Để thơ đến với công chúng
Lâu nay việc in thơ của các nhà thơ trẻ - thậm chí của cả những nhà thơ đã thành danh, thường do tác giả tự bỏ tiền ra in sách. Đến khi thơ nằm gọn gẽ trong từng tập sách thì lại mang đi tặng chứ không (hoặc ít) xuất hiện ở các cửa hàng sách bình đẳng với các cuốn sách văn học khác. Nhiều tuyển tập thơ được hoàn thành cũng được các nhà xuất bản trả nhuận bút bằng sách. Vậy là, thơ không phải lúc nào cũng trở thành một sản phẩm văn hoá có thể dễ dàng mang ra thị trường, điều này đồng nghĩa với việc gần như không có (hoặc rất ít) công chúng đi tìm thơ.
Tuy nhiên thực tế đã đang xảy ra với thơ không làm cho người trẻ tuổi muốn dấn thân vào thơ dừng bước. Niềm đam mê vẫn thôi thúc họ hàng ngày, hàng giờ trăn trở cho từng bài thơ ra đời.
Không ai có thể thay thế mình làm thơ, đương nhiên! Lẽ ra với người cầm bút chỉ cần việc hoàn thành tác phẩm để không bị chi phối bởi những thứ ngoài văn chương là đủ, cùng lắm là họ tự gửi đăng ở đâu đó - thường là báo chí vì ở đó còn duy trì chế độ nhuận bút. Còn khi in thành sách, thì việc đưa tác phẩm đến với công chúng như thế nào, gửi thông cáo báo chí ở đâu, có làm ra mắt sách không, có toạ đàm, hội thảo về cuốn sách không, rồi in bao nhiêu cuốn, tái bản hay không… là do các đơn vị làm sách, các nhà xuất bản lo liệu. Lý do để đơn vị làm sách bắt tay đưa tác phẩm đến công chúng còn khá khiêm tốn. Một phần là do tác phẩm có giá trị thật sự, một phần là do tên tác giả khá quen thuộc, nổi tiếng, một phần do họ có mối quen biết. Để có những yếu tố này thì đa phần các chỉ có các cây bút trẻ ở các thành phố lớn chiếm ưu thế. Còn các cây bút trẻ ở địa phương thì việc đưa sách đến với công chúng vô cùng khó khăn.
Và để vượt qua những hàng rào “biên tập”, không phải bỏ tiền in thơ, bằng cách nhanh nhất, các cây bút đã đưa thơ của mình lên mạng. Đây là con đường ngắn để tác phẩm đến với công chúng. Nhà thơ Phan Huyền Thư đã đặt ra câu hỏi: Liệu bộ phận trên mạng đó có phải là độc giả văn chương không và chúng ta có thể kiếm soát được có bao nhiêu người không? Rất khó để tìm câu trả lời một cách thấu đáo. Vì chúng ta đều biết thế giới ảo lúc nào cũng chứa đựng những “nguy cơ ảo”.
Tác giả trẻ Nguyễn Phong Việt cho rằng việc đưa thơ trên mạng không những tìm thấy độc giả của riêng mình mà còn nhận được những góp ý, chia sẻ. Và chính những điều đó đã kích thích sáng tạo bản thân. Còn cây bút trẻ Trương Trọng Nghĩa - người sáng trang web thotre.com từ năm 2004 nhận xét về các diễn đàn trên mạng: Ai cũng có thể tự do đưa tác phẩm của mình lên nên phần nhiều mang tính ngẫu hứng và nghiệp dư, chỉ dừng lại ở dạng “phong trào”. Tham gia cho vui thì được chứ chúng ta khó có thể tìm được những điều hữu ích, những vấn đề mang tính lý luận, học thuật ở các forum dạng này. Những diễn đàn thuần tuý văn chương và có chất lượng hiện vẫn tương đối hiếm.
Nhân bàn về chủ đề này, các đại biểu sáng tác văn xuôi cũng chia sẻ: Không chỉ có thơ mà ngay cả văn xuôi cũng quan tâm đến “đầu ra” của tác phẩm. Dù rằng ai cũng biết, không phải một cuốn sách bán chạy, tái bản nhiều lần tỉ lệ thuận với giá trị văn chương. Nhưng bất kể chất lượng tác phẩm thế nào, tác giả nào cũng muốn tác phẩm của mình đến được với đông đảo độc giả.
Tác giả Trịnh Sơn chia sẻ, những tác phẩm đầu tiên của mình cũng được công bố trên mạng. Nhưng sau một thời gian thì tác phẩm của anh đã xuất hiện trên báo chí bằng hình thức truyền thống. Nói về công chúng, anh cho rằng: “Hãy tự là công chúng của chúng ta trước khi tìm công chúng khác”.
Chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” với văn chương thì thời nào cũng có, cũng tồn tại. Nhưng điều đó không có nghĩa chỉ có thể khuyên những người cầm bút cứ viết thật hay đi. Mọi sự vận động phù hợp với thời đại là cần thiết, song như thế nào, bằng cách nào vẫn là câu hỏi đáng để bàn.
Tác giả Nguyễn Đức Phú Thọ cho rằng, việc đi tìm độc giả rất quan trọng với người cầm bút. Hi vọng Hội Nhà văn, cụ thể là Ban nhà văn trẻ bằng khả năng chuyên môn và uy tín sẽ là nơi giúp tác phẩm các nhà văn trẻ đến được với công chúng.
Con đường trở thành nhà thơ chuyên nghiệp
Trong phần trò chuyện với các cây bút trẻ tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có nói đến việc chi trả nhuận bút hiện nay cho các tác phẩm văn chương còn quá thấp. Nguyên nhân này không kích thích người sáng tác và làm trở ngại việc trở thành nhà văn chuyên nghiệp - có thể sống được bằng nghề văn. Và chính ông đã đưa ra một cái giá mà tất cả những người có mặt trong hội trường, tất cả những tờ báo trước nay được cho là chi trả nhuận bút văn học cao cũng kinh ngạc và ao ước: 10 triệu một truyện ngắn! Và nếu theo mức thang chấm nhuận bút của Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thì một bài thơ - ít nhất cũng phải được 1-2 triệu.
Trái ngược với sự đánh giá lao động của nhà văn đã đi qua những chặng đường gian khổ của văn chương thì tác giả trẻ Nguyễn Phong Việt lại khẳng định mình làm thơ rồi đưa lên mạng và không cần nhuận bút. Với thơ ca chỉ là thoả mãn bản thân và không cần chi trả nhuận bút. Đây là một thực tế mà có lẽ không chỉ riêng một vài người làm thơ tự xác định con đường thơ ca của mình như thế.
Xin tạm chia ra làm hai loại: Một là, những người làm thơ tự phát và tác phẩm không có giá trị. Loại này xem ra không cần bàn cãi nhiều. Và hai là, trường hợp “có khả năng”, có thể sáng tác văn chương. Nhưng họ lại xác định văn chương như thể là một cuộc chơi, dù không phải không có người tài hoa, không có những tác phẩm thơ “đọc được”, thậm chí tác giả cũng khá có trách nhiệm với tác phẩm… nhưng không áp đặt, đặt ra, nói trước một cái gì. Thơ ca sẽ là một góc riêng để họ thăng hoa, trút bỏ, dãi bày cảm xúc của mình, còn họ sẽ làm một việc khác để tồn tại và duy trì cuộc sống.
Nếu tất cả người làm thơ đều quan niệm như vậy thì chúng ta sẽ không thể có khái niệm nhà thơ chuyên nghiệp. Vậy tại sao, các nhà văn trẻ vẫn đặt ra vấn đề “chuyên nghiệp” với chính bản thân và lớp cầm bút cùng trang lứa. Có chăng khái niệm “chuyên nghiệp” phải hiểu khác đi, mềm mại hơn, phù hợp với thực tiễn ở ta? Tác giả trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ trong bài tham luận về thơ trẻ Đồng bằng sông Cửu Long có đề cập đến vấn đề chuyên nghiệp, nhưng chỉ ở dạng “tâm thức”: “Không trốn tránh và can đảm đối diện với sự thật, đó mới là tâm thế của một người cầm bút chuyên nghiệp. Nhà thơ Vi Thuỳ Linh từng được đánh giá là người cầm bút chuyên nghiệp, với việc ra đời tác phẩm khá đều đặn suốt 15 năm cầm bút đền giờ cũng không thể sống bằng ngòi bút của mình được. Chị in thơ phải đi xin tài trợ và với chị, viết trước hết là thoả mãn chính mình, viết cho mình, viết phải có trách nhiệm, phải đương đầu với búa rìu dư luận…
Hiện nay ở Việt Nam, số nhà văn sống được bằng nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay và đa số là viết văn xuôi chứ không phải thơ. Vì vậy, đặt ra yêu cầu chuyên nghiệp với thơ có lẽ chúng ta nên hiểu đó là trách nhiệm của người cầm bút với chính những gì mình viết ra, hơn là việc thơ ca có thể nuôi sống được chúng ta hay không, ít nhất trong thời điểm này.
Ngay cả những tác giả thơ đã và đang tồn tại trên mạng cũng vậy, hãy cứ để họ khởi đầu, đến một lúc nào đó, cần đi tiếp sẽ phải tự tìm đường và không muốn đi tiếp tất yếu sẽ dừng lại. Đã có không ít người khuyên các bạn trẻ: Sống đã rồi hãy viết, còn nhà thơ Phan Hoàng trong Hội nghị lại đưa ra một tham luận, trong đó có câu: Hãy viết thật hay và sống thật nghĩa tình. Có thể điều giản dị này sẽ làm cho thơ ca và con người gần gũi, ấm áp hơn chăng.
Tác giả: Hiền Nguyễn
Nguồn tin: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc