Hãy tự tin để viết

Thứ ba - 20/09/2011 06:13 2.968 0

Rất khó nói rằng trong 5 năm tới những gương mặt viết văn trẻ này có thể tạo nên bước ngoạn mục trên văn đàn. Ảnh: C.T.V

Rất khó nói rằng trong 5 năm tới những gương mặt viết văn trẻ này có thể tạo nên bước ngoạn mục trên văn đàn. Ảnh: C.T.V
Trở về sau Hội nghị Những người viết văn trẻ lần VIII (diễn ra tại Tuyên Quang từ ngày 8 đến 11-9) nhà văn nữ Di Li đã có những cảm nhận riêng gửi đến bạn đọc.

Nhận được giấy mời dự hội nghị, tôi không khỏi tò mò và một chút… hồi hộp khi không biết liệu không khí hội nghị lần này có “nóng bỏng” và “căng thẳng” như Hội nghị lần thứ VII tại Hội An hay không. Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra đều êm đẹp đến mức tẻ nhạt.

Có bản lĩnh tranh luận

Các tham luận tại hội nghị tuy không quá đi sâu vào học thuật và chưa thực sự hấp dẫn nhưng vẫn thể hiện sự tự tin và bản lĩnh của người viết. Nói về sự tự tin thì dường như các cây bút trẻ đã có thừa sự tự tin.

Trong cuộc hội thảo với chủ đề Văn xuôi trẻ - Nhận diện và Phát triển, có chừng hai chục ý kiến phát biểu xoay quanh những câu hỏi như: Văn trẻ đang viết về đề tài gì, viết như thế nào... đều khá sắc sảo và tự tin. Chỉ có điều, khác với sự tự tin đến mức quá khích của những diễn giả trẻ trong hội nghị 5 năm về trước, các tác giả có mặt trong cuộc hội thảo ở Tuyên Quang đã dám nói lên sự thật với quan điểm riêng của mình ở khía cạnh học thuật.Đó là điều đáng mừng khi những người viết trẻ của ngày hôm nay không rụt rè, tự ti trước những người đi trước, cũng không ngạo mạn vô lối. Khi nhà văn Nguyễn Khắc Trường đưa ra ý kiến về đề tài “tam nông” trong văn học, một đề tài rất đáng khai thác mà hiện nay các nhà văn trẻ đã bỏ qua, nhà thơ Mai Anh Tuấn đã lên tiếng “phản đối chủ nghĩa đề tài”. Có lẽ là một giảng viên văn học nên sự phân tích của anh rất khúc chiết. Theo Mai Anh Tuấn, mọi đề tài đều đáng viết và cao quý như nhau, không thể nói rằng đề tài “tam nông” hay chiến tranh thì sang trọng hơn những đề tài khác.Anh nghĩ một tác phẩm mẫu mực phải làm nên đề tài chứ không có chuyện đề tài làm nên tác phẩm. Lâu nay, người ta vẫn quy hẹp đề tài đồng nhất với hiện thực như hiện thực chiến tranh, hiện thực hợp tác xã nông nghiệp… nhưng hiện thực cần được hư cấu thông qua sáng tạo của nhà văn. Về ý kiến này, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã gật đầu tỏ thái độ đồng tình, cũng như khi nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho rằng “cá nhân mỗi người viết cần hướng tới những chuyến đi của riêng mình, những chuyến đi thực tế không theo tính chất hội đoàn, không trống dong cờ mở, người đưa kẻ đón.Bởi không có ai chỉ viết bằng trải nghiệm tự nhiên, bằng những thứ tình cờ thu lượm được từ đời sống”. Ý kiến của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã nhận được sự ủng hộ từ cả các nhà văn lớp trẻ lẫn những người đi trước… Những ý kiến đưa ra và phản biện thể hiện thái độ và bản lĩnh của người cầm bút.

Chưa tự tin trong từng bước đi

Tuy nhiên, có thể một chút nào đó, tôi cảm nhận những người viết trẻ đã gặp dù rất tự tin vào những lời phát biểu của mình nhưng lại chưa thực sự tự tin vào những gì mình sẽ làm được trên văn đàn trong tương lai gần. Một số cây bút rất trẻ (ở độ tuổi đôi mươi) thường kèm theo một câu trước mỗi bài phát biểu rằng “tôi chỉ là người mới tập viết”, để tạo hệ số an toàn cao cho những gì mình sắp nói và (có thể) sắp viết trong tương lai.Chỉ riêng điều này, rất khó nói rằng chỉ trong vòng 5 năm, trước khi bước vào một kỳ hội nghị mới, họ có thể tạo nên sự đột phá ngoạn mục của chính mình chứ chưa nói góp phần tạo đà cho văn chương đương đại thay áo chuyển màu. Phần lớn các nhà văn, khi mới bắt đầu viết cũng đều giống Trương Anh Quốc như anh chia sẻ: “Chính cuộc sống thúc giục tôi viết văn. Tôi không tham vọng gì cao siêu to tát, viết văn trước hết là giải tỏa cho chính mình”.Nhưng sau khi vượt qua giai đoạn “giải tỏa chính mình” để ra đời tác phẩm đầu tiên, người sáng tạo cần phải có tham vọng và phải là tham vọng lớn. Người viết không nhất thiết phải công bố tuyên ngôn của mình trước đám đông nhưng những gì họ làm sẽ khiến công chúng hiểu được tham vọng của họ.

Đối mặt với văn hóa nghe nhìn

Có người cho rằng văn học trẻ chậm phát triển là do người viết thiếu lý tưởng. Tôi cũng đồng tình với quan điểm này. Sự quyết liệt giờ đây lại cần thiết hơn lúc nào hết. Trong khi nhiều nhà văn đi trước cho rằng thế hệ ngày nay có nhiều thuận lợi như dễ dàng trong việc in sách, ra sách; thuận lợi về truyền thông, có nguồn thông tin khổng lồ (chỉ cần kích chuột vào Google, cả một khối lượng thông tin đồ sộ ồ ạt xuất hiện), nhưng tôi lại cho rằng chính ba điều tưởng chừng như rất thuận lợi này lại là những điều mà người viết đang phải đối mặt.Văn hóa nghe nhìn là lợi thế nhưng cũng là điều bất lợi đối với văn học khi mà người đọc không còn nhiều nữa, người đọc đã lười đi nhiều rồi, đâu còn thời hoàng kim như ở 3 thập niên về trước khi mà văn học dường như là một trong những nguồn giải trí duy nhất. Sự nhiễu loạn về truyền thông và sự ra sách dễ dàng cũng khiến người viết cùi nhụt đi ý chí phấn đấu và cạnh tranh quyết liệt. Họ sẽ cho ra đời những tác phẩm dễ dãi hơn mà không cần chờ đợi và đầu tư nhiều thời gian, công sức.Rồi chính thứ “bách khoa toàn thư” từ internet khiến người viết chìm đắm trong thế giới ảo mà quên mất rằng vốn sống đâu chỉ là nguồn thông tin vô tận, vốn sống của nhà văn chính là những gì mắt thấy tai nghe làm nên tư tưởng và cảm xúc. Họ không chịu rời màn hình vi tính để đi, để tiếp xúc, để dấn thân và trải nghiệm. Lẽ ra trong sự cạnh tranh quyết liệt ấy, cạnh tranh với các phương tiện nghe nhìn, cạnh tranh với văn học dịch và cạnh tranh với cả những cuốn sách nội đang phát hành mỗi ngày, người viết trẻ phải có tham vọng hơn, quyết tâm hơn, để có những tác phẩm chất lượng...

Tôi chưa nhìn thấy nhiều những tham vọng của người viết văn trẻ trong hội nghị lần này, ngoài việc họ chia sẻ những khó khăn của những cây bút địa phương, thú nhận mình thiếu vốn sống và nói trước hội nghị rằng họ đang tập trung vào đề tài gì.

Tác giả: Di Li

Nguồn tin: NLĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây