Màu tự nhiên [1] gồm 34 bài. Mỗi bài “làm nổi lên trên bề mặt của ý thức một cấu trúc tâm thức đã bị lãng quên, một dấu hiệu trùng hợp với ấn tượng đã có”[2], đồng thời ứng với một tình huống nghiệm sinh, một sự nhận thấy “có một cái gì đó lờ mờ trong sương mù, một cái gì tuyệt đẹp, thậm chí tới mức đáng sợ hay gây đau đớn” ở chủ thể. Màu tự nhiên chủ về tình nênxa lạ với thứ thơ ảo thuật, trọng ý hứng nên khác hẳn với lối bày biện những ngôn từ kiểu cách. Hàm Anh đã tạo ra được một thi pháp mới trên nền của những cách cảm, cách nghĩ đã có nhiều đổi thay rất táo bạo. Màu tự nhiên chọn lối về với những gì thơ nhất, hàm súc và nhiều dư ba.
Hàm Anh sinh năm 1970 tại Hà Nội, từng học văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó được Trường Viết văn Nguyễn Du tuyển chọn gửi sang học tại Trường Viết văn M. Gorki - Matxcơva. Các bản dịch thơ Anna Akhmatova của Hàm Anh đoạt Giải B (không có giải A) cuộc thi dịch văn học do Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn nghệ tổ chức năm 1993 - 1994. Hồn thơ Anna Akhamatova có thể đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc thơ không ngừng tìm tòi sáng tạo của Hàm Anh.
Màu tự nhiên được công bố năm 2008. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đọc kỹ bản thảo cuốn này và nhiệt tình cổ vũ để cuốn sách sớm ra đời. GS. Phạm Vĩnh Cư cho rằng tập Màu tự nhiên đáng đọc nhất hiện nay. Dịch giả Trịnh Lữ, người đã chuyển ngữ, thiết kế trang trọng khung bìa, khi viết lời giới thiệu đã hứng khởi khẳng định Màu tự nhiên đem đến cho độc giả một giọng thơ trữ tình đích thực, đẹp đẽ đầy hứa hẹn. Nguyễn Hữu Hồng Minh gần đây cũng có đôi dòng giàu cảm hứng giới thiệu tập thơ này trên báo Đà Nẵng. Chắc hẳn Màu tự nhiên phải có một mầm lạ nào đấy và vì thế người ta sẽ còn đọc nó nhiều hơn bây giờ. Màu tự nhiên lưu dấu ngôn ngữ, gương mặt của Hàm Anh, đồng thời dự báo rằng, người thơ ấy sẽ thuộc về mùa sau của thơ đương đại. Mùa tân cổ điển.
Đi tìm lối riêng: tôi trao cho bạn con chữ…
Sự viết - ở Hàm Anh trở thành một nhu cầu giải thoát, một sự đi tìm cho mình một gương mặt, một số phận, một điệu hồn. Hàm Anh soi vào thơ để nhận rõ bản thể của mình, dùng thơ để diễn giải cảm nhận, cảm giác. Chị viết với ước mong nhận diện hình tướng muôn mặt của cuộc sống và gọi được tên cái vô hình đang ẩn khuất đâu đó quanh chúng ta. Màu tự nhiên được viết từ một ước muốn “khơi dậy những hạt mầm đã rơi vào cõi vô thức”. Đọc Hàm Anh, có cảm tưởng, người viết cứ một mạch mà làm thành thơ, được thơ ở ngoài chủ đích.
Tôi trao cho bạn một con chữ
bạn hãy để nó rơi trong lòng…
Để sáng tác thơ người viết cần có năng lực đặc biệt về ngôn ngữ. Năng lực ấy không chỉ biểu hiện ở sự lựa chọn, kết hợp ngôn ngữ để tạo thành một kiểu nói có thi tính mà còn bộc lộ khá rõ cách tạo ra ngôn ngữ mới, ngữ pháp mới. Chữ cần có một đời sống của riêng nó. Hàm Anh không biến các câu chữ của mình thành phù hiệu, hoặc thành công cụ đơn thuần chuyển giao thông tin, tình cảm. Chữ ở Màu tự nhiên “có trọng lượng riêng, có giá trị riêng” (R. Jakobson). Chữ có độ dư riêng. Độ dư này, một mặt phụ thuộc vào quan hệ giữa các chữ trong một ngữ đoạn cụ thể, mặt khác do kinh nghiệm cảm thụ của người đọc quy định.
Tôi tin chữ ở thơ sẽ dần bị han rỉ đi nếu nhà thơ chỉ găm nó vào một hiện thực nào đấy. Thơ luôn đòi hỏi những câu chữ của nó, trong nó có một chút gì mơ hồ, lung linh. Chủ thể sáng tạo không nên và không thể chỉ đổ cho chữ một hoặc vài ý nghĩa cố định nào đấy. Chữ thơ được mở ra vô hạn ngay trong chức năng thẩm mỹ của nó và trong mỗi lần độc giả đọc nó. Mỗi lần đọc thêm một cảm nhận về trạng thái tiềm tàng của chữ. Chữ biến hoá khôn lường, ở chữ luôn có những điểm chưa xác định. Cõi thơ rộng rinh không bến bờ.
Đọc thơ sợ nhất chạm phải chữ khô, hoặc chữ quá nồng. Câu thơ đích thực không cần người viết phô diễn chữ. Nếu người làm thơ chủ tâm đặt vào chữ một tấm lòng tri kỷ, hồn hậu thì độc giả ắt sẽ đọc nó bằng tấm lòng tri âm. Nhà thơ trao cho độc giả con chữ có thi tính. Con chữ đó tất sẽ có khả năng sinh sôi, nảy nở trong các cách chơi, tài chơi xúc xắc chữ của họ. Chữ tạo sinh - cấu trúc cho nó ý nghĩa, âm thanh, nhạc điệu. Giá trị thẩm mỹ của chữ được tạo sinh liên tục trong sự đọc để bài thơ chuyển thành một khúc ngân. Độc giả không chỉ ngẫm ngợi để đánh thức ý nghĩa khả thể của nó, mà cần phổ vào đó xúc cảm đẹp, suy nghĩ đẹp. Đọc để ký thác một đời sống đồng điệu, muôn điệu với tác giả.
Màu tự nhiên trọng chữ. Cõi thơ được hình dung qua cõi chữ. Có một thứ diêm chữ độc đáo trong thơ Hàm Anh.
Soi vào cuộc chữ: viên xúc xắc sáu mặt biến hóa
Con đường mà Hàm Anh rong ruổi đưa các con chữ của chị đến cái tận cùng của cảm giác, cảm nhận. Màu tự nhiên nói nhiều đến “anh”. Một nhân vật anh hư ảo, huyền hồ, đầy những biến thể. Anh trong suốt, “không màu” nhưng choán ngợp tâm hồn người viết. Anh trở thành một ký hiệu, mà cái được biểu đạt ở anh luôn bi diễn dịch sai. Hàm Anh muốn chiếm lĩnh “cái anh” chưa bị diễn dịch, muốn thấy một anh không chơi trò xúc xắc.
Em muốn nhìn thấy anh
thật rõ
hãy tắt đèn đi, hãy tắt nhạc đi,
hãy tắt cả bóng tối
vâng, bóng tối
đen đặc
đầy ngụ ý
Em cần một cái gì đó rỗng, không màu
Hay một màu không thể gọi được tên
ngay lúc này
nhanh lên!
“Anh” ở Màu tự nhiên tưởng rất cụ thể mà trừu tượng. Cụ thể bởi vì anh đang hiện hữu. Anh chơi trò xúc xắc. Còn trừu tượng vì đằng sau sự hiện hữu có tính cách lâm thời và cá biệt ấy còn có một anh khác; “anh” đích thực đang hiện ra trong đam mê, khao khát của em. Anh im lặng, không tham gia vào trò chơi ngôn từ. Em ước muốn chiếm lĩnh được cái màu tự nhiên rất đỗi nguyên sơ ở anh. Em ở Màu tự nhiên cần chạm được vào khoảnh khắc mà mọi thứ đều trở nên trong suốt để cảm nhận được trạng thái nguyên khởi nơi anh. Màu tự nhiên có bóng dáng tư duy trực giác. Ở đó, Hàm Anh bộc lộ ý hướng nhận thức chiều sâu của thế giới tự nhiên bằng trực giác, trực nhận. Chị muốn vượt qua cái dạng thức anh trình hiện trước mặt để “nhìn rõ” cái tôi bề sâu, đã thoát khỏi mọi hệ lụy, phiền tạp trong cái phút chốc bất ngờ. Cấu trúc câu: muốn nhìn thấy rõ, cần một cái gì đó rỗng, không màu… cho thấy chủ thể phát ngôn có nhu cầu muốn xoá đi các vách ngăn dẫn đến cái bản thể đích thực của đối tượng. Các chữ ngay lúc này, nhanh lên… nối nhau tô đậm cái khoảnh khắc mà chủ thể đã lắng nghe được những xung động bên trong của “một cái gì đó rỗng, không màu”. Hàm Anh muốn cảm thấu đối tượng, nhưng không phải bằng suy luận lôgíc mà bằng tưởng tượng, cảm nhận. Hàm Anh đã trực ngộ được dạng xuất hiện và tính không của một thể tính. Chị dùng chữ “Rỗng” và “không màu” để biểu đạt không tính của mọi sự vật, hiện tượng. “Rỗng” chứa đựng tình yêu, tạo lập tình yêu, sinh ra sự hoà hợp và các trạng thái hiện hữu khác. Hàm Anh dùng biểu thức “không thể gọi được tên” để biểu đạt cái vô, “hữu sinh ư vô”. Chị nhận ra tình yêu không chứa đầy trong lời nói; tình yêu được dấy khởi lên trong im lặng và hành động. Sự nhìn ở đây xảy ra trong tâm thế tĩnh lặng và không “sắc” (tắt nhạc, tắt đèn, tắt bóng tối) nên cũng khá gần với khái niệm đốn ngộ của Phật giáo. Dọc bài thơ Màu tự nhiên có một dòng ý thức liên tục về thể tính và duyên khởi của mọi sự vật. Dĩ nhiên, trong ý nghĩa tượng trưng của nó, hình ảnh màu tự nhiên, đã nói với chúng ta, rằng người phát ngôn ở văn bản này đã chủ ý chiếm lĩnh đối tượng trong tính cách toàn vẹn, có chiều sâu, và chân thực nhất của nó. Màu tự nhiên đem đến cho phiên thơ hôm nay một giọng điệu riêng, một cách tư duy riêng với một kiểu kiến trúc ngôn từ độc đáo, thú vị.
*
Thơ, có lẽ được mở ra trong sự thức nhận những ranh giới, ranh giới giữa cái nên thơ và cái không nên thơ, giữa cái cần được nói lên bằng thơ để thơ hơn nữa và cái cần phải diễn đạt bằng thứ văn xuôi đời thường. Thơ của Hàm Anh xác nhận ranh giới giữa một cái tôi kiêu hãnh với đám đông đầy quyền năng; giữa sự im lặng, sợ hãi với những tuyên ngôn ngụy tạo; giữa những trang trí màu mè với một màu tự nhiên ban sơ quá đỗi… Hàm Anh nhìn thấy trong quan hệ với cái tôi, đám đông có xu hướng đoạt quyền lý giải các hiện tượng, nó lấn lướt quyền kiến tạo thế giới; nó kiên quyết biên tập và hiệu chỉnh lại toàn bộ cảm xúc, tư tưởng của cái tôi cá thể; ngôn ngữ của nó hướng đến những siêu diễn giải, những siêu truyện. Đám đông cố gắng truyền thông quyền năng của mình bằng cách tuyên bố mình có quyền định ra các quy tắc có thể tiên quyết mọi hành động ngôn từ và tư duy của cá thế, buộc phát ngôn của từng cá thể phụ thuộc vào diễn ngôn của nó và chấp nhận nó; đám đông chỉ tạo được ranh giới bề ngoài để củng cố quyền lực của mình, thực chất nó luôn nhắm đến sự nhất thể. Nghịch đối với đám đông, ngôn ngữ của cái tôi thường chăm chú vào những diễn giải cục bộ, cái tôi diễn giải chính mình thành một giá trị, một kiểu tồn tại, cái tôi cứ liên tục tạo ra các ranh giới theo những xác tín độc lập của mình; cái tôi hoài nghi những lời nói nhân danh đám đông, và do đó, nghi ngờ cả sự hợp thức hóa tri thức nhân danh nó. Tính hiện đại trong thơ Hàm Anh một phần biểu lộ ở đó.
Tôi đã im lặng
mười năm
dấu sợ hãi vào kiêu hãnh
Đám đông
quyền năng lấn lướt, nhấn chìm
sức hút tuyên ngôn, ngụy tạo
Đám đông
vẫn còn đó muôn đời
nó chỉ đổi màu thôi
Có ai đấy không?
Cứu-tôi!
Thơ của Hàm Anh hấp dẫn ở những trò chơi ngôn ngữ mới. Tác giả không chờ đợi người đọc chỉ đi làm cái việc kiểm chứng những câu chuyện mình kể, mà muốn người đọc cùng tham gia chơi trò xúc xắc, cùng tạo nghĩa trong các “nước đi” và cho cả cuộc chơi lắm cung bậc, nhiều trạng huống. Cấu trúc văn bản thơ của Hàm Anh luôn mở ra kiểu trò chơi đó, để mọi người đều có thể tham gia chơi, chỉ cần người chơi hiểu và chấp nhận rằng mọi khả năng đều có thể xảy ra. Màu tự nhiên quy ước, sự đọc không bon đi đều đều. Sự đọc “buộc phải trở thành siêu - đọc”, đọc biểu tượng, đọc các ký hiệu trong cấu trúc của nó.
Chúng tôi thử khảo sát một cách chơi xúc xắc trong văn bản Lau sậy. Ở Lau sậy, Hàm Anh đã tạo một chủ thể phát ngôn về lịch sử, theo nghĩa những dữ kiện khách quan được mô tả trong các phát ngôn sở thị có can hệ hoặc được gán cho chính người đã nói ra.
Những người đàn bà như lau sậy
hát lên nhờ gió
tiếng reo u buồn...
Có một chiều thu
bạc tóc
một mình
nghe lau sậy bên sông...
(Lau sậy)
Do chỗ chủ thể của phát ngôn mở đầu không xưng Tôi, nên cách chơi của “anh ta” đồng thời thông báo rằng, người nói mặc dù có bộc lộ chủ thể tính khi so sánh, quy chiếu từ về vật, nhưng lại không có ý định xác định cho mình một thẩm quyền đánh giá đặc biệt nào đó, và do đó, cả quyền sở hữu phát ngôn đó. Nói cách khác, sự đánh giá - mang “tính khái niệm” này không quy chiếu về một hoàn cảnh có thật cụ thể, và không được gắn cho một chủ thể nhất định, nó có thể được gán cho những cái Tôi khác hoặc có thể xảy ra những cách đánh giá khác. Suy rộng ra, chủ thể phát ngôn ở cả ba phát ngôn mở đầu đã chấp thuận rằng sự có mặt của mình ở đấy không mấy quan trọng, bởi vì trên thực tế tư cách cá nhân của người phát không hề ảnh hưởng đến đối tượng mà phát ngôn nói đến. Chủ thể phát ngôn tạo ra quy chiếu giả để độc giả khi tham gia vào trò chơi ngôn từ sẽ có ảo giác về hiện thực. Ảo giác này đảm bảo cho một giá trị khách quan, đến mức khiến cho người nói chỉ cần thông báo lại điều ấy cũng đủ tạo ra một tiền giả định giúp anh ta tin tưởng rằng thông điệp của mình sẽ được người nhận hiểu theo cách mà họ đã định, và họ sẽ hiểu đúng những gì mà họ đã gợi ra.
Dễ thấy, nếu ba dòng đầu, trong trò chơi tạo ra chủ thể phát ngôn về lý luận, người chơi đã tái hiện được một hiện thực khách quan ở bên ngoài mình thì hai dòng sau, trong trò chơi tạo ra chủ thể phát ngôn về lịch sử, người chơi đã tự thiết lập và xác nhận mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân mình với cái nội dung vừa được nói ra ở trên. Điều này sẽ được bộc lộ rõ hơn, khi chúng ta quan sát thấy - người đọc Lau sậy chuyển dần sự chú ý của mình sang bản thân người phát ngôn và gán cho người đó tất cả đặc điểm vừa được miêu tả. Hàm Anh dựng chân dung người đàn bà trong cái nhìn đã được đặt định trước về họ. Họ trở thành một tha thể, được khu biệt về trật tự so với đàn ông.
Có thể rút ra quy tắc chơi ở Lau sậy ở mấy điểm sau: người phát ngôn chỉ có quyền nói về mình khi đã thiết lập được một hình ảnh nào đó để các phát ngôn sau có thể quy chiếu về nó, hoặc chỉ được ngữ cảnh hoá phát ngôn của mình sau khi một chủ thể phát ngôn nào đó đã gắn cho đối tượng được nói đến những đặc điểm chung nhất định. Lau sậy tạo ra trò chơi hồi chỉ; người chơi nhân bội nghĩa của phát ngôn sau bằng cách tham khảo ngược lại phần đã mô tả trước đấy. Lau sậy trao thẩm quyền phát ngôn cho người đã chiếm lĩnh được những tri thức về giới. Cũng chính ý hệ giới đã kiểm soát, tiên quyết cách chơi và mục đích chơi của người chơi. Chúng ta không thấy người chơi vận động ra ngoài cái định nghĩa của chính mình về mình và về cái thế giới mà nó phụ thuộc. Ở cấu trúc bề sâu, Lau sậy duy tình và chứa đựng ẩn ức về thân phận phái tính.
Hàm Anh viết không nhiều thơ thế sự. Thể tài trữ tình công dân cũng ít khi được chị gọi về. "Màu tự nhiên" hướng vào số mệnh và cái tôi nội cảm của chủ thể nên thơ trữ tình cá nhân và trữ tình siêu hình chiếm ưu thế. Cả hai mảng thơ này, mảng nào cũng ám ảnh và cuốn hút.
Hàm Anh tha thiết với cái đẹp, một cái đẹp có sức ngân, có độ mở, được đẩy đến tột cùng và còn nhiều bí mật. Màu tự nhiên trình cho độc giả những cái đẹp còn ẩn khuất không dễ cắt nghĩa.
Có một vẻ đẹp buồn không tả nổi
dâng lên như bóng tối
em đi…
về anh
về phía mặt trời cất cánh!
Hàm Anh không tả cảnh mà cố gắng diễn tả trạng thái tâm hồn mình đang cất lên, bay lên. Có một sự vận động ngay trong vùng mờ của tâm tưởng. Có thể, đằng sau cái ước muốn mông lung kia có một khát khao muốn bù đắp sự khuyết thiếu nào đấy ở hiện tại; cũng có thể đằng sau sự đối lập giữa sự kiện nhận thức được và sự bất khả diễn giải ở dòng đầu, hoặc giữa sự đi một cách dứt khoát và cái vô định, mơ hồ ở những dòng tiếp theo có một ham muốn vô thức đang điều khiển, đang thôi thúc. Chi tiết nào trong bài thơ cũng “kèm theo một khía cạnh phi ý thức”, cho dù chúng được người viết kiểm soát và “diễn tả ra” đi nữa.
Màu tự nhiên nói nhiều về tình yêu. Hàm Anh định nghĩa, giải thích, cảm nhận, và vẽ khuôn mặt của tình yêu theo cách riêng của mình.
- Yêu buồn sâu vực thẳm
Một ngày kia
ta
rơi
… trong tiếng kêu dài tuyệt đỉnh
thành đôi chim thiêng sải cánh mặt trời…
Tính thơ có khi ẩn ở sự trải nghiệm, tương giao chân tình, cũng có lúc bộc lộ ở những liên tưởng bất ngờ. Độc giả có thể thấy cái hay của thơ trong những quy ước ký hiệu của chủ thể, trong những xác suất xuất hiện của thế giới nội cảm chứ không đơn thuần ở lượng thông tin mà một đơn vị ngôn ngữ nào đó chuyển tải. Hàm Anh hiểu điều đó, nên đã tạo ra một chủ thể trữ tình ít khi dùng các từ ngữ “chuyên môn” hoặc quá phổ thông để nói về những cảm xúc phong phú của tình yêu. Đối với chị, tình yêu đích thực ít chịu gò vào những khuôn khổ, nó liên tục được tạo ra, được sinh ra trong trải nghiệm thấm nhập hoặc mộng mơ phiêu lưu của từng cá nhân, nó được đo không đơn giản bằng lời nói mà được đo bằng cảm nhận, bằng cảm giác. Hàm Anh có nhiều cố gắng trong việc nắm bắt gương mặt tình yêu trên cơ sở cảm xúc, sự trải nghiệm và những ảnh tượng tâm lý của bản thân mình. Thơ ít khi đi lối thẳng mà chọn lối quanh co đến với chúng ta. Thơ đem lại cho ta cảm giác “không an toàn”, và vẻ huyền nhiệm; những mật ngữ và tiếng nói mơ hồ của nó vọng lại từ miền vô thức, ẩn ức. Hàm Anh tạo nghĩa cho thơ bằng các khúc nhạc. Ở Màu tự nhiên, sự lựa chọn ngôn từ không chỉ chịu sự ràng buộc của ngữ nghĩa, mà cả ngữ âm, vần nhịp.
Hàm Anh hay dùng so sánh hàm ngôn để diễn tả cảm nhận, cảm giác của mình về sự thể. Chủ thể của sự phát ngôn trong thơ chị có thiên hướng cắt nghĩa sự thể này bằng cách quy chiếu về sự thể kia. Chẳng hạn, người phát ngôn cấp cho độc giả một cách tạo ra tình yêu, định nghĩa tình yêu qua những biểu hiện của nó ở sông, cỏ, lửa, trăng. Chính ở đây, phương thức so sánh được chủ thể phát ngôn sử dụng để “viết lại” đối tượng. Có thể nói Hàm Anh đã kiến tạo thế giới thơ của mình trên nền của nhiều biểu tượng sơ khởi: Nhớ/ như là sông /trôi chảy trong lòng/ Yêu/ như là cỏ/ xanh ngút đơn thuần/ Mê/ như là lửa/ chạm vào cái gì cũng sáng/ Đau/ như là trăng/ thanh thản. Sông tượng trưng cho nỗi nhớ thường trực; cho niềm khát khao được đắm mình trong những xúc cảm dồi dào, nó biểu đạt ước muốn được tái sinh trong tình yêu đẹp đẽ, vĩnh cửu. Cỏ biểu đạt cho mạch sống bền bỉ, cho duyên khởi tự nhiên, mạnh mẽ. Lửa có tính hai mặt, một phía nói về trạng thái đam mê, đưa cảm xúc lên thăng hoa, một phía hàm nghĩa sự thử thách. Trăng do xuất hiện theo chu kỳ nên tương đồng với sự dịu lại của nỗi đau qua thời gian, đồng thời tượng trưng cho sự thay đổi từ cảm tính đến thức tỉnh, từ sự phụ thuộc đến ước ao đổi mới. Hai biểu tượng đầu (sông - cỏ) vẽ ra một quan hệ gắn bó; hai biểu tượng sau (lửa - trăng), có lẽ trong vô thức được tạo ra trên một quan hệ không có sự hoà hợp. Nhớ - yêu - mê - đau tạo thành một logíc nội cảm. Sông - cỏ - lửa - trăng tạo thành lôgíc hiện thực. Lôgíc này được tạo ra trên cơ sở lôgíc kia. Cả hai lôgíc ấy chiếu vào nhau làm nổi bật một cảm thức mang đậm nữ tính của thơ Hàm Anh.
Màu tự nhiên hiển thị những gì thuộc về bản thân nó, ở đây không có sự thật bị che giấu dưới hình thức diễn giải của kẻ khác, cũng không có bản sao của cái tôi trong ý hướng đi chệch khỏi bản thể và cũng không có trung gian phiên thuật sự thật nội tâm. Hàm Anh nói về bản thân, qua những suy tưởng sâu sắc về hạnh phúc, số phận. Màu tự nhiên thuật tình nhưng không sa đà vào kể lể, thuật sự nhưng vẫn gợi được những chuyển nhịp mạnh mẽ của tình cảm. Đọc Chim chích bông, ngỡ tác giả chỉ vẽ những nét ngẫu hứng và đầy hoài niệm về tuổi thơ, song thực ra chị đã thể hiện được niềm trắc ẩn về hạnh phúc của riêng mình một cách kín đáo, tinh tế. Đọc Ngủ mưa đi qua sự đa nghĩa của câu chữ, độc giả sẽ dừng lại trước một Hàm Anh của ước ao hoà hợp, của cảm thức dịu nhẹ, yên bình
em mưa cho anh ngủ
ngoài kia đương mùa xuân
những cây bàng trỗi lá
xanh non đến ngại ngần
em mưa cho anh ngủ
mưa dịu vết thời gian
mưa giăng mù thương nhớ
mưa xanh anh dịu dàng...
Ở Về hoa, ta gặp lại một Hàm Anh giàu nghị lực biết tìm vui trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Ở Một bức tranh, Hàm Anh trăn trở nhiều trước thời gian, số phận, nhạy cảm với những nỗi đau u buồn: Mẹ ngồi tụng kinh bên ngọn đèn dầu/yêu thương hắt bóng/ sáng đỏ - nâu sồng/nếp áo hay lòng con gợn sóng?/Mẹ ngồi tụng kinh bên ngọn đèn dầu/bàn tay thời gian, hạt tràng số phận/mắt mẹ không ngước nhìn lên/làm sao con biết mẹ đau?. Thơ Hàm Anh cắt nghĩa nhiều cảm xúc đối nghịch và không ít điều nghịch lý được tập hợp lại với nhau, “biến hóa từ nhau và tráo đổi cho nhau”:
Chính người ta yêu thương nhất
Sẽ làm ta đau - hơn ai hết trên đời
Như Sống - Chết
Như Khổ đau - Hạnh phúc
Như cuộc đời là một vết thương tươi!
Màu tự nhiên diễn tả được không ít điều mà người khác từng cảm thấy, do đó, nó tiềm tại một khả năng gọi được mối đồng cảm sâu xa. Tôi muốn nói Hàm Anh không đổi mới cực đoan về hình thức. Ngôn ngữ thơ của chị có sự sống.
Màu tự nhiên tạo ra một kiểu chủ thể phát ngôn luôn đối diện với mình, với hoàn cảnh quy định mình, để phát hiện lại mình. Sự phát ngôn trong thơ Hàm Anh hướng nhiều đến trạng thái bị phụ thuộc ở hiện tại. Đọc Người châm lửa chẳng hạn, ta sẽ thấy một Hàm Anh mặc dù đã phản tỉnh kinh nghiệm của chính mình nhưng chưa thoát khỏi số phận; một Hàm Anh đang cố thoát khỏi những khung khổ hạn định bao quanh để trở về với chính mình trong cảm xúc và nhận thức chân thực, song cũng có chút gì nhẫn nại, chịu đựng:
có nhiều khi tôi thấy
mình lại dường như đang chết đi này
như con cá giương mắt buồn trong bể
nhìn anh và cuộc đời trôi qua....
anh hãy ôm lấy em đi, nghiền nát em đi
hãy vẽ lại em đi, hãy viết lại em đi,
đêm tối đến hãy là người châm lửa
thổi bùng mặt trời lên
nhẫn nại
mỗi ngày...
Chủ thể phát ngôn do Hàm Anh tạo ra hình dung mình hiện hữu trong một thế giới không có sự sống đích thực, ở đó con người có cảm giác bị đặt ở bên lề; một thế giới rỗng, thiếu những điểm tựa vững chãi; một thế giới bị cô lập chỉ đủ khiến con người cảm thấy mình đang rơi vào trạng thái chân không hoặc hoàn toàn bị phụ thuộc. Dẫu Hàm Anh phản tỉnh tỉnh táo bằng cách cho nhân vật của mình ước mong tái sinh, ước mong được người khác “vẽ lại mình”, “viết lại mình”, nhưng chung quy, chủ thể trữ tình trong thơ chị vẫn bị động. Cảm thức bị phụ thuộc in đậm trong tập Màu tự nhiên. Cảm thức này có khi biểu hiện thành hình ảnh con cá giương mắt buồn trong bể, có lúc thành chiếc lông ngỗng bay tự do đơn độc... Cạnh cảm thức bị phụ thuộc, trong thơ Hàm Anh còn nổi lên bản năng gắn bó, ở đó bổn phận, trách nhiệm đối với người khác đã trở thành tàng thức.
Hàm Anh hiện ra rất rõ trong những câu thơ tâm tình về số phận, về cuộc đời. Chị thành thực mỗi khi bộc bạch với chúng ta những khao khát đời thường và những trải nghiệm thấm thía của bản thân. Cảm xúc thơ của Hàm Anh có chiều sâu. Đọc chị, ta cảm được cái ấm áp nhè nhẹ lan toả, nhưng cũng thấy cả cảm giác bơ vơ, man mác trước những ảnh ảo. Hàm Anh ước đợi sự đồng điệu trong hạnh phúc vĩnh cửu, tột cùng, “nhưng cũng biết sống hết mình trong mỗi sát na thực tại” (Trịnh Công Sơn): Không ai chạm được vào chúng ta /vì chúng ta không phải là nước để đếm đong cho đủ đầy, để thỏa mãn khát khao/ Không ai chạm được vào chúng ta / vì chúng ta không phải là vôi vữa/ để xây lên một ngôi nhà rồi lại ngại đi xa/… Không ai chạm được vào chúng ta/ vì chúng ta là đôi hồn đồng điệu/ khiến con tạo phải mỉm cười, sa mạc bỗng nở hoa/ Không ai chạm được vào chúng ta /vì chúng ta là hạt bụi rơi ra từ hằng kiếp luân hồi/ – ta là một sát-na! (Đồng điệu). Hàm Anh chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Cảm quan quan Phật giáo, cảm quan triết học ở Màu tự nhiên khá đậm. Ít có người thơ trẻ hôm nay mang chở cảm quan ấy, cũng ít có ai nhận diện mình bằng cách phóng chiếu về sát na - một đơn vị thời gian siêu nhỏ của Phật giáo. Hàm Anh muốn chiếm lĩnh hạnh phúc trọn vẹn, những cũng đầy âu lo, sợ hãi: Không, tôi vẫn khóc đến rỏ máu/ cho giấc mơ tổ ấm của mình/ khóc/ vào những hôm mưa thật to/ rồi khi nắng lên/lại như con chim đứng rỉa cánh/ bên hồ thu trong veo.Màu tự nhiên có nhiều nỗi buồn, nhưng nỗi buồn trong trẻo. “Em” trong Màu tự nhiên sống với nhiều ước mơ, tưởng tượng, và rốt cuộc chính “em” buộc phải hoà giải với bản thân mình để được nguyên vẹn lắng nghe tiếng nói của trái tim và trao gửi tâm hồn mình cho mọi thứ có hình thể: Gió thổi dọc ngõ dài tăm tối.../ Em biến thành đôi tất ủ ấm chân anh/ biến thành chăn, thành gối/ và em được hữu hình/ và em được sinh ra... (Một nhân vật của Milan Kundera). Chủ thể khẳng định mình và “phá hủy mình” trong mối liên hệ với tình yêu, với người khác. Chủ thể quy chiếu mình vào cõi khác, vào chủ thể khác. Nó giải phóng mình khỏi những chướng ngại của hiện thực. Nó tạo ra một tình huống mới để khám phá cái cá nhân nhất. Nó hợp lý hóa sự lựa chọn của mình trong thế giới hiện đại. Màu tự nhiên mới ở những phát hiện lại. Cảnh tượng của cái vô hạn, của sự tự do được tác giả diễn giải qua mô thức “tồn tại cho người khác”. Độc giả có cảm giác cái đẹp trong thơ Hàm Anh phóng khoáng và nổi bật.
Chủ đề đồng điệu và tái sinh được nhắc lại đậm nét với nhiều biến thể khác nhau trong thơ Hàm Anh. Chẳng hạn: Em ngậm anh - một hạt ngọc trai/ Anh là kết tinh những nếm trải kiếp này/ một hạt đau lóng lánh!/ Em sẽ không khoe anh đâu/ da trần/ trời lạnh/ sẽ câm nín ngậm anh trong lòng/ cho muôn vạn kiếp sau... Màu tự nhiên nhiều biểu tượng, “mầm” biểu tượng cho sức sống, cho sự sinh ra và được sống lại (mầm hoa), cũng biểu tượng cho nỗi đau đang được ấp ủ, cất giữ (hạt mầm đau). Bóng tối biểu trưng cho hỗn mang, cho bản chất, khởi thuỷ của thế giới, bóng tối “rỗng”, mọi thứ đều sinh ra trong bóng tối, bóng tối đối lập với ánh sáng, trạng thái cô đơn, sợ hãi cùng sự im lặng và những điều bí ẩn của cuộc sống này được Hàm Anh diễn đạt bằng hình ảnh không gian không ánh sáng; bóng tối trong Màu tự nhiên không biểu đạt sự huỷ diệt, lụi tàn mà chất chứa, báo hiệu sự sinh sôi, sự che chở, thậm chí ở nó còn gợi khơi sự khám phá, đổi mới diệu kỳ. “Mộ” được miêu tả thành chốn cuối, biểu trưng cho cái đích tất yếu hợp tự nhiên, cho niềm mong chờ về hạnh phúc thực sự, vĩnh cửu; cạnh biểu tượng “mộ” còn có hình ảnh “hang động” - một biểu tượng của nguyên sơ, của bản chất tự nhiên, của sự trở về nguồn cội và của hạnh phúc. Hình ảnh “mưa” trong thơ Hàm Anh xuất hiện dày đặc và cũng có ý nghĩa biểu tượng với những ngày mưa, ngủ mưa, cõi mưa, em mưa,… Mưa bao trùm ý nghĩ, cảm xúc của Hàm Anh, mưa chuẩn bị cho sự tái sinh, đánh thức sức sống ẩn tàng trỗi dậy, mưa tạo ra sự sống trong trẻo, yên bình, mưa có thể làm dịu vết thời gian và mọi thứ xanh lại, song cũng khiến cho mọi thứ nhoè đi, tan biến đi. Hình ảnh “mưa”, “huyệt mộ” và ảnh tượng “hang động” trong Màu tự nhiên đều có liên hệ xa với vô thức phục sinh, với sự sinh sôi, với sức sống. Màu tự nhiên hướng đến những nguồn sống, những mạch sống ở mọi vật thể. Sở dĩ Hàm Anh đề cập đến “bóng tối” và “mưa” một cách đậm nét vì chị hiểu rõ “những quy tắc của phái tính”, trước hết thường trực ở mình.
So với nhiều cây bút nữ khác, Hàm Anh không chú trọng vào thực thể dục vọng, ngay cả khi đề cập đến điều đó thì chị cũng chọn cách diễn đạt rất thơ và ý nhị, chị hướng đến cái đẹp của sự lặng lẽ, cái đẹp của sự huyền diệu, cái đẹp của sự mong manh (Huyền diệu, Đoản khúc Sakura, Im lặng, Vô đề, Về hoa, Một bức tranh). Chị miêu tả trung thực những năng lượng sống, song không phải trong nhận thức về những “vật chướng ngại do những quy ước xã hội và những nhân tố đạo đức dựng lên” mà ở những khát vọng chính đáng của mỗi cá nhân - chủ thể. Có lẽ vì thế, Màu tự nhiên ít tuyên ngôn ồn ào. Hàm Anh đặt sự im lặng của chủ thể vào những nguyên tắc cơ bản. Chính sự đề cao ấy đã một mặt chứng tỏ chị có ý hướng khước từ sự tái diễn ngôn ngữ, mặt khác cho thấy chị không chuyên chú vào tạo nghĩa, cái được biểu đạt trong thơ chị cũng khá mơ hồ. Thơ đột ngột đến từ ẩn ức, nó thuộc về khoảnh khắc và đôi khi khiến chúng ta cảm thấy sự thông báo ở nó đã nhường cho các hình thức ghi nhận
Tất cả mọi điều rồi tan biến dưới mưa
Trường dòng cũ bỏ hoang
Các tu nữ đâu rồi?
Chỉ còn lại cây thập tự ánh sáng khắc vào tường như con mắt trời lặng lẽ
Gác chuông câm vấn vít đám dây rừng.
Có ai thấy không
Những linh hồn xưa mơ hồ ngoài đó
Rừng sương trắng những thân cây mờ tỏ
Trong mưa rơi có đôi ngựa hồng về dừng chân giơ móng gõ
Những cảnh đời đã qua vẫn sống động nhường kia trong lớp sương dày...
Kìa, có con chim trú mưa dưới tán rừng ẩm ướt
Nắng lên rồi
Ngậm giọt nước mắt bay đi!
Màu tự nhiên bị bóng tối và huyền thoại xâm lấn nên cái nghĩa cụ thể của câu chữ, của hình ảnh, hay nói chung của ký hiệu cứ bị đẩy lùi ra xa, bị tha hoá. Đọc Màu tự nhiên ta sẽ gặp tình trạng các ký hiệu không đơn thuần được quy về hiện thực mà cũng không hẳn từ chối nó. Hàm Anh chỉ gọi tên sự vật, tác động lên tên của sự vật chứ không hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ làm công cụ tạo ra ý nghĩa cụ thể cho sự vật, hoặc tạo ra toàn bộ sự vật. Chị trao cho độc giả con chữ, trao cho họ những ký hiệu, những hình thức. Màu tự nhiên lưu dấu ngôn ngữ tâm trạng của Hàm Anh. Diễn ngôn của Hàm Anh có sự xếp chồng lên nhau của các nghĩa, các hình thức, các khái niệm và các ký hiệu. Màu tự nhiên giữ được khoảng cách cần và đủ để nó không có liên quan gì đến lối thơ cưỡng chế độc giả bằng cách tuyên bố rằng mình đã lật nhào hoặc đoạn tuyệt với truyền thống. Tập thơ đầu tay của Hàm Anh đã thực sự hiện đại, song hiện đại một cách rất cổ điển.
Hàm Anh không chủ trương đổi mới bằng cách đảo ngược cái nhìn mà bằng sự cố gắng đi đến được gần nhất bản thể đích thực giản dị của mình. Chị cũng không có ý định đổi mới thơ một cách quyết liệt, càng không cho rằng mình cần phải vượt lên thế nào hay bị tụt hậu ra sao trong thị trường văn chương đương đại. Hàm Anh tin tưởng rằng được trở về với chính mình, tự nhiên, chân thật trong nhiều cảm nhận, thơ sẽ mới, còn nếu chỉ vọng ngữ không thôi, thì cho dù có thể làm cho mặt hồ xao động ở thời điểm hiện tại, cuối cùng lối thơ đó cũng sẽ bị độc giả lãng quên. Màu tự nhiên có một thứ ngôn ngữ riêng, một phương thức biểu đạt riêng và chắc chắn, theo nghĩa đó nó sẽ được giới hạn lại để trở nên rõ ràng hơn nữa, thậm chí tiếp tục được sinh ra trong các diễn giải về bản chất tự nhiên của các ký hiệu hoặc trong sự tháo dỡ ngôn ngữ huyền thoại.
--------------------------
[1] Tập thơ của Hàm Anh. Nhà xuất bản Văn học, 2008.
[2] Luc Benoist. Dấu hiệu, biểu trưng và thần thoại. Nxb. Thế giới.
Tác giả: Trần Thiện Khanh
Ý kiến bạn đọc