Mà lỗi có phải tại nó đâu. Nó nhớ rất rõ hôm chủ nhật vừa rồi, nó đang chong đèn làm bài tập làm văn cô cho ở lớp, tự dưng con Nghé tung cửa chuồng chạy băng ra ruộng. Thằng Đồng phải bỏ bài tập đang làm dở chạy theo níu dây con vật đang hăng tiết. Một mình nó kéo hết sức, con Nghé mới chịu dừng lại. Thế nhưng con Nghé cứ đứng yên ở đó, ngay lối dẫn từ đồng vào làng, mặt nghếch nghếch, nghiêng nghiêng. Dưới trăng mười sáu mắt con vật long lanh, ươn ướt như muốn khóc. Thằng Đồng lúc này mới hiểu ra cớ sự, nó vỗ nhè nhẹ vào lưng, rồi luồn tay vào dái tai con vật nựng nịu, nói khe khẽ, con Nghé mới chịu ngoan ngoãn về. Thằng Đồng không trách con Nghé, biết rằng cả ngày nó không gặp mẹ, tối lại chẳng thấy mẹ nó về nên nó phá chuồng đi tìm. Con Trâu mẹ có bỏ đi đâu mà nó sợ. Ông Bảy Tân mượn một ngày thôi mà. Cũng tại thằng Đồng khi đi ruộng về quên nói cho con Nghé biết. Vừa cày xong thửa ruộng ba công, trời đã sụp tối, nó chạy u về nhà ăn hối hả chén cơm nguội rồi ngồi ngay vào bàn làm bài tập làm văn cô cho. Không phải nó là đứa lười biếng gì mà đợi nước đến chân mới nhảy. Nó có thói quen (thích nữa) làm bài vào buổi sớm mai, khi ông mặt trời mới ngủ dậy rọi dài những vạt nắng non tơ qua giàn mướp bắc dọc triền mương, tiếng gà trống choai còn hối hả gáy non mấy tràng đứt quãng của cậu thanh niên còn khàn tiếng vỡ giọng, khi con Trâu mẹ “ừhm à” húc vào mông chú Nghé con lười biếng còn ngáy ngủ, và mùi trà thơm Tía châm sớm mai cứ thoang thoảng trong gió sớm tràn từ đồng vào hây hẩy… Tất cả làm cho nó hứng khởi, nó cảm thấy yêu cuộc sống, yêu con người, yêu ruộng đồng đến lạ.
Nhưng hồi sáng, Tía vào giường đánh thức nó dậy sớm, dặn nó dắt trâu ra đồng cày cho xong ba công ruộng còn lỡ dỡ. Nó còn say ngủ nhưng vẫn nhớ ra mình còn bài tập làm văn chưa làm. Nhưng Tía nó còn có công chuyện quan trọng hơn, ông phải ra huyện dự đại hội Nông dân trồng lúa giỏi gì đó, nó không rõ. Nó thấy trong lòng tức anh ách vì không có anh Ruộng ở nhà đỡ đần mình mấy chuyện này. Anh Ruộng học xong lớp mười hai, không thèm thi Đại học, nó hỏi thì trả lời trống không:
- Ở nhà mần ruộng sướng hơn.
Nó đang cầm cuốn tập học bài, nghe anh Ruộng nói vậy thì chấp tập sau đít bĩu môi:
- Bộ ở nhà mới mần ruộng được sao?
Anh Ruộng thấy bộ dạng khinh khỉnh của nó đâm ghét, trả lới nhát gừng (thua thấy rõ):
- Chứ sao!
Nó hỏi tới:
- Học Đại học không mần ruộng được sao?
Anh Ruộng thấy nó hỏi tới hoài nên nổi nóng:
- Chứ mày lo chúi đầu vào chữ không thì mần ruộng được cái nỗi gì?
- Tui vừa chúi đầu vào tập vừa mần ruộng được à nghen.
Anh Ruộng đang cào rơm cho trâu ăn, quay ngược bồ cào, chống nạnh nạt lớn:
- Nói xạo vừa thôi ông tướng! Đi chỗ khác cho người ta làm!
Nó hoảng hồn ba chân bốn cẳng chạy u ra vườn. Vừa đong đưa chân trên cây ổi, nó vừa suy nghĩ. Nó sẽ học Đại học. Nó sẽ thực hiện lời nói vừa học vừa mần ruộng. Nó sẽ thi vào đại học Nông Lâm. Rồi làm kĩ sư, vừa biết chữa bệnh cho cây lúa, vừa biết cả lái máy cày như hồi mấy anh sinh viên ở tận Thành phố về tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh.
Cả đời Tía nó gắn chặt với đồng ruộng. Ông yêu ruộng vườn còn hơn sinh mạng, cho nên đẻ có hai thằng con trai ông chia đều ra, đặt đứa tên Ruộng, đứa tên Đồng. Thấy anh Ruộng chịu ở nhà làm ruộng, Tía sướng lắm. Nhưng không được bao lâu, tự dưng Tía bảo anh Ruộng ra tỉnh học. Anh Ruộng đang ăn cơm, mắc nghẹn ở họng không nhai tiếp được. Ảnh không ngờ Tía thay đổi quan điểm nhanh như vậy. Còn nó thì tỉnh bơ, nhai nhóp nhép con khô sặc. Tía nó độc đoán, bảo thủ thiệt, nhưng làm bất cứ cái gì cũng cân nhắc kĩ lưỡng. Nhất là từ hồi má nó mất. Tía nó gánh hết chuyện nhà trên vai. Cho nên bất cứ cái gì Tía cũng một mình tự bầu, tự quyết, không có ai cùng hỏi han chia sẻ. Tía nó đặt chén cơm xuống rồi thủng thẳng:
- Tía thấy cả ấp mình chỉ có một thằng biết lái máy cày. Cái máy huyện cấp, xài được có hai vụ, rồi hư, bỏ đó làm phế liệu cả năm hơn.
Tía nói tới đây thì anh Ruộng bắt đầu ngọ ngoậy chân, nhưng kì thực, thằng Đồng biết trong lòng anh Ruộng nhốn nháo vì cái thằng biết lái máy cày duy nhất của ấp Tây này là anh Ngọ. Anh Ngọ đang theo đuổi chị Hạnh, mà chị Hạnh lại là người anh Ruộng để ý. Tía như không biết nỗi lòng của anh Ruộng, húp chén trà nóng rồi nói tiếp:
- Hôm bữa qua ấp Đông, thấy ruộng người ta cày bằng máy năng suất cao dữ. Mà người ta có thợ sửa máy tại ấp đàng hoàng. Hễ hư là hú một tiếng có thợ tới ngay. Bây coi có sướng không? Nay tía bàn vầy: Thôi, cho thằng Ruộng bây lên tỉnh học nghề chữa máy, rồi học lái máy cày luôn… Tía nói vậy, hai đứa thấy sao?
Lệnh của Tía, làm con, ai dám cãi! Mà có lập luận hẳn hòi, cãi cũng không được! Cho nên sáng hôm sau, anh Ruộng khăn gói lên tỉnh, bỏ công việc nhà ê hề cho nó… Ban đầu, nó thấy bình thường, sau thì công việc dồn đống lên, nó thấy mệt quá. Cái gì cũng thằng Đồng. Ngày trước, có anh Ruộng, nó lười một chút, đùn đẩy một chút cũng được. Từ hồi anh Ruộng đi rồi, cho trâu ăn cũng nó, gánh thóc về cũng nó, nấu cơm cũng nó… Bữa nay, cày ruộng cũng nó luôn. Biết vậy, nó đã lên tiếng phản đối, không cho anh Ruộng đi học xa cho rồi.
Nhỏ May thấy nó cười, liền hỏi tới:
- Hết buồn rồi phải không? May thấy chuyện đó có gì đâu. Đồng có thể giải thích với lớp mà!
Giải thích cái gì? Sao giải thích được. Chẳng lẽ nói: vết dơ đó không phải em làm?! Tự nhiên nó có. Nhưng rõ ràng do chính tay nó làm. Hôm đó, sau khi đã buộc con Nghé vào chuồng, nó chạy ngay đến bàn học, viết một mạch bài làm văn. Sáng, nó hăm hở lên nộp cho cô. Vậy mà hôm nay khi phát bài kiểm tra ra, cô giáo đã nêu trước lớp lỗi của nó: Bài làm dơ.
Câu: Bài làm dơ tròn trịa trong ô “Lời phê của giáo viên” cứ bay lượn trước mắt nó. Nó nhớ, sau khi lùa con Nghé vào chuồng nó là đã chùi hai tay vào đít quần rồi mà. Với lại, cũng mới tắm con Nghé hồi chiều hôm trước, chắc cũng không dơ gì, nên nó yên tâm ngồi vào bàn học. Không ngờ, tay nó còn dính bùn, nên để lại hai vệt đen ngòm ở trên bài làm. Nó xấu mặt với bạn bè ghê. Đã vậy, cô còn tuyên bố trừ một điểm cảnh cáo nữa chứ.
Nhỏ May thấy nó căng thẳng quá nên ghì tay nó lại:
- Nè tui nói bạn có nghe không vậy?
Nhỏ May mặt đỏ gấc, cái bím tóc tóc dài của nó vàng rực lên dưới ánh chiều. Thằng Đồng nheo mắt nhìn nó:
- Sao?
Nhỏ May chau mày nhìn nó, ra vẻ tức giận lắm. Nhỏ này đâu có dữ, May vốn hiền, chăm, lại ngoan. Nhà gần, nên đi - về chung cả tuổi thơ. Từ hồi chân đất bấu bùn cho đến khi làm học trò bị bắt mang dép đi học. Nhỏ May thấy nó nhìn chăm chú nên dịu mặt, nói như đứa quân sư chính cống:
- Hay là mình đến gặp cô văn đi!
Cô dạy văn cũng chính là cô chủ nhiệm là cô giáo trẻ mới ra trường. Cô trắng bóc, nhỏ xíu con, may là có mang thêm cái kính trắng nên nhìn lớn hơn một chút. Giọng cô cũng giống như trẻ con nữa trong lành như nước mưa hứng lu vậy. Nhưng cô giảng bài nghe hay hết chỗ nói… Tía nó hôm bữa đi đại hội phụ huynh về cũng tấm tắc khen cô bây nhỏ mà giỏi hết sức. Ừ, thì nó có phản đối gì đâu. Nó còn thương cô nữa chứ. Cô là dân thị xã nên phải ở nhà tập thể giáo viên. Xa nhà, nên chắc cô buồn lắm. Nhưng mà đã là dân thị xã thì biết gì về tụi dân đồng như nó. Chỉ có mấy vệt bùn mà cô trừ thẳng tay một điểm bài làm dơ… Nhớ đến đây, nó nóng cả mặt:
- Thôi đi về, ghé làm gì?
Nhưng nhỏ May chẳng phải vừa, lôi tuồn tuột tay nó đi tắt ngang qua đám cải trổ hoa vàng rực về phía khu nhà trọ giáo viên.
* * *
Cô vẫn trừ nó một điểm bài làm dơ. Nhưng từ bữa đến phòng cô đến nay, nó không thấy ghét cô giáo chủ nhiệm nữa. Mấy hôm trước vào mùa, cô còn xuống ruộng gặt lúa, bó rơm, đẩy cả xe trâu chất đầy rơm rạ vàng óng về làng. Dưới ráng chiều vàng óng màu lúa chín nó thấy cô đẹp và huyễn hoặc như cô tiên trong truyện cổ tích. Mấy bữa sáng trăng tụi học trò lớp nó lũ lượt kéo lên phòng cô ngồi túm tụm ca hát. Da cô vẫn trắng bóc, tóc cô vẫn dài làm cho anh Ruộng nó về thăm nhà mà cứ đòi ở lại, không thèm ra tỉnh học tiếp. Mà nghĩ lại, nó cũng thấy mình bậy ghê. Hôm đó, nhỏ May kéo nó sộc vào phòng, nói một hơi không dứt lí do bài làm dơ của nó. Cô nghe rồi im ru, không nói một tiếng nào. Nó với nhỏ May tưởng cô giận nên nín khe, không đứa nào dám nhúc nhích. Trong bụng nó giận nhỏ May anh ách. Nó mắc cỡ trên lớp như vậy chưa đủ sao mà còn lôi nó đến tận đây để hành hạ sĩ diện nó như thế này? Vậy mà sự việc lại diễn ra ngược lại hoàn toàn. Cô giáo chợt nắm lấy tay nó, nói như khóc:
- Cô bậy quá. Cô xin lỗi!
Lúc đó, nó ngạc nhiên hết sức, vì từ nhỏ đến giờ nó mới nghe người lớn xin lỗi con nít lần đầu. Hồi đó, mỗi lần làm cái gì không vừa ý Tía, Tía bắt nằm sấp dài sọc trên di- văng, quất cho mấy roi, chừng nào nín khóc, đứng dậy khoanh tay xin lỗi Tía mới thôi. Nó thuộc dạn lì thâm căn, đánh đau cả tay, Tía cũng không thấy nó đứng lên xin lỗi. Cho nên, hôm ấy thấy cô giáo vừa chảy nước mắt vừa nói câu xin lỗi, nó cũng khóc theo cô luôn. Nó thấy cô hiền và dễ gần, chứ không giống như những gì nó nghĩ về một cô giáo thành thị lạnh lùng và xa cách.
Ban sáng, cô giáo lại cho một bài tập mới về nhà. Lần này, nó cố gắng dậy thật sớm, sớm hơn cả tiếng gáy của con trống choai đang trổ mã, nó rửa tay thật sạch, và ngồi vào bàn…
Sẽ không có vết dơ trên bài làm nữa, nó chắc chắn thế. Nhưng nghĩ lại, thằng Đồng thấy, mỗi vết dơ dường như cũng có ý nghĩa riêng của nó.
Tác giả: Phạm Khánh Liêm
Ý kiến bạn đọc