Chủ tọa cuộc hội thảo là nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi cùng hai nhà văn trên cương vị Phó ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Đình Tú và Phong Điệp.
Lời đề dẫn của nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã phác họa cái nhìn sơ lược về tình hình văn xuôi hiện tại bằng việc điểm qua các tác phẩm dự giải thưởng Hội Nhà văn năm 2010 (dành cho cả đối tượng là hội viên và chưa là hội viên). Ông cũng nêu một vài cảm nhận về sự khác biệt giữa tác phẩm của các nhà văn lớn tuổi và các nhà văn trẻ. Tác giả “Mảnh đất lắm người nhiều ma” cũng nhận định, tác phẩm văn xuôi của người viết trẻ hiện nay tính xã hội chưa cao, còn thiếu tiếng cười, sự hài hước vốn là đặc trưng của người trẻ. Ông nói: “Nội dung nhạt, văn chương không có bản sắc thì vô phương cứu chữa. Văn trẻ hôm nay rất cần những gương mặt sáng làm ngọn cờ”.
Nếu như lướt qua một lượt danh sách hơn một trăm đại biểu tham dự Hội nghị lần này thì sẽ thấy ý kiến của nhà văn Nguyễn Khắc Trường thật xác đáng. Bởi nếu như ở Hội nghị 7 diễn ra ở Hội An có những cái tên nổi bật trên văn đàn, thì ở Hội nghị 8 này những trường hợp như vậy không nhiều. Đa số đại biểu mới chỉ dừng ở chỗ cho người ta cảm giác “quen quen” bên cạnh những cái tên lạ hoắc với những ô để trống ở mục “tác phẩm”. Con số đại biểu tham dự Hội nghị 7 còn tiếp tục “trụ lại” đến Hội nghị này chỉ là hơn 10 người. Số còn lại một phần đã qua ngưỡng trẻ, một phần vì nhiều lý do khác nhau đã “rơi rụng” trên hành trình văn chương, chỉ một số ít đếm trên đầu ngón tay là vẫn trung thành với nghề, bứt lên trong nghiệp viết để khẳng định tên tuổi, vị thế của mình như Vi Thùy Linh, Di Li, Dương Bình Nguyên, Nie Thanh Mai... Thay vào đó là một lớp viết trẻ mới đông đảo hơn nhưng cũng… ít "sáng" hơn.
Nói về cơ hội và thách thức của người viết trẻ hôm nay, nhà văn Di Li cho rằng, nhà văn lớp trước không phải đối mặt với áp lực như người viết trẻ hôm nay khi độc giả có quá nhiều phương tiện nghe nhìn khiến họ bị phân tâm và nhiễu loạn. Về phía tác giả, cuộc sống hiện đại cũng làm giảm sự quan sát, trải nghiệm của người viết. Nhưng ngược lại, người viết văn hôm nay cũng có nhiều thuận lợi, tác phẩm của họ được nhiều nhà sách chào đón nồng nhiệt, sẵn sàng quảng cáo và tiếp thị, lẽ ra phải có nhiều “đỉnh cao” hơn thế hệ trước mới đúng.
Đại biểu Mai Phương đến từ Bắc Giang tỏ ra tâm huyết với đề tài “tam nông” (nông thôn - nông nghiệp - nông dân). Chị nói về một nông thôn mới với nhiều bất ổn, với những giá trị đạo đức bị đảo lộn, những quy chuẩn xã hội bị phá vỡ. Một “nông thôn mới” không còn như cái thời của “Mảnh đất lắm người nhiều ma” đang đòi hỏi những người viết phải có cách tiếp cận mới. Đại biểu Thu Đạm đến từ Cao Bằng mổ xẻ những vấn đề về văn học thiểu số, phản biện lại ý kiến cho rằng, chưa có một thế hệ những người viết trẻ người dân tộc thiểu số hôm nay. Chị cho rằng đội ngũ ấy vẫn khá dày dặn nhưng vấn đề đặt ra là liệu họ có viết đúng “giọng” của dân tộc mình không hay bị “Kinh hóa” hoặc rơi vào tình trạng “ngô ngọng”, giả hiệu dân tộc cốt để chỉ được “đóng mác” nhằm thuận lợi cho việc in ấn tác phẩm.
Nhà văn Dương Bình Nguyên chia sẻ ý kiến. |
Nhà văn Dương Bình Nguyên, người đã 3 lần tham dự Hội nghị viết văn trẻ cũng đồng thời là người làm báo cho rằng, việc truyền thông cho tác phẩm là rất cần thiết, nhưng không phải đơn vị làm sách nào cũng ý thức được điều này, nhất là các nhà xuất bản theo mô hình truyền thống. Là người làm báo, anh dẫn ra một câu chuyện khi có những tác giả trẻ mới in cuốn sách đầu tay đến tìm anh với nhã ý nhờ giới thiệu trên báo chí, dù cảm thông nhưng cũng thấy khá… tội nghiệp. Anh cho rằng tác giả không thể đứng ra làm mà cần đến sự chăm sóc của đơn vị xuất bản. “Chúng ta cần có một hệ thống chuyên nghiệp thay vì những hoạt động manh mún và thủ công như thế.”, anh nói. Ý kiến của Dương Bình Nguyên cũng nhận được sự đồng cảm của Nguyễn Xuân Thủy, Di Li, Vi Thùy Linh, về việc cần PR một cách chuyên nghiệp cho tác phẩm. “Tôi không có ý nói bạn cứ PR đi, sách sẽ bán được, nhưng người viết rất cần một bệ phóng”, Dương Bình Nguyên bổ sung.
Tỷ lệ các đại biểu chuyên ngành lý luận phê bình tại Hội nghị lần này khá cao, và đúng “nghề” của mình, họ cũng không ngại mổ xẻ những “căn bệnh” của người viết trẻ tại Hội thảo. Đại biểu Ngô Hương Giang (Huế) nhận định về phê bình trẻ hiện nay có 3 khuynh hướng: Phê bình chỉ điểm, thiên về các mối quan hệ xã hội để viết và giải quyết vấn đề chứ không đứng trên lập trường quan điểm của người viết; thứ hai là phê bình báo chí thường đón đầu văn bản của người sáng tác, giới thiệu chỉ ra những cái được, chưa được của tác phẩm; thứ ba là phê bình học thuật thì chưa sâu, đòi hỏi cần có tầm văn hóa nhất định. Còn nhà phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm đến từ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội cho rằng những người viết văn trẻ hôm nay còn “lười” tìm tòi, chưa mở rộng biên độ đề tài, ví dụ không ai chịu viết truyện kiếm hiệp, trinh thám, coi đó là văn học hạng hai, viết không… sang, nhưng đó lại là thứ mà một bộ phận công chúng có nhu cầu và quan tâm, luôn phải đọc của nước ngoài.
Các đại biểu Nguyễn Vũ Hưng (TP HCM); Nhã Thuyên, Mai Anh Tuấn (Hà Nội); và một số đại biểu khác nêu ra nhiều vấn đề như: có nên phân chia văn học đề tài; về bản chất của văn chương; về việc nhà văn có nên “trương” mình lên mặt báo; về việc có hay không cái gọi là “đi thực tế” của nhà văn… Tuy nhiên, các vấn đề này dường như chưa được giải quyết rốt ráo tại hội thảo. Với dung lượng thời gian gói gọn trong một buổi sáng có vẻ như còn thòm thèm cho những trao đổi nghiêm túc, tâm huyết về nghề nghiệp của những người viết trẻ. Vì thế, gần như mới chỉ là những ý kiến độc lập, những vấn đề của cá nhân đại biểu được nêu ra như một sự chia sẻ một chiều còn phần phản biện, trao đổi để làm sáng rõ, “ngã ngũ” vấn đề một cách thuyết phục chưa thực sự thỏa đáng.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tâm sự với các nhà văn trẻ. |
Được mời tham dự buổi hội thảo, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ với những người viết trẻ: “Cái may mắn nhất của nhà văn là được đại diện cho cuộc sống. Khoa học là phát hiện, còn văn học là sáng tạo. Không có khuôn mẫu cho tác phẩm”. Một vị khách mời khác, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, một tấm gương lao động sáng tạo trong văn học ngay cả khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” đã tâm sự với những người viết trẻ, “vốn sống là chính những gì diễn ra hàng ngày, vốn sống từ sách vở, và mỗi người nên có một “khu vực” để đi về. Nếu không có vốn sống và tri thức không bao giờ làm được một cuốn sách nên hồn, không thể có được những cuốn sách sâu, mang tầm tư tưởng”. Tác giả của “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn” và mới đây là “Đội gạo lên chùa” cho rằng, việc tổng hợp vốn sống để phục vụ quá trình sáng tạo là thứ mà những người viết trẻ còn yếu.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 8, nhà thơ Hữu Thỉnh đã dùng cụm từ “thế hệ nhà văn mười ngón” để chỉ đội ngũ những người viết văn trẻ hôm nay. Trong lịch sử văn học Việt Nam đã có một thế hệ “nhà văn bút sắt” kế nghiệp những “nhà văn bút lông”, và đến lúc này, nền văn học Việt lại đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao mới, từ thế hệ “nhà văn bút sắt” sang thế hệ “nhà văn mười ngón” của máy tính và bàn phím. Liệu thế hệ này có làm nên chuyện hay không, câu trả lời đang ở phía những người viết trẻ.
Tác giả: Dương Tử Thành
Ý kiến bạn đọc