Làm thế nào để có một bài thơ hay?

Thứ tư - 09/12/2009 17:20 2.997 0

Làm thế nào để có một bài thơ hay?

Đứng trước cái tiêu đề “Làm thế nào để có một bài thơ hay?” tôi cảm thấy thật thú vị biết bao! Không riêng gì với các nhà thơ mà còn bao hàm chung cùng các giới làm nghệ thuật và sáng tác. Tôi muốn gửi đôi điều tâm sự đến với tiêu đề trên chút nỗi niềm rất riêng.

Trước tiên ta hãy nhắc đến cảm xúc. Vâng, chỉ có cảm xúc mới chính là điều làm cho thi sĩ luôn có cảm giác được sống và sống còn. Cảm xúc mang nhiều tâm trạng khác nhau, nhiều khuôn mặt khác nhau, thoắt đến, thoắt đi. Không ở lại lâu bao giờ. Đối tượng của cảm xúc thường có với quê hương, với con người, gia đình, bạn bè, đồng đội, tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên và với vạn vật…

Kế tiếp là phần trải nghiệm (nhân văn). Nhà thơ trải lòng mình ra trước xảm xúc đã chín trên mọi thể loại; tác phẩm ngắn, dài tùy theo độ chín của cảm xúc. Tính nhân văn lúc này là sự quyết định số phận của tác phẩm , chắt lọc, tinh tế bằng vốn liếng về ngôn ngữ, chữ nghĩa. Vốn văn hóa dân tộc, văn hóa sắc tộc… kể cả vốn văn hóa của nước ngoài (nếu cần thiết).

Tính lãng mạn cũng là một yếu tố không thể thiếu trong tác phẩm. Nó là chất xúc tác, gây men giúp nâng cánh thơ bay lên, thăng hoa và lan tỏa. Nó thổi luồng sinh khí cho tác phẩm có hồn hơn, đáng yêu hơn. Nó chính là nghệ thuật đưa tác phẩm lên đỉnh cao của sự hoàn mỹ. Hơn thế nữa là sự thật thà, trung thực với tác phẩm.

Chúng không thể được sinh ra trong sự vay mượn, chắp vá đâu đó mà phải được sinh ra thật nghiêm túc và đầy trách nhiệm trước bạn đọc. Sẽ là không vui khi ta đọc một bài thơ lạ mà nghe quen! Thật ngớ ngẩn và buồn biết bao khi thi sỹ sáng tác hai bài thơ giống nhau như hai giọt nước! Đó chính là dấu hiệu cạn dần cảm xúc. Thi sĩ mất cảm xúc thì không có nỗi bất hạnh nào sánh bằng. Bởi nó đồng nghĩa với sự chấm hết và sự chết!

Chúng ta cần trân trọng cảm xúc, bởi nó là những cảm nhận vô cùng thiêng liêng. Nó được phát xuất từ con tim vốn nhạy cảm của thi sĩ vốn biết khóc, biết cười, biết khổ đau, hạnh phúc với cảm xúc. Tôi chạnh nghĩ, thơ không phải là một vật chất đem ra để nhào nặn cho dẻo để đắp tượng. Thơ chỉ dùng để giũa gọt và thổi sinh khí vào những bức tượng do thi sĩ tạo nên.

Trong một tập thơ dày bao nhiêu trang, chứa bao nhiêu bài trong đó, hoàn toàn chưa quan trọng. Điều mà ta nóng lòng muốn biết là nội dung trong từng sản phẩm của tập thơ mà tác giả đã gửi gắm. Thơ là cảm xúc rất riêng, nếu nó đến với người này mà không đến với người kia, âu đó cũng là chuyện bình thường.

Mỗi bài thơ đều có đời sống khác biệt, cảm xúc và hoàn cảnh cũng khác nhau. Để đồng điệu được với người đọc, người xem, người nghe… quả thật không dễ dàng chút nào. Chưa tính đến chuyện độc giả vì yêu thích tác giả nào đó hoặc vì một lẽ nào đó mà không ngại gì khen và tán thưởng, thậm chí tán dương một cách không xét đoán, ngộ nhận, không hợp lí v.v... Ảnh hưởng của tác giả với công luận càng cao (không phải nhà thơ) thì số phận của tác phẩm càng được dễ chấp nhận dưới mọi hình thức! Đây cũng chính là điều chúng ta cũng nên bàn bạc trong chủ đề này. Cho dù các bài thơ được xây dựng ở thể loại nào cũng vậy, hoặc được trang bị vốn kiến thức ít hay nhiều cũng thế. Nó là tiếng nói từ trái tim của con người, bằng tiếng của loài người. Không có lí do nào chúng ta ngoài khen hay!? Lại còn chê dở!

Sự cảm nhận mới là cốt lõi mà độc giả phải hết sức trung thực và tinh tế. Đôi khi đọc lại những bài thơ do chính mình viết ra cái cảm giác chưa ổn vẫn cứ quẩn quanh đâu đó bên tác giả. Khi ta giới thiệu xong tác phẩm với bạn bè, thi hữu hoặc trước bàn dân, thường thì sự trống rỗng, mệt mỏi luôn ngự trị tâm hồn. Cảm xúc này thường khó lí giải. Mọi sự đón nhận khác nhau từ phía khán thính giả làm cho ta kiệt sức, tùy theo trường hợp, trạng thái, vui sướng, bất an hay hạnh phúc, khổ đau.

Phần đông người làm thơ hiện nay vẫn đi theo những khái niệm thông thường. Thấy gì viết nấy, nắng tả nắng, mưa viết mưa, yêu thương, trăng sao, đêm ngày, hoàng hôn, bốn mùa, hạnh phúc khổ đau… Làm sao cùng những khái niệm ấy, các nhà thơ nói sâu hơn, xa hơn, đau hơn… khai thác đến cùng kiệt từ ngữ (ở đây không có đánh đố, vặn vẹo, thách thức). Tôi nghĩ sẽ sung sướng hơn rất nhiều khi được đón nhận những bài thơ mới từ muôn phía.

Không cần thiết phải có nhiều chủ thể trong một bài thơ, thường là một câu chuyện cực ngắn, xúc tích, trọn vẹn, tính nhân văn, sắc màu, hình ảnh, thời gian và không gian. Khoảng cách giữa thơ với vè rất mong manh. Cũng như tình thương và tình yêu vậy. Chúng ta không tỉnh táo rất dễ bị lẫn lộn, ngộ nhận.

Vè thường hay con cà, con kê, thường dây cà ra dây muống. Nhí nhảnh vui tươi kể cả trong phê phán hoặc tán dương, ca ngợi. Không có tính khúc chiết, không ai nghe đọc vè mà khóc cả, bởi tính hồn nhiên, trong sáng của nó. Chúng ta tinh ý một chút thì thấy trong tiếng thơ thôi đã có thơ rồi. Vậy phần còn lại thi sĩ làm sao cho cái thơ kia hay thêm, đẹp thêm, dễ thương thêm trên mọi thể loại, mọi chủ đề. Có khó không? khó đấy! Nhưng không có nghĩa là không làm được.

Tôi xin được dẫn lời bình rất tinh tế của Hoài Thanh: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên, rạo rực, thiết tha, băn khoăn như Xuân Diệu…”. Hay như Pascal viết rằng: “Khi gặp một phong cách tự nhiên, ta ngạc nhiên và vui thích. Bởi lẽ ta chờ gặp một tác giả, nhưng ta lại tìm thấy một con người”.

Xin vâng! Chúng ta ai cũng có một cái tôi như thế, một cái tôi trữ tình. Như Hoài Thanh nói “quê mùa như Nguyễn Bính”. Đúng và rất hay bởi đây là một xác định về phẩm chất với ý khen ngợi. Ai đã từng yêu thơ Nguyễn Bính thì không thể không một lần rung động khi nghe khúc nhạc lòng ông và cũng là khúc nhạc tâm hồn của người dân quê bao đời. Tôi may mắn được biết đến thơ ông từ những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Bao nghĩ suy, khát vọng của những con người đã và sẽ sống “trong lũy tre xanh”. Giọng thơ Nguyễn Bính vừa cất lên ta đã thấy ngay cái hồn của làng mạc, vườn tược, ruộng đồng…

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Nắng mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

(Tương tư)

Chính là cái tôi thôn dã, chân thành, tha thiết. Thể hiện trong lời ăn, tiếng nói hàng ngày. Mộc mạc, tự nhiên, trải lòng mình ra với cái bệnh khó chữa một cách trực diện. Phù hợp, xuyên suốt trong toàn bài thơ. “Hai thôn chung lại một làng, cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?” hình ảnh là sự kết nối những gì đã trở thành ước lệ của thôn dân: Thôn Đoài, thôn Đông, bến nước, con đò, đình làng, hoa bướm… giàn giầu, hàng cau. Lối suy nghĩ này gắn chặt với đất trời, cỏ cây quê hương. Thời gian trôi qua được nhận biết bởi sự thay đổi của cây lá “ngày qua ngày lại qua ngày, lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”.

Được ước đếm bằng cách tính khoảng chừng “Tương tư thức mấy đêm rồi, biết cho ai hỏi ai người biết cho”. Ước đếm tính khoảng cách “Nhưng đây cách một đầu đình, có xa xôi mấy mà tình xa xôi” và nỗi nhớ như một chất liệu đậm đặc tính thôn dã “thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?” Để có một bài thơ hay thật không đơn giản. Chúng ta không cho phép mình dễ dãi, hời hợt với cảm xúc. Cảm xúc sẽ cho ta những gì ta mong muốn. Trái đất này sẽ rộng hơn để làm nơi chốn, cất giữ những cái hay của thi sĩ. Ông Chế Lan Viên có lần nói thế này: “Trái đất rộng thêm ra một phần bởi các trang thơ, vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ”.

Giữa một thiên nhiên vô tư, khoáng đạt. Con người được bao bọc trong những tình yêu nguyên sơ, trong sáng, đậm đà, nhất là nông thôn Việt Nam. Người quê luôn có điều kiện sống thực với bản chất của mình. Yêu và ghét cũng hết mình. Khát khao hướng về cái đẹp, cái thiện và hạnh phúc. Thi sĩ Nguyễn Bính đã biết cụ thể hóa cái hồn quê trừu tượng kia bằng những tình quê chân thật, đằm thắm, cụ thể và điển hình.

Cảm xúc chân thành với tình quê sẽ luôn là nền tảng để sản sinh ra những bài thơ hay và để đời…

Tác giả: Trương Hữu Dũng

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây