"Ngày ấy đâu rồi... cho tôi tìm lại"

Thứ tư - 25/08/2010 17:11 5.260 0

"Ngày ấy đâu rồi... cho tôi tìm lại"

Dạo này, trong những dịp về thăm nhà, mẹ hay nhẩn nha kể cho tôi nghe những câu chuyện về thời thơ ấu của mình. Mẹ bảo, hình như tới một độ tuổi nào đó người ta hay nghĩ ngợi về quá khứ, về những năm tháng đã xa tít mù. Ngày trước, hồi mẹ còn trẻ, bà ngoại cũng hay kể chuyện "ngày xưa" của mình cho mẹ nghe. Sau này khi con "có tuổi" một chút, con sẽ thấy lòng mình luôn hướng về những kỷ niệm ấu thơ.

Tôi, nếu tính về tuổi đời, quả thực còn rất trẻ, trẻ lắm, nhưng không hiểu sao lòng cứ hay vẩn vơ nhớ những gì đã thuộc về quá khứ, đã trải qua từ lâu. Có khi, bất chợt một chiều mưa rỉ rả ở đất Sài thành cũng gợi lại những cơn mưa lá me rơi đầy ngoài khung cửa sổ của khu tập thể cũ kỹ loang đầy vết rêu. Hoặc đôi lúc vệt nắng xiên xiên vàng quạch trong chiều mùa hạ dựng lại kỷ niệm cũ, mím môi, trợn mắt, hăng hắc cười cùng tiếng bi ve tạch tạch chạm nhau dưới tán cây dương già. Hay đơn giản chỉ là thấp thoáng bóng đôi bạn nhỏ tung tăng trên hè phố cũng làm mình thấy gờn gợn, da diết trong lòng. Chúng bạn thời thơ ấu giờ lưu lạc nơi đâu?

Dạo đó, tôi còn nhỏ lắm, vẫn còn mơ mộng về chốn cổ tích xa xôi, nhiệm mầu, thường dõi mắt qua khung cửa nhỏ nhìn những chùm lá xoài lung lay xào xạc mà tưởng như ở đó có con chim biết nói đang tán gẫu với lũ ve. Nhưng tôi cũng sớm biết ghen tị, thèm thuồng khi thấy đồ ăn ngon, thức lạ. Trong khuôn viên khu tập thể, một gia đình thuê của cơ quan khoảng sân rộng phía trái mở quán ăn. Cái gia đình nhỏ ấy có bốn người, người cha râu kẽm phương phi mang cái tợn của ông chủ hàng quán, người mẹ dong dỏng cao gầy mặt thoáng nét buồn, tay chân không ngơi nghỉ, lại sinh một trai, một gái ăn nhiều, học giỏi. Quán mở rất đông khách. Tôi từng ghen với hai anh em nhà nọ bởi chúng được ăn đầy thức ngon, được ngủ nệm ấm và được xem vi-đê-ô mỗi ngày. Còn nhớ năm đó cây chùm ruột sát góc tường bao khu nhà sai trái dữ lắm, từng chùm cứ lúc lắc bắt thèm, chảy cả nước miếng nhưng tôi lúc ấy gầy còm, lại nhát gan, sợ té nên không dám trèo lên hái, chỉ dám đứng nhìn mà thèm thuồng. Thằng anh nhà ấy vốn cao to khỏe mạnh, đu leo lên tường mà mang xuống cả rổ chùm ruột cho đứa em chấm muối nhâm nhi. Tôi đứng tần ngần, muốn xin nhưng không mở lời được cứ nhìn từng trái một được nút chùn chụt trong nụ cười khoái chí của chúng mà cơn giận dỗi trong lòng tôi càng lúc càng sôi sục. Trong thoáng chốc, không nghĩ ngợi, tôi vớ lấy hòn đá bên cạnh.  Đứa con gái chảy máu đầu, còn tôi bị mẹ cho trận đòn nhừ tử. Từ lúc đó tôi càng ghét hai anh em nhà nó.

Rồi thời gian sau, ông chủ quán bất ngờ phát hiện mình bị ung thư gan, bao nhiêu tiền bạc buôn bán dành dụm được theo ông xuống mồ. Hàng quán bay. Từng cục gạch tàu lót nền cũng bị khựi lên đem bán. Ba mẹ con dắt díu nhau đi đâu không rõ. Qua lời kể chắp nối của người lớn, tôi chỉ biết họ đi trốn nợ ở nơi xa lắc nào đó. Một gia đình tan đàn, hai tương lai tắt ngấm! Một tổ ấm xẻ nghé, ba mảnh đời lưu lạc. Thỉnh thoảng nhớ đến họ, tôi không khỏi chạnh lòng!

Chẳng biết phải cái duyên hay không mà từ nhỏ tôi đã hay thân với nhiều chị bạn hơn tuổi. Mẹ thường nói rằng: Con Muỗi nếu ốm đi chút thì đẹp lắm! Chị bạn tôi vốn là con bà bếp ở mướn của quán nhậu, dáng đậm người, gương mặt hồn hậu, làn da ngăm đen nhưng láng o. Chị hơn tôi ba tuổi, mang cái tên thật dung dị mà gần gũi quá đỗi: Muỗi. Hàng ngày chị hay tranh thủ giờ thưa khách mà chơi lò cò nhảy dây với bọn tôi. Tôi còn nhớ mãi cái nhoẻn miệng cười tươi rói mỗi khi chị thắng bọn tôi trong những trò chơi con trẻ. Chị thường ngồi xem bọn tôi học bài hoặc nhờ bọn tôi đọc truyện cho nghe. Mỗi dịp đó, tôi lại đòi đổi chầu kem, chầu bánh và cứ vô tư chọn thứ mắc nhất - cũng là ngon nhất trên quầy quà - nhưng chị vẫn vui vẻ mua cho. Một lần như vậy tôi lại bị mẹ mắng mà lòng ấm ức vô cùng, chẳng qua đó là sự trao đổi công bằng thôi mà!

Rồi khi cái quán nhỏ tan tành theo ông chủ, tôi không còn gặp chị Muỗi, nghe nói rằng chị đi ở cho nhà nào đó xa xôi. Mãi sau này tôi mới biết, từ nhỏ chị đã bị ba bỏ rơi, lớn lên đi làm mướn phụ mẹ, không được đi học. Với chị, biết chữ mãi là giấc mơ xa vời. Không biết bây giờ Muỗi lưu lạc nơi nào, cho tôi gửi lại chút niềm ân hận, ân tình năm xưa?

Tôi vốn tuổi con Mèo, có bà dì gọi Mão riết rồi chết tên. Năm đó, cơ quan mẹ cho người ta thuê thêm cái sân trống bên phải mở quán cà phê. Vậy là, trong cái đám con nít lộn xộn hay tụ tập bắn bi lại xuất hiện một thằng gầy nhom có cú cu-lê điệu nghệ - thằng Tí - cháu bà chủ quán cà phê. Tôi vốn lớn hơn nó một tuổi, tôi cao, nó thấp, tôi đậm, nó gầy nhom, tôi học rất khá, bắn bi dở ẹc, nó học í ẹ mà bắn bi thiện nghệ, tóm lại tôi với nó hình như là hai mặt đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau, làm nên cặp Mão-Tí "song hùng" giữa giang hồ khu tập thể. Thằng Tí sún răng mà rất hay cười, làm trò rất khéo, lại đầu têu trong các phong trào nhảy dây, lắc vòng giảm béo ở khu tập thể. Nếu có ai hỏi: "Ba, mẹ mày đâu Tí?", nó hồn nhiên trả lời ngay: "Ba đi đá gà, mẹ đi bán bia ôm rồi!". Lắm lúc tôi thấy ganh tị với nó vô cùng, nó được tự do bay nhảy, làm những gì mình thích, không ai la rầy cả, lại được các cô, dì, chú, bác thương vì sai gì cũng làm. Lần nọ, tôi xách kiếm nhựa múa tít những chiêu thức kiếm hiệp học lóm trong phim, chặt gần trụi lá cây sứ trước cổng cơ quan mẹ rồi đổ thừa cho nó mà hả hê vô cùng. Nó bị mắng vốn, bị mắng nhưng vẫn cười và vẫn chơi với tôi thân thiết. Tí à, tao còn nhớ mãi nụ cười của mày, tao còn nợ mày sự vô lo và bình an. Nếu mai này có dịp, tao muốn cụng với mày vài ly, rồi cười lại với nhau nụ cười thơ trẻ!

Thời gian cứ trôi mải miết, chục năm vèo qua đi, những chục năm khác cũng sẽ nhanh đến không ngờ! Đến lúc giật mình, nhìn quanh tự hỏi, người năm cũ đi đâu mất? Nếu có một chuyến tàu chở ta ngược lại thời gian xin cho tôi một vé để được thấy lại chính mình năm xưa nắc nẻ cười cùng lũ bạn, để được đắm chìm trong huyên náo của khung trời thơ ấu. Nhưng thực tế chẳng có con tàu cũng như sự quay về nào, thôi thì đành gửi lưu luyến, nhớ thương vào những khoảnh khắc bất chợt bật tiếng gọi tên người năm cũ.

Tác giả: Phan Khắc Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây