Cơm áo không đùa…
Nhận định xu hướng “bỏ văn” không đáng ngạc nhiên, cây bút trẻ Đinh Hương cho rằng, tiến bộ công nghệ đặt con người vào môi trường tự do, năng động, thời gian nghiền ngẫm và ưu tư gần như không có, sự quan tâm của xã hội tới văn chương cũng trở nên nhạt dần. Từng được đào tạo tại “ngôi đền” Trường Viết văn Nguyễn Du, giờ đây, Đinh Hương đang chọn nghề báo làm nghề chính. Theo chị, cái khó nhất trong vấn đề xin việc của người học viết văn là không có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào trả lương tháng cho người ngồi viết văn theo giờ hành chính.
Đồng ý rằng người học viết văn khó kiếm việc, nhưng nhà văn Dương Bình Nguyên cho rằng, “không ai cho nhà văn thời gian để viết, họ phải tự dàn xếp với chính mình”. Anh quan niệm, đôi khi học văn không phải để làm văn mà là để soi chiếu vào lĩnh vực khác của đời sống. “Nếu làm tốt công việc khác, rồi có nhu cầu viết thực sự, sự trải nghiệm sẽ giúp nhà văn có những trang viết tốt hơn là ngồi tưởng tượng, viết ra những trang văn mơ mộng nhưng xa lạ”, Dương Bình Nguyên nói.
Ngoài lý do khó xin việc, theo Keng (Nguyễn Thùy Linh), nghề văn cô độc, sống bản năng và vắt sức khỏe con người… Những điều đó khó chịu đựng đối với giới trẻ, nên cô chỉ dạo chơi với nghề này.
Tỉnh táo để… không lên mây
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - giảng viên chuyên đề thơ khoa Sáng tác và lý luận phê bình văn học Trường đại học Văn hóa Hà Nội - cho biết “mỗi khóa đào tạo chỉ cần dăm ba sinh viên theo nghề đã mừng rồi, số còn lại có thể lựa chọn con đường khác”, vì không phải cứ học viết văn là sáng tác được.
Chấp nhận đi chệch ước mơ, Đinh Hương quan niệm, học văn mà không viết được, tốt nhất “thử sức ở công việc khác còn hơn chân thấp chân cao giữa chín tầng trời”. Nản văn chương, các cây viết trẻ thường tìm đến nghề báo. Tuy nhiên, thói quen đổ cảm xúc lên câu chữ, khó tách bạch cảm xúc và tính chân thực khiến nhiều nhà văn trẻ khó thuyết phục nhà tuyển dụng. Để xóa bỏ vết hằn “đầu óc trên mây”, nhiều người trong giới cảnh báo: nhà văn viết báo cần giữ cái đầu tỉnh táo và sự cố gắng không ngừng nghỉ. “Nếu tỉnh táo, phân biệt rạch ròi giữa báo với văn, thì làm việc gì cũng… ngon lành”, Đinh Hương nói.
Theo cây viết trẻ Minh Minh, sự không rành mạch giữa đam mê và công việc, cộng với tư duy “các công việc khác không xứng với nhà văn” đã khiến nhiều nhà văn trẻ rơi vào thực tế đáng buồn: nghề tay trái không có, nghề tay phải èo uột.
Để theo đuổi nghề văn nhọc nhằn, theo nhà văn Nguyễn Hữu Quý, tài năng là điều kiện đầu tiên. Sau nữa, muốn sống được với nghề, phải đam mê và sẵn sàng dấn thân. Nếu không, hãy lựa chọn một công việc khác, “điều đó chẳng có vấn đề gì”, ông Quý chia sẻ.
Tác giả: Khánh Lam
Nguồn tin: Đất Việt
Ý kiến bạn đọc