Thẳm

Thứ ba - 24/08/2010 00:37 2.571 0
Tôi không thể quên được ngày ấy, ngày tôi thấy ba chở một người phụ nữ trên đường.

Người phụ nữ có làn da mỏng manh và gương mặt ướt. Đêm về qua cửa sổ có mùi hoa mộc hương, tôi nằm trong bóng tối, nghe rõ cả tiếng kèn kẹt của chiếc xe chở rác hoen gỉ. Tiếng cô giúp việc gọi con mèo nhỏ về ăn tối thành điệp khúc hằng đêm, như chỉ nghe tiếng gõ chén ấy thì tôi mới nhắm mắt được vậy và trên gác hai, tiếng chân cô Út tôi quăng quờ trong đêm, buồn bã, vô hạnh.

Tôi dậy sớm, cắt một bó những nhành violet lai, tuốt lá gốc rồi cắm vào cốc thủy tinh chếch ngược bên ô cửa sổ hình vuông. Cứ ba ngày một, tôi thay hoa khác. Nhà tôi trong hẻm, sau nhà có một mảnh vườn hoang tím ngát màu cúc dại, mộc hương, hoa cỏ lào và rau má. Tôi yêu chúng vô ngần. Khi tôi đã lớn, nhiều hôm nhà vắng tôi len lén ra đó, ngồi bên tổ kiến già nua mà chủ nhân của nó luôn đi vắng hay đã vùi thân sau một trận mưa đêm. Hái đầy tay những nụ cỏ nụ hoa, tôi rời xa hẳn những hỗn tạp âm thanh thành phố.

Dáng ba tất bật dắt xe ra khỏi cổng, mẹ lật đật chạy ra với mũ bảo hiểm trên tay. Tôi muốn nhắm mắt trước cử chỉ chăm phụng, tuân phục của mẹ mà không được.Tôi uất khan trong lòng, ba có người khác, ba là như thế sao, chỉ chừng đó sao. Tôi đóng sập cánh cửa sổ, nghe tiếng chân trần thình thịch dọc cầu thang, cô Út hét gọi ba bằng giọng nhéo nhẳng vỡ òa ở âm cuối:

 

- Anh Hai! Anh Hai! Tiền này không có ông Hồ, không có ông Hồ không tiêu được anh Hai ơi!

Và giọng vỗ về trầm tĩnh đến kỳ lạ của ba:

- Út cần tiền để làm gì? Thích gì anh mua cho, giữ tiền không cẩn thận lại mất.

Sự trí trá đôi khi được giải thích một cách hợp lý và ngắn gọn như vậy đó, tôi chua chát nghĩ. Cô Út đâu có gọi tên được đồng tiền giả, và ba thản nhiên sắp đặt không cần lý do. Không biết ba thủ thỉ gì mà cô Út lại lủi thủi vào nhà, những bước chân chấp nhận như hàng ngàn lần khác hòa với ngột ngạt tiếng nổ máy xa dần.

- Su ơi! Út đói! Út đói! Su ơi!

Tiếng cô nheo nhéo, dỗi dằn. Thật lạ vì bao năm nay, từ hồi tôi mười tuổi khi ba mẹ đón tôi từ nhà nội lên phố, cô đau nặng vậy mà đôi lúc vẫn nhận biết mọi sự tỉnh táo cứ như là giả vờ vậy. Tôi tự đập đầu vào tường vì ý nghĩ tàn nhẫn của mình, mở tủ lạnh lấy đồ ăn mang ra bàn cho cô. Cô đang nghịch bông bưởi còn khép nụ, ngước lên nhìn tôi, nét mặt thanh thản và tươi tắn lạ thường như chưa có vụ ba đưa cho tiền giả vậy. Tôi tắt nguồn điện thoại, dắt xe ra ngoài, cô chạy theo níu lại.

- Su đi đâu? Đi đâu đó? Cho Út đi với, Út canh xe cho Su!

- Sao Út khôn dữ vậy? Bày đặt canh xe cho Su, Su hổng cần.  Su đi có công chuyện, Út vô nhà chơi ngoan đi! Lát về Su mua quy gừng cho!

- Không! Út hết thèm quy gừng rồi! Cho Út theo với mà! Năn nỉ Su đó! Su à!

Tôi bực tức gạt tay cô Út ra, đề máy xe phóng vút đi, bỏ lại đằng sau một lô những vạ vật thường nhật của cô và tiếng dỗ dành cũng đã trở nên đơn điệu của cô giúp việc.

Gửi xe, tôi men theo cầu thang tối lên căn phòng sắp đặt ngẫu hứng của Khang, vừa đi vừa rủa thầm chốn keo xỉn diện tích này. He hé cửa, tôi nhìn thấy đôi dép lưới màu nâu được dẹp sang bên và một giọng người trầm ấm đến kỳ lạ. Khang không ở một mình, tôi thấy lạ vì mọi lần chỉ có tôi năng ghé thăm, bạn bè thì Khang chỉ hẹn ngoài hàng. Tôi gõ cửa. Khang ra, nắm gọn những ngón tay nhỏ xíu của tôi kéo vào.

Một người đàn ông có mái tóc dài, khá thẳng nhưng tôi dám khẳng định là tóc tự nhiên. Anh nhìn tôi khẽ gật đầu. Và tôi thấy rõ mắt anh rất đẹp, màu nâu, sâu thẳm. Tôi ngồi xuống tấm đệm nhung vuông vắn màu hồng phai với bàn tay vẫn được giữ chặt trong tay Khang.

- Anh Viễn, bạn anh. Phương! Anh Viễn à!

Anh nhìn thẳng vào tôi cười hiền hậu, đặt vào tay tôi chén trà ấm. Chúng tôi nói chuyện thoải mái về những bìa sách của Khang. Anh cũng vẽ bìa, giờ đã vẽ ít hơn nhưng tôi vẫn thấy quen tên anh dưới những bìa sách của một nhà xuất bản  đang lên, những bìa sách có hình những con chữ như nhú lên từ những bờ đất gầy màu cỏ úa. Anh về, Khang tiễn ra cửa, mình tôi ngồi lại cảm giác mình bần thần như đang mượn cảm xúc của người khác. Đếm bông hoàng lan sáu cánh cong cong như ngón tay út điệu đà ngoài cửa sổ, muốn chạm tay vào quá chừng. Khang trở vào, áp môi lên trán tôi.

- Sao Su buồn vậy?

- Anh Viễn về rồi à!

- Ừ, về rồi. Anh bảo Su dễ thương lắm đó!

- Ảnh bạn với Khang hồi nào mà giờ mới thấy vậy?

- Cũng lâu rồi, anh em đồng nghiệp mà. Gặp nhau ở mấy hội thảo, thấy nói chuyện hợp gu, thế là thân. Su đói không? Mình đi ăn gì đi?

Tôi khe khẽ lắc đầu, chắc bộ dạng thiểu não lắm. Khang đặt nhẹ tay lên trán tôi, rồi ôm cả mái tóc dài buồn bã.

- Su sao vậy? Su đau ở đâu? Nói Khang nghe.

Tôi dụi đầu vào ngực Khang lúc lắc đầu, không nói. Khang không hỏi thêm. Chúng tôi cứ ngồi lặng im như thế  đến lúc tôi ngủ quên lúc nào không hay.

Khuya vừa chạm ngõ, tôi bưng bát xúp kề môi, nghe đắng trên đầu lưỡi. Tôi nói muốn về nhà, cay đắng nhận ra mình vẫn chưa thể xa được nó. Úp mặt trên lưng Khang, tôi khóc. Nửa hẻm, tôi giục Khang về, anh không chịu, bỏ mặc chiếc xe tróc sơn, dẫn tôi vào.

Mẹ chờ tôi ở cổng, cái cổng viền giàn hoa giấy lỗi mùa. Khang chào, mẹ không đáp lời, nghiêm khắc nhìn tôi. Tôi nói với Khang, giọng khô khốc:

- Em vào nhà đây. Mai gặp.

Rồi mặc kệ anh, mặc kệ mẹ, tôi vào nhà.

Đón tôi không phải là ba mà là cô Út. Cô ngồi bệt dưới đất, một tay gác lên thanh đặt tay của ghế bành, nghịch với con mèo trắng tròn tũn. Tôi có cảm giác cô dõi theo từng bước chân của tôi, ánh mắt có lúc dài dại, có lúc sắc xoẹt như cứa cái gót hồng tròn trĩnh của tôi. Tôi đóng sập cửa, mở toang cửa sổ, nhìn ra màn đêm nhung mị. Tiếng bước chân nhẫn chịu mặc định của mẹ.

- Mẹ! Ba vẫn chưa về sao?

- Con đi đâu suốt ngày hôm nay?

Tôi nhìn sâu vào mắt mẹ, thầm nghĩ ngày xưa mẹ có từng đi với một ai đó về khuya như tôi không nhỉ. Nếu con gái tôi sau này cũng như tôi, tôi biết nói với nó sao đây. Tôi không muốn mẹ buồn, thật sự. Và tôi biết rõ mẹ sẽ không hỏi gì thêm, khi tôi không muốn trả lời hay vì mẹ đã có câu trả lời, tôi không biết nữa. Tôi thương mẹ vô cùng, đến nỗi có cảm giác như ba đã phản bội tôi vậy. Bước chân mẹ về phòng sau cánh cửa khép nhẹ, vẫn nhẫn chịu như từ xưa vẫn vậy.

Lại một buổi sáng, trong ngái ngủ tôi nghe tiếng chân cô Út chạy sầm sập xuống cầu thang, nhưng lại mở cửa phòng tôi rất khẽ.

- Su à! Cho coi cái này hay lắm! Hay lắm nè!

Tôi he hé mắt, bỗng dưng muốn giả vờ tò mò bí mật của cô như một cách chuộc lỗi cho hành động thô bạo hôm qua. Cô Út quơ quơ một tấm hình trước mặt tôi, loáng thoáng gương mặt ba tôi và nhiều người khác, lẫn giữa quen lạ ấy là một gương mặt ướt. Tôi giật lấy tấm hình trên tay cô Út. Ba tôi không đứng cạnh người đó. Tôi ném nó ra ngoài cửa sổ, mặc cô Út trợn tròn mắt, tôi kéo xệch đôi dép bông vào toilet.

Tan trường, Khang chờ tôi ở cổng. Anh đưa tôi đi Garden Café, bảo Viễn đang chờ. Tôi ngồi sau xe anh, bất chợt đưa ngón tay cái lên gần miệng và thổi, một cách vận dụng mẹo vặt chữa hồi hộp. Chúng tôi đi dưới tán lá rợp dẫn vào góc quán quen thuộc. Hai mái đầu đang chờ, có một mái tóc con gái, tôi cảm thấy mình như người hụt hơi, bước chân muốn chững lại. Hai mái đầu cùng quay lại, tôi không nhìn Viễn, chỉ nhìn một gương mặt ướt. Tay tôi bỗng lạnh đi. Tự kéo ghế ngồi, tôi không thể không mỉm cười.

Nga là tên người đó và không cần giới thiệu, nhìn vào mắt Viễn tôi biết anh có mối quan hệ đặc biệt với Nga. Nga cũng có đôi mắt thẳm, tóc đen và mềm, nói chuyện hơi điệu và tỏ ra ngây thơ. Tôi cảm giác cô là người sắc sảo, sắc sảo hơn nhiều so với tuổi của mình. Bên cạnh cô, nét nhân trung sâu của Viễn dường như khổ hạnh thêm. Mọi người nhấm nháp cà phê và tán chuyện một cách sôi nổi, chỉ có tôi ít nói hơn thường ngày, dốc từng ngụm qua cuống họng, vô cảm, mà không cần đường. Khang nhìn tôi lạ lùng. Chắc anh nghĩ tôi phiền lòng vì chuyện chạm mặt với mẹ tối qua. Mặc, tôi không giải thích, mặc dù trên đường về anh gặng hỏi.

Chuyến đi thực tế với một nhà xuất bản tách tôi ra khỏi Khang. Một chiều nắng đẹp, bước ra từ thư viện tôi nhìn thấy Viễn bên kia đường. Viễn chạy xe chở tôi chầm chậm trên phố. Chúng tôi lang thang trên phố ăn đêm, phố sách, nụ cười làm tôi phút chốc quên đi ánh mắt khi anh nhìn gương mặt ướt. Viễn đưa tôi về khi chúng tôi đã thấm mệt. Xe anh khựng lại trước hẻm vào nhà tôi.

- Nhà em trong này?

- Dạ. Sao anh?

- À, không!

Tôi thoáng thấy vai Viễn khẽ run lên khi tôi bảo anh dừng ngay sát cổng. Một bóng người nhỏ nhắn ngồi trên cái bệ ximăng ghép kiểu cạnh gốc hoa giấy già cỗi. Không phải mẹ tôi. Tiếng xe đánh thức bóng người. Là Út tôi. Cô ngước mắt thẳng về phía đèn xe. Và đôi mắt bỗng dại đi. Viễn cũng nhìn như bị đóng đinh vào mắt cô, thẳm nhức.

Tiếng máy nổ ngột ngạt, là tiếng xe quen thuộc bao năm nay của ba tôi. Hai ánh đèn rọi thẳng vào nhau. Ba tôi cũng nhìn trân trân vào Viễn. Bốn người chúng tôi đứng dưới gốc hoa giấy, xác rụng đầy, không ai nói một lời. Ánh mắt ba nhìn tôi như một dấu hỏi lớn có hình câu liêm, ngoặc xuống. Ông tắt máy, ôm lấy bờ vai mỏng đang dần rũ xuống của cô Út, nhìn Viễn khô khốc:

- Người ta nói nó bị điên tình. Mười năm nay như cái xác không hồn, khi tỉnh khi mê. Tội tình ướt mặt!

Ba lại nhìn tôi, rười rượi. Chúng tôi dìu cô Út ruột rà tội nghiệp đang rũ đi vào nhà. Tôi nắm lấy tay cô, những ngón gầy mềm lành lạnh. Bất giác nhìn xuống đuôi mắt, thấy thẳm sâu nhức nhối.

Đêm, bên cửa sổ phòng cô Út, ba hỏi tôi về Viễn. Tôi nói là bạn. Và rồi lẽ ra nên im lặng về phòng, tôi lạnh lùng:

- Và là người tình của Nga, người đàn bà có gương mặt ướt!

Tôi không rõ mình có nhẹ nhõm hay hả hê khi nói ra điều ấy. Ngay tối hôm ấy tôi vứt thẻ sim vào thùng rác nhà bếp. Ngày Khang về, tôi nói lời chia tay. Thủ tục du học đã làm xong, tôi muốn xa ngôi nhà có giàn hoa giấy lỗi mùa, muốn rời xa những khổ hận gầy mòn. Ba không nói gì với tôi, chỉ chở mẹ đi sắm sửa mọi thứ đồ, dù là nhỏ nhặt nhất cho tôi.

Sáng tháng tư, nắng man mát, hơi gió buồn im im, lần đầu tiên tôi ra mảnh vườn hoang sau nhà cùng với Út, sau không biết bao nhiêu chu trình ba ngày bỏ rỗng. Chúng tôi hái đầy tay những cúc dại, cỏ lào, mộc hương, violet. Tôi chải tóc cho cô Út bên cạnh tổ kiến già nua lạnh vắng, ướt giọng trên vai Út gầy: "Có bao giờ em thấy buồn, mắt sâu chìm trong đáy hồn, một người nhìn em dạt dào thầm kín vẫn chưa lần đến bên em, nắng đêm dọi trên má hồng..."

Tác giả: Võ Thị Hà

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây