Phải khác

Thứ tư - 02/12/2009 21:41 2.095 0

Bìa tập thơ "Phải khác".

Bìa tập thơ "Phải khác".
Giá trị của thơ Lê Huy Quang vốn nằm ở sự sôi nổi, nên thái độ cẩn trọng dù ưu tư hay chán chường cũng trực tiếp phản bội lại phong cách thơ Lê Huy Quang.

Sống bằng nghề báo và nghề thiết kế mỹ thuật sân khấu, cái chức danh lấp lánh nhất của Lê Huy Quang là Nghệ sĩ Nhân dân còn cái chức phận mỏi mệt nhất của Lê Huy Quang là nhà thơ. Từ tuổi hai mươi, Lê Huy Quang đã là một gã bộ hành đặc biệt trong đời sống thi ca với đôi guốc gỗ gõ cồm cộp theo mỗi bước chân và mái tóc dài ngang tàng phóng túng. Nghe đồn rằng, thời ấy có rất nhiều người đẹp đem lòng yêu mê đắm một chàng Lê Huy Quang vừa cổ kính vừa lãng mạn được điểm xuyết bởi những câu thơ cách tân thoáng chút tinh nghịch và chút bụi bặm: "Anh lang thang em / Anh xanh xao em / Anh mi ni em / Đêm về anh tiết canh em".

Ở tuổi 65, góp gom một đời tay phải vẽ tranh tay trái viết thơ, Lê Huy Quang cho in tập Phải khác gồm 108 bài thơ được làm trong khoảng thời gian 40 năm, từ 1968 đến 2008. Cũng bởi sự đa tài của Lê Huy Quang mà nhiều người không thể nào nhận diện đầy đủ chân dung ông. Có khi định ca ngợi tài thơ của ông thì bỗng thấy tài họa của ông lung linh hơn, và ngược lại, có khi chúng ta đang chiêm ngưỡng một tác phẩm rực rỡ màu sắc của ông bỗng bị lạc vào một tác phẩm đổi mới chữ nghĩa của ông. Thế nhưng, thời trai trẻ của Lê Huy Quang đã ghi dấu vào bạn đọc nhiều câu thơ xô lệch cảm giác, từ Quê cha ngổn ngang "thấm khô cát sau đêm mưa / bất ngờ lên xanh những miền quả chín / gió Lào gai gai nóng / thương quê nghèo một nón lá em đưa" đến Những khúc hát em êm đềm "Anh xin em làm một khung tranh / đóng mặt em lên tường anh khóa cửa / mình em ngồi đó / riêng em anh nhìn".

Với một kẻ an phận nào đó, thì mấy câu thơ xuôi ngược buổi tươi non cảm xúc với cuộc sống cũng đủ để an ủi giấc mơ sáng tạo, nhưng Lê Huy Quang thì không chịu khuất phục trước thời gian đang mỗi ngày phủ bụi già nua lên trang giấy buồn thương số phận mình. Ông khao khát Phải khác như một mệnh lệnh trái tim: "Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên / Nhưng mà phải khác. Mới nên chữ người". Tham vọng ấy, lương thiện đấy nhưng nhọc nhằn đấy. Nhờ tìm tòi ngôn ngữ, Lê Huy Quang tiếp tục có được những câu thơ lạ như "Tôi thỏa thuê ngắm nhìn em hợp pháp" hay "Tôi ký sinh trùng dọc thể xác em", nhưng vẻ mỏi mệt đã xuất hiện trong cuộc đua chen chứng minh sự tồn tại trên thế gian "bay bay bảy sắc cầu vồng / bay bay bảy khúc lên đồng theo em / bay bay nhịp sống cũ mèm / ai thèm danh lợi ta thèm hư vô". Giá trị của thơ Lê Huy Quang vốn nằm ở sự sôi nổi, nên thái độ cẩn trọng dù ưu tư hay chán chường cũng trực tiếp phản bội lại phong cách thơ Lê Huy Quang.

Dấn thân vào nghệ thuật, có được thành tựu như Lê Huy Quang cũng đủ bù đắp một cuộc đời bôn ba. Thế nhưng, lúc những ám ảnh thơ đã rời bỏ nhà thơ, thì không thể dùng bất kỳ sự nỗ lực nào có thể níu kéo được. Lê Huy Quang thấu hiểu điều đó và chọn lựa nỗi xa vắng ở miền khoan dung: "đông năm nay Hà Nội mình rét ngọt / giá vẫn leo thang em ca sáng đi làm / hai bàn tay ta hai bàn tay có thật / chấm hết một dòng… sẽ phải sang trang".

Tác giả: Tuy Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây