Nhận diện lại thực trạng văn học trẻ

Thứ sáu - 16/09/2011 05:59 2.258 0

Các nhà văn trẻ bên mái đình Tân Trào

Các nhà văn trẻ bên mái đình Tân Trào
Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần VIII đã khép lại vào ngày 11-9. Bốn ngày ngắn ngủi tất nhiên không đủ để giải quyết những vấn đề từ xã hội đến phương pháp sáng tác, vốn sống, kỹ năng ngôn ngữ, sự đọc, phê bình, thái độ lắng nghe… mà các đại biểu xới lên và tìm cách lý giải.

Nhưng hội nghị đã là dịp để những người quan tâm đến văn chương cùng nhận diện lại thực trạng văn học trẻ.

Cây bút phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm thẳng thắn “mổ xẻ”, bắt bệnh các bạn đồng nghiệp, đồng thế hệ. Theo Đoàn Minh Tâm, một số "thực tế đáng buồn" là lười lao động nghề nghiệp, ngủ quên trên vinh quang hoặc chạy theo thị hiếu đám đông. Cây bút này dẫn chứng: mặc dù đang ở độ tuổi sung sức nhất của lao động nghề nghiệp (từ 20-40 tuổi) nhưng nhiều cây bút trẻ đã ngại cầm bút, ngại suy nghĩ, ngại một mình đối diện với trang viết.

Vài cây bút trẻ khác sau khi đạt được một số giải thưởng văn học uy tín, được một bộ phận bạn đọc yêu mến... đã xuất hiện tư tưởng tự mãn "nổi tiếng rồi, không cần viết lách nữa”. Nhiều cây bút trẻ chỉ chăm chăm viết về những đề tài có tính thời sự nhất thời, dễ biến lẫn vào đám đông. Bên cạnh đó là những căn bệnh khác: chưa biết phát huy những điểm mạnh của bản thân; khó khăn trong xử lý tư liệu.

Anh nêu một thực tế đáng chia sẻ: "Các cây bút trẻ giờ có nhiều nguồn tìm kiếm tư liệu và quá trình tìm kiếm thuận tiện hơn so với thế hệ đi trước. Tuy nhiên việc xử lý tư liệu chung ngoài đời sống thành những tư liệu riêng mang dấu ấn cá nhân trong tác phẩm lại không hề dễ dàng chút nào".

Cây bút nữ Nhã Thuyên cũng khá trực diện khi chỉ ra những vấn đề mà nhà văn trẻ cần “thanh lý dứt khoát” khi bước vào con đường viết văn chuyên nghiệp: đó là đừng đặt ra câu hỏi viết cái gì nữa, hãy trả lời câu hỏi viết như thế nào? Và nhấn mạnh “trí thức đọc của người viết quyết định họ sẽ đi con đường văn chương nào”.

Cùng chung nhận định với Nhã Thuyên, nhưng đi sâu vào vấn đề bổ sung kiến thức, dịch giả Nguyễn Vũ Hưng đề nghị các bạn của mình: nhà văn cần nghiên cứu rộng ra các bộ môn khoa học khác: triết học, lịch sử, xã hội học, di truyền học, thiên văn...

Các cuộc thảo luận đã khép lại. Hội nghị chắc chắn không giải quyết được các vấn đề của văn học trẻ, nhưng nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: "Ít nhất các nhà văn trẻ Việt Nam cũng biết được họ đang thiếu cái gì và cần bổ sung cái gì, nhất là cần đọc cái gì”.

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây