Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII: Một thế hệ văn chương mới đã được nhận diện

Thứ sáu - 16/09/2011 06:03 2.559 0

Các nhà thơ chủ trì hội thảo Thơ: "Thơ trẻ - dòng chảy và công chúng"

Các nhà thơ chủ trì hội thảo Thơ: "Thơ trẻ - dòng chảy và công chúng"
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, nếu như sau Hội nghị này, mỗi người viết trẻ tham dự có một chút sốt ruột hơn trước trang viết, cảm thấy có gì đó thôi thúc khiến mình phải ngồi vào bàn viết thì Hội nghị coi như đã thành công.
Sau hai ngày làm việc nghiêm túc với lịch trình dày đặc, chiều ngày 10-9, tại Tuyên Quang, Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII đã chính thức bế mạc. Buổi sáng là thời gian diễn ra 2 cuộc hội thảo cùng một lúc tại nhà khách Kim Bình: Hội thảo văn xuôi với chủ đề “Văn trẻ - Nhận diện và phát triển”; hội thảo thơ với chủ đề “Thơ trẻ - Dòng chảy và công chúng”. Qua đó, nhiều vấn đề thiết thân, nhiều lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp đã được các đại biểu phân tích, mổ xẻ, tranh luận. Những cơ hội và thách thức của người viết trẻ hôm nay cũng là vấn đề được đặt ra tại các cuộc hội thảo. Một số đại biểu có sáng tác cả thơ và văn xuôi đã… chạy đi chạy lại cả hai bên để nắm bắt tình hình và lắng nghe những ý kiến phát biểu của đồng nghiệp. 

Hội thảo văn xuôi diễn ra dưới sự điều hành của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, Hội nhà văn Việt Nam cùng 2 nhà văn Nguyễn Đình Tú và Phong Điệp. Hội thảo thơ do nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam – Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Hà Nội cùng 2 nhà thơ Nguyễn Danh Lam và Phan Huyền Thư điều hành. 

 
 Nhà PBVH trẻ Đoàn Minh Tâm (Tạp chí VNQĐ - TCCT) phát biểu tại Hội thảo Văn xuôi


Tại Hội thảo văn xuôi, với hàng chục tham luận của các đại biểu Di Li, Vi Thùy Linh, Thu Đạm, Mai Phương, Nhã Thuyên, Nguyễn Vũ Hưng, Ngô Hương Giang, Uông Triều… đã nêu lên những vấn đề như: văn học trẻ với đề tài “tam nông”; người viết trẻ với việc thâm nhập đời sống, tích trữ tư liệu cho quá trình sáng tạo; bản chất của văn chương là gì; có hay không văn học đề tài; có cần không việc đi thực tế; vấn đề quảng cáo truyền thông khi tác phẩm ra đời… Bên hội thảo thơ cũng sôi động không kém với phần tham luận của các đại biểu của Hoàng Chiến Thắng, Hoa Níp, Quân Tấn, Hoàng Thanh Hương, Trương Hồng Tú… xoay quanh thơ trẻ và vấn đề cách tân, đi tìm công chúng cho thơ trẻ, người viết trẻ hiện nay có tư tưởng hay không… 

 
 Đoàn đại biểu quân chụp ảnh kỉ niệm với nhà thơ Hữu Thỉnh

Phê bình trẻ tuy không có một cuộc hội thảo riêng, các đại biểu dự cùng hội thảo văn xuôi nhưng đã có khá nhiều ý kiến của các đại biểu phản biện, tranh luận của các đại biểu Đoàn Minh Tâm, Nhã Thuyên, Ngô Hương Giang… Một trong những “căn bệnh” của người viết trẻ được nhà phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm (Đoàn Quân đội) bắt mạch, đó là “lười” tìm tòi, đào sâu, theo đuổi một lối đi riêng, vì thế có những mảng đề tài dường như bị bỏ trống, những mảnh đất tốt không được gieo trồng. 

Xen giữa các cuộc hội thảo và thời gian buổi chiều, các nhà văn, nhà thơ, những vị khách mời lớn tuổi đã nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với những người viết trẻ. GS Phong Lê, GS Hồ Ngọc Đại, GS Nguyễn Văn Hạnh, các nhà văn nhà thơ Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Cang, Trần Ninh Hồ, Vũ Quần Phương, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Chí Trung, Lê Thành Nghị… đã có những chia sẻ tâm huyết với lực lượng viết trẻ tham dự Hội nghị. Cuối buổi chiều, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có bài phát biểu bế mạc Hội nghị. Ông cho rằng, những điều tranh luận tại Hội nghị về khái niệm không quan trọng, điều quan trọng là nội hàm, cần hiểu và thực hiện đúng, đi đúng hướng sẽ cho kết quả. Bằng tác phẩm của mình, những người viết trẻ đã bước lên những bậc đầu tiên của ngôi đền văn học, và điều đó cũng nói lên rằng, “tài năng của các bạn không còn là của các bạn nữa, nó đã thuộc về một cái gì rộng lớn hơn, cao vọng hơn thế”.  Đánh giá về Hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, nếu như sau khi ra về, mỗi đại biểu thấy sốt ruột hơn, muốn viết ngay một cái gì đó thì có nghĩa là Hội nghị đã thành công.

Xuyên suốt hội nghị, hình ảnh thế hệ “nhà văn mười ngón” đã được nhà thơ Hữu Thỉnh dùng để chỉ đội ngũ những người trẻ viết văn bằng máy tính. Trong chiếc máy tính ấy có phần cứng, phần mềm, và một bộ phận mềm hơn, một phần nữa không thể thiếu, theo ông, đó là tâm hồn nhà văn. Như vậy, một thế hệ nhà văn mới của Việt Nam đã được nhận diện thông qua Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần này.

Chương trình nghị sự đã khép lại, ngày 11-9 các đại biểu sẽ tham quan một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên trước khi trở lại Hà Nội. Sáng ngày 12-9 các đại biểu sẽ về địa phương. 

Tác giả: Thành Sa

Nguồn tin: VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây