Tôi đã có thêm nhiều người bạn mới

Thứ ba - 20/09/2011 06:16 2.904 0

Từ trái sang: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Hòa, Phan Hoàng và A Sáng

Từ trái sang: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Hòa, Phan Hoàng và A Sáng
Cách đây hơn hai năm, vào trang Văn nghệ sông Cửu Long, thấy bài vở của một tác giả có bút danh khá đặc biệt là “Diệp Bần Cò”, tôi vừa thú vị vừa tò mò, liền nhờ bạn bè ở miền Tây tìm giúp địa chỉ tác giả để làm quen và thi thoảng đặt viết bài vở. Hơn hai năm qua, tôi và Diệp Bần Cò liên lạc với nhau qua điện thoại và email, xưng hô anh em ngọt xớt. Mải vui chuyện nên chưa bao giờ tôi hỏi tên thật của Diệp Bần Cò, chỉ biết bạn ấy là giáo viên ở Sóc Trăng.

Hôm mới rồi, Diệp Bần Cò gọi điện thông báo chuẩn bị lên tầu ở TP Hồ Chí Minh, đến Hà Nội sẽ liên lạc với tôi. Biết Diệp Bần Cò đi dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, tôi bảo: “Chú cứ đến nơi tập trung, anh cũng đi Tuyên Quang, lên đó anh em sẽ gặp nhau”. Thế rồi sáng 8.9, vừa xuống xe ở sân khách sản Kim Bình, đang chào hỏi mọi người thì một anh chàng bé nhỏ đến bên cạnh, vừa gãi đầu gãi tai bẽn lẽn chào tôi vừa tự giới thiệu: “Cháu là Diệp Bần Cò!”. Gặp nhau, thấy tôi nhiều tuổi, Diệp Bần Cò liền chuyển sang gọi tôi là chú. Tôi cười và trêu: “Theo bút danh, chú nghĩ cháu ít ra cũng cỡ trung niên, thế mà trẻ măng thế này à!”. Diệp lại gãi đầu gãi tai cười bẽn lẽn. Hóa ra tên bạn ấy là Đỗ Ngọc Diệp, nhà ở bên cạnh kênh Bần Cò, nên bạn ấy lấy luôn bút danh là Diệp Bần Cò.

Vâng, cũng như năm năm trước ở Hội An, dự Hội nghị Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, tôi đã có thêm nhiều người bạn mới đến từ mọi miền đất nước. Dù họ gọi tôi là anh, là chú, là... bác, thì những câu chuyện văn chương vẫn không bao giờ dứt. Nhìn ánh mắt, nghe họ nói, tôi hiểu Hội nghị đã mang đến cho họ niềm vui nghề nghiệp và niềm vui bạn bè không dễ có.

Trước ngày Hội nghị diễn ra, tôi đã đọc một số bài vở và ý kiến bàn luận trên báo chí và internet. Người bàn ra, người phản đối, người chê bai, thêm vài sự cố ì xèo về người được dự người không được dự đã làm dư luận như... không biết đường nào mà lần! Thậm chí trong những ngày Hội nghị, vẫn có thể đọc một số ý kiến bỉ beo, giễu cợt thô lậu, thậm chí miệt thị khá nặng nề. Khi viết bài này, tôi vẫn không hiểu tại sao sau khi đọc tin tức về đêm giao lưu văn nghệ Văn học trẻ với biển, đảo Tổ quốc, người ta có thể comment vào một website thế này: “Đáng ra Hội nghị nhà văn trẻ là phải bàn về văn học, tác phẩm của cây bút trẻ hiện này, để gợi ý, tạo nên cảm hứng sáng tác mới. Đằng này lại đi nhảy múa, hát hò, cứ như một gánh hát thưở xưa!”? Chẳng lẽ khi comment như thế, người ta tự thấy mình đã có trách nhiệm với văn chương, với các cây bút trẻ lắm hay sao?

Đêm giao lưu văn nghệ là một tối vui, là dịp để các cây bút trẻ thể hiện tấm lòng của họ với đất nước, với Tổ quốc, ngay cả “cú” ôm hôn của Vi Thùy Linh với đại diện cán bộ, chiến sĩ hải quân cũng không nằm ngoài ý nghĩa này. Chẳng lẽ đó không phải là một nghĩa cử đẹp và đáng trân trọng? Chẳng lẽ ai đó có thể coi việc làm này không có ý nghĩa? Tôi nghĩ, nếu có liêm sỉ, người ta sẽ không viết như vậy. Còn với tôi, niềm vui của các bạn trẻ và cả sự phấn hứng với chủ đề giao lưu đã giúp tôi gạt sang một bên mặc cảm về tuổi tác để lên sân khấu đứng bên nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và ca sĩNguyễn Hoàn cùng hát Tổ quốc nhìn từ biển (Nhạc: Quỳnh Hợp, lời thơ Nguyễn Việt Chiến). Ai đó có thể tự coi suy nghĩ của mình là sáng suốt hơn người thì cũng không thể cao giọng miệt thị niềm vui của người khác. Vì, niềm vui đó không chỉ của riêng tôi, mà là niềm vui của hàng trăm con người, như trên lucbat.com tác giả Lãng Ma nhận xét: “Đêm giao lưu thơ nhạc kết thúc lúc 22h15 đã để lại ấn tượng mạnh và cảm xúc khó quên trong lòng chiến sỹ Quân chủng Hải quân và các đại biểu nhà văn trẻ đang dự Hội nghị lần thứ 8 tại xứ Tuyên”.

Mấy năm qua, tôi đã đọc tác phẩm của rất nhiều cây bút trẻ, như: Lê Minh Nhựt (Cà Mau), Trịnh Sơn (Vũng Tàu), Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang), Niê Thanh Mai (Đắc Lắc), Hoàng Thanh Hương (Gia Lai), Lê Thùy Vân (TP. Hồ Chí Minh), Ngô Hương Giang (Huế),... nhưng chưa bao giờ gặp gỡ. Ngay cả hai anh bạn A Sáng (Văn nghệ Trẻ), Trần Vũ Long (Văn Nghệ)... ở Hà Nội mà tôi cũng chưa từng làm quen, dù đọc họ khá nhiều. Đến Hội nghị lần này, chúng tôi đã trở thành người quen, hồ hởi và không gượng gạo, hình như tình đồng nghiệp chính là “chất keo” kết dính mọi người. Giữa các bạn trẻ, giữa các bạn trẻ với các nhà văn lớp trước, các quan hệ đã được thiết lập. Tôi thấy nét rạng ngời trên nét mặt mọi người, lúc ngồi bên nhau trên ghế đá, lúc lững thững đi trên những con đường nhỏ quanh khách sạn, lúc í ới gọi nhau lên hội trường. Ở Hội nghị lần trước trong Hội An, Phạm Văn Vũ (Thái Nguyên) đang học đại học, Vũ còn trẻ măng và có vẻ ngượng ngập. Tại Hội nghị lần này, Vũ đã trở thành thầy giáo, đã chững chạc hơn nhiều. Đêm đón trăng trên tầng 10 của khách sạn Kim Bình, ghế chưa đủ, tôi nghe một bạn nói tiếng miền Nam gọi Vũ, rồi họ kê dép ngồi luôn xuống sàn bê tông, nói cười râm ran. Tôi hiểu, Vũ đã có thêm những người bạn ở phương xa. Tương tự như thế, tôi được nghe nhiều bạn trẻ sắp qua tuổi 35 tâm sự với vẻ tiếc nuối rằng: “Hội nghị lần sau em không hết tuổi rồi, không được đi nữa!”... Thử hỏi, những cuộc gặp gỡ nghề nghiệp như thế liệu có là dễ dàng với những người viết trẻ đáng yêu ấy?

Nếu ai hỏi sau mấy ngày Hội nghị, sự kiện gì ấn tượng nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: “Trước hết là tính dân chủ trong hai cuộc hội thảo Thơ trẻ - dòng chảy và công chúngVăn trẻ - nhận diện và phát triển”. Vì theo tôi, đây là hai diễn đàn mà ở đó, các cây bút trẻ có thể thoải mái phát biểu ý kiến, không bị ràng buộc, không bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố nào từ ngoại cảnh. Tôi lắng nghe từng ý kiến, và tôi chia sẻ với tâm sự của các bạn trẻ. Rất ít người đòi hỏi xã hội phải quan tâm tới họ. Họ thảo luận chủ yếu để tháo gỡ câu hỏi: “Cần phải làm gì để văn chương ngày càng hay hơn?”. Họ chưa bằng lòng với chính mình. Họ ưu lo không đáp ứng được niềm tin từ bạn đọc... Lắng nghe và suy nghĩ, tôi hiểu họ yêu nghề và đau đáu với nghề, nhưng giữa bao nhiêu bề bộn của cuộc sống, giữa chằng chịt những mối quan hệ, giữa sự va đập liên tục của những giá trị xã hội - nghệ thuật đôi khi không có mẫu số chung, họ trăn trở phải tự tìm ra con đường văn chương riêng, phải hình thành một cá tính sáng tạo. Giữa rất nhiều ý kiến chân thành, tôi chú ý đến ý kiến của một cây bút nữ mà tôi không kịp biết tên. Bạn ấy kể về nỗi ấm ức của một số tác giả ở các địa phương rất khó đăng tải tác phẩm vì luôn phải chịu đựng sự xét nét và thói quen “dạy dỗ” của các tác giả đã vào hàng cha chú. Tôi chia sẻ với bạn, vì tôi biết đó là sự thật. Với văn chương, dìu dắt và giúp đỡ không phải là “dạy dỗ”, càng không phải là ban ơn. Nếu thật sự quan tâm tới người viết trẻ, hãy đi cùng họ, cố gắng tìm hiểu, tạo điều kiện để giúp họ thể hiện mình. Và hãy coi là niềm vui nếu người viết trẻ có nhiều thành công, đó là cái nhìn cho tương lai.

Trên đường lên Tuyên Quang, tôi ngồi cùng xe với nhà thơ Trần Ninh Hồ, nghe ông kể nhiều chuyện nghề, chuyện đời. Chuyện vui như thế nhưng khi đến nơi ông lại nói: “Tối nay anh phải cố viết cái tham luận cho tử tế để còn đọc trước Hội nghị”. Và rồi, ông cắm cúi viết. Và rồi bài phát biểu chân tình và hóm hỉnh của nhà thơ Trần Ninh Hồ đã được các cây bút trẻ vỗ tay nhiệt liệt hoan hô. Từ bài phát biểu của nhà thơ Trần Ninh Hồ nhìn rộng ra phải nói rằng, ngoài một hai ý kiến có chiều khoa trương của một hai tác giả tôi đã quen nghe, còn lại thì ý kiến của các cây bút lão làng như Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Quang Sáng, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Khắc Trường, Hoàng Quốc Hải, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Định Hải,... đều chân tình, cởi mở. Điều này không chỉ tạo ra sự gần gũi, thu hẹp khoảng cách tuổi đời tuổi nghề, mà còn làm cho ý kiến của các anh chị có thêm ý nghĩa. Với cuộc sống hiện tại của họ, chắc chắn các nhà văn lớp trước đến Hội nghị không phải để có một chuyến đi chơi, một kiểu “ăn theo” như một vài comment tôi đã đọc. Thêm nữa là tuổi tác đã cao, nếu không vì văn chương, nếu không nhiệt huyết với văn chương, họ sẽ không rong ruổi qua mấy trăm cây số đến dự Hội nghị. Ai đó đã đặt điều cho họ, thì nên biết xấu hổ. Bởi không có ý nghĩa nào khác, khi đánh giá nhiệt huyết và sự chân thành của người khác từ góc nhìn thấp kém là tự bộc lộ sự thấp kém của chính mình.

Năm năm đã qua kể từ Hội nghị lần thứ VII. Trong năm năm ấy, các cây bút ngày nào còn là đại biểu trẻ, nay đã trưởng thành. Đó là Nguyễn Ngọc Tư, Dương Bình Nguyên, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Vi Thùy Linh, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy,... Đồng thời cũng trong năm năm ấy lại xuất hiện Di Li, Nguyễn Quỳnh Trang, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Xuân Thủy, Trịnh Sơn, Miên Di, Hoàng Chiến Thắng,... Và đặc biệt là các cây bút phê bình văn học trẻ như Phạm Xuân Thạch, Trần Thiện Khanh, Đoàn Ánh Dương, Phùng Gia Thế,... Dù trong đó có người không tới dự Hội nghị thì họ vẫn là thành tố để làm nên một thế hệ văn chương của đất nước này. Tin vào họ và tạo điều kiện giúp họ trưởng thành, điều đó phải trở thành nguyên tắc ứng xử của đồng nghiệp lớp trước, của các cơ quan hữu quan và mọi người yêu văn chương. Một Hội nghị có thể không giải quyết triệt để một hoặc nhiều vấn đề của văn chương, nhưng một Hội nghị được tổ chức trên tinh thần thiện chí và cầu thị hoàn toàn có thể đưa tới một động lực tinh thần mới cho những người cầm bút trẻ tuổi. Và vì thế, tôi tiếp tục đón đợi tác phẩm của mọi cây bút trẻ mà tôi đã quen hoặc chưa quen.

Tác giả: Nguyễn Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây