Hội thảo ‘Văn trẻ - nhận diện và phát triển’

Thứ sáu - 16/09/2011 05:37 2.390 0

Hội thảo ‘Văn trẻ - nhận diện và phát triển’

Ngày 10/9, trong khuôn khổ Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII đã diễn ra hai cuộc hội thảo thơ và văn xuôi với chủ đề: Thơ trẻ - dòng chảy và công chúng; Văn trẻ - nhận diện và phát triển. Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề thiết thực cho văn học trẻ.

Hội thảo văn xuôi

Mở đầu hội thảo văn xuôi nhà văn Nguyễn Khắc Trường có đặt ra gợi ý cho các cây viết trẻ viết về vấn đề “Tam nông”. Ngay sau đó các đại biểu đưa ra các ý kiến như một nhu cầu đòi hỏi bức thiết về các mảng văn học đề tài khác như: kiếm hiệp, kỳ ảo, trinh thám kinh dị, công nghiệp hoá… Câu hỏi đặt ra là: Liệu các đề tài đó có thực sự là nhu cầu của độc giả hay không? và liệu nhu cầu đòi hỏi đó có phải là “đơn đặt hàng” cho các nhà văn nói chung và văn trẻ nói riêng? Nếu câu trả lời là có thì nhà văn phải đáp ứng thứ văn học đề tài bao nhiêu cho đủ? Và không cẩn thận sẽ là “bài báo kéo dài”- theo lời nhà văn Đình Kính. Ông dẫn chứng tiếp: Năm 2003 đã diễn ra một cuộc bình chọn tác phẩm hay nhất mọi thời đại, và kết quả không phải là những tác phẩm kinh điển mà lâu nay chúng ta thường nhắc tới - mang trong mình đề tài lớn như: Chiến tranh và hoà bình, Thép đã tôi thế đấy… mà chính là tác phẩm Đôn - ki- hô - tê của Xecvantec đã minh chứng việc loại chủ nghĩa đề tài trong văn chương.

Cuộc sống dung chứa tất cả những gì đã và đang xảy ra ở bất cứ thời điểm nào lúc nào cũng phong phú, đầy hấp dẫn đủ để trở thành một đề tài lớn, bao quát cho các nhà văn khai thác ở một khía cạnh, một vỉa nào đó. Mỗi nhà văn hãy tự lựa chọn cho riêng mình một vấn đề, một đề tài yêu thích, phù hợp với khả năng, sở trường của cá nhân.

Đại biểu trẻ Mai Phương đến từ Bắc Giang truyền lại cho các nhà văn trẻ một lời khuyên: Hãy chọn một đề tài phù hợp với mệnh của mình sẽ thành công. Nhà văn Nguyễn Chí Trung góp thêm: Đề tài không quan trọng, nhưng nội dung và hình thức phải thống nhất với nhau.

Giải quyết xong câu hỏi mang tính đề tài này, nhưng lại đặt ra một câu hỏi khác mang tính muôn thủa của văn chương: Đề tài không quan trọng mà quan trọng là viết như thế nào? Vậy là vô hình chung, chúng ta - những người viết trẻ lại loay hoay đi tìm khái niệm “Viết như thế nào” để áp dụng vào trong thực tế. Có thể có một đáp án, một mẫu số chung, một công thức về “Viết như thế nào” cho tất cả những người viết trẻ để họ có thể thành công không?

Câu trả lời mang một thực tế là: KHÔNG!

Đồng tình với quan điểm này ngoài những nhà văn đã thành danh của thế hệ trước còn có đa phần các cây bút trẻ thuộc lĩnh vực lý luận phê bình, dịch thuật và một số viết văn xuôi.

Nếu quả thực văn chương có một công thức mang tính quy luật như vậy thì không còn là văn chương nữa và tất cả chúng ta sẽ dễ dàng trở thành nhà văn. Đề tài không thể xếp thứ hạng cho văn chương và càng không có đề tài sang trọng và đề tài kém sang trọng. Tất cả những đề tài mà nhà văn lựa chọn đều bình đẳng như nhau. Chỉ có giá trị nghệ thuật mới quyết định sự sống còn, cao thấp của văn chương. Đây cũng là điều giải toả cho các nhà văn trẻ, nhất là nhà văn sinh sống ở các địa phương. Họ thu nạp những gì xung quanh mình, có vẻ khác, có vẻ không hợp thời với cuộc sống đô thị ở các thành phố lớn nhưng không vì thế mà cảm thấy mình yếu thế hay lạc lõng. Mà càng vì thế, họ càng có một mảnh đất riêng để cày ải, khai phá mà không sợ bị lẫn vào ai. Nhà lý luận phê bình trẻ Ngô Hương Giang cho rằng, cái then chốt của văn chương không phải đề tài mà là khám phá những quy luật nhân bản, phản ảnh đúng đắn bản chất của văn chương.

Đi tìm chìa khoá cho người viết trẻ

Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ với các cây bút trẻ bằng chính câu chuyện của mình đã thất bại khi đến với văn chương như thế nào, ông kết luận: Văn chương không giống như các ngành khoa học, không có khuôn mẫu nào hết nhưng nhà văn lại có tác phẩm. Và chính đó mới là tài năng, là sự tạo lập vị thế của nhà văn trong xã hội. Và không có cách nào khác để làm được điều ấy ngoài nỗ lực cá nhân của người viết.

Cũng đi tìm “chìa khoá” cho cái gọi là “viết như thế nào”, nhà văn trẻ Nhã Thuyên cũng đồng tình việc mỗi cây bút phải tự tìm cho riêng mình cách viết và “tri thức đọc quyết định con đường viết như thế nào”.

Lâu nay chúng ta vẫn có một khái niệm: không thể đào tạo được một ai đó trở thành nhà văn chính là nằm trong mấu chốt vấn đề “viết như thế nào”.

Tại sao cùng một vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống mà có người nhìn thấy chỉ kể lại bằng miệng cho nhau, có người chỉ phán qua một cái tin báo chí bằng bao diêm, có người viết phóng sự dài kỳ, có người viết bút ký, có người dựng lên thành vở kịch, có người dựng lên thành bộ phim, có người viết thành một truyện ngắn và có người lại viết được thành một cuốn tiểu thuyết? Đó là vấn đề tri thức, tài năng. Và tất cả hoàn toàn là công việc tự nguyện, được hỗ trợ, được bảo hiểm bằng sự đam mê và những gì gạn đục khơi trong của từng cá nhân.

Như trên đã nói cuộc sống chính là nơi bao chứa mọi đề tài, mọi cảm hứng, mọi cách tiếp cận cho người viết. Tự nhận biết mình thích ứng như thế nào, với cái gì để từ đó tìm cho mình một lối đi. Trên con đường đó không ai cản bước, chỉ có tự mình dừng lại, quay lại. Nếu đi tiếp thì không thể không có những gian khổ, có chăng chỉ có người động viên mà không có người dẫn đường chỉ lối. Nói một cách thực tế hơn thì các cây bút trẻ phải tự tìm cho mình cách viết bằng sự thu nhận kiến thức học hỏi, tích lỹ, thực tế bên cạnh đam mê. Thực tế trần trụi của cuộc sống và cả tri thức từ sách vở của nhân loại để lại. Thực tế cuộc sống lúc nào cũng cần thiết nhưng các cây bút trẻ đừng băn khoăn rằng phải trải qua mới viết được. Tất cả chúng ta hoàn toàn có thể viết được về cái chết, về các hành tinh xa lạ bằng sự hư cấu, tưởng tượng trên nền tảng hiểu biết của từng người. Sự thành công của tác phẩm chính là sự thuyết phục độc giả tin vào cái mà chúng ta tưởng tượng.

Khi mới bước vào con đường văn chương không thể tránh khỏi những ảnh hưởng của “thần tượng văn học”, không thể tránh khỏi sự bắt chước, sự ám ánh. Nhưng để đi được đường dài, không có cách nào khác, mỗi người phải tự nhận ra đó là sự núp bóng và phải thoát ra. Phải tự tìm cho mình một lối đi riêng

Tạm kết thúc vấn đề này xin được dẫn lời nhà thơ Hữu Thỉnh nói với các nhà văn trẻ ở Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII: Bằng tác phẩm, các nhà văn trẻ hãy chính thức bước lên ngôi đền văn học. Tài năng không chỉ của riêng các bạn, mà của dân tộc. Cuộc sống, sự nghiệp, công chúng đang chờ các bạn. Mọi sự đang chờ các bạn.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây