Hà Nội lúc ấy đối với tôi là kỳ vĩ lắm. Đường sá nhiều không kể nổi. Phố xá cứ san sát nhau, nhiều không tưởng được. Sau khi về Nghệ An, tôi vẫn thường khoe với bạn bè rằng, tôi là người miền Nam và đã được đến thủ đô Hà Nội, bởi bạn bè tôi ở Nghệ An lúc đó chẳng đứa nào được đến Hà Nội, xa lắm cũng chỉ tới được thành phố Vinh của Nghệ An mà thôi. Nhiều thằng đã phải ganh tỵ với tôi, vì tôi đến được cả Hải Phòng, đến được Hà Nội, lại sinh ra ở miền Nam nữa, đều là những nơi chúng chưa được đặt chân, có nói láo thì chúng cũng chẳng biết.
Tôi đến Hà Nội lần thứ 2 vào năm 1978, cùng với người bạn chung lớp ở Khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi ở nhà của ông tiến sĩ y khoa từng bảo vệ luận án tại Ba Lan và bà vợ là bác sĩ của Bệnh viện Quân y 108, tại Tăng Bạt Hổ. Đây là khu nhà tập thể, mỗi căn rộng chừng 16m2. Đôi vợ chồng trí thức này có một cậu con trai chừng hơn 12 tuổi, trắng trẻo và vui tính. Nhà có 3 người, thêm 2 thằng sinh viên chúng tôi nữa là 5. Chiều về, cả nhà đoàn tụ. Bà vợ nấu một nồi cơm ước chừng mình tôi ăn còn thiếu. Tôi gốc lính, ăn như xáng múc, ấy vậy mà lưng chén cơm phải đứng dậy. Tôi nói: “Cháu no rồi. No thật tình”. Bạn tôi cũng nói thế cho cậu mợ yên tâm là chúng? không phải làm khách. Tôi nghĩ, Hà Nội thanh lịch, giới trí thức này chỉ ăn lấy vị, chẳng phải ăn uống thô kệch như chúng tôi, hoặc là do tiêu chuẩn gạo quá ít, nấu nhiều thì bữa khác nhịn đói sao? Tối đến, để chống cơn đói, chúng tôi rủ thằng bé đi ăn kem Thủy Tạ, bởi trước khi ra Hà Nội, bạn tôi nói kem Thủy Tạ rất ngon. Đang ăn, thằng bé hỏi: “Các anh ra Hà Nội có thấy Hà Nội đổi mới không?”. Bạn tôi trả lời: “Hà Nội chẳng có gì mới cả. Cũ mèm”. Nó hất hàm nhìn ra hồ: “Ồ, các anh từ trong Nam mới ra không biết đấy thôi, Hà Nội đã sơn lại tàu điện rồi đấy!”. Tôi và thằng bạn đều cười. Thằng bé “hóm” một cách Hà Nội đến thế. Sơn lại tàu điện có gì mà đã là một sự kiện lớn của Hà Nội?
Đêm chúng tôi ngủ ngoài thềm. Hai chiếc xe đạp Tiệp cũng dựng ngoài thềm. Chủ nhà dùng dây xích, khóa xe vào các song cửa. Chiếc tủ lạnh Xaratốp của Liên Xô đặt sát cửa ra vào, như là một niềm kiêu hãnh của chủ nhà. Có được chiếc tủ lạnh cũng là oách lắm. Cứ vài phút nó lại đánh “tróc” một tiếng như nhắc nhở với mọi người rằng “tôi là vật báu đấy nhé”, làm tôi không ngủ được. Trong nhà kê 2 chiếc giường thành hình chữ L, ngăn bởi chiếc ri-đô có vẽ hoa màu hồng nhạt, không gian còn lại là chiếc bàn ăn và một chiếc bàn nhỏ cho vị tiến sĩ và cậu bé ngồi viết. Bên cạnh khu nhà là một bể nước lớn có những chiếc vòi bằng đồng thò ra cho mọi người hứng nước. Rửa mặt, súc miệng, tắm giặt đều ở đó. Phía trước nhà là một khoảng sân, có nhiều dây kẽm nối từ hiên nhà ra hàng rào. Đó là những dây phơi. Sáng ra, đủ các loại quần áo, tã lót, xu cheng, quần xì của các bà đều giăng ra trước mặt, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, học sinh ở trong khu nhà đều dắt xe đạp, vén quần áo đang phơi mà đi ra. Thấy lạ lạ, vui vui. Bạn tôi nói: “Mấy ông trong khu nhà này đều học Tây về cả đấy, nhiều ông có những phát minh về y học đến Tây còn bái phục!”
Bạn tôi tha từ Sài Gòn ra cuốn “Tử vi” dày hơn 400 trang, món quà quý cho cậu ruột của mình. Không hiểu sao qua bao đợt truy quét văn hóa độc hại mà nó vẫn còn. Ông cậu mừng như vớ được vàng. Cầm cuốn sách đi khoe khắp khu tập thể. Sở hữu một cuốn tử vi tổng hợp là mơ ước từ rất lâu của vị tiến sĩ y khoa này. Khoe xong, vị tiến sĩ thức đêm tra cứu số mệnh từng người trong gia đình, rồi cho vào tủ khóa kỹ. Ông giải thích: “Cuốn này, các vị kia thấy thế nào cũng tìm cách xoáy mất”. Ở Hà Nội 3 ngày trong sự chật chội, tôi đi về Nghệ An, ra đường Tăng Bạt Hổ, thuê xích lô ra ga Hà Nội. Bác xích lô kê thêm một tấm ván cho tôi ngồi, bởi trước đó chiếc ghế đóng bằng những thanh gỗ tựa như nan giường, chắc bác vừa chở gì đó chứ không phải chở người. Đường phố Hà Nội đã có màu sắc hơn. Đất nước thống nhất rồi, thỉnh thoảng thấy chiếc xe Honda đam từ Sài Gòn mang ra, người ngồi trên xe tự liệt mình vào loại “quý tộc”, ăn nói bỗ bã, lớn tiếng, ta đây. Tôi vào nhà ga chen mua vé tàu vào. Mua được tấm vé thì người tôi ướt sũng. Phải dùng sức lính, chen lấn cật lực với đám thanh niên trong cái nóng hơn 38OC mới sở hữu tấm vé tàu mà nếu bán lại tại chỗ cũng lời gấp đôi. Xong chen vé, tôi lại chen mua nước ngọt để uống. Không hiểu sao người ta chen mua nước ngọt nhiều như thế, hỏi ra mới biết giá trong cửa hàng có 3 đồng mà bên ngoài tới 5 đồng. Đặt chai nước ngọt lên bàn, tôi vội đi tìm ghế ngồi. Chỉ chưa đầy 1 phút, tôi quay lại thì chai nước ngọt biến mất. Một tên thanh niên để tóc phủ gáy chỉ vào mấy đồng bạc trên bàn, nói: “Bác cầm tiền đi chen hộ nhé”. Tôi định lao tới, đấm vào mặt tên này, nhưng nghĩ chúng nó có cả “hội đồng” đành nuốt hận. Ngẫm câu “tự nhiên như người Hà Nội” cũng đúng thôi, lại có câu “tự nhiên như ruồi” cũng đúng luôn. Tôi tự coi như mình đang thua 1 - 0 với đám thanh niên này.
Sau năm 1992, do điều kiện công tác, nhiều lần tôi được trở lại Hà Nội. Hà Nội mỗi lúc mỗi khác, nhưng lại còn nguyên một Hà Nội cổ xưa. Hà Nội của Bùi Xuân Phái, của Nguyễn Tuân, của Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… Nhiều lần tôi đi về phố cổ, nơi có những con đường hẹp, những ngách phố, những căn gác xưa, những bức tường rêu để nghĩ đến ngày xửa ngày xưa, khi Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng triều Lý cùng đoàn thuyền ngự và chiến thuyền, với buồm giăng 3 ngọn, ngược dòng Nhị Thủy, dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La trong tháng 7 lịch trăng, mùa mưa ngâu nước lũ, năm Canh Tuất (1010) để có huyền thoại: rồng vàng hiện ra trên ngã ba Tô Giang - Nhị Thủy, rồi bay vút lên trời, khuất lẫn trong những đám mây bông “rồng mây gặp hội”, dáng rồng bay - “Thăng Long” vạch thế vươn lên của kinh thành và đất nước, được xác định từ ngày đó. Người các dân tộc ở vùng cao gọi người Việt ở kinh thành/ kinh đô là người Kinh, vì thế mà người Việt được gọi là người Kinh, ngày nay lý lịch của người Việt đều ghi là dân tộc Kinh. Tôi cũng ghi thế.
Trong những lần đến Hà Nội, chủ yếu là đi dự Hội nghị các Bảo tàng, Hội thảo khoa học, tập huấn công tác bảo tồn di sản văn hóa…, tôi đến được một số kiến trúc cổ. Mỗi lần đến di tích nào, quá khứ Hà Nội lại hiện ra, những chùa Hà, chùa Láng, chùa Vua, chùa Quán Sứ, chùa Nành, chùa Dục Khánh, đình Chèm, Văn miếu Quốc Tử giám, tháp Rùa, tháp Hòa Phong, chợ Đồng Xuân, Võ Miếu … Mỗi di tích là một câu chuyện về thăng trầm thế sự, về đạo, về đời, về người Hà Nội “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Chẳng ra thanh lịch cũng người Tràng An”. Hơn ai hết, Hà Nội có thể tự hào về ngàn năm văn hiến của mình. Thầy tôi - giáo sư Trần Quốc Vượng, một lần đưa chúng tôi đến Quốc Tử giám, thầy kể: “Có đôi vợ chồng là giáo sư sử học người Nga, khi đến Quốc Tử giám đã giật mình mà thốt lên rằng, trường đại học đầu tiên của Việt Nam đây, gần một ngàn năm rồi đấy, ồ, lúc ấy nước Nga chả là cái thớ gì!”. Văn hiến Thăng Long là đấy. Tôi không ngạc nhiên khi thấy người Hà Nội ăn nói lưu loát, hơi máu hùng biện, pha vẻ bề trên, vừa nhũn nhặn lại vừa kiêu. Vị thế của nó, địa - chính trị của nó, địa - kinh tế của nó, địa - văn hóa của nó trong suốt chiều dài lịch sử đã tạo ra như thế.
Khi gặp người Hà Nội gốc, tôi tự thấy mình là thằng nhà quê thô kệch, tự chịu thua người ta một bước, dù không biết họ hơn mình thứ gì. Lạ thế. Ấy là thua từ văn hiến. Người Hà Nội mang trong mình một nền văn hiến ngàn năm ở đỉnh cao. Ngay từ xưa, khi vùng miền Trung của tôi chỉ là núi cao biển sâu rừng rậm cồn cát trắng, và vùng Nam bộ còn là “dưới sông sấulội, trên giồng cọp đua” thì Hà Nội đã “Phồn hoa thứ nhất Long Thành/ Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ”. Tôi đến chùa Quán Sứ, trước cổng có 4 chữ lớn “Từ Bi Hỷ Xã”, lại được nghe một ông cụ đọc thơ: “Từ thuở Trần - Lê tiếp sứ thần/ Lập tòa Quán sứ tiện nghinh tân / Trong khuôn viên dựng ngôi chùa Phật/ Giữ đế đô giữ mối đạo chân”, mới thấy đây là cơ quan của “Bộ ngoại giao”, của “Đại sứ quán” chung cho các nước và đạo Phật là quốc giáo. Thời Lý, đế đô của ta có kém cạnh gì.
Bây giờ thì Hà Nội là một đại công trường, ngổn ngang sắt, thép, xi măng, cần cẩu, giàn giáo. Những khu nhà cao tầng mọc lên, ngất nghểu trời xanh. Hà Nội còn phải có nhiều công trình ngất nghểu hơn thế nữa, nhưng Hà Nội vẫn là Hà Nội - Đông Đô - Thăng Long, Hà Nội của 36 phố phường, để “Rủ nhau chơi khắp Long Thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/ Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai/ Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay…”. Bây giờ những “Hàng” ấy đang thành phố cổ, đường hẹp, ngõ nhỏ, nhà thấp mà giá trị của nó thì không thấp, không nhỏ chút nào, tất cả đều trở nên quý giá và có trị giá bằng tiền rất cao. Tô phở, ly cà phê ở đó cũng cao hơn nơi khác. Ra Hà Nội đợt này để dự Đại hội lần thứ 8 của Hội Nhà văn Việt Nam (đầu tháng 8 năm 2010), tôi nói với người bạn đang công tác tại báo Lao Động rằng: “Mình không ngờ cà phê Hà Nội lại đắt thế”. Bạn tôi cười: “Có một anh ở báo Tuổi Trẻ ra Hà Nội công tác, uống cà phê mấy chặp cũng phải thốt lên như thế. Uống cà phê ở mấy quận ven còn rẻ, chứ vào phố cổ mà uống thì coi chừng, giá cao lắm đấy!”. Hà Nội đã khác xưa, đã hiện đại hơn nhiều, nhưng Hà Nội vẫn giữ được vẻ đẹp mê hoặc bởi hồn vía lịch sử, bởi phong cảnh mà trời đất ban cho, bởi sự lịch lãm, thanh nhã vốn có của người Hà Nội, bởi sắc hoa trên những chiếc xe 2 bánh và mùi hương trong từng ngõ phố, bởi sự xao xuyến của trời thu, và bởi sự ảo mờ của hồ Gươm, hồ Tây mà nhiều lần tôi nhận biết.
Chưa thấy nơi đâu ở đất nước ta cái đẹp được lưu truyền dài lâu đến thế.
Hà Nội, ngày 6/8, Mỹ Tho, ngày 11/8/ 2010
Tác giả: Lê Ái Siêm
Ý kiến bạn đọc