Thơ Trẻ 360 độ - Từ một góc nhìn

Thứ ba - 22/09/2009 21:40 2.361 0

Thơ Trẻ 360 độ - Từ một góc nhìn

Sáng 25-9 tới đây, tại Hội Nhà văn Việt Nam sẽ diễn ra buổi giới thiệu tập thơ "Thơ trẻ 360o" của 8 tác giả. Tám gương mặt của sân thơ trẻ 360 Ngày thơ (vào ngày rằm Nguyên tiêu hằng năm), sau hơn nửa năm bộn bề với đời sống thường nhật đã về ngồi bên nhau trong một tập thơ khá trật tự.

Tôi không có ý bình về con số 8 sẽ đem lại may mắn như thế nào, những giọng thơ ấy có những sự khác biệt gì bởi ai cũng biết cuộc hội ngộ này rất ngắn ngủi, rồi sớm mai họ lại lên đường hăm hở với hành trình gấp gáp của mình. Chợt nảy ra câu hỏi: Rồi mai này họ đi về đâu và sẽ kết nối với nhau như thế nào? Thời đại công nghệ cao với điện thoại di dộng, internet đã xóa đi những gì gọi là “cách trở”, “đằng đẵng”… Thế nhưng cũng từ thuở xưa khi chưa có những trợ lực ấy, người đời đã đồ rằng người làm thơ đã có kết với nhau (liên tài), có hô ứng… Tuy nhiên với cả hai cách thức đó, để có thể luôn bên nhau mà không bị lép vế, bạt hơi… với người khác, hẳn các tác giả phải có những câu thơ đủ sức để đãi bạn thơ và trình diện với độc giả.

Đầu tiên là Lệ Bình Quan (anh chàng có cái tên cổ kính) mà cái nhìn khá mới mẻ: Mở mắt thì nhìn: Nhìn sâu ngực buốt (“Cánh đồng tuổi thơ”), chữ “thì” cất lên cái giọng ngang tàng, cao ngạo nhưng rồi chợt lặng đi sau dấu hai chấm là nỗi tái tê. Anh - cái nhìn “sâu” của thời nông cạn nhất, em - phút ban đầu nhận cái nhìn “buốt” nhất, đâu biết mai sau lại tha thiết nhớ ấm áp tình đầu. Câu thơ của Lệ Bình Quan đã hé lộ hai loại giọng điệu riêng trong tập thơ này. Cùng với anh, Nguyễn Anh Vũ cũng chia sẻ cảm giác mất mát hư vô của người chót tin vào điều không có thật: “Quyên quy”/Nghe như ngây như say/Vây khắp lối về/Một mình anh và mây (“Tiếng chim quyên quy”). Góp vào bè nam tính ấy là một Nguyễn Quang Hưng đã ít nhiều phơi trải, người thơ già đi khi nhìn thấu sự chia lìa muôn thuở trong cái tươi mới hôm nay: Tóc anh bạc rồi, mừng em trẻ mãi!/Chỉ thương quà quê Vạn Phúc lụa hồng/Nghỉ uống chè tươi ở đầu Quán Gánh/Lại lo chuyển mùa mưa em long đong (“Tìm Tấm”).

Ngược lại với bè nam, năm tác giả nữ còn lại đã phần nào bộc lộ cái nhìn mang màu sắc nữ tính. Cũng chưa phải thời điểm để có thể nhận ra một giọng điệu riêng nhưng đây đó vẫn có những điểm sáng. Có chút “lý trí” gì đó hướng theo một cảm quan hiện đại tuy chưa vươn tầm triết luận nhưng lại tình cờ tạo nên sự lạ: Lý trí bảo bước chân cứ đi/Đừng dừng lại bên cây cầu gẫy (“Mê khúc” - Lữ Thị Mai). Rồi đến câu thơ mộc mạc đầy chân cảm của Huyền Minh: Sông Lô ơi mộng gì sao cứ chảy/Để hồn ta trôi mãi khôn cùng (“Ta về”). Thoạt nghe chữ “mộng” ấy vẻ hơi gượng ép khi được đặt câu thơ này, thế mà khi nghĩ lại thấy có lý thật. Bởi lẽ con sông nào cũng như đang mộng du chảy từ thuở hồng hoang về hiện tại. Trong khi Điệp Giang đầy suy tư: Ai cũng nói hạnh phúc ngọt ngào như một trái nho/Nhưng ai đó đã không bao giờ dám tới gần hạnh phúc/Như con cáo muôn đời ngần ngại/trong ngụ ngôn Aesop (“FF (n+1)”). Còn Thụy Anh là con đom đóm nhỏ với ánh sáng từ trái tim đã mất đi cảm nhận về mùa: Con đom đóm tôi giờ lẫn lộn bốn mùa rồi/Quá lạnh để thu, quá vàng để coi là mùa hạ (“Đom đóm rừng dương”), Nguyễn Phan Quế Mai là phút giao hòa với vạn vật bằng ký thác mới mẻ: Núi mọc lên mây/Ta ở trọ một ngày/Chợt/Bấm khóa lịch trình hối hả/Gửi chìa cho mây ngàn/bay (“Hi-ma-lay-a”)…

Có thể với người này là câu thơ nhẹ tênh như “nhặt được”, với người kia là thứ rượu quý đã ấp ủ lâu ngày để tạo ra vị men thơ nồng nàn. Ngày hôm nay và hôm qua thơ của họ đã khác, mai ngày chắc hẳn sẽ còn khác nữa. Hẳn thế, điều duy nhất để giúp họ kết nối được mãi với nhau, tin nhau và trọng nhau cũng là điều mà bạn đọc mong mỏi ở tương lai của những gương mặt thơ này, là một chữ “hay”!

Tác giả: Bùi Việt Phương

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây