Hoa súng tím

Thứ ba - 05/10/2010 00:47 3.091 0

Minh họa: Mặc Tuân

Minh họa: Mặc Tuân
Tôi học lớp 11, chị học năm cuối 12. Tôi cao hơn chị cả cái đầu. Khuôn mặt khá xinh của chị chỉ mới dựa vào tới ngang bộ ngực nở nang của tôi mà thôi. Vậy mà chị vẫn quen miệng gọi tôi là nhóc!

"Bao giờ chị lấy chồng?" - tôi lắc lư chùm hoa súng tím ngắt trước mặt chị. Tôi nhớ mình đã vô tư hỏi câu ấy trên dưới năm lần. Ban đầu chị còn mắc cỡ: "Mới lớp 12 mà tính chi chuyện đó?". Mấy lần sau thì lại cọc cằn: "Điên à! Nhà nghèo có ma thèm cưới!". Lần tiếp theo nữa: "Thôi đi ông tướng! Xấu xí thì ai đâu dòm ngó”. Không ai bắt hay tra tấn chị gì cả mà chị đã vội đóng cái mộc khẳng định con gái vùng lũ đứa nào không da đen, đôi tay trần cháy nắng thì cũng có khuôn mặt chai sượng, ai đâu mà thèm nhìn nói chi lấy.

Tôi cãi chị cứ nói vậy chắc cái huyện này buồn thiu. "Chứ còn gì nữa" - chị giật mạnh cọng súng dài dưới bùn lên và khẳng định thêm lần nữa về nơi mà chị từng lấm phèn gót chân. Ờ thì đúng, nhưng đó là chuyện của mười năm trước. Còn giờ đông đúc, náo nhiệt biết mấy.

Mới đầu tuần trước thôi, mảnh đất khỉ ho cò gáy cuối ấp ngõ cụt này, lau sậy mọc thành rừng đã bị phá tan hoang rồi mọc lên đó là một mái ấm mới của cặp vợ chồng cũng mới. Nói đâu xa, con bác Năm chứ ai! Lúc đầu bác Năm cũng lo canh cánh, hổng biết chị Nguyên - mắm cưng của bác - có ai để ý không. Mèn ơi! Chị Nguyên vừa tốt nghiệp 12 xong, chưa thi đại học gì hết trơn hết trọi thì anh Tuyển, ông chủ nhỏ của sạp đồ khô trong chợ, đã qua nằng nặc đòi cưới. Nghe đồn ban đầu bác Năm không chịu, ai dè anh Tuyển cắm rễ sâu quá khiến bác Năm phần nào từ bỏ ý định cho con nhỏ đổi đời như lần bác nói trên chợ với mẹ tôi. Tôi nhớ mãi nụ cười khà khà của bác Năm lần đó, nào là chị Nguyên học khá, mai mốt cho nó thi ngân hàng... Giờ bác đổi thay quay cuồng.

Ngày cưới, bác Năm cứ huyên thuyên nói đã kịp cách ly được quả bom nổ chậm. Dân tình khoái chí cười rộn rã. Tiếc là ngày vui hôm ấy chị lại đi thi đại học. Nếu không chị sẽ không bi quan về nhan sắc của mình.

Năm đó chị thi rớt. Mấy tuần đầu mặt chị buồn xo, chẳng thèm dòm ngó đến thằng nhóc này. Có hôm tôi phải mình ên bì bõm ao trum, hì hục hái hoa súng. Sáng phải thức sớm, chở bao hoa súng ra bến để kịp xe lên Sài Gòn bán sỉ. Những hôm ấy tự nhiên nhớ chị gì đâu! Nhớ mỗi sáng tôi gồng mình ôm từng bao súng nặng trĩu lên xuồng rồi hai chị em chèo xuồng mang ra chợ huyện. Trước khi về hai chị em còn tranh thủ nhím lại chút đỉnh tiền ăn tô bún mắm trong chợ. Rồi có lúc tôi và chị còn tí ta tí tởn du hí Sài Gòn.

Khoảng nửa tháng tôi với chị lại thích thú với những chuyến đi lên Sài Gòn lấy tiền mối rau của các quán lẩu, nhiều nhất là các quán lẩu bình dân khu vực quận 5, quận 8. Sinh viên thường kéo đến những quán này ăn rất đông. Chị nhìn cảnh thiên hạ đông đúc rồi ao ước:

- Thích chưa! Trên đây vui quá. Năm nay chị nhóc phải bon chen thử cho biết...

- Ờ, chị lên trước thăm dò tình hình rồi kéo em lên lập nghiệp nha!

Mới đó thôi đã bốn tháng. Giờ chị buồn buồn. Những ý định đổi đời của chị tan nhanh như giọt sương trên lá súng trước nắng và rệu rã như những cánh hoa súng đã già khằn rơi lã chã đầy mặt ao.

Rồi một sớm khi tôi cọc cạch đẩy chiếc xe hoa súng ra chợ giao hàng như mọi khi thì vẳng xa tiếng gọi í ới từ mặt sông: "Nhóc, chờ chị”. Buổi bình minh vùng huyện có nắng nhè nhẹ, có gió thở làn hơi khẽ, có giọng chị gọi trong veo. Tôi gằn chiếc xe nặng trịch lại đợi nụ cười tươi tắn như một hoa súng ngày mới. Chị nói năm nay ráng ở nhà ôn lại, chờ tôi đi thi cùng. Chị em mình đậu rồi cùng lên thành phố học, lập nghiệp...

Nụ cười chị hiền khô, tràn trề nhiệt huyết. Tôi cũng mừng và biết mình đã đỡ khổ, đỡ phải suốt ngày kiếm trò, tìm chuyện huyên thuyên nói cho chị nghe. Khuôn mặt chị tự tin thấy rõ trong khi mặt tôi thì đực ra vì sự tự tin đó của chị quá lớn, ngùn ngụt khí thế như khói chiều đốt đồng nghi ngút.

Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển đại học tôi mừng. Chị cũng mừng mà muốn khóc...

Đó cũng là ngày tôi nhận nhiều tin vui. Vui vì sự đổi thay từng ngày từng giờ của đất huyện nghèo đã được chọn làm khu công nghiệp trọng điểm thứ  2 của tỉnh. Vui hơn nữa khi thấy ba đặt kỳ vọng vào tôi nhiều lắm. Ba tôi xem tivi thấy cảnh chủ tịch tỉnh cắt băng khánh thành liền ra vào bàn tán: "Thằng Trung mai mốt học xong về đây khỏi sợ thiếu việc làm!". Có điều ba tôi đặt một, mẹ đặt đến mười. Mẹ xếp quần áo, mền vào cái vali nho nhỏ cho tôi và không quên một bài giảng dài.

Đến lượt chị, chị đặt gấp đôi hai mươi lần hi vọng. Chị nói dài lê thê những hi vọng về tôi, rốt cuộc chị muốn khen tôi, đưa tôi lên tận mây xanh để động viên tôi. Nhóc biết nhóc giỏi mà, tôi vỗ ngực xưng tên trước mặt chị. Như mấy lần trước chị sẽ phản kháng bằng những câu móc họng nhưng lần này chị cười tươi rói.

- Ờ! Nhóc giỏi, ráng đi. Chị không cùng nhóc thăm dò thị trường Sài Gòn được. Lên đó, nhóc học hành cho tốt rồi mai mốt chị lên nhóc bảo kê cho chị nha.

Năm đó chị lại trượt đại học. Tiễn tôi ra bến xe vào chiều chủ nhật xăm xắp nắng. Tôi thấy chị buồn nhưng phải nghĩ chị đang vui để chị có thể chào tôi bằng một nụ cười ánh lên khóe môi tươi tắn.

Trong lá thư đầu tiên chị gửi cho tôi tràn trề niềm hi vọng khiến tôi vui lây, đọc mà tủm tỉm cười hoài. Từ mỗi nét chữ nghiêng thon của chị tôi đều vẽ lên trong đầu về những mùa tuổi thơ êm ả, hoặc vùng quê trù phú đang độ dậy thì và dồn dập hơi thở phố thị. Chị kể đủ thứ chuyện. Nào là thằng Đăng chuẩn bị cưới vợ, đố tôi là ai.

Khỏi phải nói tôi cũng biết là nhỏ Thảo kế bên nhà chị, vì mấy lần tôi cùng chị nhổ súng ở ao sau đều thấy thằng Đăng đứng trước giàn mướp khía gọi Thảo í ới, rồi lúc ba má thằng Đăng qua thưa chuyện nữa. Liền sau những chuyện trong nhà, chị kể tiếp chuyện ngoài phố. Chuyện hai mươi mẫu đất cạnh chợ huyện đã chính thức được ủy ban tiếp tục chọn làm khu công nghiệp mới. Nghe đâu trong lần phóng mặt bằng này, vợ chồng anh Lực cũng được đền bù một khoản khá, gần cả hai tỉ đồng. Chỗ đất phóng mặt bằng đó chuẩn bị được động thổ vào giữa tháng ba. Thế mới ham.

Kể đến đây chị chấm ba chấm, đủ hiểu chị rất khoái chí chuyện thiên hạ. Chị thúc giục: "Hay nhóc tranh thủ một ngày về nha. Nghe nói lễ động thổ xây dựng nhà máy vui lắm, có đài truyền hình xuống quay nữa". Kết câu chị dùng ba dấu chấm than, hình như chị khoái được lên sóng tivi. Tôi cười, phải nhớ đoạn này để có gì viết thư phản hồi bảo ai thèm ghi hình một cô gái từng thiếu tự tin cho được...

Đoạn chị kể tiếp cô bé mồ côi ở đầu chợ, từng được bà Chín đem về nhận làm con nuôi, nay lớn lắm. Từ ngày thi rớt đại học (giống chị) nhỏ cũng buồn mà vẫn phải tỏ ra vui. Mắc công bà Chín thấy nhỏ ủ dột như vậy bà lại buồn hơn. Cô bé nay siêng lắm nhóc à, sáng nào cũng dậy sớm, nấu nồi bún riêu bự chảng đem ra chợ bán. Trước lạ, người ta ghé qua ăn tô hai ngàn ba ngàn để thử, sau ai dè ngon thiệt, riết cái gánh nhỏ xíu nhưng lúc nào cũng đông lắm người. Quán dần ngày càng khấm khá, bà Chín xin quản lý chợ một cái chỗ nhỏ để đặt vài cái bàn, cái ghế tươm tất cho khách họ ăn thoải mái hơn, chứ không còn chồm hổm như trước.

Gọi là xin chứ bữa khai trương, bà Chín cũng phải giúi cẩn thận vào tay trưởng quản lý năm mươi ngàn. Con nhỏ tức lắm. Bà Chín thì nhằn: "Bánh bò cho qua, bánh tiêu cho lại...". Nhỏ đã hơn mười tám rồi mà vẫn lý sự ngây thơ: "Bánh bò đã cho cả bận mà chẳng thấy bánh tiêu đâu, toàn thấy dăm bữa mấy ổng đến ăn là lại phải "tiêu" thêm vài tô bún nữa...". Bà Chín bực mà bả cười. Một mình cười chưa đã, bà Chín lại sang kể cho mẹ nhóc nghe nữa đấy! Mẹ nhóc quay sang kể cho chị nghe chị mới biết...

Thư chị dài quá! Tôi chỉ đọc được hai phần ba.

Lá thư thứ hai chị lại mời gọi, rủ rê tôi về bằng vô vàn cái thay đổi mới của quê tôi. Thư mới, nét bút mới của chị không nghiêng mà thẳng đứng, chữ bớt phần thon thả. Chị kể mấy cái nhà máy mọc lên, dân chúng rủ nhau đi làm công nhân quá trời. Sáng cứ bảy giờ là công nhân diễu hành đông đúc. Công nhân nhà máy hạt điều thì áo vàng nhạt. Công nhân xưởng may thì áo xanh xanh mướt mắt.

Chị à một tiếng, nghe cảm xúc hân hoan lắm. Cô bé mồ côi bán bún riêu không còn bán ở chợ nữa mà nhỏ đã chuyển lại thời kỳ quảy gánh bán trước cửa các nhà máy xí nghiệp. Nhỏ không còn bán bún riêu luôn mà đổi nghề nấu bánh canh chay rồi. Một tô một ngàn rưỡi. Nhỏ khôn lắm, tính toán dễ thương lắm, nhỏ nghĩ cái tô nho nhỏ kia muốn ăn no thì cũng phải ăn hai tô. Vị chi là ba ngàn một người. Ai dè nhỏ tính sai bét, mấy chị công nhân thường ém gọn cái bao tử bằng một chầu ăn sáng nhẹ chỉ với mỗi tô mà thôi. Nhỏ mới sực hiểu lương công nhân ba cọc ba đồng lấy đâu ra ăn nhiều. Thế là nhỏ chịu lỗ đi mua mấy tô to to hơn chút. Nhỏ thương bâng quơ mấy chị, nghĩ đó là hình ảnh mẹ nhỏ ngày trước, lam lũ, nhịn đói chở rau ra ngồi cả buổi ngoài chợ cũng chỉ kiếm vài chục ngàn đồng nên giờ làm ơn được phần nào hay phần đó...

Sáng nào nhỏ cũng quảy hai nồi bánh canh to. Nhỏ nấu ngon, rẻ, thế đấy, nên ai chậm chân thì xem như bữa đó nhịn ăn sáng mà vào làm việc. Nhỏ gần như độc quyền khu đó. Bán xong hai nồi, nhỏ xếp gọn cái gánh vào sát bờ rào cổng nhà máy. Gần trưa, bà Chín đi bán bông súng ngoài chợ về, ghé ngang nhà máy rồi quảy gánh về nhà. Cô bé nhỏ trẻ khỏe như cô gái Hà Lan, bán xong nhỏ còn vào xí nghiệp làm công nhân may nữa... Thật ngưỡng mộ gì đâu nhóc à...  Chị vẽ khuôn mặt cười... Đọc lưng chừng tôi lại ngán...

Lá thư thứ ba cũng gần cuối tháng thứ ba chị mới gửi tôi.

Lần này chị viết ngắn hơn. Chị bảo đường vào nhà chị và tôi đã tráng nhựa hết rồi, láng coóng. Giờ mà tôi về chắc chắn sẽ thấy khác hoàn toàn. Mấy cái ao súng mênh mông thuở nào ngút mắt màu tím giờ đã bị lấp và bán đất thổ cư hết rồi. Mấy khu giải trí thì phất lên nhanh như nấm mối mọc sau mưa. Hết quán Đồng Quê rồi quán Lũ...  Tiệm karaoke thì lúc nào cũng đông đúc khách. Trai trong vùng cũng đã dần quen với quần này áo kia, đầu loe hoe vài cọng tóc nhuộm vàng.

Còn cô bé mồ côi giờ khác trước rất nhiều nhóc à. Tóc duỗi, da trắng. Nói chung là đẹp ra rất nhiều. Nghe đâu bà Chín rất cực nhọc khi phải từ chối khéo nhiều mối lắm! Con nhỏ thiệt giống như thiên nga.

Tôi cười...

Nhỏ giờ khác xưa không biết bao nhiêu độ. Tháng 4 này nhỏ lấy chồng Hàn Quốc đấy. Đầu tháng 5 nhỏ theo chồng xuất ngoại. Tin vui lan khắp huyện, riết ai cũng biết nhỏ sắp sửa lột xác khi thoát khỏi vùng nước mặn. Ông chồng tương lai của nhỏ không giống như trong báo chí phản ánh vụ tiêu cực này nọ. Anh ta rất nghệ sĩ. Và còn là kỹ sư nhà máy hạt điều nữa chứ. Ảnh mới cua nhỏ được hơn một tháng.

Ban đầu nhỏ cũng khó chịu khi nghe lời ong tiếng vò vẽ bàn tán. Nhưng sau thế nào đó, vì một lý do nào đó, vì một buổi chiều tà tà nào đó, nhỏ gật đầu cái rụp. Ông phiên dịch mừng húm. Anh chồng tương lai mắt sáng lộ rõ hai mí đàng hoàng đấy nhóc chứ không mắt hí như nhóc thường vặn vẹo nói trai Hàn Quốc mắt hí đâu. Nói chung, ngày lành tháng tốt đã xong xuôi rồi. Bà Chín cũng đã làm visa rồi. Mẹ nhóc nói bà Chín sướng, chuẩn bị được nhập cư Hàn Quốc, đổi đời... Bà cười cười.

Nhóc tranh thủ về ăn đám cưới nhỏ nhé. Nhỏ gửi thiệp mẹ nhóc rồi!...

Trên chuyến xe đò về quê ăn cưới, lòng tôi chộn rộn với những điều khó tả. Tôi trố mắt nhìn con đường thẳng tắp, nhựa láng mà chị đã từng kể. Bất ngờ với dãy nhà lầu kiên cố mọc hai bên đường. Dù còn bốn ngày nữa mới đám cưới của cô bé mồ côi, nhưng tôi về sớm để gặp chị nhiều hơn. Gần tới nhà, ao hoa súng vẫn như xưa. Cuối tháng ba, hoa súng nở tím cả mặt ao. Từ trong nhà nhìn ra, hoa súng loi ngoi, thở phì phào trông khỏe khoắn nhưng lại lất phất hương buồn trên nhụy. May quá, thoáng ký ức thuở xưa vẫn còn. Màu tím vẫn bát ngát.

Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc
Chỉ lặng yên sắc tím để mà đau
Người đời chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu.

                         (Chế Lan Viên)

Ngày mai, đám cưới của cô bé mồ côi tôi sẽ vui. Rồi lại sẽ buồn vì chợt nhận ra chị cũng chính là cô bé mồ côi ấy! 

Tác giả: Nguyễn Chánh Quang

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây