Không đoàn kết, sẽ có nhiều “tác phẩm mồ côi” trên Google!

Chủ nhật - 09/08/2009 13:45 2.114 0

Chuyên gia bản quyền Đỗ Khắc Chiến giải thích về vấn đề bản quyền trong hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Chuyên gia bản quyền Đỗ Khắc Chiến giải thích về vấn đề bản quyền trong hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Hơn một tháng nữa sẽ đến ngày 4/9 - thời hạn cuối cùng để các tác giả Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đưa ra tuyên bố về việc có tham gia vụ thỏa thuận bản quyền với Google hay không. Như TT&VH đã đưa tin, đây là thỏa thuận mà Google đưa ra sau khi đã tự ý số hóa cả triệu đầu sách, báo mà không xin phép (trong đó có 4000 tác phẩm của VN).

>> Sự thật về vụ Google mua bản quyền sách VN
>> ‘Thương lượng với Google không hề đơn giản!’

Nhưng, đến thời điểm này, sự đồng thuận giữa các tác giả trong nước để xử lý vụ việc trên vẫn là chưa đủ - khi mà nhiều người trong số họ không mấy mặn mà với việc ủy thác quyền đại diện cho VLCC (Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Văn học VN).

Chưa thật sự đồng thuận!

Sự thiếu đồng thuận ấy diễn ra ngay trong bản thân Hội Nhà văn VN, cho dù trên lý thuyết, các nhà văn có tên trong Hội chính là đối tượng đầu tiên mà VLCC bảo vệ. Điển hình, nhà văn Trần Thị Trường, người từng có thời gian là sáng lập viên của VLCC, cũng không muốn ủy thác quyền đại diện cho Trung tâm. Như lời nhà văn này, do có thời gian dài tham gia làm việc ở lĩnh vực bản quyền, bà có đủ khả năng để tự thỏa thuận với Google về việc sử dụng các tác phẩm của mình.

Thậm chí, theo VLCC, có tác giả đã đăng kí ủy thác quyền Trung tâm này cho mình, nhưng đến khi xảy ra vụ việc Google thì lại băn khoăn muốn tự mình quản lý. Chưa kể, có vị đã đăng kí với VLCC nhưng lại hùng hồn tuyên bố rằng không thể chấp nhận việc chỉ đòi được 60 USD/đầu sách từ Google, ít ra là phải gấp 10 lần như vậy… 

Phần nào, sự thiếu mặn mà ấy có thể giải thích bằng tâm lý ngần ngại của các tác giả trong nước trước thông tin “bị ràng buộc một số điều khoản nếu kí thỏa thuận với Google”. Điển hình, trong cuộc hội thảo được tổ chức về vấn đề này vào sáng 29/7/2009, một phần lớn thời gian hội thảo được chuyên gia bản quyền Đỗ Khắc Chiến sử dụng để giải thích các khái niệm và vấn đề liên quan tới vụ việc. Phần còn lại được dành để trả lời các thắc mắc như “kí với Google thì có mất quyền xuất bản sách ở Việt Nam không” hoặc “chẳng dễ mà đòi được Google trả tiền…”

Bà Đoàn Thị Lam Luyến, giám đốc VLCC, cho biết: "Tham gia vụ việc này, tôi mới ngã ngửa ra rằng nhiều tác giả của chúng ta chẳng hiểu biết mấy về bản quyền. Đó là điều khiến tôi hoang mang...".

Ủy thác cho VLCC - không hề phải góp tiền để “đi kiện” 

Sử dụng bìa, trích đoạn tác phẩm cũng phải trả tiền

Theo những thông tin mới nhất từ VLCC, trong quá trình thỏa thuận với Google, phía VLCC sẽ đề nghị bổ sung thêm một điều khoản: Google phải có trách nhiệm trả phí bản quyền cho cả hình thức “khai thác thăm dò tác phẩm”. Có nghĩa là, việc sử dụng hình ảnh bìa sách, trích đoạn ngắn… của tác phẩm để “quảng cáo” cho người dùng mua hoặc sử dụng tác phẩm trên không gian mạng cũng cần được trả tiền. Hiện, phía Google đang muốn được hưởng quyền “thăm dò” này
Được biết, khi mới thành lập, VLCC đã hồ hởi nghĩ đến việc áp dụng giải pháp ủy thác tập thể - điều mà hầu hết các hội nghề nghiệp trên thế giới đã làm. Cụ thể, Hội nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra ủy quyền cho VLCC đại diện giải quyết các vấn đề liên quan tới bản quyền của hội viên. Trong trường hợp không muốn ủy thác cho VLCC, cá nhân mỗi nhà văn có thể rút tên để tự quản lý riêng rẽ bản quyền các tác phẩm của mình. 

"Ý tưởng là vậy, nhưng ý kiến khác nhau của một số nhà văn đã làm tôi nản chí" - bà Luyến cho biết - "Quản lý tập thể quyền ở Việt Nam thực sự là mới mẻ và phức tạp, chưa thể “đốt cháy giai đoạn” như nhiều lĩnh vực khác được. Nếu không kêu gọi được tinh thần “đoàn kết nghề nghiệp” đối với các tác giả người Việt, tôi e rằng sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều “tác phẩm mồ côi” trên Google, nghĩa là “không có ai cho phép sử dụng” và cũng “không có ai ngăn cấm sử dụng chúng”.

Bà Luyến nói thêm: "Việc tham gia ủy quyền cho VLCC là lựa chọn cá nhân của mỗi người và hoàn toàn cần được tôn trọng. Nhân đây, tôi chỉ muốn nói rõ một điều này: các tác giả nếu lựa chọn ủy thác quyền cho VLCC sẽ không hề phải góp tiền để “đi kiện” như nhiều người e ngại. Theo đúng nguyên tắc hoạt động, chỉ khi nào lấy được tiền về, chúng tôi được quyền giữ lại 20% để làm quản lý phí của Trung tâm. Phí quản lý ấy bao gồm phí giao dịch, chọn lọc danh sách tác phẩm, điền vào mẫu biểu mẫu và tem thư v.v . So với quy định, đó là mức phí thấp. Tôi e mức phí ấy chưa chắc đã bù đắp đủ tiền công cho nhân viên thực hiện. Nếu không giải quyết theo đường lối tập thể mà thực thi riêng rẽ, tôi chắc chắn các tác giả sẽ phải tốn kém hơn nhiều.

Vận động thành lập Hiệp hội tác giả phi hư cấu 

Theo lời bà Luyến, các tác giả có tác phẩm phi hư cấu (không phải tác phẩm văn học nghệ thuật) và không tham gia Hội Nhà văn VN cũng có thể ủy quyền để VLCC đại diện cho mình, bởi việc này đã nằm trong chức năng mở rộng khi VLCC đăng kí thành lập. Hiện, không ít các tác giả phi hư cấu đã ký kết ủy thác quyền cho VLCC.

Cũng trong ngày 29/7, Ban vận động thành lập Hiệp hội tác giả và dịch giả phi hư cấu cũng đã nộp đơn lên Bộ Thông tin và truyền thông để xin công nhận Ban vận động. Trong tương lai, nếu được chấp thuận, đó sẽ là Hiệp hội nghề nghiệp của các tác giả và dịch giả phi hư cấu Việt Nam.

Tác giả: Hoàng Nguyên

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây