơi này là “trạm văn”. Anh còn làm nghề “khá thơ” là bỏ mối bánh kẹo trên bến phà. Anh Tiến mất năm 2004 vì ung thư khi thơ đang độ chín. Thơ La Quốc Tiến độc đáo, hào sảng. Một tâm hồn tinh tế ẩn trong một tính cách thẳng thắn, đôi khi thô bạo vì cực đoan. Yêu ghét trong thơ bộc trực, tráng sĩ. Có một giai thoại khá độc đáo mà dân miền Tây hay kể về La Quốc Tiến mà tôi chưa tìm hiểu có thật hay không..., đó là hai nhà thơ La Quốc Tiến và nhà thơ Hữu Thỉnh đều là lính xe tăng. Một ông cộng hòa và một ông cộng sản. Khi “vua chiến trường” của Hữu Thỉnh tiến vào Sài Gòn thì cũng là lúc binh đoàn thiết giáp của La Quốc Tiến rã tan, tháo chạy. Sau này trong một cuộc nhậu tại Bến Tre, Hữu Thỉnh “giáp mặt” La Quốc Tiến. Khi hai ông nói chuyện xưa thì mới nhận ra đã từng “mặt đối mặt” hai chiến tuyến. Lục Vân Tiên thọ nạn giữa rừng là một bài thơ hiện đại khá hay của La Quốc Tiến mà nhiều người vẫn cho rằng mang nhiều tâm sự, tự bạch của chính anh. Không có ai/ Cam đoan là không ai hay tin/ Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng/ Để tỏ chút âu lo cho con người trung nghĩa/ Tôi móc gói thuốc ra tôi hút/ Điếu thuốc đen tắt ngóm nửa chừng/ Mẹ nó/ Thuốc dỏm/ Phà vẫn chạy/ máy vẫn nổ/ Sóng vẫn vỗ...”.

Tôi biết Võ Tấn Cường từ năm 1991, khi cùng đoạt giải thưởng văn học Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong cùng rất nhiều người mà giờ đây đang là những tên tuổi chủ lực trên văn đàn như Hoàng Tố Mai, Đỗ Hoàng Diệu, Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh Tiến... Võ Tấn Cường được biết đến từ bài Cha chơi cờ trong cuộc thi này. Cha chơi cờ còn lọt vào “con mắt xanh” của hai nhà thơ Trinh Đường và Tế Hanh khiến hai ông đăng đàn bình luận. Từ đầu những năm 1990, viết như thế là bạo. Chỉ là bài thơ thể năm chữ, gồm năm khổ nhưng Cường đã thâu tóm được cái tâm thế nhiễu nhương đầy biến động của thời cuộc
:“Cha chơi trận cờ tàn/ Đóng hai phe thắng bại/ Tướng sĩ thiếu đường chạy/ Xe pháo liều chống càn”.

Thế hệ trẻ hơn, có thể gọi là Thơ 8X ở Mỹ Tho, triển vọng nhất là Trương Trọng Nghĩa đang công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang. Anh mày mò thực hiện web thơ trẻ đầu tiên ở Việt Nam (http://www.thotre.com/)
để giới thiệu thơ, trao đổi thông tin, kết nối với bạn bè yêu thi ca ở mọi miền thế giới từ internet.

Văn sĩ miền Tây, nhớ về họ, trong hồn tôi cứ vọng những ngọn gió dọc bờ Hàm Luông thổi mãi...

Tác giả: Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây