Biển ở trong tim

Thứ ba - 24/08/2010 00:51 2.597 0

Biển ở trong tim

Tôi ngủ một giấc dài, tỉnh dậy thấy xe vẫn chạy miệt mài về phía trước. Ngó quanh, cố kiếm một cái bảng hiệu ven đường để xem tôi đang ở đâu trên lộ trình về miền Trung xa xôi. Nhà cửa ở đây heo hút, cùng lắm là vài chỗ vá xe hay tiệm tạp hóa nhỏ lẻ. Nói chung là không có dấu hiệu nào để tôi biết mình đang ở đâu..

Chị Cúc không ngủ. Từ hôm qua đến giờ ánh mắt chị cứ đăm chiêu một cõi buồn phiền. Tôi thắc mắc: "Sao về quê mà chị buồn dữ vậy?" Chị tỉnh bơ: "Chị ngại đường xa". Lý do không mấy thuyết phục nhưng tôi thôi không đả động tới tâm sự của chị nữa. Lúc tôi hỏi câu này mắt chị vẫn xa xăm.

- Mình tới đâu rồi chị?

- Phan Thiết rồi em. Sửa soạn đồ đạc lại đi. Sắp tới rồi.

Tôi lật đật thu dọn nào nón, nào áo khoác, rồi thức ăn, những thứ tôi bày biện suốt từ Sài Gòn tới đây. Ngồi ôm balô thấp thỏm ngó nghiêng, tôi chẳng thấy ai luống cuống như mình. Nửa tiếng sau, xe vẫn chạy. Tôi ngộ ra sắp tới của chị là hơn ba mươi cây số nữa.

Phan Thiết, quê hương chị lại là nơi lần đầu tôi đặt chân đến. Cũng như chị lần đầu đặt chân đến Sài Gòn, bỡ ngỡ và lo sợ như một con cá trong ao bị thả về sông cái. Mẹ tôi cho chị về ở trọ trên gác và một ít tiền công chị giúp mẹ tôi bán hàng ở shop cũng đủ cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống nơi xứ lạ quê người. Năm năm rồi chị không về quê đến một lần, gọi điện thoại cũng không. Tuần trước tự nhiên chị nói nhớ quê và rủ tôi đi với chị cho vui. Tôi chịu liền, tôi thích biển lắm!

Nhà chị không ở ngay thị xã, vậy là lỉnh kỉnh đồ đạc đi tiếp một chặng xe nữa. Khi nhà cửa lại ít đi, biển thật gần đường lộ xe mới chịu dừng. Lần đầu tôi đặt chân đến làng chài mặc dù đã nhiều lần đến với biển. Nhà chị cũng nghèo như những ngôi nhà xung quanh nhưng không đông người như thế. Chỉ có người đàn ông khắc khổ nằm ho sù sụ trên chõng. Chị bước vào, khẽ chào ba. Ông ấy cố hé mắt nhìn ra rồi lại nhắm nghiền mệt mỏi. Hai người tỏ ra vô cùng xa lạ.

 

Suốt buổi chị cặm cụi bắc bếp, nấu cháo cho ba. Chị chịu khó và nhẫn nại với cái bếp củi lạnh tanh, tôi thấy được sự tận tình của một đứa con với đấng sinh thành nhưng không hẳn là yêu thương. Như một nhiệm vụ phải hoàn thành, chị cứ bình thản đút cháo, rót nước và không hỏi han lời nào cả. Ba chị mệt mỏi cũng không buồn mở miệng nói tiếng nào, chỉ ăn cháo thôi.

Đợi bác ấy ngủ, chị dắt tôi ra biển. Biển chiều nay buồn hiu hắt những giọt nắng nửa vời. Đều đều sóng biển phả từng hơi thở mặn chát vào người tôi. Tôi nói bâng quơ:

- Biển chỉ mặn với khách lạ thôi phải không chị?

- Không đâu em. Biển miền Trung muôn đời khắc nghiệt vậy đó. Gió biển có thể làm rát mắt bất cứ ai giương ánh nhìn thách thức về phía nó.

Chị ngước nhìn biển chiều vùng vẫy. Tôi chỉ thấy biển hung hăng và không thể nghĩ được gì giữa mênh mông sóng nước ấy. Có lẽ tôi chỉ yêu những chuyến du lịch chứ chưa hẳn đã yêu biển.

Nhưng chị Cúc thì khác, chị là đứa con của biển, có thể nói như vậy. Hồi đó má chị "vượt cạn" khi xuồng cá của ba chị chưa kịp vào trong cạn. Ba chị bảo má gần ngày sanh không nên đi theo mà má chị đâu có nghe. Cứ nói: "Nó trong bụng tui, tui biết. Chưa ra bây giờ đâu!". Vậy là đứa con gái chào đời giữa biển nước mênh mông, quấn quanh chỉ có chiếc áo của ba chị. Chắc nhờ vậy mà chị dẻo dai mạnh khỏe. Từ nhỏ tới lớn chưa đau ốm lần nào. Chị bảo chị hiểu biển nói gì. Tiếng biển là tiếng lòng người yêu biển. Như lúc này đây, biển đang giằng xé giữa tình yêu và lòng kiêu hãnh. Biển ngạo mạn nhưng biển cũng biết yêu. Chị yêu biển nhưng chị không cam tâm gắn cuộc đời mình ở làng chài nhỏ bé này. Chị ra đi là thế nhưng tình yêu còn đó. Như sóng biển biết bao giờ mới thôi dào dạt.

Chúng tôi ngồi lại trên một gò cát, rau muống biển giăng đầy. Tôi thích những bông hoa tím ngắt, màu sắc đầy sức sống cứ như hoa trồi lên từ cát vậy. Ở cái chốn hẻo lánh này, thời tiết lại không ngừng thách thức con người, vậy mà hoa muống biển vẫn nở rộ, tươi tốt đến không ngờ. Chị ngắt đóa hoa ấp trong lòng bàn tay như muốn ôm chầm lấy một mỹ nữ yêu kiều nhưng sợ nàng tổn thương nên chỉ nhẹ nhàng ve vuốt. Chị nói, nhỏ nhẹ như đang tâm sự với chính mình:

- Đẹp đẽ mà làm gì rồi cũng úa tàn bên cát nóng. Gió biển dữ dằn có biết thương tiếc hoa đâu. Đẹp làm chi, phải không em!

- Có lẽ là số phận - tôi nhún vai.

Chị cười buồn, ánh mắt lại xa xăm.

Tôi biết chị không thích hai chữ "số phận". Với chị, con người mới làm nên số phận và không có bất cứ bàn tay đặt để nào có thể khiến chị cam chịu. Chị yêu cuộc sống đến mãnh liệt, yêu từng hơi thở, từng phút giây được sống. Nhưng chị chưa bao giờ cảm ơn Thượng đế đã cho chị cuộc sống này, vì chị không tôn thờ ý nghĩa tâm linh và cũng vì thế chị phớt lờ lời nguyền của biển.

Từ năm lên bảy, chị Cúc đã bị ám ảnh bởi lời nguyền đó. Làn sóng du lịch khiến địa phương chị bắt đầu đổi mới. Các xóm chài, làng chài lần lượt được thay bằng những khu resort sang trọng. Ngư dân đua nhau chuyển qua làm du lịch. Những nhà khá giả thì xây nhà trọ dọc bờ biển hoặc mở nhà hàng hải sản, thu hút rất đông du khách. Ít vốn hơn thì buôn bán nhỏ lẻ theo kiểu lấy công làm lời. Nói chung dân biển thích nghi rất nhanh với thời thế. Họ làm dịch vụ ngày càng thành thạo, và lưới, thuyền được kéo lên như "trưng bày" phần quá khứ của làng chài.

Đời sống thay đổi đến chóng mặt, vậy mà ba chị cứ bình chân như vại. Ông phớt lờ sự chộn rộn của láng giềng, lơ luôn sự nao núng của vợ mình. Má chị cứ giục: "Ông tính nhanh đi để còn theo kịp người ta. Bán mấy cái ghe đi để còn có vốn làm ăn. Sống với cái làng chài này suốt đời sao ngóc đầu lên nổi!". Mỗi lần nghe vậy, ba chị luôn nổi sùng: "Bà thích thì đi đi! Bao nhiêu đời gắn bó ở đây cớ gì giờ lại đua đòi. Dân biển phải bám lấy biển mà sống. Các người mới nghe hơi tiền đã tiếp tay với bọn nhà giàu thi nhau cày xới cái xứ này. Tôi có chết cũng không phản bội lại quê hương!".

Cứ vậy, nhà cửa lục đục không thôi. Má chị sốt ruột, hết thuyết phục đến chì chiết mà ba chị vẫn không suy suyển. Rồi ba nổi nóng tát má bạt tai. Đêm đó má ôm đồ bỏ đi. Chị khóc cả tuần lễ mà má cũng không về. Từ đó ba nhậu nhẹt triền miên. Nhậu say lại ngủ, bỏ chị một mình với sóng biển rì rào. Chị lớn lên trong cô đơn và sợ hãi.

Nhiều năm sau chị vô tình gặp lại má. Má héo úa đi nhiều, tóc tai sấp sãi, quần áo lôi thôi, lượm thượm. Chị thấy thương đôi mắt má mỏi mệt mà miệng không dám dừng tiếng rao, rao đến khản cổ. Má chị bán hàng rong cho những người đến đây tắm biển. Vừa bán vừa phục vụ đến tận nơi du khách yêu cầu, má chạy tới chạy lui như con thoi nên làm sao biết chị đang theo dõi từ đằng xa. Nước mắt chị rơi dài. Chị bắt đầu nghĩ về lời của ba: "Biển sẽ không bao giờ tha thứ cho những đứa con phản bội!". Quả thật má chị đang cực khổ hơn nhiều so với trước đây. Ít ra trước khi bỏ đi, má còn có một gia đình hạnh phúc và cuộc sống cũng thanh thản hơn nhiều. Hồi ấy gánh nặng cơm áo chưa hằn sâu lên khuôn mặt má như bây giờ.

Học lên cấp ba, cánh cửa tương lai dần gần lại, chị phải suy nghĩ nhiều lắm. Chị không muốn trói cuộc đời mình với nắng, với gió nơi đây. Rồi chị làm gì với sức trẻ của mình? Lấy chồng, sinh con, rồi cặm cụi với cá với mắm? Không, chị có ước mơ của riêng mình. Nhiều lúc chị muốn mình có thêm đôi cánh như hải âu kia, tự do và phóng khoáng. Muốn thoát ly cái gọi là số phận nhưng đôi chân cứ bị trì kéo bởi một ý chí yếu ớt. Ngày ngày đối diện với nghèo nàn, thiếu thốn, chị nhìn đâu cũng không thấy tương lai mình. Thế là chị quyết định ra đi vào một sớm tinh sương, khi biển còn chưa kịp mở mắt bình minh.

Vào Sài Gòn, chị vừa học, vừa làm, quyết không đầu hàng số phận. Chị hòa nhập nhanh đến ngạc nhiên. Sau vài năm sinh sống nơi đô thị sầm uất, chị đã trở nên năng động và tự tin chẳng khác nào thanh niên bản xứ. Thậm chí chị còn giỏi hơn các bạn trẻ Sài Gòn. Ham học hỏi và tiếp thu nhanh, chị được nhận vào thực tập tại công ty du lịch. Kinh nghiệm tích lũy được trong suốt những năm đại học khiến chị đủ điều kiện trở thành nhân viên chính thức của công ty. Mức thu nhập ổn định cùng công việc yêu thích, dần dà chị không còn nhắc đến quê hương nữa.

Tôi còn nhớ những ngày đầu xa xứ, đêm nào ngủ chị cũng khóc. Chị nhớ lắm tiếng sóng biển rì rầm, nhớ cái nắng hanh khô ở mảnh đất miền Trung khắc nghiệt. Nhiều lần hình ảnh người cha già cô quạnh nơi túp lều tranh, chị nắm tay tôi nghẹn ngào: "Chị yêu biển lắm! Nếu điều kiện sống tốt hơn, nếu được định hướng đúng đắn từ gia đình, chắc chị không phải bỏ quê như vầy...". 

Đêm ở Phan Thiết, gió biển ào ạt khiến tôi thao thức mãi. Chị cũng không yên giấc, mắt chỉ khép hờ, thỉnh thoảng lại thở dài nghe buồn lắm. Trên võng, ba chị đã ngáy đều đều. Có vẻ mấy bát cháo và thuốc men từ bàn tay chị đã phát huy tác dụng. Tôi nằm quay mặt về phía chị, chị lại quay ra nhìn biển. Có lẽ chị đang lắng nghe lời biển dỗi hờn, trách móc. Tôi không biết biển nói gì nhưng xa chị, chắc biển buồn lắm.

- Có nghe biển nói gì không?

- Sao em biết biển đang nói?

- Vì biển đêm nay không yên ắng, em nghe tiếng sóng cứ chộn rộn thế nào ấy.

- Ừ, sóng hỏi chị sao lâu nay không thấy về. Sóng bảo chị đừng đi nữa vì biển luôn đủ sức nuôi nấng những người con của biển. Cớ sao lại ra đi...?

Tôi biết chị đang tự vấn lương tâm mình. Giá có ai nói cho chị biết phải lựa chọn thế nào giữa tình yêu và khát vọng. Tôi cũng đang bắt đầu bước đến ngưỡng cửa tương lai. Nhưng với tôi, tình yêu chính là khát vọng lớn nhất cần vươn đến. Nếu tôi có một quê hương khốn khó, nhất định tôi sẽ quay về để giúp ích cho nơi từng cho tôi cuộc sống. Ngày mai, trên đường về Sài Gòn, nhất định tôi sẽ nói với chị những suy nghĩ này. Có lẽ chị sẽ có một quyết định hợp lý hơn, ít nhất cũng giúp chị yên giấc như tôi đêm nay.

Một tháng sau chuyến về miền Trung đó chị vẫn đi làm đều đặn như chưa từng có dự tính gì cho một sự thay đổi. Mấy lần định hỏi chị nhưng lại thôi, dù sao cuộc sống cũng do chị quyết định, có lẽ mọi việc cứ ổn định như thế mà hay. Ấy thế mà một ngày đi tour về, chị hớn hở bảo với tôi rằng tuần sau sẽ chuyển công tác về Phan Thiết. Thì ra chị đã gửi nguyện vọng đến ban lãnh đạo và được sắp xếp về chi nhánh miền Trung. Ngày tiễn chị ra bến xe, chị nắm tay tôi thủ thỉ:

-  Cảm ơn em vì lời khuyên hôm ấy. Cái chất biển cả đã ăn sâu vào máu thịt, như một phần hồn của chị vậy. Mà con người đâu thể sống khi tâm hồn bị chia cắt như thế, phải không em!

Tôi tươi cười thấy niềm hạnh phúc của chị lan tràn vào lòng mình. Tôi nhận ra rằng cuộc đời có những tình cảm thiêng liêng không thể cắt rời. Không cần thề thốt hay ràng buộc, tình yêu khiến trái tim con người luôn nguyện gắn bó suốt đời với quê hương.

Tác giả: Võ Thị Kim Huyên

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây