Nếu như tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VII, phần đông đại biểu mới có một chùm thơ, một vài truyện ngắn in trên các báo, tạp chí, thì tại Hội nghị lần này rất nhiều đại biểu đã có những tập sách riêng, nhiều tác giả có tới 2, 3 đầu sách. Và số giải thưởng văn học của các tác giả tham dự Hội nghị lần này cũng nhiều hơn các hội nghị trước đó. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ, chất lượng đội ngũ nhà văn trẻ đang không ngừng nâng cao và họ đang tự khẳng định là một lực lượng hùng hậu đóng góp một vai trò không nhỏ cho sự lớn mạnh của một nền văn học đương đại. Tuy nhiên, trong số rất nhiều những nhà văn trẻ đang chập chững vào nghề, có bao nhiêu người ý thức được trách nhiệm cao cả của người cầm bút ? Hay chỉ vì cơm áo gạo tiền, vì thị hiếu đám đông mà quên mất giá trị đích thực của văn chương, để rồi có một hệ quả đáng lo ngại hiện nay là đời sống văn học trẻ đang trầm lắng, một sự im lặng đầy nghi ngại.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nếu hôm qua bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì trên chặng đường mới này, năng khiếu phải trở thành tài năng. Nếu hôm qua bạn chỉ cần đam mê thôi là đủ, thì hôm nay đam mê phải trở thành bản lĩnh. Nếu hôm qua bạn chỉ cần bản năng thôi là đủ, thì hôm nay viết văn là công việc tự giác hoàn toàn. Nếu hôm qua bạn bảo viết văn thường thôi, thì hôm nay bạn sẽ cảm thấy viết văn là vô cùng khó…Xem thế đủ biết, để đi được dài, được lâu bền trên con đường văn chương đầy chông gai và thử thách các cây bút trẻ cần chăm chút cho tài năng của mình thật nhiều…. Bởi văn chương là cái biển chứa tài năng không biết bao nhiêu là đủ, mà quy luật hưởng thụ văn chương cũng thật ngược đời, mỗi khi có một tài năng mới xuất hiện thì nó lại kích thích người ta đi tìm một tài năng kiểu khác. Do vậy, để tìm được chỗ đứng và đứng vững trên con đường chông gai này đòi hỏi mỗi nhà văn, nhà thơ trẻ cần có một lập trường tư tưởng vững vàng, phải xác định được đối tượng mình hướng đến, viết cho ai ? viết để làm gì ? và viết như thế nào ? trả lời được những câu hỏi đó, các thế hệ nhà văn trẻ hôm nay mới hoàn thành được trách nhiệm mà xã hội giao cho mình.
Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, các tác phẩm văn học hiện nay tuy phong phú và đa dạng và mặt đề tài nhưng vẫn thiếu hơi thở cuộc sống, ông trăn trở: Trong tác phẩm của mình các bạn có bỏ quên một bộ phận nhân loại đang đau đáu gửi đá và gửi máu ra biển đảo hay không? Các bạn có nói đến những ác mộng, những cơn mê sảng đau đớn tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần của những nạn nhân chất độc da cam hay không? Và các bạn có nói cho cư dân mạng biết có những cô giáo nhỡ nhàng duyên phận sau nhiều năm dạy học đơn chiếc ở vùng cao hay không?...
Theo nhà văn trẻ Meggie Phạm: Tuổi mười tám, đôi mươi, muốn sống một cách hăng hái, muốn tìm thấy lý tưởng để đốt cháy nhiệt huyết tuổi trẻ, đóng góp cho đời sống. Nhưng không dễ gì chúng tôi có cơ hội. Rất nhiều bạn bè tôi vốn là dân chuyên văn từ cấp ba, nhưng sau khi tốt nghiệp thì lại thi vào những khối, ngành khác, không phải vì không còn niềm đam mê văn chương mà chỉ sợ “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Đó là một thực tại.
Cùng trăn trở về vấn đề này, tác giả trẻ Miên Di bày tỏ: Văn chương không chỉ là những thước phim đặc tả, mà nó phải chứa đựng chìa khoá tư tưởng, để hoá giải những vấn nạn tồn tại trong cuộc sống. Tuy nhiên, người đọc hôm nay đang phải thưởng thức một thứ “văn chương ẩn nấp”, một thứ văn chương sợ hãi, một thứ văn chương ngồn ngộn ngôn từ, đỏm dáng đấy, hùng hổ đấy, nhưng chẳng dám đụng chạm đến cái gì cả. Hình như người viết trẻ đang sợ một điều gì đó, hình như chúng ta đang lo ngại không ai bảo vệ mình…và để bảo toàn, chẳng ai dám thò chính kiến của mình ra vì sợ bị quy chụp. Và khi chưa đủ độ sâu trong cảm quan xã hội, thì nhà văn chưa đủ sức đẩy tác phẩm lên tầm cao tư tưởng.
Theo báo cáo tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, nhiều năm qua, văn học đương đại thiếu vắng những thần đồng. Mặc dù, thế hệ viết văn trẻ hôm nay có nhiều thuận lợi, khi được sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước hoà bình và đang trên đà phát triển, có cơ hội được tiếp cận với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, của công nghệ thông tin, cuộc sống luôn mở đường và bảo trợ cho tài năng phát triển. Tuy nhiên, chỉ tài năng thôi thì chưa đủ, mà đòi hỏi mỗi cây bút trẻ phải có một tâm hồn, có niềm đam mê.
Nhà thơ Giang Nam bày tỏ, để tạo ra những “vụ nổ” trong tâm tư người đọc, thay vì những tiếng nổ lẹt đẹt bên ngoài cái vỏ ngôn ngữ cồng kềnh, sáo rỗng, những ngòi bút trẻ cần không ngừng hoàn thiện mình, học hỏi những tinh hoá của lớp trước bằng cách quy nạp các hình thức viết mới. Từ đó, mỗi người tự sáng tạo cho mình một phong cách viết sao cho mỗi văn phong là một cá tính, mới tinh đấy nhưng vẫn vừa vặn với văn hoá cảm thụ của tâm hồn người Việt Nam .
Thời gian vừa qua, Hội nhà văn Việt Nam đã và đang làm tốt vai trò “thắp lửa” trong việc phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ. Quan tâm sâu rộng đối với sáng tác của các tác giả trẻ là nhiệm vụ của BCH Hội và của các nhà văn thế hệ đi trước, góp phần tiếp sức cho những người đang và sẽ góp phần kiến tạo dòng chảy văn chương hôm nay và ngày mai. Trong công tác của Hội nhà văn Việt Nam đã có những động thái tích cực, ghi nhận các cây bút trẻ như việc kết nạp một số nhà văn, nhà thơ vào Hội. Qua những cuộc thi viết, Hội khuyến khích nhiều tác giả trẻ tham dự, báo Văn nghệ trẻ của Hội đã giới thiệu được nhiều hơn, phong phú hơn các sáng tác trẻ, gương mặt trẻ đến với công chúng…
Trước đây, các hoạt động văn chương của Hội nhà văn Việt Nam thường chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, nhưng hiện nay không gian diễn ra các hoạt động văn chương đã được mở rộng ra các vùng miền, địa phương khác nhau, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo. Qua đó tuyên truyền, động viên con em các dân tộc thiểu số tham gia sáng tác để phát hiện những nhân tố mới và có hướng phát triển, bồi dưỡng, để những cây bút trẻ mạnh dạn theo đuổi đam mê còn tiềm ẩn rất nhiều trong đồng bào và các nhà văn trẻ người dân tộc.
Trao đổi với chúng tôi về những dự định thời gian tới của Hội nhà văn Việt Nam trong việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng những cây bút trẻ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết: Một nền văn học trưởng thành là một nền văn học cộng sinh những tài năng khác nhau. Một nền văn học được làm giàu bởi tài năng của các thế hệ trẻ. Trong thời gian tới, Hội sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động nhằm “ươm mầm” những tài năng trẻ, chuẩn bị một đội ngũ kế cận hùng hậu cả về số lượng và chất lượng cho nền văn học tương lai.
Nguồn tin: TTXVN
Ý kiến bạn đọc