Hội nghị văn trẻ 8: Vui phần 'hội', tiếc phần 'nghị'

Thứ tư - 14/09/2011 01:08 2.258 0

Hội Nhà văn cùng các đại biểu và khách mời chụp ảnh kỷ niệm sau lễ bế mạc Hội nghị viết văn trẻ lần 8 vào chiều 10/9.

Hội Nhà văn cùng các đại biểu và khách mời chụp ảnh kỷ niệm sau lễ bế mạc Hội nghị viết văn trẻ lần 8 vào chiều 10/9.
Phần vui chơi, hội hè đa dạng của Hội nghị viết văn trẻ năm nay khiến các cây viết trẻ thỏa lòng, trong khi thời gian chia sẻ về nghề viết lại hầu như gói gọn trong buổi sáng 10/9 khiến nhiều người tiếc nuối.

Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ 8/9 đến 11/9, các chương trình chính diễn ra ở Tuyên Quang. Có khoảng 120 cây bút trẻ tham dự. Hôm nay (12/9), các đại biểu đã bắt đầu trở về địa phương.

Trò chuyện sau hội nghị, hầu hết đại biểu đều cho rằng, thật đáng tiếc khi hội nghị không chia làm hai tổ thảo luận thơ trẻ và văn trẻ ngay từ chiều 9/9 mà chỉ có duy nhất một buổi vào sáng 10/9. Thực ra, kế hoạch ban đầu là như thế, nhưng cuối cùng lại có sự thay đổi. Chiều 9/9 vẫn là một buổi trình bày tham luận, với phần mở đầu khoảng một tiếng đồng hồ về chủ đề biển Đông, hoàn toàn không liên quan đến văn học.

Chính Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh cũng nhận ra điều đáng tiếc này. Trong phát biểu tổng kết hội nghị, ông giải thích: “Chiều 9/9, sau phần tham luận về biển đảo, sẽ không thống nhất và khả thi nếu chúng ta chia ra hai nhóm văn và thơ để thảo luận nên đành tiếp tục tham luận”. Với các tác giả trẻ, nếu thời gian tọa đàm sôi nổi như sáng 10/9 tăng lên, thì số lượng ý kiến chia sẻ cũng tỷ lệ thuận, khiến họ có cơ hội lắng nghe và đồng cảm với nhau hơn.

Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Trưởng ban Văn trẻ, Hội Nhà văn đã duyệt kỹ các tham luận và chú ý lựa chọn những tham luận có đề tài đáng chú ý, cách triển khai hay để đưa vào chương trình. Nhưng độ hấp dẫn của các tham luận còn phụ thuộc vào khả năng nói của các đại biểu. Về mảng này, nhiều đại biểu vẫn “đọc” chứ không phải “trình bày” tham luận. Tác động của việc này có thể thấy rõ khi càng về cuối các buổi tham luận và cả buổi bế mạc chiều 10/9, hội trường càng thưa thớt. Tổng cộng, trong cả ngày 9/9, các đại biểu và khách mời nghe khoảng 30 tham luận.

Về hiệu quả lớn nhất của các buổi tọa đàm, phần đông đại biểu và cả ban tổ chức đều cho rằng đó là việc tạo cơ hội cho những nhà văn trẻ chia sẻ câu chuyện văn chương chưa kể của mình và để cho các ý kiến được dịp “va đập”. Trong tọa đàm thơ trẻ, nhà thơ Hoàng Chiến Thắng nói hành trình thơ của anh là “hành trình lửa”, anh kiên trì theo đuổi niềm đam mê nhưng cũng thận trọng để mình không bị “lửa thiêu cháy”. Nghe vậy, nhà thơ Quân Tấn đáp lại: “Tôi chấp nhận thành tro trong ‘hành trình lửa’ của mình, tôi chọn một giải pháp dở nhất là lao vào lửa để sáng tác”.

Các nhà văn trẻ trò chuyện bên ngoài trước khi vào buổi khai mạc hội nghị sáng 9/9.

Các cây bút trẻ không chỉ trao đổi ý kiến hoặc chia sẻ tâm sự trong tọa đàm, nhưng các buổi làm việc có tổ chức này mới có chủ đề cụ thể và sự dẫn dắt khiến nội dung trò chuyện đi đúng hướng. Tọa đàm thơ có thể đã không vượt qua được không khí trầm lắng ban đầu nếu không có sự gợi mở của nhà thơ Phan Huyền Thư. Chị gợi ra những vấn đề khiến nhiều cây bút như Trịnh Sơn, Tuệ Nguyên, Hoa Nip, Lê Hưng Tiến, Võ Mạnh Hảo, Bùi Thị Ngân… mạnh dạn đứng lên bày tỏ ý kiến.

Cũng có những tác giả trẻ rất trầm, ngồi vào góc khuất và hầu như không phát biểu. Cũng có những tác giả lần đầu dự một sự kiện của hội nhà văn và chưa quen biết nhiều nên còn rụt rè. Nhưng điều đó không có nghĩa các buổi nói chuyện và giao lưu không có tác dụng gì đối với họ. Chính vì còn bỡ ngỡ, hoặc không muốn bộc lộ nhiều, những tác giả này chọn cách lắng nghe các đồng nghiệp.

Trong bế mạc hội nghị chiều 10/9, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, hội nghị đã thành công bởi ba mục đích ban đầu đặt ra đều đạt được, bao gồm: tập hợp, nhận diện những người viết trẻ; tổ chức một diễn đàn đầm ấm để định hướng sáng tác cho họ; khảo sát chất lượng và lắng nghe nguyện vọng sáng tác của những người trong cuộc.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó Ban văn trẻ của hội, cho biết: “Hội Nhà văn đã cố hết sức để tạo không gian cho những người làm văn trẻ gặp gỡ nhau, còn có giao lưu, quen biết, thân thiết với nhau qua hội nghị hay không thì phụ thuộc vào tính cách của mỗi người”.

Anh nói thêm, anh từng tham gia hội nghị viết văn trẻ vào các năm 1998, 2001, 2006, lúc đó chưa có nhiều người sử dụng điện thoại di động nên các đại biểu chỉ có cách trao đổi địa chỉ liên lạc. Vậy mà, khá nhiều người thuộc thế hệ văn trẻ thời đó vẫn có thể giữ liên lạc, thậm chí chơi thân với nhau đến tận bây giờ.

Vào hội nghị lần này, trong ngày đầu tiên đến Tuyên Quang, sau bữa tối, các đại biểu đoàn TP HCM và miền Tây đã tổ chức ăn uống giao lưu riêng để làm quen ngay ngoài sân nhà khách. Ngoài các sự kiện vui chơi chính thức do hội tổ chức, các cây bút trẻ cũng tự mình tìm kiếm địa điểm gặp gỡ, đi uống cafe trò chuyện hoặc dạo phố Tuyên Quang xem không khí đón trung thu sôi động.

Trong 4 ngày từ 8/9 đến 11/9, đoàn đã đi thăm những di tích và thắng cảnh ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên như Đền Hùng, lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, hồ Núi Cốc… Có rất nhiều không gian để các đại biểu có thể làm quen, kết thân. Không khí thân thiện tại hội nghị lần này thực sự khiến những người trầm lắng cũng trở nên sôi nổi.

Năm nay, hội nhà văn đã cấp cho mỗi đại biểu một huy hiệu đính trên ngực áo để ghi tên đại biểu và địa phương, nhưng chữ viết lại quá nhỏ nên chiếc huy hiệu hầu như chỉ có tác dụng nhận diện nhân vật đó là đại biểu chứ khó có thể trông thấy là điểm mặt, biết tên. Nhà văn Nguyễn Đình Tú thừa nhận đây cũng là một nhược điểm nên khắc phục trong kỳ hội nghị sau.

Tại hội nghị lần này, nhà thơ Hữu Thỉnh liên tục có những phát ngôn đáng chú ý. Trong buổi khai mạc, ông nói “Nhà văn trẻ, các bạn đến từ đâu?” và tự trả lời “Chúng tôi đến từ miền tài năng”, hay “Chúng tôi đến từ nền văn học trên mười đầu ngón tay”. Những câu nói này đã được các đại biểu trẻ liên tục trích dẫn lại trong suốt thời gian 4 ngày ở Tuyên Quang.

Có ý kiến cho rằng hội nghị lần này có quá nhiều gương mặt xa lạ hoặc mới thi thoảng xuất hiện đâu đó, khác hẳn hội nghị 7 ở Hội An với nhiều nhân vật dù trẻ nhưng đã nổi tiếng. Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh lại thấy tự hào vì điều đó, ông nói: “Hội nghị lần này chỉ có 7 người từng đi Hội An 5 năm trước, còn 97 gương mặt là hoàn toàn mới” để nhấn mạnh về độ trẻ và mới của hội nghị 8. “Càng công phu chuẩn bị, chúng ta càng thể hiện tình yêu đối với lớp trẻ”.

Tác giả: Pham Mi Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây