Bút pháp của ham muốn và sự ham muốn bút pháp

Thứ sáu - 25/09/2009 22:01 2.929 0

Bút pháp của ham muốn và sự ham muốn bút pháp

Tập "Bút pháp của ham muốn" của Đỗ Lai Thúy có lẽ cần phải được xem như một hiện tượng của phê bình văn học Việt Nam hiện nay.

Phê bình văn học dựa trên những kết quả nghiên cứu của phân tâm học đã xuất hiện tại Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám, trong những nghiên cứu của Trương Tửu về Truyện Kiều. Tuy nhiên khi ấy người ta chỉ có thể nói rằng đó là những thể nghiệm cho một cách giải mã mới về tác phẩm văn học mà thôi. Trong đời sống văn chương ở miền Nam giai đoạn 1954- 1975, phê bình phân tâm học đã có đất để phát triển thành một hướng khá mạnh, với nhiều tác giả, nhiều công trình nghiên cứu. Điều đó trái ngược với tình hình ở miền Bắc: cho đến tận những năm 1990, phân tâm học vẫn bị xem như một thứ dị thuyết tư sản, và phê bình văn học theo hướng phân tâm học vẫn là một mảnh đất trống mà ít có người dám đến cày xới, thâm canh.

Trong bối cảnh đó, tập Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy (Song Thủy Bookstore và NXB Tri Thức ấn hành, 2009) có lẽ cần phải được xem như một hiện tượng của phê bình văn học Việt Nam hiện nay. Hiện tượng, bởi lẽ cả sáu tác gia văn học có mặt trong tập sách này (ba tác gia cổ điển: Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều; ba tác gia hiện đại: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm) đều được Đỗ Lai Thúy soi chiếu một cách nhất quán từ ánh sáng của phân tâm học. Điều đó, một mặt cho thấy tính năng sản của phương pháp, mặt khác lại cho thấy sự kiên trì của nhà nghiên cứu đối với phương pháp. Tuy vậy, đáng nói hơn cả ở đây là khả năng làm chủ phương pháp của nhà nghiên cứu. Đọc Trương Tửu và các tác giả miền Nam trước năm 1975, nhiều khi ta không tránh khỏi cảm giác bức bối vì tác phẩm bị ép vào khung lý thuyết theo lối “đẽo  chân cho vừa giày”: nghiên cứu tác phẩm rốt cuộc lại hóa thành việc bắt bệnh và lập hồ sơ bệnh án tâm thần cho tác giả (rất có thể, đây chính là chi tiết phủ nhận cái huyền thoại về sự “tự do” như là thiên đường của thành công trong nghiên cứu khoa học).

Đọc Đỗ Lai Thúy không có cảm giác ấy. Nhà nghiên cứu sử dụng phân tâm học để làm hiển lộ cái cơ chế vô thức sinh thành tác phẩm, nhưng bên cạnh đó vẫn chú ý đến cái đặc sắc về tư duy nghệ thuật, về phong cách, về ngôn ngữ của tác giả, như một sản phẩm của cái Tôi ý thức. Và vì thế, sáu gương mặt nổi bật của văn học Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại đã được vẽ lại theo một cách rõ ràng hơn, cụ thể hơn, và độc đáo hơn so với những gì chúng ta đã biết về họ từ trước. Một Hồ Xuân Hương “cọ tình vào đá”, một Nguyễn Gia Thiều “đối thoại với bóng”, Một Bà huyện Thanh Quan “đi dọc những đèo Ngang”, một Xuân Diệu đồng tính, một Chế Lan Viên phân thân giữa con người thời cuộc và con người bản thể, một Hoàng Cầm với phức cảm Oedipus, tất cả đã được bày ra trên Bút pháp của ham muốn. Đọc tập sách này, có thể thấy tác giả đã sử dụng rất nhuyễn, và sáng tạo, những nghiên cứu về “siêu mẫu” (archétype) của C. G. Jung (trong bài viết về Hồ Xuân Hương), về “bản năng chết” (thanatos) của S. Freud (trong bài viết về Bà huyện Thanh Quan), về “phân tâm học về lửa” của G. Bachelard (trong bài viết về Nguyễn Gia Thiều), về “mặc cảm Oedipus” (trong bài viết về Hoàng Cầm).

Trước một tác giả đầy lý tính như Chế Lan Viên, tưởng như phân tâm học chẳng có việc gì để làm, thì Đỗ Lai Thúy vẫn có được một “tháp Chàm bốn mặt” từ chân dung tinh thần của người từng nhỏ lệ khóc thương những bóng ma Hời. Từ chứng “rối loạn đa nhân cách”, ông đã lý giải rất thuyết phục sự khác nhau, sự đối lập nhau gay gắt (trong cùng một thời điểm) giữa một Chế Lan Viên đầy tự tin của Ánh sáng và phù sa và một Chế Lan Viên đầy hoài nghi của Di cảo thơ. Hay nhất trongBút pháp của ham muốn, theo tôi, là bài viết Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm. Những ám ảnh tình dục, chất gợi dục ở tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm là điều mà khá nhiều tác giả đã nhận ra, nhưng không mấy người cắt nghĩa nó một cách thấu đáo. Tới Đỗ Lai Thúy, từ cái tam giác cha - con - mẹ trong mặc cảm Oedipus và những trường hợp chuyển vị của nó, ông đã tìm thấy ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm, thấy cả cái kết cấu bề chìm của Về Kinh Bắc (điều rất hiếm trong thơ Việt Nam nói chung, nếu xét ở đơn vị tập thơ). Một trong số những chân dung tác gia văn học trong tập sách, bằng nét vẽ của Đỗ Lai Thúy, có thể gây sốc đối với những người đọc vốn coi nhà thơ như thần tượng (bài viết về Xuân Diệu), nhưng nó vẫn rất hấp dẫn và có lẽ vẫn cần thiết cho sự nhận thức đầy đủ về một “ông lớn” của lịch sử văn học dân tộc. Từ tất cả những điều đã nói trên, theo tôi, việc Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng về lý luận phê bình năm 2009 cho tập sách này có thể và cần phải được xem như một lời đáp trả cho quan điểm cho rằng trong đời sống văn chương hiện nay, phê bình học thuật không được xem trọng và đang bị phê bình báo chí, phê bình quảng cáo lấn át.

Jacques Lacan, nhà phân tâm học người Pháp nói: “Nhà phân tâm học không phải chỉ lý giải một văn bản của vô thức đã có sẵn, anh ta vừa lý giải vừa sản sinh ra nó”. Dùng câu đó như một lời đề từ cho tập Bút pháp của ham muốn, có lẽ Đỗ Lai Thúy đã bộc lộ sự ham muốn bút pháp của mình: từ tác phẩm của các tác gia cổ điển và hiện đại kể trên, ông sáng tạo nên tác phẩm thứ hai, loại tác phẩm vừa là khoa học, vừa thấm đẫm tính văn chương. (Điều này cũng rất phù hợp với một quan niệm của ông về phẩm tính cần có của nhà phê bình văn học: nhà phê bình văn học là một động vật lưỡng cư, anh ta vừa là nhà khoa học văn học, vừa là một nghệ sĩ của ngôn từ). Về điểm này có thể nói một cách thật ngắn gọn: đây là một thứ của hiếm trong phê bình văn học hiện nay và trong phê bình văn học Việt Nam nói chung - viết phê bình mà “có văn”, vốn không có mấy người.

Tác giả: Hoài Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây