Ký ức mưa

Thứ ba - 24/08/2010 00:35 2.492 0

Minh họa: Hà My

Minh họa: Hà My

Tặng Trần Minh Hợp

 Em Nhi tôi mất vào một ngày tháng tám mưa vần vũ.

Ba thức trắng hai đêm mưa đóng cho em cái quan tài bằng gỗ bạch đàn. Đêm. Tiếng đinh ba đóng vào mặt gỗ ghim vào lòng tôi nỗi đau nhức nhối. Mưa xối xả suốt năm, sáu ngày trời. Mưa ở miền đất nắng là vậy. Nếu đã rơi thì cứ lê thê, dai dẳng từ ngày này sang ngày khác. Nhiều lúc không hiểu ông trời lấy đâu ra lắm nước mà trút xuống thế gian này nhiều như thế.

Bác Tư nói rằng không thể dời ngày chôn lâu quá. Mưa thì mưa chứ để lỡ ngày tốt là không nên. Tôi nghe bác nói từ ngày tốt mà bất giác cười chua chát trong bụng. Em Nhi tôi mất rồi thì có ngày nào là ngày tốt nữa đâu!

Đám đưa ma em tôi đi trong một sáng mờ nhạt và ẩm ướt. Mưa nhỏ hạt, rả rích từng giọt trên mấy cái áo mưa, mấy cái nón lá lúp xúp của đoàn người. Nghĩa trang làng tôi là một cánh đồng nhỏ trơ trọi sau cánh đồng làng. Mưa mấy ngày qua làm nước trong mương lớn dâng cao, tràn trề trên những thửa ruộng còn đang bỏ ải. Mùi bùn non, mùi rơm rạ ẩm ướt xộc vào mũi tôi lúc bàn chân giẫm lẹp bẹp trên con đường ruộng lết bết những nước là nước.

Nước như đọng sâu trong những ngóc ngách nào đó của mớ cỏ lòe xòe mọc phủ trên đường, len vào dép tôi làm chân ướt đẫm, sình bùn nhèm nhẹp bết vào các kẽ ngón chân. Mẹ đi phía trước tôi, bước chao đảo như người mộng du. Tôi biết trong mẹ lúc này chỉ có cái màu vàng nhờn nhợt của cỗ quan tài nhỏ đang chòng chành ở giữa đoàn người. Mắt mẹ khô khốc, đỏ quạch vì khóc suốt mấy ngày. Giờ mẹ mà có khóc chắc là máu sẽ rơi thay cho nước mắt...

Huyệt đào ở vị trí cao nhất đồi để em Nhi tôi có thể nhìn được về phía làng. Để em thấy được những bóng áo trắng tíu tít rủ nhau cắp cặp đến trường. Biết đâu em còn có thể thấy được cả nóc nhà yên ả của chúng tôi với làn khói bếp trắng mẹ nhen uốn éo bay lên vào mỗi chiều vàng nắng.

Mỗi linh hồn đều đẹp đẽ và toàn vẹn.

Tôi nghe cha xứ ở nhà thờ gần trường học mình bảo vậy. Em Nhi tôi khi là một linh hồn sẽ nhìn thấy được tất cả, dù lúc còn sống ông trời đã không cho đứa em gái bé bỏng của tôi một đôi mắt sáng.

Mẹ tôi sinh em Nhi cũng là vào một ngày mưa. Mẹ trùm cái áo mưa lướt thướt nước ẵm em về từ trạm y tế xã. Lúc mẹ bước qua khung cửa nhà nhập nhoạng sáng, tôi thấy gương mặt mẹ đẫm nước.

Mẹ đặt em Nhi vào cái nôi nhỏ xinh xắn bên cạnh giường nằm và gọi tôi đến bên cạnh. Mẹ bảo tôi nắm lấy đôi tay bé xinh xắn thơm mùi sữa của em. "Sau này con phải thương em nhiều thiệt nhiều con nhé!". Tôi "dạ” và chợt nhận ra trong đôi mắt mẹ long lanh xuất hiện những giọt nước trong vắt, mặn chát nỗi buồn.

Tôi thương em Nhi hơn cả những gì mẹ muốn. Tôi lò dò theo em suốt ngày từ nhà ra vườn (vì sợ em vấp hay va phải cái gì). Tôi sẵn sàng gầm gừ rồi lăn xả túi bụi vào bất kỳ đứa nào trong làng dám trêu ghẹo hay xách mé gọi em tôi là "con mù”. Và tôi thành bức tượng  ngồi hàng giờ bên em nơi góc vườn ngập nắng, rộn tiếng chim, nhìn em vẽ.

Một cô bé mù lại rất thích vẽ. Đó là em Nhi tôi đấy.

Tôi tôn trọng và cổ vũ mơ ước của em một cách chân thành bằng việc đóng vai ông thầy dạy họa, ngày nào cũng cho em một đề tài rồi nhận xét và chấm điểm. Tất nhiên tôi phải cố tỏ ra là một ông thầy thông thái và nghiêm khắc. Em tôi thích thế. Em sẽ chẳng tin đâu nếu ngay từ đầu có ai nức nở khen em làm việc gì đó tốt lắm. Em thích lời phê bình để cố gắng hơn. Một cô bé rắc rối.

Với tôi, mọi bức vẽ của Nhi đều đẹp như tâm hồn em vậy. Dù chúng có làm mớ màu sắc lổn ngổn trên giấy hay những đường nét chồng khít những hình thù chênh vênh, lẫn lộn vào nhau.

Không phải vì quá yêu thương mà tôi tự ngợi khen rằng em gái mình có một tâm hồn đẹp. Em giống như một áng mây nhỏ trong trẻo và dịu mát. Một đứa trẻ luôn mỉm cười và biết cách làm người khác mỉm cười. Tôi ít thấy em buồn bã hay khóc lóc.

Nhưng tôi thà rằng thấy em khóc còn hơn nhìn vẻ mặt háo hức thèm khát của em khi nghe tiếng bọn trẻ hàng xóm í ới gọi nhau đi học trên con đường làng ngoằn ngoèo chạy qua trước ngõ. Hay những lúc thấy em loanh quanh bên hàng rào dâm bụt đỏ chói, cười khúc khích theo những âm thanh rộn rã từ một trò chơi nào đó của bọn trẻ nhà bên. Chúng hò hét đầy vui vẻ cùng trò chơi của chúng... Em cũng dự phần, cũng vui với chúng nhưng mà theo cách của riêng em.

Người ta bảo em Nhi tôi sẽ không chết nếu ông trời cho em một đôi mắt sáng. Ba tìm được con rắn đã cướp mất đứa em bé bỏng của tôi trong bụi cỏ ở sau nhà. Ba đập bẹp gí cái đầu hình tam giác. Tôi như thấy một giọt nước ứa ra từ mắt rắn. Nó có hối hận vì đã cắn em tôi không nhỉ...

Đêm đầu tiên em Nhi nằm trên quả đồi nhỏ trên cánh đồng làng, trời vẫn ròng rã mưa. Tôi co mình trong tấm chăn ấm áp mà trằn trọc với suy nghĩ dưới lằn đất tối tăm, ướt át vì mưa làm sao em Nhi tôi không khỏi lạnh. Rồi khóc rấm rứt vì thương em.

Hửng sáng. Mưa tạnh. Mặt trời ủ rũ còn nấn ná chưa muốn chui ra khỏi những đám mây nặng trịch nước, tôi chân thấp chân cao lần theo con đường ruộng xâm xấp nước, đôi lúc chệch choạc hụt chân xuống lớp bùn lấm láp, mềm lún của mấy đám ruộng ven bờ. Dự báo thời tiết trên đài đêm qua nói đợt mưa này còn kéo dài đến mấy ngày.

Bác Tư cấm: "Mấy đứa nhỏ không nên lại gần mấy cái mả mới, lạng quạng chỗ đó, mùi nó bốc lên khéo chúng mày thành lão Năm Cùi bây giờ". Tôi liên tưởng đến những ngón tay, ngón chân chỉ còn lại những mẩu thịt đỏ hỏn, gớm ghiếc của ông già sống trong túp lều nát cuối làng mà rùng mình sợ hãi.

Lão Năm Cùi là dân tứ xứ, chẳng biết từ đâu dạt phiêu đến làng, cắm một nóc nhà rách nát sống lặng lẽ như cái bóng. Về sau người làng biết lão mắc bệnh phong cùi, tất thảy đều cạch mặt, tránh xa. Những nhà gần đó dần chuyển ra phía đầu làng, nên nhìn tới nhìn lui còn trơ trọi mình lão, một mái lá nát bươm, xơ xác buồn.

Tôi hay thả bò ở mấy đám rẫy kế bên, thỉnh thoảng có thấy lão chui ra khỏi cái lều nát, lọ mọ trồng tỉa gì đó trên mảnh đất bỏ hoang. Nhưng cũng như phần đông trẻ làng được cha mẹ dặn dò kỹ lưỡng, tôi ráng giữ khoảng cách với lão được chừng nào hay chừng ấy. Nhiều khi thấy lão vẫy tay gọi, tôi chẳng nói chẳng rằng đâm đầu chạy biến.

Lời hù dọa của bác Tư khiến suy nghĩ tôi chùng chình đôi chút. Nhưng rồi mặc kệ. Tôi phải đem cho em mấy món đồ chơi mẹ còn bỏ sót trong góc tủ. Trong cái bọc nilông lủng lẳng trên tay tôi còn có cả mấy cái bánh quy mà em rất thích ăn.

Mộ em Nhi hiện ra xanh thẫm một màu trong vài giọt nắng hiếm hoi của đầu ngày ẩm ướt. Tôi đứng lặng đi vì ngạc nhiên trước cái áo mưa xanh ai đó đã phủ trùm lên trên mộ em, những giọt nước còn đọng ở mấy chỗ gấp, long lanh sắc trắng. Ai đêm qua đã che cái áo mưa này cho em tôi? Ai nữa ngoài ba mẹ và tôi lại thương em đến thế này? Tôi vẩn vơ cả buổi sáng trên ngọn đồi im vắng, những mong sẽ gặp được con người tốt bụng ấy. Nhưng vô vọng...

Rồi những ngày mưa mòn mỏi cũng đi qua. Nước rút dần trên cánh đồng làng, trả lại lớp đất xám xịt bùn và những thân lúa ngã rạp úng màu nước. Một chiều lùa bò về ngang qua quả đồi nơi em Nhi nằm, tôi thấy một đụn khói  ấm ấp tỏa lên nền trời tím biếc.

Tò mò tôi men theo con đường nhỏ lên đồi. Một đống lửa bập bùng cháy bên cạnh mộ em tôi, tàn lửa đỏ nổ lép bép vương thành vệt dài trong gió. Một dáng người gầy gò lom khom quét tước mấy cái là khô ẩm mục rụng trước bia mộ em Nhi. Tôi vội vã chạy về phía đó và rồi bàng hoàng nhận ra... lão Năm Cùi, với bàn tay co quắp những ngón cùn cụt, lở loét. Chính lão. Người đã che cái áo mưa lên mộ em tôi trong đêm mưa lạnh ướt. Người đốt lửa ủ ấm em trong buổi chiều tàn...

Giờ phút ấy bỗng dưng cảm giác ghê sợ lão từ trước giờ trong tôi biến đi đâu mất sạch. Tôi rụt rè đến bên lão. Nhác thấy tôi, khuôn mặt già nua móm mém cười như đã thân thiện từ lâu: "Lên thăm em hả cháu? Kiếm củi bỏ thêm đi. Lửa sắp tàn rồi!".

Tôi ngồi bên đống lửa cùng lão Năm Cùi. Điều mà trước đây có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến. Hóa ra khi có chung nhau một điều gì đó, con người trở nên vị tha hơn, ít nghĩ đến những khiếm khuyết của nhau hơn. Thứ mà tôi và lão Năm Cùi có chung nhau, đó là những kỷ niệm về em Nhi.

Lão kể tôi nghe về một buổi trưa tràn gió, lão nhen mãi chẳng được cái bếp lò với những que diêm cuối cùng trong hộp. Bí quá lão phải vào trong làng xin ít lửa. Đi mấy nhà cũng chỉ nghe tiếng chó sủa inh ỏi thay tiếng người trả lời. Lão gặp em Nhi tôi đứng tần ngần bên hàng rào (chắc là lúc ấy em đang đợi bọn trẻ hàng xóm cùng những trò chơi của chúng). Em đã cho hẳn lão một cái hộp quẹt gas (chắc đó là cái hộp quẹt mẹ tôi nhóm bếp một ngày bỗng tự nhiên biến mất).

Lão cảm ơn em bằng bát khoai mì luộc nóng hổi chấm đường. Tôi chẳng hay biết gì về tình bạn kỳ lạ giữa em tôi và lão. Giờ mới vỡ lẽ ra những con thú đất sét đủ hình thù mà em vẫn cẩn thận xếp trên đầu tủ là do lão nặn. Mới biết những buổi trưa tôi đi học, em trốn mẹ, không ngủ, loanh quanh trong vườn là để chuyện trò cùng người bạn mới ở ngoài rào.

"Con bé đã hứa vẽ cho ông bức hình bà nhà ông. Bả mất hồi ông còn chưa bị bệnh. Phải chi có cái hình lâu lâu ngồi dòm cho đỡ nhớ. Nó nói ông tả bà đi rồi con vẽ cho ông. Con nhỏ mù mà lòng dạ sao tốt hơn cả người sáng mắt. Vậy mà ông trời còn không thương... Nó đi sớm quá!...". Lão bùi ngùi giọng rồi đưa bàn tay tật nguyền quệt ngang mắt. Tôi thấy mắt mình cũng cay xè. Dĩ nhiên không phải là vì khói...

oOo

Sài Gòn. Lại một ngày mưa tháng Tám.

Mẹ gửi cho tôi bức thư trước ngày thi tốt nghiệp.

"Lão Năm Cùi đi rồi con à! Tội nghiệp. Trước lúc chết còn nắm khư khư trong tay cái hình bà vợ lão mà hồi trước con vẽ. Ba mẹ phải nhờ bác Tư lên tiếng, làng mới cho lão được một chỗ trên đồi. Dù gì cũng ơn lão coi ngó mả con bé Nhi nhà mình từ đó đến nay... Đám tang lão kỳ này chẳng phải đi tắt qua đồng làng. Con đường lên đồi bà con làng mình góp tiền làm giờ đắp xong rồi con à. Con về mà xem. Đường đẹp lắm!".

Tôi gấp thư mẹ, lặng lẽ đến bên bức tranh chuẩn bị cho ngày thi tốt nghiệp của mình. Một gương mặt trẻ thơ tươi cười với tôi sau cái khung tranh trắng ngà. Em gái bé bỏng của tôi. Người nắm giữ những ký ức tuổi thơ vẫn hằn sâu vết dấu trong trái tim tôi. Có lẽ giờ em đang ở cổng thiên đường để đón đợi một linh hồn già nua từng nặn cho em những con thú đất sét ngộ nghĩnh bằng đôi bàn tay cụt ngón.

Mọi linh hồn đều vẹn nguyên và đẹp đẽ.

Bất giác trong tôi lại vang vọng câu nói của vị cha xứ ngày xưa. Bên ngoài, mưa vẫn thao thiết thanh âm gọi tôi về những ngày xưa cũ....

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Hòa

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây