Sách dày 88 trang với đĩa CD Bông hồng cài áo qua giọng đọc của Hướng Dương, cùng nhiều bài hát chọn lọc, chủ đề về mẹ do các ca sĩ Đan Trường, Quang Linh, Thanh Thúy, Hiền Thục trình bày.
5 chương trong cuốn sách gồm: Bài thơ tặng cha mẹ, Cung điện của hài nhi, Bông hồng cài áo, Sự hòa giải và Nghi lễ hòa giải và tri ân là những đoản văn gửi gắm tấm lòng thiết tha, chứa đựng sự biết ơn lớn lao mà những người làm con dành cho cha mẹ.
Năm 1962, khi thiền sư Thích Nhất Hạnh đi nghỉ hè cùng với các sinh viên tại Camp Ockanickon ở Medford thuộc tiểu bang New Jersey, Mỹ, ông đã viết nhiều đoản văn gửi cho đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn.
Đoản văn xúc động đến mức các thành viên trong đoàn chép tay thành 300 bản để chia sẻ với mọi người. Từ sự kiện chép tay đoản văn và cách tặng thật trân trọng cùng với những đóa hồng đỏ thắm, rất nhiều người yêu cuốn sách từ khi nó chưa được xuất bản. Đến năm 1964, cuốn sách được nhà xuất bản Lá Bối ấn hành, tái bản nhiều lần sau đó và được dịch ra 8 ngôn ngữ khác như: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Lào.
Sau 50 năm, cuốn Bông hồng cài áo trở thành biểu tượng của tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa con cái và cha mẹ.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất bản trên 100 cuốn sách. Nhiều cuốn trong số đó được xếp hạng bán chạy tại Mỹ cùng các nước trên thế giới. Hiện ông sống và tu tập tại miền Nam nước Pháp.
"Con mà không có hiếu là thứ con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương thì hiếu cũng chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi, cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên, như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ “phải” đây không phải là luân lý, là bổn phận mà “phải” đây là lý đương nhiên. Con đương nhiên thương mẹ, cũng như khát đương nhiên sẽ tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con" (trích chương 3, sách Bông hồng cài áo).
Tác giả: Thất Sơn
Ý kiến bạn đọc