Văn sĩ Miền Tây (2)

Thứ bảy - 29/08/2009 00:10 3.276 0

Hội thảo thơ Vương Huy (người thứ ba, từ trái sang) tổ chức tại hội trường Hội Nhà văn TP.HCM 31.3.2007

Hội thảo thơ Vương Huy (người thứ ba, từ trái sang) tổ chức tại hội trường Hội Nhà văn TP.HCM 31.3.2007
Sau khi Văn sĩ miền Tây khởi đăng, tôi đã nhận được khá nhiều điện thoại của bạn bè anh em văn nghệ đồng bằng và cả nước thăm hỏi. Trong đó đáng lưu ý có cú phôn của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từ Hà Nội. Anh đính chính giúp tôi mấy câu thơ “Mặt đất còn chông gai / Bầu trời còn bão tố / Khi nào anh đau khổ / Hãy tìm đến với em” chính là bài “Bao giờ” của nhà thơ Song Hảo. Vậy mà từ lâu nay tôi cứ đinh ninh là của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân. Cái thú vị từ dư âm bài viết là đôi khi giúp minh định được những gì còn mù mờ trong bóng tối trí nhớ. Cám ơn anh Nguyên. Anh còn hẹn khi nào vào Sài Gòn sẽ cùng nhau xuôi về miền Tây một chuyến. Đi tìm những câu thơ hay và chân dung văn học còn ẩn khuất trên những lưu vực châu tính thổ.

Ẩn khuất như một gương mặt thơ miền Tây, nằm ở Cai Lậy. Cái tên thị trấn âm gió nghe xa vắng heo hút. Là một điểm rơi ơ thờ giữa Mỹ Tho và Vĩnh Long. Bao chuyến xe đi lướt qua không có cơn cớ nào để dừng lại. Nhưng từ phát hiện của giải thơ Bút Mới báo Tuổi Trẻ, cái tên Vương Huy đã được nhắc đến.

Vương Huy có một đời sống khinh khoái khá lạ lẫm. Từ Cai Lậy, anh về Sài Gòn học Kinh Tế Tài Chánh nhưng mê thơ, dám bỏ tất cả để làm thơ. Rồi bỏ học hết trường này đến trường khác vì chìm đắm trong hôn mê chữ nghĩa, thi từ.  Nhưng vì thế Huy đã có những bài thơ hay, như Lửa Sâu Cõi Đá, Thư Sưởi, Tiếng Sáo Hố Thẳm…Đến khi gia đình suy sụp, anh đã phải “bơi ngược”, bươn bả vượt thoát và làm lại từ đầu. Nhận xét  như nhà thơ Ý Nhi, Vương Huy có khí chất “người thơ” và nhà thơ cũng đã có ý định tập hợp in một tập thơ nâng đỡ Huy. Thơ Vương Huy trong giao lộ thi ca của cả nước thật khó nhận định đó là miền Tây. Bởi từ cảm xúc, hình ảnh đến ngôn ngữ, thi pháp rất ấn tượng. Nó vượt lên trên tầm mức bình thường.“Một người nằm mơ trong sương mù / Hay chính những giấc mơ của hắn bay lên thành sương mù / Một người ngồi im trong sương mù / Sự tỉnh thức của sương mù đầy hắn hay sự tỉnh thức của hắn đầy sương mù / Một người đi trong sương mù / Chỉ còn một đóa hoa dại biết được những bước chân của hắn trôi về đâu…”. Từ thơ cái thị trấn bên tỉnh lộ vắng vẻ như đã được đánh thức, để có thể là câu chuyện trên môi của người yêu văn chương. Qua nhà văn Phan Thị Vàng Anh và nhà thơ Inrasara, chuyên đề Bàn tròn Văn chương do Ban sáng tác trẻ của Hội Nhà Văn Việt Nam phía Nam đã tổ chức một buổi hội thảo về thơ Vương Huy với tập Chiếc Bóng Trong Mưa (Nxb.Văn Nghệ) để khích lệ và ghi nhận một nhà thơ trẻ trong phong trào sáng tác văn học trẻ phía Nam.

Nhà thơ Song Hảo cũng là bà chị “cưu mang” tôi một thời lưu lạc miền Tây. Qua nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tôi chỉ không ngờ chị đã có nhiều bài thơ nổi tiếng như thế! Trước đây, tôi chỉ biết bài hát “Cao cao bên cửa sổ / Có hai người hôn nhau” một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng phổ từ bài thơ “Bên Cửa Sổ” của chị. Tiếp tục hành trình miền Tây, từ giã Cai Lậy qua Vĩnh Long, chị Song Hảo là người đón tôi và ưu ái dành cho kẻ “dạ hành” một căn phòng ở trong khu biệt thự khá đẹp, yên tĩnh của hội suốt thời gian lưu lại. Về đây, tôi mới nhớ đến dịch giả Phạm Viêm Phương, người dịch cuốn Giết con chim nhại của Harper Lee, được giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà Văn VN 2007, từng có một thời gian dài là “chuyên viên dịch thuật” ở đây. Có lần uống với nhau, anh kể, trong cái tên “Viêm Phương” của anh đã có nghĩa “hành phương Nam”.

Thơ Vĩnh Long đáng kể, ngoài Song Hảo ra có lẽ phải nhắc đến Nguyễn Bạch Dương. Anh tên thật là Nguyễn Kim Dũng. Có bút hiệu lạ như vậy do anh cầm tinh tuổi con Dê và muốn mình trong làng văn nổi bật lên bởi “màu trắng”. Anh khởi viết từ rất sớm. Các tập Sau Cơn Địa Chấn, Hoàng… từ những năm 1965 đã tạo nhiều chú ý. Trước khi anh mất vì bạo bệnh ung thư, tập Gió Không Mùa (Văn Nghệ 2001) như một điềm dự báo băn khoăn đến những bến bờ khác lạ của kiếp người hữu hạn. “Muộn rồi bông cúc tím ơi / Cỏ xanh đồi ấy đã phơi sắc vàng / Trễ tràng chi chuyến đò ngang / Để tôi lận đận giữa ngàn thông xanh”. Như anh đã tiên cảm được cái gì đó, đọc được điều gì đó. Thời điểm gặp nhau, anh rất tươi tắn. Tất cả như đang ở đỉnh điểm trước khi tất cả thoái trào. Tôi còn nhớ đêm cùng anh và chị Song Hảo dạo chợ Vĩnh Long, ra quán cà phê bờ sông đón gió. Đó là những phút giây thanh thản và đẹp đẽ mà chúng tôi không bao giờ gặp lại. Bởi sau đó không lâu, gia đình phát hiện anh bị bệnh hiểm nghèo ung thư vòm họng. Những ngày cuối đời anh không còn nói được. Nhà thơ Nguyễn Bạch Dương mất ở Sài Gòn, để lại cho bạn bè nhiều thương tiếc.

Tại Hội văn nghệ Vĩnh Long, còn có một nhà văn nổi tiếng nhưng cũng bị “tắc tiếng” là Phạm Trung Khâu. Anh là tác giả của truyện ngắn Tiếng Vạc Sành mà báo Tuổi Trẻ phát hiện ra khá độc đáo. Sau đó nhiều truyện ngắn khác của anh như Tình Quạ, Xa Xa Một Ngôi Nhà…anh đoạt giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội,  bạn đọc càng biết nhiều đến một cây bút đặc sắc của miền Tây. Tuy vậy, đời sống riêng của anh xem ra lại gặp nhiều sóng gió và trắc trở. Khi tôi lưu lại Vĩnh Long, Phạm Trung Khâu bị di chứng của tai biến mạch máu não. Một nửa người anh gần như liệt không đi đứng, cử động được và bấy giờ anh ở luôn trong Hội. Có lẽ gần phố thị dễ thuận tiện cho việc chữa trị. Nhìn một nhà văn tên tuổi đang nức tiếng trên văn đàn cả nước lại loay hoay hoang vắng trong khu nhà lớn vắng người thật dễ mủi lòng. Thấy tôi, anh rất vui vì có thêm bạn bè. Anh cố gắng pha một ấm trà để hai anh em cùng uống, cùng tâm tình. Tuy nhiên, giọng anh khi lào khào, khi đứt quãng vì bệnh tai biến tôi chỉ nghe tiếng được tiếng mất.  Anh kể nằm ở đây buồn nhưng anh cũng đã có thì giờ hình thành ấp ủ kết cấu mấy cái truyện ngắn. Chỉ có viết là khó khăn. Anh đành phải chờ cô con gái nhỏ đang ở chăm sóc cha đi học về, có thể nhờ chép lại. Hỏi chuyện về Tiếng Vạc Sành mắt Phạm Trung Khâu sáng lên. Anh nói, cái tứ viết về tiếng vạc của quê hương ám ảnh ngay từ khi còn chiến tranh. Người nông dân gắn bó với ruộng đồng cũng như con vạc với lùm tre, bãi đất, bụi bờ, sông nước. Con người không thể ly khai với những điều bình dị, thân thuộc đã ăn sâu ngấm sâu thành máu thịt của mình. Chối bỏ điều ấy chính là sự phản bội. Và ngay lúc ấy, khi ngồi với anh, tôi nghĩ, cái tiếng vạc sành cô đơn ấy đã ứng vào chính cuộc đời nhà văn. Nếu trong đêm, tiếng vạc cô lẻ khắc khoải bao nhiêu thì cũng hệt Phạm Trung Khâu, giữa thế giới yên tĩnh này, vắng lặng cô đơn bấy nhiêu. Sự sâu thẳm để những giọt mật văn kết tinh thắp sáng.  

Nhà viết ký, nhà báo Trần Thôi tướng tá râu tóc dữ tợn như Trương Phi nhưng văn anh đọc lại mềm mại, cuốn hút thôi miên như tóc con gái. Những bút ký chăn vịt đồng, mùa nước nổi của anh viết là một nét sổ khó quên của truyện ngắn và ký Vĩnh Long. Hai năm liền (1999 - 2000) anh đoạt giải nhất Ký của tạp chí Bông Sen và các hội văn nghệ đồng bằng Sông Cửu Long đủ cho thấy “kiếm bút” của anh. Vĩnh Long còn là nơi “an cư lập nghiệp” của nhà văn Hồ Tĩnh Tâm, gốc Quảng Trị nhưng những truyện ngắn của anh “rặt Nam Bộ” như Bông Điên Điển, Xóm Phố…hay “chễm chệ” trong các tuyển tập truyện ngắn Đồng Bằng Sông Cửu Long. Như tình yêu đất này, Hồ Tĩnh Tâm viết “Những hạt giống nảy mầm trên nét mặt / thời gian thời gian / nở giữa lòng ta niềm xao xuyến không tan…”

Tác giả: Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây