Đọc Vết thương thành thị- Tâp truyện ngắn của Đỗ Tiến Thụy

Thứ sáu - 25/09/2009 22:41 2.385 0

Đọc Vết thương thành thị- Tâp truyện ngắn của Đỗ Tiến Thụy

Chương trình thời sự buổi 19h ngày 24-5-2009 trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) phát đi bản tin: Đề tài nông thôn đang vắng bóng trên văn đàn. Theo tôi nhận định này chưa chính xác, bởi ngay cá nhân tôi với sức đọc hạn chế của mình cũng thấy ba nhà văn trẻ là Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Ngọc Tư đã và đang gặt hái những thành công nhất định về đề tài này. Tôi muốn giới thiệu một cuốn sách mới rất đáng đọc của Đỗ Tiến Thụy, tập truyện ngắn Vết thương thành thị vừa in mới đây.

Tôi vẫn nhớ một câu nói rất hay của một triết gia nước ngoài, đại ý người ta có thể đưa một đứa trẻ ra khỏi quê hương của nó nhưng không thể đem quê hương ra khỏi đứa trẻ. Có nghĩa là quê hương đã trở thành máu thịt, thành tài sản tinh thần vô giá của mỗi con người, đúng là: “Quê hương nếu ai không nhớ/ sẽ không lớn nổi thành người”. Và nhà văn xứ ta thì hầu như ít nhiều ai cũng đều viết về vùng quê mình, mà cụ thể là cái làng thân quen yêu dấu nơi mình sinh ra. Đỗ Tiến Thuỵ cũng không là một ngoại lệ, thậm chí anh còn viết nhiều, viết một cách riết róng, viết với tâm trạng đầy cảm xúc yêu thương. Dù có viết về cái dở, cái không hay, viết về những tính xấu của con người, thì cũng không phải là ghét bỏ, vì chưng hay ghét cũng là hay thương, đấy cũng là một cách mong muốn con người ta sớm gột rửa những cái xấu kia để mà hoàn thiện hơn. Không gian vùng quê trong tập truyện này cũng như bao miền quê nơi đồng bằng Bắc bộ, có ngọn rau lang, có cây lúa, cây ngô, có cả những đầm sen thơm ngát... còn con người thật cần cù, tính cách mộc mạc, giàu tình thương nhưng vẫn còn nặng một tâm lý tiểu nông, cố chấp, nhỏ lẻ, đố kỵ, háo danh... Hình như qua cuốn sách này, nhà văn muốn làm một cuộc khảo sát, phân tích để đưa ra những nét mâu thuẫn trong tâm lý tính cách của một vùng quê còn nghèo về vật chất nhưng giàu có về văn hóa, con người cũng luôn mâu thuẫn giữa tấm lòng vị tha và hẹp hòi đáng ghét.

Cảm hứng chủ đạo của Vết thương thành thị là cảm hứng bi hài kịch, điều ấy thể hiện rất rõ trong việc xây dựng tình huống truyện, những tình huống mâu thuẫn của bi kịch hoặc hài kịch, có khi là bi hài đan xen nhau. Tiêu biểu cho cảm hứng bi hài này là truyện Họ nhà Vòn, có cả cái bi kịch chung của cộng đồng là sự xâm lược tàn bạo của giặc Pháp ở những năm 50 của thế kỷ trước, trong bi kịch chung là những bi kịch riêng, như cô Muôn bị cả chục thằng Tây đen hãm hiếp. Người chồng (Vòn) nấp trong đống rơm mà đành chịu không cứu được người vợ đang bị làm nhục, hơn nữa đấy là người vợ yêu vừa lấy thân mình dập lửa cứu chồng... Muôn uất hận bỏ làng vào dân công góp phần đánh giặc trả thù cho làng, cho mình. Muôn đã hi sinh... Nhưng trớ trêu thay đấy lại là đầu mối cho một bi hài kịch khác xảy ra mấy chục năm sau: Cả hai dòng họ, họ chồng nhà Vòn và họ vợ nhà Muôn tranh nhau cái vinh dự dòng họ nhà mình có liệt nữ hi sinh vì nước. Ôi chao, cái danh dự dòng họ ở nhà quê, đáng tự hào lắm nhưng cũng còn nhiều cái đáng buồn như thế! Gió đồng se sắt là một truyện gợi được cảm xúc, bạn đọc yêu thương, thông cảm và kính trọng những con người lao động cần cù và nghị lực bao nhiêu thì lại càng phẫn nộ với tính cách đố kỵ độc ác của những kẻ hà tiện, sự vô học đến tàn bạo của bọn cường hào mới bấy nhiêu. Ý nghĩa toát lên từ bi kịch này là kêu gọi mọi người hãy quan tâm hơn nữa đến người nông dân, đến những thân phận một nắng hai sương vất vả tảo tần mà còn bị áp bức, coi thường... Nhà văn đã lên tiếng đòi một sự đổi thay cơ bản trong quan niệm, trong những chính sách đãi ngộ... về người nông dân. Nông dân ta tốt thế, chăm chỉ, lam lũ thế, có công với cách mạng như thế... nhưng trên thực tế, những gì họ được hưởng quả thật chưa thể tương xứng. Phải thay đổi mà đổi thay trước hết là con người lãnh đạo, đừng bao giờ nữa để có những tên như Quận lưu manh (Sóng ao làng), tay chủ tịch xã ác độc vô học (Gió đồng se sắt) có chức vụ trong chính quyền...

Dù có viết về một không gian khác, không gian đô thị (cả ở nước ngoài) hay không gian vùng công nghiệp thì vẫn những con người nông dân ấy, vẫn một cấu trúc tính cách ấy. Có cảm giác nhà văn đã bứng nhân vật từ không gian làng quê mà trồng vào một vùng đất không gian mới để tìm hiểu quá trình phát triển tính cách. Nhưng đó vẫn là những hằng s ố tâm lý không thay đổi. Anh chàng Tương (Nơi không có sóng xì phôn) - sĩ quan đã mang hàm thiếu tá, học hết trong nước rồi ngoài nước, công tác hết nơi này nơi khác mà vẫn cứ ngu ngơ, hiền lành, thật thà và cả tin trước nàng người yêu điển hình cho cái láu cá, cơ hội, lợi dụng, có phần tráo trở của đám thị dân ít học. Một chị Nền chăm chỉ, lam lũ cam chịu với thân phận osin nơi xứ người (Lênh đênh), một chú Cuông, một em Dịu (Vết thương thành thị) và bao người công nhân khác đầu tắt mặt tối với tấm lòng yêu thương nhau đến quên mình, chịu bị hành hạ nhưng lại đầy lòng tự trọng... Thì ra người nông dân với tấm lòng hồn hậu thơm thảo kia, dù có sống ở không gian nào, có chịu thử thách ở môi trường mang tính thuốc thử nào thì họ vẫn thế, đáng kính, đáng quý, đáng trọng biết bao!

Điểm nhìn trần thuật trong hầu hết các truyện là điểm nhìn của tôi - người kể, nói khác đi là nhà văn lấy cái tôi ra để kể, điều ấy đã rút ngắn khoảng cách giữa cái được kể với bạn đọc. Sự khúc xạ giữa cái được kể đến bạn đọc chỉ bị quy chiếu qua một trường nhìn của nhân vật tôi - người kể chuyện, cũng lại là một nông dân chính hiệu, do vậy truyện đậm tính chân thực, ít có bóng dáng của sự hư cấu. Cái gọi là làm văn chính là ở nghệ thuật nhại, nhại hình tượng, nhất là nhại ngôn ngữ, nhại ngôn ngữ thời @ với password, die, nick, out, xung đột phần mềm, hơi bị tanh, gà tây, chuối ..., nhại giọng trẻ con, nhại để cười nhưng ở đây là cười ra nước mắt, xót xa: “Chon nứa. Cho chon đi làm ôsin nứa. Làm ôsin được ăn nhiều kẹo xích hơn!”. Một câu nói ngây thơ của đứa trẻ ba tuổi tưởng như vô tình nhưng được nhại lại trong lời văn người kể chuyện nhói lên một nỗi đau ở người đọc về tâm lý làm thuê, đi ở đã từng làm khổ sở, điêu đứng người nông dân bao đời, nay lại có cơ quay trở lại. Chế giễu cái tâm lý háo danh muốn mang về vinh quang cho dòng họ mình, lời văn nhại được dùng rất hiệu quả, cả hai tấm bia được khắc vào đá những lời trang trọng giống y nhau, dĩ nhiên có khác ở tên họ: Trịnh tộc - Mộ phần cụ Nguyễn Thị Muôn - Sinh năm 1934 - Thác năm 1954 - Liệt nữ hi sinh vì nước..., còn tấm bia kia hẳn nhiên là ghi Nguyễn tộc...

Truyện ngắn Đỗ Tiến Thụy vẫn viết theo lối truyền thống, vững về cốt truyện, mạnh về chi tiết, gọn gàng về câu văn. Cái mới của văn anh chính là sự bám sát vào đề tài, miêu tả, khám phá và phát hiện những gì hôm nay đang diễn ra ở làng quê Việt. Tôi tìm thấy trong truyện của anh có cả mảnh hồn quê tôi, và tôi đã đồng cảm với tấm lòng nhà văn ấy.

Tác giả: Nguyễn Hà Thanh

Nguồn tin: VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây