Xung quanh cuốn hợp tuyển đầu tiên về thơ ca Việt Nam thế kỷ 20: Nên có người trẻ chọn và chọn người trẻ

Thứ tư - 12/08/2009 11:33 2.252 0

Xung quanh cuốn hợp tuyển đầu tiên về thơ ca Việt Nam thế kỷ 20: Nên có người trẻ chọn và chọn người trẻ

Dư luận đang nóng lên xung quanh cuốn hợp tuyển đầu tiên về thơ ca VN thế kỷ 20 đang được Hội Nhà văn triển khai thực hiện.

>> 'Tuyển thơ, văn thế kỷ XX” chỉ là chuyện… tầm phào
>> 'Thơ VN thế kỷ 20': Kẻ nói xuôi, người nói ngược

Nhưng thật lạ, vì chỉ trong khoảng thời gian một tuần, có khá nhiều quan điểm phát ra từ những người có trách nhiệm về việc này, và họ đều là lãnh đạo các cấp của Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong khi Chủ tịch hội đồng biên soạn – nhà thơ Vũ Quần Phương phát biểu khẳng định, đây là tập hợp thành tựu thi ca Việt suốt 100 năm, thì nhà văn Nguyễn Trí Huân - Phó chủ tịch Hội Nhà văn lại cho biết: “Hiện nay, Hội chưa triển khai thực hiện Tuyển thơ VN thế kỷ 20. Công việc đang được triển khai là làm một tập tài liệu phục vụ cho Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài diễn ra vào đầu năm 2010”.

Theo ông Vũ Quần Phương, việc tuyển chọn thơ sẽ tiến hành qua 3 bước: Hội đồng tuyển chọn thực hiện vòng 1, sau đó đến Hội đồng thẩm định và cuối cùng là Hội đồng xuất bản. Cũng theo ông Phương, Ban tuyển chọn đã làm việc cật lực trong 4 ngày và đã tuyển được một danh sách chính thức và một danh sách “dự bị” (?!). Hiện Hội Nhà văn vẫn chưa quyết định được quy mô của tuyển tập do đó chưa thể khẳng định sẽ có bao nhiêu phần trăm hội viên Hội nhà văn Việt Nam có mặt trong tuyển tập này. Tuy nhiên, Hội Nhà văn đã thống nhất 4 tiêu chí về nội dung: Dân tộc, yêu nước, cách mạng và nhân văn.

Hội đồng tuyển chọn gồm 6 người, ngoài Vũ Quần Phương có Nguyễn Đức Mậu, Trần Nhuận Minh, Ngô Thế Oanh, cùng 2 nhà phê bình, nghiên cứu: Lưu Khánh Thơ, Lý Hoài Thu.

Hiện cũng chưa rõ quy mô của tuyển thơ sẽ như thế nào. Có 3 phương án được đưa ra là: 1. chọn khoảng 600 tác giả (trong đó có tất cả 500 hội viên và 100 tác giả của nửa đầu thế kỷ); chọn khoảng 300 tác giả; và phương án cuối là chọn 100 tác giả. Cả 3 phương án này, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, đều cho là “có lý”. Tuy nhiên vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng là chọn phương án nào.

Trước đây, tuyển tập 100 bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20 cũng đã gây bức xúc trong dư luận vì cách chọn, hội đồng chọn...

Dưới đây là ý kiến của một số nhà thơ trẻ.

Nhà thơ Lê Vĩnh Tài:

Ban tuyển chọn nên quan tâm đến các tác giả trẻ cuối thế kỷ

Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ 20, cái tên thôi đã thu hút sự chú ý của những người yêu thơ rồi. Tuyển nào cuối cùng cũng vậy, chọn người này không chọn người kia, bỏ sót người nọ... cũng là điều khó tránh khỏi. Sau, nếu ai đó làm tuyển nữa thì các tác giả góp mặt trong tuyển này lại rơi rụng tiếp chắc cũng không làm ai ngạc nhiên.

Việc ban tuyển chọn “họp liên tục cả bốn ngày”, nhưng nhiều người yêu thơ lại nghĩ “cũng chỉ mất bốn ngày”, cho thấy ban tuyển chọn cũng nên lắng nghe thêm dư luận. Vào những năm cuối của thế kỷ XX, sự chuyển động của thơ Việt là điều ai cũng thấy. Sự ly tâm của nhiều tác giả và các quan niệm thơ khác nhau của giai đoạn này là những đóng góp có ích cho quá trình cách tân thơ Việt, đã có những tổng kết của các tác giả Nguyễn Việt Chiến, Inrasara...

Hơn nữa, nếu như việc tuyển chọn các tác giả lớp trước có nhiều thuận lợi (có độ lùi về thời gian, đã có nhiều lần làm tuyển...) thì các tác giả xuất hiện ở cuối thế kỷ không có được những điều đó. Vì thế, quan tâm đến những đóng góp của các tác giả trong giai đoạn này cũng là điều mà ban tuyển chọn nên làm. Việc này chẳng những tránh bỏ sót một giai đoạn nhiều tươi mới của thơ mà còn thể hiện sự lao động thực sự của ban tuyển chọn, tuyển những bài thơ lần đầu vào tuyển chẳng hạn, cũng là đóng góp và là dấu ấn của chính ban tuyển chọn chứ sao...

Nhà thơ Vi Thùy Linh:

Tôi không tin vào tư duy cách tân của Hội đồng tuyển chọn

Đọc danh sách những người tuyển chọn, tôi không tin vào tư duy cách tân của họ, dù họ có thể làm rất cẩn thận. Điều nữa là sau khi làm xong, nhà thơ Vũ Quần Phương mới phát ngôn trên báo chí, trong khi tôi là hội viên Hội Nhà văn VN cũng như nhiều hội viên khác không nhận được thông tin gì trước đó. Điều này, vô hình chung tôi thấy có gì đó không minh bạch và sòng phẳng.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rằng nếu anh đứng ra tuyển thì phải mất hàng năm. Vậy tại sao ở đây Hội đồng tuyển chọn lại chỉ làm việc trong có 4 ngày?

Theo những gì nhà thơ Vũ Quần Phương trả lời phỏng vấn trên báo chí, tôi thấy cách tuyển chọn của Hội đồng này rất cảm tính, đây là cách tuyển chọn quá cũ theo tên tác giả, mà nhiều người đã trở thành “cây đa cây đề”. Trong khi những nhà thơ mới, trẻ thì lại bị gạt ra. Vậy cái hay ở đây là hay kiểu tròn trịa hay cái hay theo sự chuyển động của thơ ca? Là một nhà thơ trẻ, tôi thấy mất lòng tin.

Về ý kiến đại ý “chúng tôi thấy một số nhà thơ trẻ thì nên để lại cho một tuyển tập của thế kỷ 21” tôi thấy cũng rất mập mờ. Chúng tôi ở đây là ai? Nhóm tuyển chọn? Chủ tịch Hội đồng thơ? Lãnh đạo Hội Nhà văn? Nếu đây là một tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20 theo đúng nghĩa thì trong hội đồng tuyển chọn phải có đại diện thơ của các giai đoạn bổ sung khác nhau, và nên có cả người già lẫn người trẻ.

Nhà thơ Phan Huyền Thư:

Gửi hương cho gió, xin đừng gửi gió cho hương...

Trích "leo" tuyên ngôn của nhà thơ Lê Đạt : "Chữ bầu nên nhà thơ"...Vậy ai bầu nên Hội đồng tuyển chọn? Ai cho  mình một cái đặc quyền sẽ làm cho các đồng nghiệp "nam phụ lão ấu" run run xúc động khi  được xướng danh trong tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ XX....

Năm 1997, kỷ niệm 70 năm phong trào Thơ Mới (1937-1997), Nhà xuất bản Phillips Picquer của Pháp đã in một tuyển tập thơ ca Việt Nam. Tôi may mắn được chọn cùng với các nhà thơ Trần Hữu Việt, Phạm Tường Vân, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Vĩnh Tiến... bên cạnh những tên tuổi đại thụ của thi ca chữ quốc ngữ Việt Nam từ Vũ Đình Liên, Anh Thơ cho đến Huy Cận, Tố Hữu...vv

Tôi hiểu là Người Pháp quan tâm đến sự tiếp nối của văn hoá Việt Nam.

Các tuyển tập thơ văn khác xuất bản tại Mỹ, Hàn Quốc, Đức vv... cũng đều xếp chỗ cho vài gương mặt thơ mới của phong trào thơ trẻ như một sự khẳng định, ghi nhận chứ không phải thái độ động viên, khích lệ trịnh thượng.

Gần đây nhất, quý I năm 2008, Cuốn tuyển tập "Nàng thơ kiêu hãnh " tuyển chọn thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay phác hoạ chân dung mười thế kỷ thơ nữ Việt Nam được xuất bản tại Mỹ cũng đã có những gương mặt Vi Thuỳ Linh (1980), Dạ Thảo Phương(1974), Lê Thị Mỹ Ý (1978), Ly Hoàng Ly (1975) và tôi (1972)...

Tôi hiểu rằng người Mỹ cũng đã thừa nhận các cây bút 7x, 8x đã xứng đáng trở thành tác giả và có một dòng văn học  mới không những đã hình thành mà còn đang phát triển như một đặc điểm của sự chuyển hướng xã hội về quan niệm thẩm mỹ, chức năng và nhiệm vụ của văn nghệ trong cuộc sống hiện đại.

Đọc tuyển tập này, tôi thầm nghĩ, may mà thời của các bà Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thị Lộ hay  Nguyên Phi Ỷ Lan...vv không có hội đồng tuyển chọn... Biết đâu Hồ Xuân Hương lại rớt khỏi tuyển tập thế kỷ XVIII...vì lý do nào đó như năm sinh chẳng hạn...vì một sự trùng hợp ngẫu nhiên Hồ Xuân Hương hơn tôi 200 tuổi. Bà sinh 1772 - mất 1822 (cầu mong tôi đừng biến mất vào năm 2022 thì thật là sự trùng hợp kinh dị!). Dẫu sao, lịch sử vẫn công nhận Hồ Xuân Hương là thi sĩ của thế kỷ XVIII....có lẽ nào tôi không được công nhận mình là thi sĩ của thế kỷ XX?

Làm tuyển tập là một việc làm có ý nghĩa , rất đáng trân trọng. Tôi nghĩ nó đẹp đẽ như việc gửi hương cho gió. Những tôi cũng mong rằng, với những tác giả đã có chút "hương" của mình mà không có chỗ trong tuyển tập, biết đâu  lại phản tác dụng... như là đuổi gió về để xua hương đi...?

Tác giả: Lê Anh Hoài

Nguồn tin: Tiền Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây