Hội... “người cao tuổi”
Năm rồi, tuổi trung bình của các thành viên Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Long An là 54. Năm nay, tuổi trung bình của họ là 55, vì trong chi hội không ai mất đi mà cũng không có thêm người mới. Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT Long An) cũng có tuổi đời trung bình là 55. Trẻ nhất trong số các chi hội trực thuộc Hội VHNT Long An có lẽ là Chi hội Âm nhạc, với tuổi đời trung bình 49.
Hội VHNT Long An, nơi có tuổi trung bình hội viên thuộc loại cao ở ĐBSCL.
Với hơn 200 hội viên, tuổi đời trung bình của Hội VHNT Long An là ngoài 50, lứa tuổi đủ điều kiện tham gia vào hội... người cao tuổi. Vì tuổi đời trung bình quá cao, nên khi phải chọn “nhà văn trẻ” đi dự hội nghị toàn quốc cách đây mấy năm, Hội VHNT Long An đã chọn nhà thơ Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1966). Còn diễn viên Nguyên Tâm (Đoàn Cải lương Long An, Chi hội Sân khấu) nay đã gần 50 tuổi, nhưng luôn được giới thiệu là “diễn viên trẻ” mỗi khi anh đi diễn hoặc tiếp khách.
Theo nhà văn Hoàng Đỗ (Hội VHNT Long An), cách đây 26 năm khi anh trở thành hội viên Hội VHNT Long An, lúc ấy anh mới 23 tuổi, còn tuổi đời trung bình của Hội VHNT Long An lúc đó là khoảng 30. Nay anh đã 49 tuổi, còn tuổi trung bình của Chi hội Văn học do anh phụ trách là 55. Cái sự “già đi” theo năm tháng của tổ chức văn nghệ đã làm cho hoạt động của tổ chức này ngày càng “chững chạc”, “trầm lắng”, thay cho sự sôi nổi trẻ trung của những năm đầu mới thành lập.
Phó Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang – nhà văn Huỳnh Thị Thu Trang – cho biết, nhờ Tiền Giang có CLB sáng tác trẻ, mới bổ sung cho Hội VHNT Tiền Giang nhiều thành viên thế hệ 8X, nhưng tuổi đời trung bình của Chi hội Văn học ở đây cũng khoảng 45. Trong số 140 hội viên của Chi hội Văn học – Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), người có tuổi đời cao nhất là 85, người trẻ nhất là 28 tuổi, bình quân tuổi đời của chi hội cũng khoảng 45.
Nhạt nhòa sức hấp dẫn văn chương
Nhà văn Hoàng Đỗ cho biết, anh rất quan tâm tìm nguồn văn nghệ sĩ trẻ bổ sung cho Chi hội Văn học, nhưng rất khó tìm, vì không có phong trào. Tạp chí Văn nghệ Long An dành khá nhiều đất cho các cây viết tuổi học trò, hàng năm có hẳn giải thưởng cho các cây viết học trò. Nhưng khi lớn lên, các em đi học khắp nơi, không còn thiết tha gắn bó với phong trào văn nghệ ở địa phương. Nguồn bổ sung chủ yếu cho các hội văn nghệ là từ giáo viên, cán bộ - viên chức ở các cơ quan. Thế nhưng, với những lo toan “cơm áo -gạo tiền”, trong khi sự hấp dẫn của văn chương ngày càng ít, nên hầu như không còn chuyện “xin” vào hội văn nghệ, mà những người có trách nhiệm phải đi vận động. Cây viết Trung Dũng (BCHQS tỉnh Long An) được biết đến với nhiều bài ký, phóng sự trên các báo địa phương và trung ương, nhưng khi được “vận động” vào Hội VHNT Long An đã từ chối một cách khiêm tốn: “Em chưa viết được gì nhiều, với lại còn trẻ quá, đợi thời gian nữa”, mặc dù hiện anh đã 43 tuổi.
Giới văn nghệ sĩ tỉnh Bến Tre đã xôn xao khi cuối năm rồi nhà văn Vũ Hồng – Chi hội trưởng Chi hội Văn học (Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre) – xin nghỉ việc ở hội để ra ngoài sống bằng nghề “kinh doanh bảo hiểm”. Dù nghỉ việc ở Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, nhưng Vũ Hồng vẫn đảm nhiệm chức “chi hội trưởng”, đồng thời tham gia vận hành trang web vannghesongcuulong. Anh cho biết, tình yêu và trách nhiệm với văn chương, nghệ thuật vẫn còn đó, nhưng để sống nhờ vào văn chương thì ngày càng khó.
Sẽ thành “lão văn nghệ”
Cách đây trên 20 năm, khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Kiệt trở thành Chủ tịch hội VHNT Long An ở tuổi chưa tới 40, lúc đó không ai cho là anh còn quá trẻ. Năm rồi, khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Lành được đề cử vào chức Chủ tịch Hội VHNT Long An, có ý kiến cho rằng Nguyễn Lành “còn trẻ”, mặc dù anh đã ở tuổi 50. Phải chăng, do giới văn nghệ sĩ trong tỉnh ngày càng già đi, nên người lãnh đạo văn nghệ sĩ cũng phải già theo mới phù hợp?
Bây giờ mỗi lần có dịp về sinh hoạt ở Hội VHNT Long An, lứa hội viên tuổi 47 – 48 như tôi có cảm giác như mình còn “con nít”, vì bên cạnh là các bậc đàn anh, “cây đa cây đề” râu tóc bạc trắng. Từ tình hình ở hội địa phương, tôi nghiệm ra rằng “tuổi tác” của các hội văn nghệ trung ương cũng không trẻ trung gì. Tuổi trung bình của các hội viên Hội Sân khấu VN sống tại Long An là 55; còn tuổi trung bình các hội viên Hội Nhà văn VN sống tại Long An còn cao hơn – 57...
Với cái đà “mỗi năm thêm tuổi mới”, chẳng bao lâu nữa các hội văn nghệ chỉ còn người ở tuổi nghỉ hưu. Có người cho rằng, việc “già đi” của các hội văn nghệ không phải là chuyện riêng biệt của giới văn nghệ sĩ, bởi vì hầu hết các cơ quan nhà nước bây giờ cũng “già” hơn rất nhiều so với những năm sau ngày miền Nam giải phóng. Thời ấy, cán bộ, nhân viên lứa tuổi 20 - 30 chiếm phần lớn trong các cơ quan nhà nước, còn bây giờ đã khác, tuổi trung bình của cán bộ cao hơn nhiều. Đúng là có chuyện đó, nhưng hiện các cơ quan, công sở đang “trẻ hóa” trở lại với sự bổ sung cán bộ có học thức từ các trường đại học, thay thế dần những cán bộ cao tuổi, không có điều kiện học cao. Chuyện đó chưa có dấu hiệu sẽ diễn ra trong các hội văn nghệ. Cụm từ “trẻ hóa cán bộ”, “trẻ hóa hội viên” cũng ít khi xuất hiện trong các chương trình hành động, trong văn kiện của các hội văn nghệ.
Tác giả: Kỳ Quan
Nguồn tin: Lao Động
Ý kiến bạn đọc