Mặt đất im lặng

Chủ nhật - 17/10/2010 22:10 3.349 0

Minh họa: Văn nguyễn

Minh họa: Văn nguyễn
Trong khu vườn rậm rạp mà Quân cứ tưởng là cái bãi hoang đó có con rắn lục thường xuất hiện. Nhiều lần bà ngoại nói ông đập nó chết đi nhưng ông không chịu.

Nguyên nhân là một lần dọn bãi, bên cạnh cái hồ nước, ông phát hiện có một ổ rắn. Ông đã đập chết hết nhưng không hiểu sao vẫn còn sót một con. Con rắn này nom rất hiền, gặp người thường nem nép bò đi thật nhanh. Bởi vậy ông ngoại không nỡ giết chết nó.

Trên chiếc võng đu đưa buổi trưa hè giữa vườn một lần Quân nhìn thấy nó. Nó lén nhìn anh bằng con mắt rất dữ. Quân bật ngay dậy thì nó đã biến mất. Quân nói với Ngọc: “Có phải con rắn mà bà ngoại hay kể không? Sao ông ngoại không giết nó luôn cho rồi?”... Ngọc cười phá: “Nó hiền khô anh ơi! Ông ngoại nói đã định giết hết cả ổ rồi. Con rắn này không chết thì cứ để nó sống thôi!...”.

Vườn nhà ngoại rộng, con rắn lẩn đi rất nhanh cũng khó mà tìm thấy. Từ ngày yêu Ngọc, thỉnh thoảng hai đứa về quê nàng, buổi trưa thường rủ nhau ra đây. “Ủa, vườn đẹp vậy mà sao ngoại không chăm sóc, bỏ hoang hả?” - Quân hỏi. “Ừ! Cũng cả năm rồi cậu Mười không cho ngoại làm vườn nữa. Cậu nói ông ngoại già rồi. Làm lụng chi cho mệt” - “Đất thì để canh tác. Giữ làm chi em?” - “Anh hỏi đúng là giọng nhà thơ. Vùng này đất đang lên. Sốt lắm! Cậu Mười chỉ đợi thời cơ là bán!”. “Ông ngoại cũng chịu để cho cậu bán hả?” - Quân tò mò chút đỉnh. “Bộ anh không biết hả? Ở nhà này cậu Mười làm trời mà! Từ nhỏ xíu đã vậy rồi! Cậu muốn gì, làm gì ở nhà này phải chịu nghe hết…”.

Gọi là ông cậu vì vai vế trong gia đình chứ về tuổi tác cậu nhỏ hơn Quân gần mười tuổi. Cậu là út mót. Là con cầu tự của ông bà ngoại. Bà ngoại sinh chín người con tất cả đều là gái. Ông ngoại lấy cớ không có con thừa tự nên lẹo tẹo thêm bà thứ. Bà này chồng chết trận, không hiểu có nghề, có ngón bùa mê thuốc lú gì mà ông ngoại mê tít. Không những giật chồng người ta mà còn dụ ông về đánh đập bà. Đã thế, bà thứ sinh ngay cho ông ngoại đứa con trai là cậu Ái. Sau cú đó, bà càng lên mặt dữ.

Ông ngoại bỏ nhà đi biền biệt. Bà ngoại cứ đi tìm đến nhà bà thứ lại bị đánh đập. Vì chuyện đó mà sau này bà hận đến già vẫn không tha. Rồi bà đi van vái tứ phương. Lời nguyện đó được thánh chứng. Bà sinh được cậu Mười. Ông ngoại vui, nguôi ngoai mới quay trở về. Từ nhỏ lớn lên cậu Mười được cưng như trứng mỏng. Muốn thứ gì được thứ nấy. Ai đụng tới ông cậu là bà ngoại nhảy vào cào xé, bênh chằm chặp.

Quân chợt nhớ đến bữa rượu hè năm ngoái. Lần ấy Quân mới về ra mắt nhà Ngọc. Ổng cậu đã tỏ vẻ không ưa vì Quân lớn hơn Ngọc đến mười tuổi. Ông cậu cũng bằng tuổi Ngọc mà thôi. Ngọc kể hồi bé, hai cậu cháu chơi trốn tìm. Thua ổng khóc hu hu, đi tìm bà ngoại để mách. Ổng học dốt, bài tập cứ nhờ cô cháu giải giùm nhưng mỗi tháng vẫn đứng chót bảng. Sau này ổng đi lên được nhờ biết đá bóng. Ổng tham gia hết đội ấp lên đội huyện và tỉnh. Nhờ có đôi chân quỷ khốc thần sầu nên ông lượn dắt bóng vượt qua hết đối thủ này đến đối thủ khác để đưa vào lưới. Cuối cùng, ổng được vào biên chế, tăng cường về đội bóng Điện lực của huyện, cưới được cô vợ xinh đẹp là nhân viên thu tiền điện.

Được nuông chiều từ bé, lớn lên lại nổi tiếng và thành công bằng đôi chân, nên suy nghĩ, lối sống của ông vẫn kiêu căng, cao ngạo. Muốn gì được nấy. Coi trời bằng vung. Bây giờ ngồi trước mặt Quân ổng muốn dò đối thủ chịu được bao nhiêu lít. Mà rượu thì ổng vẫn được xem là hũ chìm trong nhà này. Một trận nhậu khiếp đảm ai nấy trong bàn ngã rạp, quắc cần câu. Riêng cậu Mười vẫn tỉnh rụi dù mắt đỏ quạch. Ổng gườm gườm nhìn Quân như lượng xem thằng nhỏ cháu mình liệu còn bao nhiêu sức.

Quân uống ít từ trước giờ. Mấy vòng xoay chừng đủ làm anh liêu xiêu. Cuối cùng ông ngoại xen vào không cho uống nữa. Cậu Mười có vẻ tức nhưng không dám cãi.

Ông ngoại đang muốn bàn với anh làm tập gia phả của dòng họ Trần nhánh từ Bình Định vào. Chẳng là mấy năm gần đây ông thấy sức khỏe mình xuống dữ lắm. Nỗi nhớ quê hương càng da diết. Trong gia đình, chỉ ông ngoại là người có nhiều chữ nghĩa nhất. Thời trước nghe đâu ông làm đến quản lý hành chánh cho một đơn vị huyện.

Ngày trẻ, ông cao to, đẹp trai và hào hoa. Bao nhiêu cô gái mê ông. Cái chất lãng tử đó bây giờ vẫn còn phập phồng dưới mỗi mạch máu cạn. Nhưng lúc này ông muốn trích hết cho bút mực. Quyển gia phả Trường Định quê hương, phổ lục Trần tộc ông viết từ rất lâu và mỗi lần sửa chữa một ít nên ai nhìn vào đều thất hồn. Mực đỏ, mực xanh, chữ chi chít dập xóa uốn bò, bao biện như thân rắn. Mà ông lại hà tiện, viết chữ lăn tăn, li ti. Người thường nhìn đã muốn oải, huống hồ ông già đã trên bảy mươi tuổi.

Quân hỏi ông: “Ủa, sao ngoại không viết chữ to lên cho dễ đọc?”. Ông cười: “Ngày trước học hành chánh ngoại được dạy viết như thế. Có nghĩa là chữ vừa sít giữa hai dòng kẻ. Không ai có thể thêm bớt vào, không ai có thể tẩy xóa được…”. Thì ra thế. Quân nhận lời gõ lại vi tính cho ngoại bằng máy laptop anh thường mang theo. Anh thấy mình như đang đi trong một khu vườn lăn tăn những giống cây kiểng cằn cỗi. Ngoại viết từ ký ức những làng chùa, đình miếu.

***

Giá đất vẫn đang sốt dữ dội. Hôm qua có thông tin từ trong ủy ban xã ra khu vườn nhà ngoại nằm trong dự án khu công nghệ cao, là chiến lược quan trọng của huyện. Tự nhiên mấy ngày đó nhà ngoại khách đổ về tấp nập. Thậm chí có kẻ đi xe qua trước nhà dừng lại ngó nghiêng. Ngoại đang đọc cho Quân mấy chỗ khó trong cuốn gia phả viết tay cũng buộc phải dừng lại để tiếp khách. Thì ra là Năm Hoằng, một tay cò đất từ ngoài xã chạy vào. “Lâu quá em không vào thăm anh Bảy” - gã giả lả - “Anh khỏe luôn chứ hả?” - “Tôi già rồi. Cũng vậy” - ngoại nói - “Bộ hôm nay có mối làm ăn gì hả?”. “Đâu có, em vào cốt để thăm anh thôi”. Gã nhanh nhẹn nẫng trong túi ra một bọc trái cây vàng ươm: “Em có tí quà biếu anh. À, anh Bảy ơi, chuyến này anh giàu to nghen. Cái vườn của anh nằm trong dự án xây dựng khu công nghệ cao. Anh có muốn bán không, để em tính…”. Ngoại cười hiền lành: “Nghe thì nghe vậy thôi chứ dự án còn nằm trên giấy, lúc nào mới quy hoạch thì phải hỏi ông trời…”. Năm Hoằng cười hí hí: “Anh có muốn bán thì cho em biết, em làm giá cho…”.

Vườn của ngoại rộng hơn ba mẫu rưỡi cũng được mấy tỉ. Một con số mà cả đời ngoại không ngờ tới. Năm Hoằng liến thoắng một chút rồi đi, bỏ lại hai ông cháu với những trang gia phả cồn cào sột soạt trong gió. Chữ nghĩa bỗng dưng mất hồn vía. Chẳng ai còn đủ kiên nhẫn để có thể lần về một vùng quê hương mù mờ xa khuất nào đó hàng hàng lô xô buồn nản trên giấy trong khi cả huyện cả xã như sốt ngập lên giữa cái giá đất ngút trời.

Chuyện chỉ thế thôi mà cả xã đồn rần rần cứ như ông ngoại thành tỉ phú đến nơi. Các dì dượng hóng hớt ở đâu tập trung về, tay bắt mặt mừng cứ như là hằng mấy năm không gặp. Ông ngoại thấy mệt, bỏ đi nằm. Đêm khuya mà cả nhà vẫn còn nhao nhao nói cười như chợ vỡ.

Bà ngoại được mấy dì chăm sóc kỹ lưỡng đến nỗi trong một ngày từ mái tóc, chiếc khăn, vòng đeo cổ, cẩm thạch đeo tay, áo mỡ lụa, quần xám… cho đến đôi dép mang dưới chân mới kít, vừa “đập hộp” cả.

Rồi cậu Mười về. Quân chỉ nghe tiếng xe máy dựng bờ rào ngã cái rầm. Ông cậu bò lổm ngổm dưới đất, say tít trời mây. Mấy dượng ào ra đỡ. Cậu Mười hất tung hết, mắt trợn ngược, tay chỉ trỏ, miệng lảm nhảm: “Ai bảo bán đất? Ai cho lệnh bán đất? Tôi nói là không bán. Giá đất còn lên nhiều nữa, nghe không? Ai cãi lời tôi là tôi cắt cổ…”. Mấy bà dì hớt hải dạt ra mỗi người một góc, trong lúc các ông dượng lăng xăng người nâng cái tay, kẻ xốc cái chân mang  ông cậu giãy giụa chòi đạp vào nhà.

Ổng lầu bầu, phun nước bọt phèo phèo. Một lát sau Quân đã nghe tiếng ổng ngáy khò khò, thi thoảng gầm gừ trong cổ…

 Người về cuối cùng thăm ngoại là cậu Ái. Bấy lâu nghe cậu lưu lạc làm ăn ở đâu trên Kon Tum. Bây giờ không hiểu bằng cách nào cậu lại về thăm ông ngoại đúng vào lúc giá đất vườn lên. Trong mấy người con trai, phải nói cậu Ái là người giống ông ngoại y hệt. Cả cách ăn nói, khoa chân, khoa tay. Giống như được đúc ra từ một khuôn vậy.

Cậu Ái về, mấy bà dì dạt ra rầm rì ở ngoài. Bởi cậu mắc bệnh hám gái. Ở đâu có gái cũng tìm cách xáp vào. Đi đâu cũng cặp bồ cặp bịch lung tung. Nghe kể con rơi con rớt đùm đề. Nhưng ông ngoại vẫn rất thương cậu. Bởi cậu là đứa con trai đầu của ông sau bao ước mơ hy vọng. Có điều như gần cả đời ngoại cũng không lo lắng gì được cho cậu hết. Trong xa thẳm ngoại cũng muốn bán được mảnh vườn này cũng sẽ giúp cho cậu một ít. Nhưng đó phải chăng chỉ là những suy nghĩ chập chùng thoáng qua?

***

Hơn một tháng lu bu công việc ở thành phố, Quân không về quê. Một hôm Ngọc gọi điện bảo ông ngoại ốm, nhắn anh về gấp. Chuyện tình cảm đã được hai bên gia đình đồng ý. Quân cũng đã dự tính giữa năm sau sẽ tổ chức đám cưới.

Cuốn gia phả anh cũng đã tranh thủ đánh gần xong. Chỉ khó nhất là bảng liệt kê chi thứ, các dòng phả hệ từ thuở ông tằng ông tổ khai sinh từ Thanh Hóa vào Bình Định. Các sơ đồ ngoại kẻ tẩy xóa nhiều lần khiến Quân không cách nào đọc ra được. Anh cũng định chuyến này về hỏi, làm luôn một lần cho xong.

 Từ khi làm cuốn sách, Quân cũng hiểu thêm quá khứ hào hùng của tộc Trần cũng như sự thăng trầm, truân chuyên của cuộc đời ngoại. Ông thuộc nhánh chính và là con trưởng của tộc Trần Văn. Việc phải từ bỏ quê hương ra đi đối với ông là thời thế, trong lòng luôn trĩu nặng gánh tổ tiên. Khi ông dẫn cả bầy con, chín người vào Xuân Lộc ông không nghĩ vùng quê mới này có thể giữ mình lâu thế. Như câu hát “đất thương người đất níu bàn chân”. Quẩn quanh, lo toan với việc mưu sinh làm ăn, ông cũng ít có dịp hồi cố. Thi thoảng trong giấc ngủ tiếng trống chèo những đêm hội vọng về làm ông nước mắt đẫm gối.

 Là người có trí lực, một tay ông dựng vợ gả chồng cho bầy con, đã gầy dựng nên một cơ ngơi lớn như hiện nay, chỉ có cậu Ái làm ông lo. Trong gia phả, ông cũng đã lập và xóa mấy lần về nhánh chính - phụ, trưởng - thứ về cậu Ái. Nếu nhắc đến cậu Ái, trong gia đình hiện không có ai công nhận hết.

Tuy là con bà thứ không giá thú nhưng lại là con trai trưởng của ông. Đứa con cho ông nhiều niềm vui, mơ ước. Ông hãnh diện khi ngồi nhậu với bạn bè không còn bị xếp “chiếu dưới”, là không có con nối dõi, chỉ rặt một lũ “vịt giời”. Nhưng cuộc đời lao đao. Niềm vui này cũng đưa đến cho ông bao nỗi đau vì con trong, con ngoài, sự đánh ghen tanh bành giữa hai bà vợ. Và cậu Ái ông cũng không chăm sóc được nhiều.

Cuộc đời cậu như một gã du thủ du thực. Lang thang giang hồ cùng trời cuối đất. Nếu như cậu Mười được ông tạo điều kiện nhiều thì ngược lại, cậu Ái chẳng được bao nhiêu. Cứ tưởng sau những trường chinh tìm kiếm con trai, có được hai cậu ấm là ông mãn nguyện, nhưng thực ra không phải. Hai bà trưởng và thứ cứ gầm ghè nhau như hổ cái.

Sau giải phóng, ông bị đưa đi cải tạo một thời gian ngắn. Ra trại thì mọi thứ đã thay đổi. Bà thứ lẹo tẹo theo một gã buôn bò bỏ cậu Ái vất vơ. Ông đưa cậu về nhà nuôi nhưng chỉ được một thời gian bà ngoại không chịu vì ghen tuông với con chồng, thường xuyên kiếm cớ xào xáo, gây gổ. Nhà cửa lúc nào cũng căng như có chiến trận. Bà ngoại nói với mấy dì dượng: “Tao không hận gì nó - chỉ bà thứ -  nếu như nó chỉ bỏ bùa giật chồng tao. Đằng này nó còn xúi ổng về đánh đập tao không biết bao nhiêu trận tàn khốc, chết đi sống lại. Sao nó cũng là phận đàn bà mà nó ác như thế?...”. Tình cảnh đã khó vậy, cậu Ái còn sinh tật hay ăn cắp vặt, chim gái, nhậu nhẹt. Không hiểu cậu nhiễm những thói xấu ấy ở đâu? Ở với ông ngoại được hai năm, chịu không nổi cảnh tàn tệ, cậu Ái bỏ gia đình đi từ đó.

Làm gia phả, ông ngoại lập cây phả hệ quyết định đưa vào hết mọi chi trên dưới, với ý nguyện sau này ông chết đi, con cháu biết trình tự mà phân biệt và tìm về với nhau. Bởi vậy, ông càng thấy day dứt với đứa con ông từng ước mơ, hy vọng nhưng chưa lo lắng được đến nơi đến chốn. Lần này giá đất lên, ông muốn bán đi giúp cho cậu Ái một phần để cậu an cư lập nghiệp. Tuy nhiên, ông biết để thực hiện được ý nguyện ấy cuối đời là hoàn toàn không dễ. Không khéo léo sẽ tan nát cả gia đình, anh em tương tàn.

Với bản tính hiếu thắng, hẹp hòi như cậu Mười ông còn lạ gì. Vì vậy cây phả hệ ông gạch ra rồi đưa vào phân vân không quyết. Chỉ có Quân khi gõ lại bản vi tính, mới đọc được ý nghĩa của những dòng chữ gạch xóa chi chít đó. Quân cũng lâm trận lưỡng lự. Không rõ cuối cùng ông ngoại quyết định ra sao? Chuyến đi này Quân sẽ tìm cách hỏi ông.

Nhưng Quân cũng không ngờ đó là chuyến trở về định mệnh. Anh vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại ông ngoại nữa.

Cũng trong buổi sáng anh ra bến xe thì ông ngoại ra vườn làm cỏ. Ai dè con rắn lục ngày xưa không chịu buông tha ông. Con rắn có con mắt dữ nhìn anh từ trong vô hình trưa nào đăm đăm. Ngày xưa nhiều lần bà ngoại đã bảo ông tìm cách giết nó đi nhưng ông không nỡ vì đã lỡ diệt cả ổ rắn mẹ lẫn rắn con rồi. Nhiều lần trong vườn, ông thấy nó đang hé nhìn, quan sát ông từ xa. Cái nhìn lạnh lẽo biết thân biết phận. Ông chợt liên tưởng đến cậu Ái. Ông đã thấy nó rồi. Ông muốn làm một cái gì đó thay đổi nhưng sao mọi thứ rối rắm và khó khăn. Thử thách này ông cần đối đầu nhưng có cái gì mơ hồ cản lại làm chậm trễ mọi thứ. Còn bây giờ thì quá muộn.

Ông hoa mắt. Con rắn từ đâu xuất hiện khè khè nọc độc. Ông vội chụp con dao sắc lẻm bổ phập xuống đầu nó. Con rắn uốn mình, lách qua, mổ một phát chí mạng vào tay ông trước nhát chém thứ hai chính xác đến nỗi đứt lìa đầu nó.

Cái thân phù sinh uốn éo, giãy đành đạch. Con rắn chết. Ngoại cũng lẩy bẩy tay chân. Toàn thân lạnh toát.

Đứng không vững. Ngoại ngã ngồi xuống đất...    

***

Đám tang của ông ngoại được xem là lớn nhất trong vùng, năm ngày năm đêm không dứt. Lần đầu tiên toàn bộ con cháu tộc Trần khắp nơi tề tựu về đầy đủ than vãn khóc thương.

Cậu Ái đón một chuyến xe đêm ngược từ Kon Tum chạy về. Tới đầu ngõ đã khóc rống, dập đầu lõa máu bên quan tài. Lúc đó cậu Mười đang được ông thầy pháp bày cách quấn khăn xô, đội mũ gai, tay cầm gậy là khúc roi dâu đi bên quan tài, vừa giựt vừa khóc. Đó là cách tiễn mà không muốn tiễn, đưa mà không muốn đưa, xưa bày nay làm vậy.

Quân chở Ngọc từ Sài Gòn về đến nhà vừa đúng giờ nhập lễ. Anh thấy Năm Hoằng dẫn đầu một đám đàn em cò đất cầm một vòng hoa to tướng lăng xăng rẽ đám đông, miệng hô to: “Cậu Mười đâu, cậu Mười đâu? Nghĩa tử nghĩa tận. Bọn tui đặt vòng hoa ở đâu cho phải đây?”.

Cả một vùng đồi núi trong mưa lạnh toát. Lần đầu tiên Quân hiểu được thế nào là miền đất thiêng. Có điều gì đó huyền bí mà người thường không thể giải thích. Liệu có đúng không? Như anh, quê ở tận miền biển xa một ngày, yêu người con gái miền đất đỏ ở đây. Rồi sẽ thành vợ thành chồng. Sẽ hiểu thêm cái huyền bí của núi đồi. Gia đình anh sẽ là một tán lá mới quấn quanh cây phả hệ. Cái cây dòng họ bao đời lớp lang chằng chịt ấy, biết vậy mà bao điều khó nói. Nó âm âm, u u như tiếng khóc uất ức mắc nghẹn trong phổi của cậu Ái.

Tiếng quát tháo trịch thượng của cậu Mười cùng bao chuyện bí ẩn lạ lùng về con rắn thiêng. Những trang gia phả định viết sẽ không bao giờ được viết. Những trăn trở một đời người sẽ được mặt đất im lặng nuôi giữ.

Chẳng hiểu sao có ý kiến di quan ông ngoại cần phải đưa vòng qua khu vườn hoang rộng mênh mông lần cuối để ông được ngắm nhìn toàn bộ gia sản đất đai chắt chiu dành dụm được cả cuộc đời ông. Quân ngạc nhiên. Bởi lẽ từ nhà ngoại ở ra tới vườn phải ngược lên gần cây số. Mà quan tài thì nặng.

Sau rồi Quân mới biết là ý của cậu Mười. Khi đám âm công nhập lễ, líu ríu gõ lốc cốc hai thanh tre vào nhau, vái trước bàn thờ thổ địa xin đưa người chết đi, các bà dì ngã vào nhau dúi dụi. Tiếng khóc hờ như ri. Góc bàn thờ như nổi gió.

Chiếc quan tài được nhấc lên. Quân chợt thấy rúng động. Cậu Ái vừa bưng đèn bát đi trước vừa ngã dúi dụi, vừa khóc rống. Cậu Mười huơ huơ cây gậy mở đường, vừa đi giật lùi. Lít rượu đầu hôm giờ vẫn còn như lâng lâng. Cậu mỉm cười mãn nguyện chấp chới như đang đi trong mơ. Tất cả bây giờ như thuộc về một tay cậu. Đất đai ông ngoại để lại lớn bao nhiêu, lát nữa mọi người sẽ biết!

Bỗng có tiếng quát: “Dừng lại. Dừng lại. Đi sai đường rồi! Phải rẽ phải! Đi qua đất ông Bảy…”. Đó là tiếng thét của Năm Hoằng. “Trời, trời! Qua đó mà làm gì! Quan tài nặng lắm! Cho lên xe tang thôi!”. “Không được! Lộ trình thầy cúng đã vẽ rồi! Bùa chú rồi! Cứ theo thầy mà đi! Đừng cãi nữa!...”.

Ông thầy áo vàng thong thả đọc kinh, thỉnh thoảng lại bốc một nhúm giấy vàng xanh đỏ tung lên, đầu không gật không lắc. Đột nhiên ông chuyển hướng. Cả đám đông rùng rùng chuyển theo. Cái hòm bất ngờ xoay ngoặt như bão xối. Có tiếng người la bai bải: “Nặng quá! Nặng quá!”. Tiếng thanh tre lốc cốc, sừng sộ: “Người đâu, thế vào!...”. Một hai thanh niên nhanh nhảu ké vai.

Tiếng khóc bỗng vang lên to rất to. “Cha ơi! Đang đi qua phần đất của cha nè! Đất lớn quá! Một đời lao lực dành dụm! Cha về đây mà chia…?”. Một cơn mưa lớn xối xuống. Bóng cậu Ái ngã rạp phía trước.

Quân bám tay vào thành xe. Quan sát khu vườn lần cuối. Ngày xưa bao lần Quân và Ngọc ngồi đây, sao giờ anh thấy thật xa lạ. Sốt đất vẫn rì rầm đâu đó cuối trời.

Đột nhiên anh bâng quơ nghĩ: “Liệu có đúng con rắn đã chết?”. Sao cái nhìn sắc lạnh của nó hôm nào, nhớ lại, vẫn làm anh sởn gai.

Cái gai đó cũng thoảng trong ánh nhìn cậu Ái và tiếng cười của cậu Mười. Trong ngọn gió xới tung những trang trắng của cuốn gia phả mà chắc chắn từ nay về sau Quân biết, sẽ không bao giờ kết thúc được.

Như cuộc sống chảy dài, tiếp nối với bao điều phía trước. Khi mặt đất im lặng…

Tác giả: Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây