Những trang viết trẻ thiếu chất nông thôn

Thứ tư - 12/08/2009 11:28 2.156 0

Những trang viết trẻ thiếu chất nông thôn

Xã hội nông thôn đang dần bị thu hẹp trong những trang viết trẻ. Đây là thực trạng có thật và đang trở thành mối quan tâm lớn trong thời gian vừa qua.

Khoảng thời gian 10 năm về trước, có thể liệt kê một số tác phẩm nổi bật về nông thôn: Thời xa vắng (Lê Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Khách ở quê ra (Nguyễn Minh Châu), Dòng sông mía (Đào Thắng), một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp…

Nhưng để kể tên những tác phẩm viết về nông thôn của các tác giả trẻ nổi lên gần đây thì thật khó khăn! Miền Bắc có Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy; miền Trung có nhà văn “trẻ” Ngô Phan Lưu; miền Nam có Nguyễn Ngọc Tư.

Không thể nói rằng, nông thôn trong những năm gần đây là mảng đề tài đã “bạc màu” mà vấn đề hoàn toàn ngược lại. Nhất là hiện nay, nông thôn đang có thay đổi đáng kể: quá trình công nghiệp hóa nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ, sự lai căng về văn hóa… Không mấy khó khăn để thấy rằng, mảng đề tài nông thôn đang thiếu trầm trọng trong những trang viết trẻ. Những tác giả trở về sau càng thể hiện rõ điều đó.

Vào một nhà sách tìm sáng tác của những nhà văn trẻ, nhìn vào từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, thấy nổi lên: 48h yêu nhau, Lạc giới, Đường còn dài còn dài, Dị bản, Khi nào anh thuộc về em, Giường…

Chịu khó đọc những tác phẩm trên, sẽ thấy ngay rằng các nhà văn trẻ đang “xa lánh” đề tài nông thôn. Nhiều nhà xuất bản muốn sách “đắt hàng” đã chạy theo thị hiếu của độc giả với những đề tài “hot” như: sex, les, gay, ma, trinh thám, kinh dị…

Nhà văn trẻ là những người bắt nhịp với thời cuộc rất nhanh. Và khi đó, đương nhiên họ sẽ viết những gì mà NXB, tòa soạn lẫn độc giả đang cần. Chẳng ai “hâm đơ” đến mức viết những tác phẩm mà biết trước là sẽ bị NXB, tòa soạn lẫn độc giả từ chối. Chính vì vậy, vô hình chung, đề tài về nông thôn càng trở nên nhạt nhoà.

Bài viết này không có ý khuyến khích hay cổ xuý các nhà văn trẻ viết về nông thôn hay bất cứ một đề tài nào khác; mà chỉ như là một sự diễn giải về một thực tế đang diễn ra hiện nay. Nhiều nhà văn trẻ khi được hỏi đều trả lời muốn viết về những gì thân thuộc diễn ra xung quanh cuộc sống của mình.

Theo đó, những vấn đề của nông thôn, họ đã xa cách rồi, đương nhiên sẽ không thể viết một cách “mùi mẫn” được nữa. Nhưng thực tế lại có những trường hợp để chúng ta soi chiếu và rút ra kinh nghiệm cho mình.

Nhà văn trẻ Đỗ Bích Thúy về Hà Nội đã lâu năm nhưng lạ thay những trang viết của chị vẫn hướng về miền núi, nơi chị đã sinh ra. Hay xa hơn, như nhà văn Tô Hoài, ông không sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc nhưng chuyến đi kéo dài 8 tháng theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc đã giúp ông có nhiều kỷ niệm, nhiều vốn sống để viết nên những tác phẩm nổi tiếng về vùng đất này: Vợ chồng A phủ, Chuyện Mường Giơn, Cứu đất cứu Mường. Trong đó, hay nhất là truyện Vợ chồng A Phủ - tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông.

Như vậy, không thể nói rằng, những gì không thân thuộc, không gần gũi thì ngòi bút của chúng ta không động đến. Nói như nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Một khi anh còn đi vào cuộc sống, còn lắng nghe những hơi thở của cuộc sống thực thì anh vẫn còn có thể viết văn được”. 

Trong nhiều năm qua, đã có những trại sáng tác, chuyến tham quan thực tế diễn ra. Thiết nghĩ, đây cũng là một cách “đi vào cuộc sống, lắng nghe những hơi thở của cuộc sống”. Tuy nhiên, với những người cầm bút, đặc biệt là những nhà văn trẻ, vốn sống không phải sẽ có một sớm một chiều, cũng không thể đủ qua những trại sáng tác, những chuyến tham quan thực tế.

Một điều cũng rất đáng tiếc là nhiều nhà văn trẻ xuất thân từ nông thôn lại bỏ quên hiện thực nơi sinh ra mình.

Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc thi sáng tác văn học (bao gồm: truyện ngắn, ký và kịch bản văn học) về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn với chủ đề: “Nông thôn Việt Nam đổi mới và phát triển”. Hy vọng, cuộc thi sẽ thu hút được các nhà văn trẻ tham gia.

Tác giả: Hồ Quỳnh Yên

Nguồn tin: Tiền Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây