Đổi món

Thứ ba - 24/08/2010 00:04 2.613 0
“Sắp chết hết rồi! - tiếng mụ Lẹo oang oang - Quạt mạnh lên Thỏn. Bỏ nhiều bồ kết vào!”. Cái bếp được xây bằng gạch tổ ong, lợp mấy tấm tôn cũ, rộng chưa đầy hai mét vuông, được bít kín chỉ hở ba cái lỗ phía bên hông, mỗi lỗ bằng mỗi viên gạch, có đường thông qua cái chuồng gà phía ao tối thui.
Trong bếp, Thỏn mười bốn, mười lăm tuổi, nhỏ thó, khẳng khiu như một cành cây, hì hục chấp những trái bồ kết vào một cái lỗ để truyền những luồng khói qua chuồng gà. Khói nghi ngút. Thỏn quạt lấy quạt để. Mùi khói bồ kết, mùi cứt gà, mùi của những mớ rơm khô bết ẩm, hỗn độn thành một thứ mùi quành quạnh đến tởm họng nhưng lại là một thứ mùi quá đỗi quen thuộc với mẹ con nhà Lẹo.

Mụ Lẹo lùn mẩu, tròn tròn, trắng bạnh, quần thô đen xoắn cao tận đủng, từ trong chuồng gà bước ra:

- Thôi, quạt vậy đủ rồi, xách hai con này cho lão Thảnh uống rượu, nó bị cúm sắp ngoẻo rồi.

Con Thỏn đạp xe lao đi, bóng nó khuất dần trong con hẻm xập xệ những mái nhà đất loang lổ nắng. Xe nó dừng ở một ngôi nhà có nền gạch, phía trên ngọn được lợp gianh, một khoảnh vườn đằng trước chỉ độc nhất trồng cà pháo.

Lão Thảnh chừng sáu mươi tuổi, to cao vạm vỡ nhờ chuyên thầu vào dạ dày những thượng vàng hạ cám ở cái xóm Nồi này thải ra. Con gà nhép nhà ai bị chuột cắn mà mào vẫn còn đỏ tươi, chết, ném sang cho lão; con lợn sữa nhà ai không may đẻ ra bị ngộp thở, chết, ném sang cho lão…, lão làm sạch bỏ vô nồi nấu nháo nhào ăn. Thỏn đến khi lão đang ngồi rít thuốc lào, miệng méo xệch: “Gì vậy, con nhà mụ Lẹo?”.  Thỏn không nói không rằng ném hai con gà bị cúm cho lão. “Hề, hề, ở cả làng Nồi này, gà cúm nhà ai tao cũng không ăn, chỉ ưu tiên ăn gà cúm nhà mầy đấy nhá. Hê hê hê” - lão cười. Thỏn nhìn lão Thảnh không mấy thiện cảm rồi đạp xe đi...

oOo

Mụ Nỡm oang oang từ tờ mờ sáng, nói xa nói gần rồi nói gần nói xa mà chẳng ai hiểu gì sất. Xâu chuỗi các vấn đề chẳng qua cây thị nhà mụ Lẹo vẹo hết cành sang nhà mụ. Thật ra cũng chẳng có sao nếu bọn trẻ con chui vào nhặt thị có ý tứ một chút, đừng làm chết mấy ngồng cải của mụ. Mụ cũng có sắc nhưng không hiểu sao đàn ông đàn ang xóm Nồi này chẳng lão nào thèm bén mảng tới. Tức con mụ Lẹo người thì xấu “ma chê quỷ hờn”, thế mà lại được thằng cha nào “tụt” quần thòi ra con Thỏn mới ức chứ! “Đồ thất đức, gà cúm chết còn mang cho người khác ăn, nó muốn cả cái làng này chết dịch... h... h... hát (H5N1) đây mà, rồi cũng bị quả báo...”.

Con Thỏn lí nhí: “Nỡm đang chửi u đấy!”. “Kệ xác mụ ta, chửi mãi rồi cũng toác miệng ra. Đồ con già, ganh ăn tức ở”. “Mà sao gà cúm u cứ đưa cho lão Thảnh hết hả u, không may lão chết theo gà thì sao, có phải u mang tội không?”. “Thì càng tốt chứ sao”. Mụ Lẹo thản nhiên.

Thế rồi lão Thảnh đang khỏe tự dưng lăn đùng ra ốm thật. Dân làng Nồi bàn tán xôn xao, đúc kết tỉnh rụi: “Do ăn gà cúm nhà mụ Lẹo”.

Từ hôm lão Thảnh ốm, gà của mụ Lẹo bị các mối buôn từ chối. Miệng thế gian gièm pha, lời ra tiếng vào độc địa, tuyệt đường mưu sinh của mụ. Mụ ức, ức điên lên, vác đơn đi kiện. Kiện xã không được, mụ lại phăm phăm đạp xe lên huyện. Kiện huyện không được, mụ lại cơm nắm muối vừng giắt sau lưng từ tờ mờ sáng lên tỉnh. Mấy ông tỉnh bị quấy hoài bực mình, cho người về xét nghiệm kiểm tra đàn gà và thử máu lão Thảnh xem có con virus H5N1 nào nằm trong người không.

Hôm đó là một ngày trời nồm. Người dân hiếu kỳ quây kín cổng gianh nhà lão Thảnh nghe trên tỉnh thông báo kết quả xét nghiệm. Một ông đeo kính cận, mặc đồ trắng, người lẳng khẳng, đứng trước đám đông tuyên bố: “Không có con H5N1 nào hết”. Mọi người nhìn nhau xì xào. Mụ Nỡm trong đám đông chui ra: “Thế là thế nào, không có con ... h... hát nào, chuyện lạ. Rõ ràng tôi thấy mấy hôm lão Thảnh ốm, con mụ Lẹo thất đức vẫn còn đầu độc lão mỗi ngày một con gà cúm cơ mà. Thằng chả thì mù mắt cứ ăn. Suốt ngày ăn. Đời nào gà không cúm con mẹ Lẹo lại cho không biếu không?!”. Vẳng trong đám đông là những tiếng đồng thanh: “Đúng đấy”, “Phải đấy”...

Và đợt xét nghiệm gà của mụ Lẹo diễn ra ngay sau đó. Người thương thì bảo: “Tội nghiệp, gần 100 con gà, nếu như có một con nhiễm H5N1 thôi thì đi tong hết”. Người ác mồm thì nói: “Cho đáng đời, gà cúm còn cho người khác ăn, thất đức”... Mụ Lẹo vẫn thản nhiên chân vắt chữ ngũ uống nước chè.

Và cái điều làm cả xóm Nồi này ngạc nhiên lần nữa xảy ra: không một con gà nào của mụ bị cúm kích gì sất, trong khi đó đội xét nghiệm của tỉnh phát hiện gà của hầu hết các hộ trong xóm đều bị nhiễm dịch.

Gạt chuyện con virus H5N1 ấy sang bên, người dân xóm Nồi đặt câu hỏi tỉnh rụi: “Tại sao gà nhà mụ Lẹo không cúm?”.

Mụ Nỡm cho rằng mấy ông trên tỉnh ăn tiền của mụ Lẹo.

Nhưng chỉ đến khi loa truyền thanh của xóm phát đi lời mụ Lẹo phổ biến kinh nghiệm gia truyền xông cho gà bằng khói bồ kết, mọi người mới vỡ lẽ và ào ào đến nhà mụ Lẹo học hỏi kinh nghiệm.

“Học hỏi ư? Xí, còn khuya nhé...”. Mụ Nỡm đai miệng. Mụ Nỡm thà để đàn gà chết chứ không thèm bước qua nhà mụ Lẹo. Và mụ Nỡm ấm ức lắm, dấm dẳn lắm cái thắc mắc, mụ hiểu ra một sự thật rằng mụ Lẹo cho gà lão Thảnh ăn chẳng qua vì có tình ý với lão Thảnh mà thôi.

Đêm khuya lắc khuya lơ. Dân xóm Nồi chìm sâu vào giấc ngủ. Cái nóng tháng sáu tan ra nhẹ hều là đà tỏa khắp thôn cùng ngõ hẻm. Trong căn nhà lá, mụ Lẹo lật mình dậy, nhón đôi chân chai sần với những ngón ngắn ngủn như những trái chuối điếc xuống nền đất. Cột lại mớ tóc bết, choàng thêm chiếc áo màu tối rộng, che nửa khuôn mặt bằng chiếc khăn, mụ rời khỏi căn nhà. Bóng mụ tun hủn lẫn trong bóng đêm. Phía sau cây cột gỗ, một chiếc bóng u ú, đôi mắt kẻ chỉ đang dõi theo mụ...

Bám sát cự ly đối tượng, mụ Nỡm theo được ra rìa làng rồi ra bãi tha ma vắng lặng. Dưới ánh trăng nhờ nhờ, mụ Nỡm nhận ra khuôn mặt lão Thảnh như những gì mụ dự đoán...

oOo

Thế rồi không hiểu vì sao lão Thảnh không còn ra nơi hẹn hò với mụ Lẹo nữa. Và, mỗi lần con Thỏn theo lệnh mẹ đem gà... “cúm” cho lão, lão đều tìm cách từ chối khéo. Và điều mụ Lẹo ngạc nhiên hơn nữa, đã lâu không thấy mụ Nỡm chửi mình vì cây thị ẹo qua ẹo lại sang bên nhà mụ.

Một đêm trăng muộn, mụ Lẹo thấy mụ Nỡm ra khỏi nhà, tay cầm chiếc làn. Mụ ngửi thấy rõ ràng hương thị nhà mụ, và, mụ bần thần bật khóc khi thấy mụ Nỡm xăm xăm bước vào nhà lão Thảnh. Cửa mở, một hồi sau thì đèn phụt tắt... Mụ Lẹo thốt lên tiếng chửi: “Tiên sư bố lũ đàn ông, chỉ ưa... đổi món!”.

oOo

Sáng hôm sau, con Thỏn ngạc nhiên không hiểu vì sao u nó cầm dao chặt phăng cây thị. Nó hỏi: “U sợ mụ Nỡm à?”...

Tác giả: Lê Thùy Vân

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây