Nhà văn Trang Thế Hy: Gần 90 tuổi mới ra tập thơ đầu tay

Thứ tư - 09/12/2009 17:17 2.006 0

Nhà văn Trang Thế Hy

Nhà văn Trang Thế Hy
Tập thơ song ngư "Đắng và ngọt" của Trang Thế Hy vừa được NXB Thanh niên phát hành đầu tháng 12/2009, với phần tiếng Anh của dịch giả Nguyễn Tiến Văn. Cũng có những ý kiến riêng lẻ cho rằng ông là một trong 5 nhà văn lớn nhất của Nam bộ thế kỷ 20. Riêng nhà văn Nguyên Ngọc thì nhận xét: “Trang Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên, hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất của nghèo khốn”.

Ngoài văn xuôi, Trang Thế Hy làm thơ rất ít, cả sự nghiệp thơ của ông chỉ khoảng 15-20 bài, tập mỏng này đã khá đầy đủ.

Đắng và ngọt!

Nhà văn - nhà thơ Trang Thế Hy nổi tiếng trong giới văn nghệ giang hồ nhiều hơn trên sách vở, vì cuộc đời ông nhiều chìm nổi. Riêng trong giới âm nhạc, có lẽ nhiều người vẫn còn truyền tụng ca khúc Quán bên đường được phổ nhạc từ bài thơ Đắng và ngọt của ông. Bài thơ có những lời ca như: “Rồi em hỏi anh: làm chi? / Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì? / Ðời thối phải nói là thơm / Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm / Em hỏi nghệ thuật là chi? / Là đui, là điếc, là câm mà đi / Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau / Nào có ai đánh mà sao lòng đau”.

 

Tấm vé số và những
thiên đường có sẵn

         Người không mua vé số chỉ
         bò thôi, không nhảy

         còn người mua vé số dám nhảy

         là vì tờ vé số hứa rằng người
         dám nhảy, khi té lộn nhào,
         không chết, chỉ hơi đau(*).

         Chàng không sợ đau
         nhưng không ham những thiên
         đường có sẵn trên cao,
         muốn xây tổ ấm khiêm nhường
         nơi mặt bằng cuộc sống,
         cho nên chàng không nhảy,
         chỉ bò thôi.

         Nàng đã quen nhìn lên, không
         bao giờ nhìn xuống
         làm sao thấy được chàng trong
         số những người bò?

1991
Trang Thế Hy

(*) Ý của Lỗ tấn trong tạp văn Bò và nhảy, bản dịch của Phan Khôi. 
Trong “Lời cuối sách” của tập thơ, Trang Thế Hy viết: “Nhan đề chung cho cuốn sách mỏng này do người biên tập chọn để tỏ lòng thiện cảm với cái nhan đề gốc của bài thơ Cuộc đời. Tháng 9/1959, người chủ biên tuần báo Vui sống (Sài Gòn), nhà văn Bình Nguyên Lộc, khi duyệt bài vở cho tờ báo số 9, đã góp ý với cộng tác viên Minh Phẩm, người đã nộp bài thơ Đắng và ngọt, rằng cái vị của cuộc đời này nó đa dạng và phức hợp lắm chứ không đơn giản như sự nhu hiền đồng thuận tạo hài hòa hay ngạo mạn đương đầu gây đối nghịch giữa hai cái vị đắng và vị ngọt”.

Theo Trang Thế Hy, giữa thơ và nhạc có một khoảng cách xa, người phổ nhạc đã sửa lại nhiều câu cho phù hợp với ca từ. Ví dụ đoạn nổi tiếng đã trích ở trên, trong nguyên tác: “Nghe anh theo nghề viết, / Nghệ thuật là gì em muốn biết. / - Mùi tanh nói  mùi thơm, / cây bút cầm trên tay: cần câu cơm. / Đó, em ơi! Nghệ thuật: / Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật. / Rồi đôi ta nhìn nhau / Không ai đánh mà nghe đau”. Vì thích giọng trầm và bụi bụi, sau khi nghe rất nhiều ca sĩ trình bày ca khúc này, trong đó có danh ca Thái Thanh, Trang Thế Hy nói rằng Quỳnh Giao  hát nghe được hơn cả.
 
Trong một phỏng vấn trước đây, Trang Thế Hy từng nhắc lại một nguyên tắc của đời mình: “Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến nó. Tôi luôn luôn tự dặn dò mình như vậy cả trong cuộc sống, chứ không phải chỉ khi viết văn thôi”. Chính quan niệm như thế, mà cuộc đời ông đã gặp nhiều lận đận. Một trí thức tinh thông Nho học và Tây học như Trang Thế Hy đã làm rất nhiều nghề để mưu sinh như kiểm vé xe điện, thư ký, thủ kho, dạy kèm, sửa bản in, trợ lý kế toán... và những năm dài thất nghiệp.


Đắng và ngọt - tập thơ đầu tay ở tuổi gần 90


Đi chỗ khác chơi!

Năm 1992, Trang Thế Hy rời TP.HCM, nơi ông sống nhiều năm để trở về quê cũ ở xã Hữu Định, Châu Thành, Bến Tre với lý do... “đi chỗ khác chơi”. Ông  cho biết: “Tôi có được suy nghĩ này từ lời khuyên của một nghệ sĩ già, ông bảo: khi nào con viết hết được rồi thì nên biết đi chỗ khác chơi, đừng có bẹo hình bẹo dạng trong chốn trường văn trận bút, nhất là đừng để cho những người yêu mến mình phải đọc những câu lếu láo”.

 

      Trang Thế Hy (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) sinh ngày 9/10/1924 tại Châu Thành, Bến Tre. Tên thật Võ Trọng Cảnh, sáng tác và dịch, từng ký những bút danh như Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm. Là tác giả của khoảng 10 đầu sách, phần lớn là truyện ngắn. Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965); Giải A của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2002.

Đặc điểm dễ nhận biết nhất của con người Trang Thế Hy là sự minh mẫn và cường trí, ở cái tuổi đại lão, nhưng ngày nào ông cũng dành thời giờ đọc sách. Nhiều khi trong cuộc rượu, ông cao hứng đọc một hai bài thơ của thi hào R.Tagore (1861-1941) bằng tiếng Pháp mà mình đã thuộc khi dịch. Trong các bài viết và bài phát biểu đây đó, nhà văn này hay nhắc gần như nguyên văn những ý mà mình đã từng nói, từng viết trước kia. Với người không thân, chỉ gặp đôi lần, dễ tưởng ông lẩm cẩm, người hiểu chuyện thì biết ông luôn canh cánh tôn chỉ sống và cách làm việc.

Tự nhận xét về đời mình, ông nói: “Má tôi không muốn đẻ một con cù lần đâu nhưng  cuộc sống do những người nhảy cao đá lẹ làm chủ đã biến tôi thành cù lần, biết làm sao?”. Còn về văn mình, ông cũng nói: “Trong bài tựa tập Gào thét, Lỗ Tấn (1881-1936) viết: “Biết mình có được vài ba độc giả, điều đó tạo cho tôi niềm vui lớn”. Nhà văn Nga Yury Trifonov (1925-1981) thì khiêm nhường hơn, trong thư gởi những kịch tác gia Đức, đã viết: “Chỉ cần biết có một người chịu khó đọc mình, cũng đủ thấy công sức mình bỏ ra trên trang giấy đã được đền đáp tốt”.

Tác giả: Văn Bảy

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây