Đọc "Ký ức vụn" của Nguyễn Quang Lập

Chủ nhật - 06/09/2009 17:26 2.406 0

Đọc "Ký ức vụn" của Nguyễn Quang Lập

Nguyễn Quang Lập được công chúng biết đến nhiều ở lĩnh vực điện ảnh và sân khấu nhiều hơn là văn học. Những kịch bản của anh: Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Trái tim bé bỏng gắn liền với đôi vợ chồng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - Phạm Nhuệ Giang đồng thời cũng gắn liền với các Giải vàng, Giải bạc trong các Liên hoan phim trong nước và quốc tế. Ở lĩnh vực sân khấu anh cũng được tiếng là tác giả của những vở kịch chính luận khá gai góc và đã nhận nhiều giải thưởng…

Từ tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng đến bây giờ là đúng 20 năm, Nguyễn Quang Lập trở lại với văn học bằng những bước thăm dò khá thận trọng. Năm 2007, bắt đầu tiếp xúc với blog, làm chủ nhân blog “Quê choa”, và chỉ trong 1 năm trở lại đây “Quê choa” trở thành blog có số lượng người truy cập gần 500.000 lượt. Những mẩu chuyện như đùa, như thật được đưa lên blog từng ngày để thăm dò phản ứng của độc giả, và anh đã thực sự cảm thấy an tâm, hào hứng trong cuộc thử nghiệm một lối văn chương mới mà anh gọi là “khẩu văn” đã được sự hưởng ứng nồng hậu của các cư dân mạng.

Ký ức vụn là sự góp nhặt một số bài viết anh đã phổ biến trên blog “Quê choa” và được chia thành từng phần như những ngăn đời của tác giả: Những người đã gặp, Buồn vui một thuở, Thương nhớ mười ba, Bạn văn. Mỗi mẩu chuyện được kể bằng lối văn nói rặt chất “bọ” của vùng quê Quảng Bình, một lối văn tuy viết bằng chữ trên giấy mà người đọc cứ có cảm giác như mình đang được nghe kể bằng vô số thanh âm hài hước, lạ tai, bằng những con chữ ngổn ngang tượng hình như có thể lật xấp, lật ngửa trang giấy lên…

So với cách kể rặt tiếng địa phương Nam Bộ của Nguyễn Ngọc Tư, cách kể của Nguyễn Quang Lập được nâng thêm một nấc thang nữa của lối văn nói đầy ắp chất cười của dân gian. Lập nói tục tự nhiên đến lạ, tự nhiên đến mức như đó là chuyện ăn ngủ bình thường của người đời, và vì nó được sử dụng quá thường xuyên nên nó bỗng trở thành một thứ gần như độc quyền trong văn Lập.

Viết trên blog để thử nghiệm lối văn này là một cách hành xử khôn ngoan vì anh sẽ có sự phản hồi ngay tức thì. Mỗi ngày có mấy trăm phản hồi cho một trang văn, tác giả vừa có thể điều chỉnh mình vừa dần dần thu phục người đọc, buộc người ta chấp nhận cái tục ấy trong giọng văn anh như là một thứ đặc sản không thể thiếu. Nhưng chừng ấy hình thức bên ngoài không đủ để tạo nên sức hấp dẫn của Ký ức vụn, mà chính là những giọt nước mắt rất đau ẩn đằng sau tiếng cười hài hước của văn chương. Chính sự đối nghịch ấy đã làm nên một Nguyễn Quang Lập hoàn toàn mới và gây bất ngờ trong làng văn.

Đó là cách kể chuyện về những số phận con người chìm nổi với Thằng hai đầu gối, Thằng sức môi, Anh Thu, Anh cu Cá… một cách kể nghe như dửng dưng, tếu táo nhưng rồi chấm hết đột ngột bằng một dấu lặng hằn sâu vào lòng người. Hay một kiểu châm biếm như là người đứng ngoài cuộc mà thực đó là những tiếng cười khan về thói đời của những Thằng Tụy, Thằng Thanh, Hot boy, Bạn cũ, Những giao thừa thương nhớ

Một đề tài không phải là mới, ví như Thằng Tụy, câu chuyện cũng hao hao như Huynh đệ của Dư Hoa (Trung Quốc), cũng là một thằng mất dạy, dốt nát, bỗng thời thế làm nó giàu, và đồng tiền của nó đã làm đảo lộn hết thảy mọi thứ giá trị đạo đức của cuộc đời. Hay như Thằng cu Hó, hình ảnh ông tiến sĩ dỏm được biếm họa với đầy đủ những nét trào lộng chua chát. Nhưng không phải lúc nào Quang Lập cũng làm cho người đọc cười, dù giọng văn anh vẫn cứ tưng tửng vậy, có những chuyện anh kể làm người đọc rợn lên nỗi buồn đến nhói tận tim: Con chó Giôn hao hao Lão Hạc của Nam Cao, và đó là vết sẹo không bao giờ lành của một đứa bé 10 tuổi với chú chó yêu quí của mình. Hay Ký ức năm hào, Tết miền thơ ấu một nỗi nhớ đã đọng thành vệt máu khô quánh trong tâm hồn của tuổi thơ bị xé nát dưới bom đạn kẻ thù.

Ký ức vụn dường như là những câu chuyện kể rất thật của tác giả vì lồng trong từng mẩu chuyện, bao giờ cũng có bóng dáng của Cu Lập trong đó, nhưng thực hay hư đó là chuyện của nhà văn. Vấn đề là câu chuyện kể thuyết phục được người đọc và người ta tin tất cả những gì được viết trên trang giấy chính là chuyện của cuộc đời thực. Và bên cạnh cuộc đời ấy là những người “bạn văn” như tác giả gọi, những người đi qua cuộc đời và để lại ít nhiều ấn tượng với anh, nhiều mẩu được vẽ bằng lối biếm họa cố hữu, với những nét đậm nhạt nhấn nhá trên từng tính cách của từng người.

Mỗi câu chuyện kể về người này, người kia khi tô đậm, khi làm phai đi, nhưng là một cách để bày tỏ quan điểm và chính kiến của mình… Chính kiến nhiều khi là thiên kiến; thiên kiến cũng không sao, nếu nó không ẩn giấu đằng sau những thiên kiến chính trị. Vì vậy, không phải là không có lúc tác giả sa đà vào những điều không có thực trên một con người thực. Ví như khi anh kể chuyện Nguyễn Khải phải kéo dài giờ chết từ 8 giờ sáng đến chiều là vì nhà tang lễ đòi cho được “cái thẻ 40 năm tuổi Đảng” mới cho vào (?!).

Ua chầu chầu! Ua chầu chầu! chuyện này đúng là chuyện bịa rồi bọ Lập à. Bởi vì ở TP. Hồ Chí Minh ai cũng biết nhà thơ Thảo Phương và họa sĩ trình bày báo Tuổi Trẻ Việt Hải vào nằm ở đây mà không cần có 1 tuổi Đảng nào. Bởi ở đây mà đòi hỏi huy hiệu 40 năm tuổi Đảng như anh nói thì chắc là sẽ đóng cửa mất anh hè. Khe khe khe…

Tác giả: Ngô Ngọc Ngũ Long

Nguồn tin: Hồn Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây