Nhà thơ trẻ tìm đường đến công chúng

Thứ tư - 14/09/2011 00:03 2.299 0

Trương Hồng Tú, 21 tuổi, tác giả tập thơ Tự thoại, nói về việc phổ biến thơ qua mạng xã hội.

Trương Hồng Tú, 21 tuổi, tác giả tập thơ Tự thoại, nói về việc phổ biến thơ qua mạng xã hội.
Trong khi Trương Hồng Tú tự tin với lượng độc giả trên mạng, Quân Tấn lại chọn những độc giả nông thôn 'chân lấm tay bùn'. Tọa đàm 'Thơ trẻ - Dòng chảy và công chúng' sáng 10/9 trong Hội nghị viết văn trẻ lần 8 ở Tuyên Quang là buổi trò chuyện thân tình.

Buổi tọa đàm do nhà thơ Bằng Việt làm chủ tọa, hai nhà thơ Phan Huyền Thư và Nguyễn Danh Lam dẫn dắt nội dung trò chuyện. Trước tọa đàm, nhiều đại biểu đã bày tỏ hy vọng có tranh luận, nhiều ý kiến trái chiều để có sự đổi mới so với buổi đọc tham luận, lắng nghe một chiều vào hôm 9/9.

Phát biểu đầu buổi, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng trong các tham luận hôm trước, các cây bút trẻ đã chứng tỏ sự chín chắn và chuyên nghiệp trong cách đặt vấn đề, nhưng cách nói còn nặng về lý thuyết. Ông mong muốn họ đi thẳng vào vấn đề và bày tỏ những suy nghĩ cụ thể nhất của mình, chia sẻ những câu chuyện gần gũi về cuộc sống, con đường thơ ca và những trăn trở của chính họ.

Tọa đàm thơ trẻ tập trung xoay quanh đề tài: con đường đi tìm công chúng của thơ hiện nay, với những quan điểm khác nhau từ góc nhìn khác nhau, thậm chí là trái ngược, của các đại biểu ở nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh sáng tác. Nhiều cây bút đứng lên kể câu chuyện của mình, cách mình tìm kiếm công chúng và tạo được sự đồng cảm đối với các đồng nghiệp.

Hoàng Chiến Thắng (Bắc Kạn), người dân tộc Tày, sống ở miền núi còn Quân Tấn (Cần Thơ) sống ở nông thôn, đều là những nơi không có điều kiện thuận lợi để tiếp cận tri thức bằng các đồng nghiệp ở thành phố. Trong khi đó, Nguyễn Phong Việt (TP HCM) và Trương Hồng Tú (Hà Nội) lại là những nhà thơ trẻ rất quen thuộc với môi trường văn chương trên mạng, thậm chí Nguyễn Phong Việt chủ yếu đăng thơ trên trang Facebook của anh và có một nhóm độc giả thường xuyên trên mạng.

Về công chúng trên mạng, nhà thơ Phan Huyền Thư đặt câu hỏi phản biện, rằng liệu số độc giả mạng đó chiếm bao nhiêu phần trăm dân số Việt Nam, bao nhiêu phần trăm công chúng yêu văn chương, có đủ nhiều để tác giả trẻ tự tin là có công chúng hay không. Với câu hỏi này, nhà thơ 21 tuổi Trương Hồng Tú khẳng định: “Số lượng độc giả trên mạng rất đông đảo”. Cô cho rằng, các tác phẩm thơ trên blog, Facebook, trang cá nhân thậm chí có thể dễ dàng đến với công chúng hơn nhờ sự tiện dụng của mạng Internet. Các tác phẩm in không có được lợi thế đó.

Nhà thơ trẻ Y Việt Sa không phát biểu mà chỉ chăm chú lắng nghe trong tọa đàm.

Trong khi đó, nhà thơ Quân Tấn lại khá xa lạ với đối tượng độc giả mạng. Anh chia sẻ: “Nghề chính của tôi là làm ruộng. Bạn Tú, bạn Việt có thể sử dụng máy tính rất thành thạo, còn tôi trước đây chỉ làm thơ và đọc cho bố mẹ, cho bác Ba ông Tư cạnh nhà nghe. Sau đó, tôi cũng tập tành dùng máy tính để đăng tác phẩm lên mạng và bắt đầu được biết đến. Nhưng tôi băn khoăn việc lựa chọn giữa hai đối tượng độc giả. Tôi tự hỏi những điều những người nông dân ở quê tôi muốn nói, ai sẽ nói cho họ. Tôi muốn viết những bài thơ giúp họ quên đi mệt nhọc sau một ngày làm việc. Vì thế, tôi không bao giờ rời bỏ những người nông dân chân lấm tay bùn ở quê tôi”.

Nếu như Quân Tấn có sự ủng hộ của gia đình, nhà thơ Hoa Nip (TP HCM) lại thổ lộ từng bị bố mẹ cấm làm thơ. “Ba mẹ từng nói với một tờ báo là đừng đăng thơ tôi nữa để tôi chuyên tâm học đại học, tình cờ tôi nghe được điều này. Tôi đi học đại học, học rất nhiều ngành nghề, nhưng rồi vẫn trở lại với thơ. Mẹ tôi là giáo viên dạy văn ở Vũng Tàu. Một lần, bà yêu cầu học sinh tìm tác phẩm của các nhà văn gốc Vũng Tàu. Các em lên Google tìm và thấy có Hoa Nip, mẹ tôi mới hỏi học sinh Hoa Nip là ai. Khi biết lý lịch, bà mới vỡ lẽ người này chính là con trai bà. Tôi làm thơ ở nhà 15 năm, ba mẹ tôi không hề hay biết”.

Hoa Nip là đại biểu nổi bật của đoàn TP HCM năm nay. Anh được nhiều đồng nghiệp chỉ mặt, điểm tên khi tham gia các sự kiện trong Hội nghị.

Nhà thơ Phan Huyền Thư (trái) và Quân Tấn, nhà thơ làm nghề ruộng.

Sau các chia sẻ, nhà thơ Phan Huyền Thư nhắc lại ý kiến được nhiều người đồng tình của nhà thơ Vũ Quần Phương: "Các nhà thơ trẻ đã tạo thành một lực lượng nhưng nếu đứng một mình, mỗi người vẫn không đủ mạnh để trở thành một cái gì lớn lao, chỉ khi tập hợp lại họ mới tạo thành một tập thể đáng chú ý. Vì thế, nhà thơ trẻ phải nỗ lực để làm sao khi không đứng cùng đám đông, mình vẫn đủ mạnh mẽ để tồn tại, vẫn đủ để tạo một dấu ấn".

Tọa đàm thơ trẻ là một trong hai chương trình chính của Hội nghị viết văn trẻ lần 8, bên cạnh tọa đàm Văn trẻ - Nhận diện và phát triển được tổ chức đồng thời, sáng 10/9 tại Tuyên Quang.

Tác giả: Pham Mi Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây