Hai cuộc hội thảo chuyên ngành của Hội nghị viết văn Trẻ toàn quốc VIII

Thứ sáu - 16/09/2011 05:33 2.572 0

Hội thảo thơ trẻ

Hội thảo thơ trẻ
Hội nghị có hai ngày, và chỉ có đẫy một buổi dành cho hội thảo chuyên ngành, đó là nét quý của Hội nghị Trẻ lần này, khác với các Đại hội Hội Nhà văn gần đây. Điều đáng quý thứ hai là rất quan trọng, trở thành điểm nhấn của Hội nghị là những vấn đề về văn trẻ, thơ trẻ được đặt ra phong phú, đa dạng và khá trực diện. (Có nhà văn lão thành đã nói cảm tưởng rằng, các bạn trẻ ở hội thảo đã nói thật, không tự biên tập như tham luận viết sẵn đọc trên hội trường nên rất bổ ích!) Điều đáng quý thứ ba là các đại biểu trẻ biết lắng nghe nhau, nghe để tranh cãi lại chứ không vỗ tay ngắt giọng nhau, nghe để thấu hiểu và nẩy sinh những ý tưởng của riêng mình. Đây lại là điều không thấy ở Đại hội Hội gần đây?

THƠ TRẺ - DÒNG CHẢY VÀ CÔNG CHÚNG

Tại Hội thảo Thơ Trẻ, chúng tôi có một phát hiện thú vị: Chủ tịch và hai Phó chủ tịch Hội Hữu Thỉnh, Lê Quang Trang, Nguyễn Quang Thiều đều là nhà thơ và cùng hiện diện. Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Bằng Việt chủ trì Hội thảo cùng Phan Huyền Thư, Nguyễn Danh Lam đại diện Ban Nhà văn Trẻ. Nhà thơ trẻ Trịnh Sơn làm thư ký hội thảo.


Nhà thơ Bằng Việt phát biểu đề dẫn tại Hội thảo thơ trẻ

Nhà thơ Bằng Việt phát biểu đề dẫn: Thơ đồng hành cùng tuổi trẻ, thuộc về tuổi trẻ; không có thơ già thơ trẻ, thơ hay không có tuổi. Các nhà thơ cao tuổi ngồi đây đều đã dành cả tuổi trẻ đến với cuộc chiến tranh ác liệt và từ đó mang thơ về. Chế Lan Viên làm những bài thơ già dặn ngay từ năm 16 – 17 tuổi, cho nên không nên có mặc cảm già bảo thủ, trẻ cách tân dẫu hình như có vẻ như vậy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh cao vọng của trẻ là quan trọng, cần có chí vươn cao hơn người đi trước vài xăng ti mét, Lứa chúng tôi làm thơ với trách nhiệm công dân, do thời đại yêu cầu; cái đó có mặt hạn chế nhưng cũng khiến thơ vạm vỡ những khát vọng cao đẹp của xã hội. Sau khi dẫn những ánh lóe thiên tài của hai nhà thơ trẻ, Bằng Việt hy vọng “chúng ta, các thế hệ vẫn đồng hành đi tìm những ánh lóe của thiên tài, những câu thơ sẽ còn lại mãi.”


Nhà thơ trẻ Hoàng Chiến Thắng phát biểu tham luận

Hoàng Chiến Thắng (dân tộc Tày ở Bắc Kạn): Tôi đặt tham luận tên là Hành trình lửa, lửa đam mê, lửa nhiệt tình những cũng có nghĩa thiêu cháy cả đời người. Để nhận diện mình cần có hành trình lửa. Hầu như mọi tứ thơ, mọi cách thức đều đã được viết, vậy ngưởi trẻ viết cái gì để khỏi đi dưới cái bóng người đi trước? Đó là những thách thức nghiệt ngã, là hành trình lửa của thế hệ tôi dù chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn cha anh.

Vũ Quần Phương: Các bạn chuyên nghiệp trong đặt vấn đề bàn nhưng còn hơi lý thuyết. Cần học cách mổ gan khô của GS Tôn Thất Tùng, cứ làm đi, không tuyên ngôn, rồi sẽ có lý thuyết, thậm chí là lý thuyết quan trọng góp cho nhân loại như GS Tùng. Tôi phục nhất các bạn hôm qua sống thế nào mai có thơ như thế ngay, như “bưng” từ cuộc sống vào. “Cứ tự nhiên mà đi rồi sẽ thành người.”

Nguyễn Danh Lam: Cuộc hôm nay là của chúng ta dù có những bác già, những bác già đến với quá khứ trẻ của họ và làm giầu có thêm cho chúng ta.

Nguyễn Phong Việt: Những trải nghiệm của tôi may mắn thành được thơ và tôi đẩy lên mạng, được các bạn đồng cảm. Nhiều fan tôi không biết mặt đã chia sẻ, càng viết, tôi quan tâm đến câu chuyện của bạn bè, trên mạng thì nhiều fan thích hơn.

Trương Hồng Tú: Bạn đọc văn thơ trên mạng không nhỏ đâu, đặc biệt là bạn trẻ; tôi yên tâm là bạn đọc không thờ ơ với thơ, chỉ có nhà thơ thờ ơ với cuộc sống. Thơ ca chịu được va đập ác nghiệt của cư dân mạng thì đến được thế giới.

Quân Tấn: Tôi làm thơ đọc cho cha mẹ bác ba chú tư nghe, họ vui lên chút chút khiến tôi cũng vui nhưng mười năm không ai biết đến tôi. Tôi đưa thơ lên internet được bạn đọc khen, thích lắm. Vậy tôi chọn ai đây? Cha tôi bảo không thể bắt cá hai tay nên có lẽ rồi tôi sẽ phải chọn thôi, tôi muốn thơ có ích. Tôi cũng sẽ tham gia hành trình lửa của Hoàng Chiến Thắng và sẵn sàng thành… tro vì thơ, vì thơ làm bác ba chú tư vui.

Tuệ Nguyên (dân tộc Chăm): Tôi khó và không muốn thành người của công chúng, tôi chỉ làm cho mới tôi, đã rất hạnh phúc.

Trịnh Sơn: Cứ tự là công chúng của mình, rồi sau, như cái cây xanh khác lạ ở Đền Hùng có tên Cây máu chó lá nhỏ; căn cứ vào chất cây mà đặt tên, sau thì cứ nhìn sắc lá mà thấy chất thấy tên trong cánh rừng bạt ngàn ngôn ngữ ký tự.

Hoa Níp: Tôi học giao thông vi xử lý, không liên quan đến văn học theo “quy hoạch” của cha mẹ. Tôi làm thơ 15 năm không dám cho cha mẹ không biết, khi tra google từ khóa các nhà thơ Vũng Tầu thấy tên Hoa Níp, tra tiếp nhân thân mới biết đó là con trai mình. Vâng, đam mê và đánh đổi!

Võ Mạnh Hảo: Tôi cảm thấy mình được an ủi khi những bài thơ trên mạng của mình được chia sẻ.

Bùi Thị Ngân: Là giáo viên văn tôi thường sưu tầm những bài thơ của các nhà thơ địa phương, từ đó cho các em hiểu được về các tác giả gần gũi với mình. “Thơ đến với công chúng trước hết là những người gần gũi với mình nhất”.

Bằng Việt: Internet là phương tiện nhưng cũng phải biết chọn lựa. Cần có trách nhiệm khi đưa tác phẩm lên mạng vì sức lan truyền chóng mặt.

Phan Huyền Thư: Người viết trẻ nên đặt câu hỏi “Chúng ta đi đến đâu”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Vật ngã sự chán nản, vật ngã sự bất hạnh sẽ tìm ra một điều gì đó. Làm thơ mà thấy “ám” vào mình đã là thành công.

Trần Hoàng Thiên Kim: Thơ chỉ đến khi có cảm xúc trong tâm hồn.

Nguyễn Quang Hưng: Cần đặt lại quan niệm về trách nhiệm công dân. Hướng tới đề tài phải tạo ra “môi trường” trong tác phẩm để người viết cảm nhận được. Trong tương lai nên hướng tới nhiều hoạt động thực tế cho người viết. Khi chúng ta đi hết văn hóa của dân tộc mình sẽ gặp thế giới.

Đỗ Thượng Thế (Quảng Nam): Thơ không mang sứ mệnh nào ngoài sứ mệnh tự do. Thơ nên cần tuyên ngôn để “chủ quyền” lãnh thổ văn chương. Công chúng bây giờ cũng đã đòi hỏi “viết thế nào” nhiều hơn là “viết cái gì”.

Phạm Văn Vũ (Thái Nguyên): Muốn được các nhà văn đi trước ngoài việc chỉ cho người viết trẻ viết thế nào thì còn được hướng đến việc “sống thế nào”. Đó còn là nỗi băn khoăn của người viết trẻ.

Hoàng Thanh Hương (Gia Lai)Tuổi trẻ thường tràn đầy hạnh phúc, để thơ những người trẻ có thể đến với công chúng, ngoài đề tài tình yêu nên hướng đến cuộc sống với những con người, tập tục cụ thể với những điều giản dị.

Vi Thùy Linh: Dù cô đơn là điều kiện cần thiết của người sáng tạo nhưng người viết cũng cần sự kích thích, những cuộc vui, những sự cộng hưởng để sáng tạo.

VĂN TRẺ - NHẬN DIỆN VÀ PHÁT TRIỂN

Hội thảo Văn xuôi Trẻ do nhà văn Nguyễn Khắc Trường – Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội NVVN chủ trì, hai Phó ban Nhà văn trẻ do nhà văn Nguyễn Đình Tú và Phong Điệp cùng điều hành buổi hội thảo.

Sau màn tự giới thiệu bản thân, các đại biểu đã có những thông tin cụ thể hơn về bạn văn chương của mình. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường mở đầu cuộc trao đổi, trò chuyện về văn chương bằng lời đề dẫn có tính khái quát, đánh giá hiện trạng văn học trẻ Việt Nam trong những năm gần đây. Đồng thời, ông cũng gợi mở những vấn đề cần bàn luận như: Đề tài sáng tác, thái độ lao động nghệ thuật, quan niệm về nghề văn…

Đoàn Minh Tâm (đoàn quân đội): nêu lên những quan ngại về văn học trẻ hôm nay, trong đó có những điều được nhấn mạnh: Các nhà văn trẻ hiện nay dường như đang ngại viết. Với cương vị một người làm công tác phê bình, anh bày tỏ nỗi lo lắng khi người viết “ngại viết” thì nhà phê bình cũng không có gì để làm. Anh thẳng thắn thể hiện sự “sốt ruột” trước sự chậm trễ về tốc độ lao động cũng như sự hạn hẹp về đề tài của văn học hiện nay (nêu ví dụ: chúng ta đang thiếu hẳn mảng văn học trinh thám, kì ảo, kiếm hiệp, lịch sử…)

Nguyễn Thị Minh Ánh: “…Công nhân là lực lượng công chúng đông đảo của văn học thì hầu như có quá ít tác phẩm viết về họ. Bên cạnh đó, văn học chưa đến được với các bậc làm cha làm mẹ để có thể phát huy cao hơn nữa tính giáo dục trong gia đình.”

Tống Ngọc Hân (Lào Cai): “Người viết trăn trở về đề tài nào một cách nghiêm túc thì sẽ có được những quan sát, chiêm nghiệm và thể hiện thành công đề tài đó. Tôi sinh ra ở miền núi Phú Thọ, hiện đang sinh sống tại vùng núi Lào Cai, vì thế, tôi yêu miền núi, tôi luôn có ý thức sống với miền đất gắn bó với mình bằng tất cả tâm hồn và trái tim, điều này cũng có thể coi như tôi “an phận” với vùng đất mình thân thuộc và không ân hận về điều đó. Tôi tin mình sẽ thành công với đề tài mình lựa chọn.”

Trương Quý (Hà Nội): “Tôi không đồng ý với Đoàn Minh Tâm về nhận định rằng chúng ta đang ít truyện trinh thám, kì ảo, võ thuật… mà chỉ là chúng ta chưa đủ sức đọc hết mà thôi. Và muốn nói thêm với Tống Ngọc Hân về đề tài: dù đề tài nào đi nữa thì văn phong cũng không kém phần quan trọng. Với cương vị người làm biên tập, tôi nhận thấy có những cuốn sách tưởng như rất bình thường lại có thể trở thành “best seller”, điều này khiến tôi đặt ra câu hỏi về “gu” thẩm mỹ, về thị hiếu của người đọc hiện nay: thật sự người đọc đang cần gì?”


Nhà văn trẻ Uông Triều phát biểu tham luận

Uông Triều (quân đội): “Sáng hôm qua, khi nghe những tham luận của các bạn, tôi rất chú ý đến vấn đề “trải nghiệm” trong quá trình sáng tác. Theo tôi, không nhất thiết là cứ phải trải nghiệm  mới viết được, nhà văn nên sáng tạo ra thế giới nghệ thuật riêng qua cách nhìn của mình. Giới trẻ đang “tung hoành” quá nhiều những thể nghiệm cũng là chuyện rất bình thường, độc giả sẽ chọn lựa tác phẩm theo nhu cầu thẩm mỹ của họ, cái gì có giá trị đích thực sẽ tồn tại được, nếu không sẽ bị đào thải. Chính vì thế, mong các nhà văn lớp trước đừng quá “sốt ruột” rằng chúng tôi phải viết thế này, thế kia mới là đúng hướng, mới là thành công. Tuổi trẻ đã và đang làm được khá nhiều việc, đóng góp trong trách nhiệm của mình đối với văn học cũng như sự phát triển chung. Mong rằng các bậc đi trước trong nghề hãy yên tâm và tin tưởng vào tuổi trẻ.”

Ngô Hương Giang: “Nhà văn đồng thời phải là một nhà khảo cổ, tìm kiếm và nắm bắt được quy luật nhân bản – đó là then chốt của văn chương…”

Vi Thị Thu Đạm (dân tộc Tày): “Người trẻ hiện nay đọc và viết được nhiều thứ. Những lý luận phê bình Việt Nam nói chưa đúng vấn đề của văn học trẻ (nhưng vẫn còn chấp nhận được), và LLPB VN chưa nói thật, theo nghĩa chưa nói đến tận bản chất của vấn đề. Đó chính là nguyên nhân văn học trẻ chưa thể có đỉnh cao”

Di Li nói về lợi thế xuất bản rộng rãi hiện nay, bên cạnh những thuận lợi là sự thách thức: người viết làm thế nào để tác phẩm của mình không chỉ phát hành rộng mà còn phải “sống” được lâu dài.

Trần Minh Thuận (ĐBSCL): bày tỏ nỗi buồn về sự thiếu vắng của những cuốn văn học sử. Là một giáo viên dạy sử, anh thấy vô cùng khó khăn khi giới thiệu cho sinh viên tìm đọc những cuốn sách viết về lịch sử một cách thuyết phục đối với người đọc. Điều này lý giải vì sao kỳ thi đại học vừa qua chúng ta phải chứng kiên hàng ngàn điểm 0 của môn Lịch sử.


Nhà văn trẻ Nie Thanh Mai phát biểu tham luận

Niê Thanh Mai (Đăk Lăk): “…Sự vận động của chính bản thân người viết quan trọng hơn mọi khen chê. Các tác giả trẻ địa phương không nên mang mặc cảm mình là người viết ở tỉnh lẻ, mà các bạn phải vận động gấp 2 gấp 3 lần so với người sống và viết ở các thành phố lớn. Tôi tự cảm thấy mình đã dần chai mòn cảm xúc, và cách cân bằng của tôi chính là học hỏi người trẻ, học ngay từ những học trò của mình…”

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: vui vẻ kể về những lần thất bại khi còn trẻ: thất bại trong âm nhạc, trong hội họa và cả với văn chương. Cuối cùng, chọn lựa làm một nhà khoa học đã mang đến cho ông ý nghĩa sống. Theo GS, mỗi người hãy vận động, tìm tòi, học hỏi, rèn luyện để trở thành chính mình – cá thể duy nhất, khác biệt trong thế giới này, đó chính là hạnh phúc, là sự thành công lớn nhất, nhà văn cũng không ngoại lệ….

11h30, nhà văn Nguyễn Khắc Trường tổng kết: buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với những ý kiến nhiều chiều, các đại biểu và khách mời đều rất nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở khi trình bày quan điểm của mình cũng như khi phản biện ý kiến của người khác. Đây là một thành công hết sức tốt đẹp.

Tác giả: VC - PL

Nguồn tin: Hội Nhà văn VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây